Thứ sáu, 19/04/2024 21:36 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 21/3/2020

MTĐT -  Thứ bảy, 21/03/2020 09:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 21/3/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 21/3/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Hà Nội tổng rà soát, xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt

UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan và các quận, huyện thực hiện nghiêm Quyết định số 358, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt.

Theo đó, UBND TP yêu cầu các địa bàn có đường sắt đi qua tiến hành rà soát toàn bộ diện tích đất trong hành lang ATGT đường sắt đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân và có biện pháp thu hồi diện tích đất đã cấp. Chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan quản lý đường sắt rà soát, thống kê, phân loại các công trình vi phạm, các công trình gây ảnh hưởng mất ATGT đường sắt.

“Phê duyệt phương án cắm mốc, công bố công khai phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang ATGT đường sắt đã được phê duyệt. Thực hiện các biện pháp bảo vệ, chống lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt và bảo đảm trật tự ATGT đường sắt. Chấn chỉnh việc giao, cho thuê đất và sử dụng đất đai vi phạm quy định bảo vệ hành lang ATGT đường sắt. Có hình thức xử lý nghiêm đối với các tổ chức cá nhân để xảy ra tình trạng lấn chiếm hoặc tái lấn chiếm sử dụng trái phép đất hành lang ATGT đường sắt”, UBND TP yêu cầu.

Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành và một số quận, huyện có đường sắt đi qua xử lý dứt điểm lối đi tự mở gây mất ATGT - Ảnh minh họa

Liên quan đến việc chủ trì tổ chức quản lý lối đi tự mở qua đường sắt, UBND TP cũng yêu cầu các đơn vị hoàn thiện công tác rà soát, cập nhật, phân loại, lập hồ sơ quản lý vị trí nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt, lối đi tự mở trên tuyến đường sắt quốc giá đang khai thác. Quản lý, theo dõi lối đi tự mở, kịp thời có biện pháp kiềm chế, ngăn chặn, không phát sinh lối đi tự mở. Tổ chức thực hiện các biện pháp tăng cường bảo đảm ATGT đường sắt tại các lối đi tự mở. Lắp đặt thiết bị đèn cảnh bảo giao thông tại các lối đi tự mở là các vị trí nguy hiểm gây mất ATGT.

Cùng đó, tiến hành rà soát, kiểm tra các lối đi tự mở vào một hộ dân để quản lý, có cam kết của chủ hộ với UBND cấp xã về việc đảm bảo ATGT đường bộ, đường sắt. Cắm biển hạn chế phương tiện giao thông đường bộ tại các lối đi tự mở; xây dựng gờ, gồ giảm tốc để cảnh báo cho các phương tiện giao thông khi qua các lối tự mở. Bố trí lực lượng thanh tra GTVT và các lực lượng của công an tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm hành chính trong việc tuân thủ các quy định về ATGT đường sắt, đường bộ tại các lối đi tự mở.

Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Đà Nẵng mang tầm quốc tế

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 393/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đây được cho là bước ngoặt phát triển thành phố Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng.

Thành phố Đà Nẵng nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có sự kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển, các thành phố lớn trong cả nước và khu vực Đông Nam Á, Châu Á - Thái Bình Dương.

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đặt quan điểm phát triển thành phố Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng; phát triển kinh tế nhanh và bền vững, coi việc nâng chất lượng cuộc sống của người dân đạt ở mức cao là nhiệm vụ trung tâm; tập trung phát triển 3 trụ cột chính: du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển, đảo, trật tự, an toàn xã hội.

Quan điểm phát triển thành phố Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng ( Ảnh: Iinternet)

Theo đó, chiến lược và các chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung - Tây Nguyên; dựa trên việc khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế, nhất là về tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng kinh tế biển, vị trí địa kinh tế và địa chiến lược quan trọng của thành phố Đà Nẵng trong vùng và cả nước. Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng phải trên cơ sở đổi mới căn bản mô hình phát triển kinh tế, chú trọng phát triển theo chiều sâu, kết hợp với phát triển theo chiều rộng một cách hợp lý; phát huy mạnh mẽ vai trò của các thành phần kinh tế; coi nguồn lực trong nước là nền tảng và quyết định, nguồn lực nước ngoài là quan trọng. Nhận diện và phát huy tốt các động lực tăng trưởng mới, nhất là việc xây dựng chính quyền đô thị và phát triển kinh tế tư nhân, đẩy mạnh và phát huy hiệu quả kết nối, liên kết vùng, ứng dụng công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Mục tiêu đến năm 2020, tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 đạt 8-9%/năm; khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng từ 64-65%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm từ 33-34%, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng từ 1-2%. Dự báo dân số khoảng 1,6 triệu người (cả quy đổi), trong đó dân số chính thức (không bao gồm khách vãng lai) khoảng 1,17 triệu người; tỷ lệ việc làm tăng thêm từ 4-5%/năm, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 50% vào năm 2020. Trên lĩnh vực môi trường, đặt mục tiêu tỷ lệ chất thải rắn được thu gom xử lý đạt 95% (riêng huyện Hòa Vang đạt 80%); tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường đạt 60%; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt từ 95-97%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 43-44%.

Đến năm 2030, phấn đấu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2030 đạt 12%/năm; ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng từ 67-68%, công nghiệp và xây dựng 31-32%, nông nghiệp 1%. Dự báo dân số khoảng 2,5 triệu người (cả quy đổi), trong đó dự báo dân số chính thức (không bao gồm khách vãng lai) khoảng 1,5 triệu người. Tỷ lệ việc làm tăng thêm đạt 5-5,5%/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70% vào năm 2030. Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom xử lý đạt 100%, tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường đạt 80%, tỷ lệ cây xanh đô thị 6- 8m2/người; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Độ che phủ rừng đạt khoảng 45%.
Một số dự án ưu tiên đầu tư gồm: đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu (bao gồm đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ cảng Liên Chiểu đến đường Hồ Chí Minh, đường vành đai phía Bắc); di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị; bảo vệ, nâng cao khả năng chứa tàu thuyền tránh bão của Âu thuyền Thọ Quang và khả năng thoát nước lũ, giảm ngập úng qua hệ thống thoát nước và hồ điều hòa của thành phố Đà Nẵng; đầu tư các phương thức vận tải khối lượng lớn như xe buýt nhanh BRT, tàu điện ngầm (metro), tàu điện (tramway)…; đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các trường học đảm bảo phục vụ công tác dạy và học; dự án Khu giáo dục ngoại khóa và du lịch sinh thái khu vực Khe Răm; dự án Bệnh viện Đà Nẵng (cơ sở 2, Hòa Quý); mở rộng Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng (quy mô 1.000 giường); dự án chợ Đầu mối Hòa Phước; Trung tâm thương mại chợ Cồn; Khu du lịch Làng Vân; Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ hành Sơn; Khu tổ hợp công trình phục vụ lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng; dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và hạ tầng kỹ thuật Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn; dự án mở rộng, nâng cấp Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng phục vụ nghiên cứu và phát triển vùng Nam Trung Bộ; mở rộng Khu công nghệ cao thành phố Đà Nẵng; đầu tư mới nhà máy nước Hòa Liên giai đoạn 1, giai đoạn 2; dự án mở rộng hệ thống cấp nước thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2012-2018 và các dự án Nâng cấp nhà máy nước cầu Đỏ, đầu tư mới nhà máy nước Hòa Trung…

Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 sẽ được nghiên cứu, xem xét để lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành, như quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm của thành phố, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các dự án đầu tư trên địa bàn đến khi Quy hoạch thành phố Đà Nẵng được phê duyệt theo Luật Quy hoạch năm 2017.

Được biết, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hiện đang trong quá trình hoàn thiện, chuẩn bị để báo cáo HĐND thành phố tại Kỳ họp bất thường vào tháng 4-2020, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Có 2 liên danh nhà đầu tư trúng sơ tuyển cao tốc hơn 8.300 tỷ đồng

Dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa)-Diễn Châu (Nghệ An) có chiều dài gần 50km, tổng mức đầu tư khoảng 8.380 tỷ đồng đã có 2 liên danh nhà đầu tư trúng sơ tuyển.

Đây là thông tin đưa ra trong quyết định về việc phê duyệt kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện cao tốc Bắc-Nam đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu theo hình thức đối tác công tư (PPP) mới được Bộ Giao thông Vận tải ban hành.

Dự án đường cao tốc Bắc-Nam đã thu hút được nhiều nhà đầu tư nội tham gia sơ tuyển. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo đó, hai liên danh nhà đầu tư trúng sơ tuyển tại dự án gồm Liên danh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hòa Hiệp-Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4-Công ty Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Núi Hồng-Công ty cổ phần Xây dựng số 2; Liên danh Công ty cổ phần Xây dựng Tân Nam-Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam-Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông Thái Sơn.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí với đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải về việc chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công đối với một số dự án giao thông cấp bách gồm 3 dự án cao tốc Bắc-Nam là Mai Sơn-Quốc lộ 45, Quốc lộ 45-Nghi Sơn và Phan Thiết-Dầu Giây; dự án cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ.
Được biết, sau 30 ngày phát hành hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư cao tốc Bắc-Nam theo hình thức đấu thầu trong nước, các Ban quản lý dự án (Bộ Giao thông Vận tải) đã nhận được 32 bộ hồ sơ của nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư trong nước tham gia dự tuyển.

Dự án đầu tư cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 52 ngày 22/11/2017, tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng gồm 55.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.

Dự án có tổng chiều dài 654km, được chia thành 11 dự án thành phần gồm 3 dự án đầu tư công đã khởi công xây dựng (Cao Bồ-Mai Sơn, Cam Lộ-La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2; còn lại 8 dự án thực hiện theo hình thức PPP (Mai Sơn-Quốc lộ 45, Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây).

Huế: 290 trường hợp vi phạm giao thông bị phát hiện trong 2 ngày

Thông tin từ Đại tá Phan Văn Minh, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đồng loạt ra quân thực hiện kiểm soát, xử lý đối với xe tải vi phạm Luật giao thông trên địa bàn toàn tỉnh.

Được biết, đợt ra quân này sẽ kéo dài từ ngày 18/3 đến ngày 17/4/2020.

Thống kê số liệu các ngày 17, 18/3, lực lượng Công an toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát hiện 290 trường hợp vi phạm, tạm giữ 28 phương tiện. Trong đó, 35 trường hợp phương tiện chở hàng hóa để rơi vãi, 11 trường hợp chở hàng vượt quá kích thước xe, 02 trường hợp lắp thùng xe không đúng thiết kế, 2 trường hợp vượt quá tải trọng.

Nổi bật trong đó có trường hợp tài xế Trần Đăng Huấn, 35 tuổi, trú tại Lê Thủy, Quảng Bình đã bị Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thừa Thiên Huế xử phạt 52 triệu đồng vì khi điều khiển xe ô tô đầu kéo 73C-07042, kéo rơ mooc 73R- 00423 đã vi phạm các lỗi: chạy quá tốc độ quy định, không chấp hành hiệu lệnh của người kiểm soát giao thông, điều khiển phương tiện vận tải quá tải trọng cho phép.

Ngày 17/3, nhiều chiếc xe tải của Công ty Cổ phần vận tải Hùng Đạt cũng đã bị Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thừa Thiên Huế lập biên bản vi phạm hành chính và thu giữ phương tiện với các lỗi: tự ý thay đổi thiết kế thùng xe, không có giấy kiểm định xe và tài xế không xuất trình được giấy phép lái xe.

Trong thời gian đồng loạt ra quân nói trên, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ huy động tối đa phương tiện và các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát 24/24h khép kín địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT như: vượt quá trọng tải; vượt quá chiều cao, chiều dài của xe chở hàng cồng kềnh, không bạt che phủ, để đất đá rơi vãi...

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 21/3/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...