Thứ sáu, 19/04/2024 19:04 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 20/09/2019

MTĐT -  Thứ sáu, 20/09/2019 09:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 20/9/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 20/9/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổnng hợp

Chính thức giảm giá vé Trạm BOT Quốc lộ 14 qua Bình Phước

Văn bản về việc giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ, đối với các chủ phương tiện có hộ khẩu lân cận Trạm thu phí Km957+400 trên QL14, thuộc dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh, đoạn từ cầu 38 đến thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, theo hình thức BOT.

Trong văn bản gửi đi, Bộ GTVT chính thức đồng ý giảm giá vé cho người dân sống gần Trạm thu phí BOT Km957+400 trên QL14 tỉnh Bình Phước đồng thời yêu cầu TCĐB, nhà đầu tư phối hợp với địa phương kiểm tra đảm bảo giảm giá đúng đối tượng, phạm vi và mức giảm giá theo đúng các nguyên tắc tại văn bản số 11519/2017 của Bộ GTVT.

Cụ thể, đối với nhà đầu tư, Bộ GTVT yêu cầu thống nhất với ngân hàng cho vay vốn dự án để có sự đồng thuận của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng dự án; khẩn trương dự thảo phụ lục hợp đồng điều chỉnh, trình Bộ GTVT để kiểm tra, rà soát danh sách các đối tượng, phạm vi, tỷ lệ giảm giá đúng theo quy định, điều kiện hợp đồng dự án và phương án tài chính trình Bộ GTVT xem xét.

Chính thức giảm giá vé qua Trạm thu phí Km957+400 trên QL14

Đối với địa phương, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo các cơ quan địa phương phối hợp với Tổng cục Đường bộ VN, nhà đầu tư trong quá trình thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, thống kê phương tiện được giảm giá theo quy định.

Địa phương cũng cần đẩy mạnh ổ chức tuyên truyền, có giải pháp để đảm bảo an ninh trật tự ATGT, tránh ùn tắc giao thông, bảo đảm không xảy ra các hiện tượng tiêu cực, cản trở trong hoạt động thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 82/2018.

Theo phương án giảm giá vé được TCĐB trình Bộ GTVT trước đó, sẽ miễn phí 100% giá vé khi qua Trạm thu phí Km957+400 QL14 cho các loại xe buýt; giảm 50% giá vé cho các loại phương tiện không sử dụng kinh doanh, có bán kính 5 km xung quanh trạm; giảm 40% cho các loại phương tiện sử dụng để kinh doanh, có bán kính 5 km xung quanh trạm.

Cụ thể, các phương tiện nhóm 1 (xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải dưới 2 tấn) sẽ giảm từ 35.000 đồng xuống còn 17.000 đồng khi giảm 50% và còn 21.000 đồng khi giảm 40%. Các loại phương tiện thuộc nhóm 2 (xe 12-30 chỗ ngồi, xe tải 2-4 tấn) sẽ có giá tương ứng là 25.000 đồng và 30.000 đồng.

Các phương tiện thuộc nhóm 3 (31 chỗ ngồi, xe tải từ 4-10 tấn) sẽ giảm giá xuống còn 37.000 đồng và 45.000 đồng tương ứng với mức giảm 50% và 40%. Các phương tiện thuộc nhóm 4 (xe tải từ 10-18 tấn và xe chở hàng container dưới feet) sẽ có mức giảm xuống còn 60.000 đồng và 72.000 đồng. Các phương tiện nhóm 5 (xe tải từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet) có mức giá sau khi giảm là 90.000 đồng và 108.000 đồng.

Gần 7.000 tỷ đồng đầu tư hai bến số 3, 4 cảng Lạch Huyện

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Q. Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải VN (công ty mẹ của cảng Hải Phòng) cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng 2 bến container số 3, 4 thuộc cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện) do Công ty CP Cảng Hải Phòng là nhà đầu tư.

“Theo phương án thiết kế, dự án gồm 2 bến container số 3, 4 có tổng chiều dài 750m, khả năng tiếp nhận tàu container trọng tải đến 100.000 DWT; Xây dựng 1 bến sà lan tiếp nhận tàu, sà lan sức chứa 100 - 160 Teus, đáp ứng sản lượng hàng hóa thông qua khoảng 1,1 triệu Teus/năm. Tổng mức đầu tư dự án là 6.946 tỷ đồng”, ông Tĩnh thông tin.

Cũng theo ông Tĩnh, nếu chủ trương đầu tư được thông qua, dự án sẽ được khởi công xây dựng từ năm 2020 và hoàn thành vào năm 2025. Trong đó, bến số 3 sẽ được đưa vào khai thác từ năm 2022.

Hai bến số 3,4 cảng Lạch Huyện được xây dựng nhằm phục vụ việc di dời khu bến cảng Hoàng Diệu, đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh của cảng Hải Phòng - Ảnh minh họa

Trước đó, hồ sơ đề xuất dự án đầu tư xây dựng hai bến container số 3, 4 cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng (cơ quan đăng ký đầu tư), Bộ KH-ĐT thẩm định, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt (5/2018).

