Thứ sáu, 29/03/2024 21:36 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 19/3/2019

MTĐT -  Thứ ba, 19/03/2019 11:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 19/3/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 19/3/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổnng hợp.

Thông quan cầu Bắc Luân II - Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) và Đông Hưng (Trung Quốc)

Sau gần 2 năm khánh thành, vào sáng nay (19.3) cầu Bắc Luân II nối TP.Móng Cái (Quảng Ninh, Việt Nam) với TP.Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc) đã chính thức được thông quan.

Cầu Bắc Luân II là cây cầu cửa khẩu thứ 2 được xây dựng trên sông biên giới Ka Long, do hai nước Việt Nam – Trung Quốc hợp tác quản lý. Cầu thi công và khánh thành tháng 9.2017, xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép, rộng 27,7m, dài 618m.

Trong đó, phần cầu phía Việt Nam dài 154,4m, được giao cho Sở GT-VT Quảng Ninh quản lý, điều hành thi công, tổng mức đầu tư trên 336 tỷ đồng. Đây là cây cầu có kết cấu dạng vòm lớn nhất Việt Nam. Hạng mục đường dẫn cầu dài 3,5km, quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc với 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, vận tốc thiết kế 80km/h, tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng (cả kinh phí GPMB).

Các đại biểu tỉnh Quảng Ninh và TP.Đông Hưng nhấn nút quả cầu thủy tinh khởi động thông quan.

Ngay sau khi khánh thành cầu Bắc Luân II, chính quyền tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc) đã tiến hành các bước, đầu tư những công trình phụ trợ để tiến hành thông quan cầu. Đến thời điểm này, mọi phần việc đã hoàn tất. Trong đó, các hạng mục của Trạm kiểm soát liên ngành cầu Bắc Luân II xây dựng tại phường Hải Hòa, TP.Móng Cái, đã hoàn thiện. Trạm được đầu tư với kinh phí gần 400 tỷ đồng, đến nay hệ thống máy móc, thiết bị chuyên ngành đã hoàn thành và tiến hành chạy thử.

Cầu Bắc Luân II được thông quan sẽ cùng với Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, Bắc Luân I, Cửa khẩu Ka Long, Cảng cạn ICD, lối mở Pò Hèn… góp phần làm tăng năng lực lưu thông hàng hóa, tăng cường kết nối TP.Móng Cái với TP.Đông Hưng, thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc. Và xa hơn nữa, khi cao tốc Vân Đồn - Móng Cái hoàn thành sẽ tạo hệ thống giao thông kết nối Móng Cái - Vân Đồn - Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội, qua đó tạo động lực phát triển, thúc đẩy giao thương cho các tỉnh phía Bắc Việt Nam với Trung Quốc. Đây sẽ là cửa ngõ lớn nối ASEAN với Trung Quốc.

Năm 2019 – Quy hoạch hạ tầng quận Hoàng Mai được đẩy mạnh

Theo Quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội đang mở rộng khu vực đô thị trung tâm từ các quận nội đô về các quận phía Tây và Nam thành phố. Vì vậy, trong những năm gần đây, hạ tầng giao thông khu vực phía Nam liên tục được đầu tư xây dựng. Trong đó, giao thông quận Hoàng Mai ngày càng trở nên đồng bộ với nhiều dự án trọng điểm đang được đẩy mạnh triển khai và hoàn thiện.

Điển hình, dự án mở rộng đường Tam Trinh đang được gấp rút hoàn thành, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2019. Đoạn đường Tam Trinh nối dài từ cầu Mai Động đến đường Vành đai 3 được thi công mở rộng gấp đôi so với trước đây. Trong đó, đoạn từ ngã tư Minh Khai đến Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở rộng 40m, đoạn cuối giáp với đường Vành đai 3 rộng 55m. Điều này sẽ giúp giảm thiểu áp lực giao thông đáng kể cho quận Hoàng Mai vào giờ cao điểm.

Tiếp đó, dự án đường Vành đai 2.5 cũng đang được đẩy mạnh tiến độ. Đường được thiết kế rộng 40m, 2 lòng đường với 4 làn xe chạy rộng 22m, vỉa hè rộng 7,5m. Dự kiến đoạn xương sống của Vành đai 2.5 là Đầm Hồng - Quốc lộ 1A (Giải Phóng) sẽ thông xe vào cuối năm 2019. Nằm giữa trục đường Vành đai 2 và Vành đai 3, đi qua các quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, tuyến Vành đai 2.5 sẽ giúp người dân sống tại quận Hoàng Mai rút ngắn thời gian di chuyển đến trung tâm Thủ đô.

Tuyến đường nối từ Minh Khai – Vĩnh Tuy – Yên Duyên kết nối đường Minh Khai với Vành đai 2.5 đang được triển khai xây dựng cũng sẽ góp phần không nhỏ vào việc thay đổi diện mạo quận Hoàng Mai. Dài 1.65 km, tuyến đường này hứa hẹn giúp việc lưu chuyển giao thông trên các tuyến Vành đai 2, Tam Trinh, Lĩnh Nam của quận cũng trở nên dễ dàng hơn.

