Thứ sáu, 26/04/2024 02:31 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 20/6/2020

MTĐT -  Thứ bảy, 20/06/2020 11:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 20/6/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 20/6/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Bến xe Miền Đông mới sẽ hoạt động vào giữa tháng 8

Ngày 19/6, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, hiện UBND TP vẫn chưa quyết định ngày cụ thể khai trương Bến xe Miền Đông mới nằm trên địa bàn phường Long Bình (quận 9, TP.HCM) và một phần thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Tuy nhiên, Sở dự kiến vào giữa tháng 8/2020, sẽ đưa Bến xe miền Đông mới vào hoạt động.

Trước đó, Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn - TNHH MTV (Samco, đơn vị chủ đầu tư dự án) cho biết, dự án Bến xe Miền Đông mới (giai đoạn 1) đã đủ điều kiện cơ sở vật chất phục vụ vận tải hành khách và có thể đưa vào hoạt động từ cuối tháng 4.

Tuy nhiên, dự án vẫn bị nhiều vướng mắc liên quan đến một số thủ tục pháp lý như: Hợp đồng thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu vực xây dựng công trình, giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh... ngoài ra, do ảnh hưởng dịch Covid-19, khiến tiến độ đưa vào hoạt động bến xe tiếp tục trễ hẹn.

Đại diện Sở Giao thông vận tải TP cho biết, đã yêu cầu Samco chủ động phối hợp Hội đồng Thẩm định giá TP, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính và các ban ngành liên quan thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định, chủ động chuẩn bị mọi điều kiện để đưa Bến xe Miền Đông mới vào khai thác đồng bộ, hiệu quả.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án Bến xe Miền Đông mới sẽ được hoàn thành từ 3 năm trước, song quá trình triển khai đầu tư xây dựng gặp nhiều vướng mắc, làm chậm tiến độ so với chỉ đạo của lãnh đạo TP.HCM.

Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng

Ngày 19/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác với 92,13% đại biểu Quốc hội tán thành.

Nghị quyết quy định chính quyền địa phương ở thành phố Đà Nẵng là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND thành phố và UBND thành phố; chính quyền địa phương ở các quận thuộc thành phố Đà Nẵng là UBND quận.

UBND quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.

Chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận tại thành phố Đà Nẵng là UBND phường. UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, UBND quận.

Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của thành phố Đà Nẵng được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng được thực hiện từ ngày 1/7/2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.

Trên cơ sở đồ án quy hoạch đô thị thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị thành phố theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, Nghị quyết nêu rõ: Năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách, Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định tỷ lệ điều tiết phù hợp cho ngân sách thành phố Đà Nẵng để đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, HĐND thành phố Đà Nẵng được quyết định sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách.

Hàng chục nghìn cơ hội việc làm tại dự án sân bay Long Thành

Sân bay Long Thành có tổng diện tích hơn 5.000ha, là dự án trọng điểm quốc gia, dự kiến sẽ khởi công vào năm sau. Để xây dựng sân bay, sẽ có khoảng 13.500 nhân khẩu bị ảnh hưởng.

Với dự án đào tạo nghề và việc làm, cơ hội mở ra cho khoảng 14.000 lao động chuyên về lĩnh vực hàng không và các ngành nghề khác phục vụ cho việc vận hành dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

2 năm trước, sau khi tốt nghiệp THPT, Minh Đức không thi vào đại học mà chọn học nghề cơ khí tại Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 đặt tại huyện Long Thành. Em hi vọng sau này sẽ được vào làm việc trong sân bay. Đó cũng là mong muốn của hầu hết các học viên trẻ ở đây khi gia đình họ đều gặp khó khăn sau khi nhường đất để Nhà nước xây sân bay Long Thành.

Hiện các ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai và huyện Long Thành đang khẩn trương triển khai đề án giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống của người dân nhường đất xây dựng Sân bay Long Thành. Đó là thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, chuỗi liên kết sản xuất tiếp nhận người lao động lớn tuổi vào làm việc; giới thiệu lao động trẻ vào các doanh nghiệp; hỗ trợ học phí cho những người học nghề từ sơ cấp đến cao đẳng…

Theo kế hoạch, năm 2021, dự án Sân bay Long Thành sẽ khởi công. Trong quá trình thi công và vận hành giai đoạn 1, sân bay quốc tế này cần khoảng 14.000 lao động chuyên về lĩnh vực hàng không và các ngành nghề khác. Theo Cục Hàng không Việt Nam, chủ đầu tư sân bay và các đơn vị thi công sẽ ưu tiên sử dụng lao động trong vùng dự án.

Thêm 2 tỉnh thí điểm vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô 2 tầng

Thủ tướng Chính phủ đồng ý thí điểm triển khai dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô 2 tầng thoáng nóc tại các tỉnh: Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn các địa phương triển khai hoạt động thí điểm; trong đó lưu ý tính toán kỹ lộ trình tuyến đường khai thác, số lượng phương tiện hoạt động trên một tuyến, tần suất chạy xe, quy hoạch các điểm dừng, đón trả khách… nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; đồng thời, khẩn trương tổng kết, đánh giá hoạt động thí điểm, làm cơ sở xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Về việc mở thêm cổng kết nối cho các doanh nghiệp thuận tiện trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xem xét, xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Tháng 5/2018, chiếc xe bus 2 tầng thoáng nóc đầu tiên do Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) vận hành chính thức lăn bánh tại Hà Nội. Ngay sau đó, ngày 30/11/2018, Công ty CP Du lịch Việt Nam-Hà Nội cũng ra mắt tuyến xe bus hai tầng Thăng Long - Hà Nội City Tour. Đồng thời, tháng 6/2019, công ty này đã triển khai 1 tuyến bus hai tầng chạy Hạ Long - Quảng Ninh.

Nhận thấy hiệu quả của xe bus hai tầng thoáng nóc, đầu năm 2020, TP.HCM cũng đã đưa vào vận hành thử nghiệm loại hình này trên địa bàn thành phố.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 20/6/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.