Đến tháng 1/2019, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 174 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Hàng hải VN và các cơ quan liên quan hoàn thiện lại báo cáo thẩm định báo cáo tiền khả thi của dự án. Trên cơ sở đó, hoàn thiện lại dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Liên quan đến chủ trương đầu tư xây dựng bến số 3, 4 cảng Lạch Huyện, trước đó, Bộ GTVT cũng xác định, việc di dời, dừng khai thác bến cảng Hoàng Diệu trong thời gian tới sẽ tạo nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của cảng Hải Phòng. Vì vậy, để giảm thiểu tác động tiêu cực, hỗ trợ cho sự phát triển của DN trong tiến trình thực hiện tái cơ cấu, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho cảng Hải Phòng được ĐTXD 2 bến cảng tại Lạch Huyện (bến số 3 và số 4)

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn thông xe kỹ thuật vào cuối tháng Chín

Tuyến cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn dài 64km dự kiến sẽ thông xe kỹ thuật vào ngày 29/9 tới đây sẽ rút ngắn thời gian đi lại từ Hà Nội đến Lạng Sơn từ 3,5 giờ xuống còn khoảng 2,5 tiếng đồng hồ so với tuyến Quốc lộ 1 cũ.

Ông Phạm Minh Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Bắc Giang-Lạng Sơn cho biết, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn đã cơ bản đáp ứng tiến độ, đảm bảo điều kiện để thông xe kỹ thuật.

“Đến nay, tuyến đường đã cơ bản hoàn thành toàn bộ phần mặt đường, hoàn thiện lớp bêtông tạo nhám. Các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục bảo đảm an toàn giao thông, sơn kẻ vạch, hộ lan… Công trình sẽ được nghiệm thu nội bộ trước ngày 30/10 và đưa vào khai thác trong tháng 1/2020,” ông Đức cho hay.

Dự án đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn thông xe sẽ rút ngắn thời gian đi lại từ Hà Nội-Lạng Sơn từ 3,5 giờ xuống còn khoảng 2,5 tiếng đồng hồ so với tuyến Quốc lộ 1 cũ. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tuyến cao tốc có điểm đầu tại Km45+100 (giao cắt với Quốc lộ 1 tại xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) và điểm cuối tại Km108+500, nối với điểm cuối Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội-Bắc Giang. Đường có bề rộng 25m, gồm 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế là 100km/giờ.

Dự án BOT Bắc Giang-Lạng Sơn có tổng chiều dài gần 170km, gồm hai hợp phần là xây dựng 64km đường cao tốc đoạn Km45+100-Km108+500 và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800-Km106+500 (dài 105km). Công trình có tổng mức đầu tư lên tới hơn 12.000 tỷ đồng được khởi công vào tháng 7/2015.

Trước đó, vào tháng 7/2017, dự án đã khởi công nhưng do nhà đầu tư cũ (Công ty UDIC) không thu xếp được tín dụng nên dự án bị dừng 2 năm. Lúc này, hợp phần Quốc lộ 1 chỉ đạt 13% sản lượng, hợp phần cao tốc thậm chí chưa triển khai.

Đến tháng 3/2017, Bộ Giao thông Vận tải chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư (đứng đầu là UDIC) và chỉ sau 3 tháng sau (đến tháng 6/2017), Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả chính thức tham gia “giải cứu” dự án.

Dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn nằm trong quy hoạch của đường cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn nối từ Thủ đô Hà Nội tới Cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) và kết nối với tuyến cao tốc quốc tế Hữu Nghị-Nam Ninh (Trung Quốc) của Hành lang kinh tế giao thương Việt Nam-Trung Quốc. Tuyến cao tốc này hình thành sẽ góp phần quan trọng giảm ách tách giao thông thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương trong khu vực.

Trước đó, tháng 2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung tuyến cao tốc Chi Lăng-Hữu Nghị dài 43km có tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 8.743 tỷ đồng, sau khi rà soát giảm xuống còn khoảng 5.675 tỷ đồng vào dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn và giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Nhà đầu tư đã chủ động đề nghị Bộ Giao thông Vận tải bỏ một trạm thu phí trên Quốc lộ 1 (tại Km24+900) theo dự án đã được phê duyệt để tránh xung đột, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư.

Với năng lực thi công thực tế tại công trình Bắc Giang-Lạng Sơn, Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang-Lạng Sơn khẳng định hoàn toàn có đủ khả năng đảm nhận thực hiện toàn tuyến cao tốc từ Bắc Giang đến cửa khẩu Hữu Nghị.

Vinaconex trúng thầu dự án cấp nước sạch hơn 253 tỷ đồng tại Lào Cai

Sở Giao thông vận tải - Xây dựng tỉnh Lào Cai (Bên mời thầu) vừa cho biết, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) là nhà đầu tư trúng thầu Dự án Xây dựng hệ thống cấp nước sạch thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai (công suất 15.000m3/ngày đêm) thông qua hình thức chỉ định thầu

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Đây là dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO), với tổng vốn đầu tư dự kiến 253,7 tỷ đồng. Tổng diện tích đất quy hoạch cho Dự án khoảng 11,55 ha. Thời gian thực hiện hợp đồng Dự án là 50 năm, thời gian xây dựng công trình là 93 tháng. Quy mô Dự án gồm 2 nhà máy cấp nước sạch với tổng công suất 15.000 m3/ngày đêm, trong đó nhà máy nước số 1 có công suất 12.000 m3/ngày đêm, nhà máy nước số 2 có công suất 3.000 m3/ngày đêm.

Theo nội dung Quyết định số 2477/QĐ-UBND ngày 9/8/2019 và Quyết định số 2835/QĐ-UBND ngày 12/9/2019 của UBND tỉnh Lào Cai thì giá dịch vụ từ năm 1 đến năm 7 của thời gian vận hành Dự án dao động từ 10.056 đồng đến 13.636 đồng/m3 nước sạch.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 20/09/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...