Đóng phí bảo trì chung cư trong 5 năm để giảm gánh nặng cho người mua nhà

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị gửi các cơ quan chức năng về việc đổi mới phương thức thu và quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư.

Theo đó, HoREA kiến nghị bãi bỏ quy định người mua nhà phải đóng kinh phí bảo trì bằng 2% giá trị hợp đồng mua bán nhà tại thời điểm nhận nhà, vì không cần thiết, không hợp lý và tạo thêm gánh nặng cho người mua nhà.
Thay vào đó, chủ sở hữu nhà chung cư đóng kinh phí bảo trì 2% này chia đều trong thời gian 60 tháng (5 năm, cũng thường là thời điểm kết thúc công tác bảo hành nhà chung cư). Mức đóng này sẽ góp phần làm giảm nhẹ gánh nặng cho chủ sở hữu nhà chung cư.

HoREA cho rằng, quỹ bảo trì chung cư chỉ được sử dụng để bảo trì các phần sở hữu chung của nhà chung cư như hệ thống kết cấu chịu lực, tường bao ngôi nhà, hành lang, cầu thang bộ, đường thoát hiểm. Đối với phần sở hữu chung của nhà chung cư thì sử dụng kinh phí quản lý vận hành chung cư hàng tháng để thực hiện duy tu, bảo dưỡng, bảo trì. Đối với tường ngăn chia căn hộ thuộc sở hữu chung của các chủ căn hộ liên quan thì các bên tự bỏ kinh phí để thực hiện công tác bảo trì.

TPHCM hiện có 1.367 nhà chung cư với 141.062 căn. Hiện nay, các tranh chấp về quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư đang diễn ra gay gắt tại nhiều chung cư trên địa bàn. Chỉ trong 44 nhà chung cư có tranh chấp do Sở Xây dựng đang thụ lý, giải quyết thì có đến 34 vụ việc liên quan đến kinh phí bảo trì chung cư (chiếm tỷ lệ 77%).

HoREA cho rằng, quy định về thu kinh phí bảo trì bằng 2% giá trị hợp đồng mua bán nhà, để thực hiện công tác bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư là rất cần thiết. Tuy nhiên, phương thức thu và quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư như cách làm hiện nay có nhiều bất cập.

Cụ thể, cách thu phí hiện nay làm tăng gánh nặng của người mua nhà, phải trả thêm 2% giá trị hợp đồng mua nhà khi nhận bàn giao nhà. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tranh chấp gay gắt về quyền quản lý, sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư và là miếng mồi ngon thu hút một số phần tử xấu trong xã hội tìm cách chui vào Ban quản trị nhà chung cư để trục lợi quỹ bảo trì. .

TP. Vinh đề xuất cấm dừng, đỗ xe trên lòng đường một số tuyến phố

UBND TP. Vinh vừa có văn bản đề xuất phương án tổ chức giao thông, xử lý các “điểm đen” về ATGT trên địa bàn thành phố Vinh; đề nghị UBND tỉnh Nghệ An tổ chức cắm biển cấm đỗ xe trên một số tuyến đường.

Đỗ xe trong phạm vi quy định trên đường Lê Mao.

Các tuyến đường cấm đỗ xe gồm:

- Tuyến Quốc lộ 1A đoạn đi qua địa bàn thành phố Vinh gồm các tuyến đường: Thăng Long, Nguyễn Trãi, Mai Hắc Đế, Lê Lợi, Quang Trung, Trần Phú, Lê Duẩn, Nguyễn Du.

- Đường Phan Sỹ Thục đoạn giáp Hồ Goong và đoạn nối từ đường Phan Sỹ Thục với đường Trường Thi (giáp phía Bắc Hồ Goong).

- Đường Nguyễn Đức Cảnh đoạn từ nút giao với đường Lê Hồng Phong đến nút giao đường Nguyễn Thị Minh Khai;

- Các đường: Lê Mao, Trường Thi, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Sơn: Không được đỗ xe trên toàn tuyến, trừ các vị trí được kẻ vẽ hoặc đã mở vịnh cho phép đỗ xe.

- Các khu vực trước các cổng trường học trên địa bàn thành phố Vinh.

Các tuyến đường cấm dừng xe và đỗ xe gồm:

- Đường Phượng Hoàng (đoạn từ nút giao đường Nguyễn Du đến nút giao đường Tàu Cũ) và đường Tuệ Tĩnh (đoạn từ nút giao đường Nguyễn Phong Sắc với đường Nguyễn Sỹ Sách).
- Đường Thăng Long (đoạn từ nút giao đường Nghệ An - Xiêng Khoảng đến cầu vượt đường sắt) tổ chức cắm biển cấm dừng, cấm đỗ

P.V (Tổng hợp)

P.Giang (TH)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 19/3/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới