Thứ bảy, 20/04/2024 13:08 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 22/2/2020

MTĐT -  Thứ bảy, 22/02/2020 08:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 22/2/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 22/2/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổnng hợp.

Nhật Bản hỗ trợ TPHCM phát triển hạ tầng đô thị

Ngày 21/2, lễ ký Thỏa thuận Viện trợ không hoàn lại của Nhật Bản cho Dự án Cải tạo phục hồi đường cống thoát nước cũ, xuống cấp bằng công nghệ không đào hở tại TPHCM và Bản ghi nhớ về tăng cường năng lực quản lý đường sắt đô thị TPHCM đã diễn ra dưới sự chứng kiến của đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong và Đại sứ Umeda Kunio chứng kiến lễ ký kết

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thành Phong trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ của Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đối với Việt Nam; nhấn mạnh 2 thỏa thuận được ký kết sẽ tạo ra những xung lực quan trọng thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai bên. Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Nhật Bản không chỉ góp phần tăng cường quan hệ giữa TPHCM và Nhật Bản mà còn mở đường huy động vốn và công nghệ của các công ty Nhật Bản vào thực hiện các dự án tại TPHCM.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong và Đại sứ Umeda Kunio chứng kiến lễ ký kết

Vẫn theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, sự thành công của Dự án Cải tạo phục hồi đường cống thoát nước cũ, xuống cấp bằng công nghệ không đào hở sẽ là minh chứng cho tính ưu việt của công nghệ Nhật Bản được ứng dụng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, để Dự án xây dựng tuyến Metro số 1 được triển khai đúng tiến độ, đồng chí Nguyễn Thành Phong đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục quan tâm thúc đẩy việc sớm ký kết Hiệp định vay cuối cùng cho dự án; quan tâm theo dõi, đôn đốc các nhà thầu tập trung nguồn lực cho thi công đảm bảo an toàn, đúng tiến độ và chất lượng công trình.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio cảm ơn lãnh đạo TPHCM đã hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản trong quá trình triển khai Dự án xây dựng tuyến Metro số 1 và mong muốn tiếp tục nhận được quan tâm của TPHCM để dự án được thực hiện đúng kế hoạch đề ra. Ông Umeda Kunio đề nghị TPHCM đẩy mạnh hơn nữa chương trình giáo dục tiếng Nhật tại các trường phổ thông trên địa bàn TP; hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản triển khai các dự án trong lĩnh vực bất động sản, cải tạo môi trường nước. Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác và hy vọng việc ký kết các dự án hợp tác sẽ đóng góp cho sự phát triển mạnh mẽ của TPHCM.

Bộ GTVT cũng sẽ thực hiện nộp phạt trực tuyến vi phạm giao thông

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện việc xây dựng, tích hợp, cung cấp dịch vụ thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (thuộc thẩm quyền xử phạt của Thanh tra giao thông) trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Theo đó, Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng quy trình nghiệp vụ, nội dung thông tin tích hợp, chia sẻ dữ liệu hai chiều giữa cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ với Cổng dịch vụ công Quốc gia để phục vụ cho việc thanh toán trực tuyến tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Thanh tra giao thông, hoàn thành trong tháng 2/2020.

Người vi phạm sẽ được nộp phạt trực tuyến khi bị lực lượng Thanh tra GTVT xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (Ảnh minh họa)

Việc tổ chức thử nghiệm việc triển khai cung cấp dịch vụ thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong tháng 3/2020. Tổng kết việc thực hiện thí điểm và đề xuất phương án triển khai mở rộng toàn quốc theo lộ trình yêu cầu của Văn phòng Chính phủ.

Bộ GTVT cũng giao Trung tâm Công nghệ thông tin của Bộ thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý dữ liệu xử lý vi phạm hành chính, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia và hoàn thành trong tháng 3/2020.

Bên cạnh đó, lực lượng Thanh tra giao thông vận tải trên cơ sở đề xuất của Tổng cục đường bộ Việt Nam nghiên cứu phương án triển khai mở rộng ra toàn quốc theo lộ trình yêu cầu của Văn phòng Chính phủ.

Trước đó thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, bắt đầu từ ngày 12/3/2020, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và Bình Thuận là 5 tỉnh, thành phố sẽ được thí điểm về việc nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Qua đó người dân có thể sử dụng các dịch vụ để tiến hành nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, thay vì việc phải trực tiếp đến các kho bạc, ngân hàng nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính.

Cấm lưu thông cao tốc Liên Khương- Prenn đoạn thi công cầu vượt

Từ 24/2 - 31/5, cấm lưu thông để thi công đoạn cầu vượt nút giao đường tránh sân bay Liên khương và cao tốc Liên Khương- Prenn dài khoảng 500m.

Thực hiện phương án đảm bảo ATGT nút giao QL27 với đường cao tốc Liên Khương - Prenn thuộc dự án QL27 (đường nối tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Đắk Lắk) đoạn tránh sân bay Liên Khương, Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng đã thông qua phương án tổ chức phân luồng giao thông và thời gian thực hiện.

Bắt đầu từ ngày 24/2 đến ngày 31/5, phương án phân luồng được thực hiện như sau: Cấm lưu thông trên tuyến cao tốc Liên Khương- Prenn đoạn đang thi công cầu vượt tại nút giao giữa đường tránh sân bay Liên khương và đường cao tốc dài khoảng 500m (từ lý trình Km 206+ 750 đến Km 207+250).

Dự án thi công cầu vượt cao tốc Liên Khương - Prenn và các hạng mục liên quan dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020

Theo phương án thay thế tạm thời, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trên đường nhánh nối cao tốc Liên Khương - Prenn với QL27 đoạn tránh sân bay Liên Khương chấp hành theo hệ thống biển báo hiệu đường bộ và hướng dẫn, điều khiển giao thông của các lực lượng chức năng.

Trong đó, hướng từ thành phố Đà Lạt đi huyện Đức Trọng, các phương tiện lưu thông rẽ phải vào đường nhánh A1, B1 bên trái đường cao tốc; hướng từ Đức Trọng đi thành phố Đà Lạt, các phương tiện rẽ phải vào đường nhánh C1, D1 bên phải đường cao tốc. Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các đơn vị thi công thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo ATGT, cảnh báo theo quy định khi thi công hạng mục cầu vượt đường cao tốc.

Dự án đầu tư xây dựng QL27 đoạn tránh sân bay Liên Khương dài 6,2km. Đây là một trong 14 dự án giao thông quan trọng cấp bách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thông qua phương án sử dụng 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 tại Nghị quyết 556 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 31/7/2018. Dự án thi công cầu vượt và các hạng mục liên quan sẽ hoàn tất vào ngày 26/12/2020.

Đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến cao tốc khu vực phía Nam

Đó là các dự án đường cao tốc kết nối với TP HCM như TP HCM - Mộc Bài (53,5km), TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (69km), Dầu Giây - Đà Lạt (208km), Vũng Tàu - Biên Hoà (76km), Bến Lức - Long Thành (58km) hay Dầu Giây - Phan Thiết (98km)…

Ngoài ra, hàng loạt các dự án cao tốc ở khu vực ĐBSCL như Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ (92km), Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (51km), Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu (225km), Mỹ An - Cao Lãnh (26km), Mỹ An-Rạch Sỏi (110km), Trung Lương - Bến Tre (50km) hay Hồng Ngự - Trà Vinh (166km)...

Theo quy hoạch, tới năm 2030, khu vực miền Đông Nam Bộ sẽ có khoảng 1.400km đường cao tốc và khu vực miền Tây Nam Bộ sẽ có gần 700km đường cao tốc. Tuy nhiên, thực tế từ nay tới năm 2030 chỉ khoảng 10 năm. Và trong thời gian trên việc hoàn thành được khối lượng dự án lớn với chiều dài hơn 2.000km đường cao tốc chắc chắn rất khó khăn.

Dự án cao tốc TP HCM - Trung Lương (62km) hiện hữu được khởi công năm 2004, hoàn thành năm 2010, tức là mất khoảng 6 năm để hoàn thành. Dự án cao tốc thứ 2 là TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (55km), khởi công năm 2009 và hoàn thành năm 2015, cũng tốn khoảng 6 năm để hoàn thành. Trong khi đó, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành (58km), khởi công năm 2014 và dự kiến hoàn thành năm 2020. Đến thời điểm hiện nay (năm 2020), theo thông tin từ chủ đầu tư thì dự án này chắc chắn sẽ chậm tiến độ. Dự án chỉ có thể hoàn thành toàn tuyến vào thời điểm cuối hoặc sau năm 2021.

Nghĩa là sẽ phải mất khoảng 6-7 năm để hoàn thành dự án này. Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (50km) có thời gian hoàn thành lâu hơn khá nhiều. Dự án này từng khởi công, tạm dừng và khởi công lại nhiều lần. Tới nay đã hơn 10 năm nhưng theo kế hoạch, phải đến năm 2021, dự án mới được thông tuyến. nhìn vào tiến độ các dự án đường cao tốc đã hoàn thành và đang thi công ở khu vực phía Nam có thể thấy, việc quy hoạch quá nhiều dự án chưa phải là điều quá tốt. Bởi từ khi quy hoạch tới khi khởi công và hoàn thành là một vấn đề nan giải và rất dài.

Thực tế khách quan là việc thi công và hoàn thành các dự án đường cao tốc khu vực phía Nam khó khăn và tốn kém hơn các khu vực khác, như miền Trung, miền Bắc hay Tây Nguyên. Nguyên nhân bởi địa hình khu vực phía Nam nhiều sông ngòi, nền đất bồi phù sa yếu khiến cho việc thi công khó khăn, nhiều cầu cống nên chi phí tốn kém hơn. Chính vì thế, cơ quan chức năng cần có tính toán phù hợp, nhất là chọn ra các dự án ưu tiên. Nếu không, với khối lượng công việc và tốc độ như trên, việc triển khai đồng loạt nhiều dự án cao tốc là bất khả thi.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 22/2/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