Thứ năm, 25/04/2024 21:31 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 22/8/2019

MTĐT -  Thứ năm, 22/08/2019 13:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 22/8/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 22/8/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

TP HCM: Tăng hơn 1.000 chuyến xe buýt dịp lễ 2/9

Ngày 21/8, Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP HCM cho biết Thành phố sẽ tăng cường 1.023 chuyến xe buýt nhằm đảm bảo phục vụ vận chuyển hành khách trong dịp lễ 2/9 thuận lợi, an toàn.

Cụ thể từ ngày 31/8 đến hết ngày 2/9, Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP HCM dự kiến sẽ tăng cường chuyến trên 16 tuyến xe buýt với số chuyến là 1.023 chuyến và giảm chuyến trên 21 tuyến xe buýt với số chuyến là 2.064 chuyến, tránh ứ đọng hành khách tại các bến xe, trạm dừng, nhà chờ xe buýt.

Việc tăng chuyến dựa trên tình hình thực tế về nhu cầu đi lại của hành khách. Tuyến xe buýt ngưng hoạt động gồm: Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc Gia; Bến Thành - ĐH Quốc Tế. Song song đó, Trung tâm dự kiến tăng cường xe buýt giải tỏa khách tại bến xe liên tỉnh, khoảng 10 lượt xe buýt (loại 40 ghế) để tăng cường giải tỏa khách ở Bến xe Miền Tây.

TP.HCM sẽ tăng cường hơn 1.000 chuyến xe buýt phục vụ dịp nghỉ lễ 2/9   

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vận tải cũng phải chuẩn bị đầy đủ phương tiện (bao gồm dự phòng) và nhân sự để sẵn sàng phục vụ hành khách. Trường hợp lượng khách tăng đột biến thì doanh nghiệp vận tải sẽ phải điều động ngay phương tiện để giải tỏa nhanh.

Ngoài ra, hành khách đi xe buýt cần sự hỗ trợ liên quan đến tình trạng trấn lột, móc túi, quấy rối trên xe buýt có thể liên hệ Phòng Quản lý Dịch vụ Giao thông công cộng (số điện thoại: 0909.322.116) và hotline Cảnh sát hình sự TP HCM phản ánh về an ninh trật tự trên xe buýt (số điện thoại: 0981.860.202 để được hỗ trợ giải quyết kịp thời.

Theo Sở Giao thông vận tải TP HCM, tính đến hết tháng 7, khối lượng vận tải hành khách bằng xe buýt ước đạt 139,3 triệu lượt hành khách, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2018 (158,1 triệu lượt hành khách). Trong 7 tháng đầu năm, có 333.000 chuyến xe buýt chậm trên 15 phút do ảnh hưởng của các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông trên địa bàn TP HCM làm hệ lụy biểu đồ, phá vỡ thời gian, chuyến đi kéo dài nên tính hấp dẫn bị giảm. Lượng phương tiện cá nhân gia tăng nhanh trong điều kiện hạ tầng chưa đáp ứng được cũng ảnh hưởng đến loại hình xe buýt.

Gần 110 tỷ đồng chỉnh trang đô thị thành phố Hải Dương

Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, đẩy mạnh xã hội hóa, có 31 công trình được thực hiện bằng ngân sách của thành phố với kinh phí khoảng 56 tỷ đồng, 18 công trình thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa với kinh phí khoảng 30 tỷ đồng, 43 hạng mục, công trình bằng nguồn vốn ngân sách phường và huy động từ nhân dân.

Chương trình chỉnh trang tập trung cải tạo hè phố, hạ ngầm hệ thống điện và cáp viễn thông, cải tạo quảng trường, không gian các nút giao quốc lộ 5 – quốc lộ 37 và một số tuyến đường, dải phân cách, cải tạo hệ thống biển báo đường bộ, đèn tín hiệu giao thông, khu tưởng niệm, Đài liệt sĩ, lắp đặt hệ thống chiếu sáng…

Mỗi phường, xã đăng ký từ 2 – 3 công trình, phần việc như lắp biển số nhà, lát vỉa hè, trồng cây xanh, điện chiếu sáng, lắp đặt dụng cụ tập luyện thể thao tại các điểm vui chơi công cộng.

Cải tạo vỉa hè phố Bạch Đằng. 

Theo ông Phạm Công Quân, Trưởng phòng Quản lý đô thị, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Dương, việc chỉnh trang đô thị của thành phố nhận được sự đồng thuận cao từ người dân. Các phường, xã tích cực tuyên truyền phổ biến chủ trương của thành phố và chủ động vận động nhân dân đóng góp để lát mặt vỉa hè một số tuyến phố. Thành phố phân công người trực tiếp giám sát về chất lượng và tiến độ để vừa đảm bảo chất lượng thi công vừa giảm thiểu tác động đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 40% khối lượng công việc chỉnh trang đô thị theo kế hoạch đã hoàn thành. Các hạng mục còn lại đang được các nhà đầu tư, các phường tích cực triển khai như: cải tạo vỉa hè các tuyến đường Bạch Đằng, Hồng Quang, dải phân cách đại lộ Võ Nguyên Giáp, vỉa hè phía bên phải tuyến đường Trần Hưng Đạo từ quảng trường Độc Lập đến phố Nguyễn Du, vỉa hè đường Bạch Đằng, đầu tư hệ thống chiếu sáng mỹ thuật, trang trí cho các công trình, sửa chữa một số nhà văn hóa khu dân cư, cải tạo và thay thế biển tên đường phố, quảng trường bị hư hỏng.

Dịp này, thành phố cũng triển khai hạ ngầm hệ thống điện và cáp viễn thông tại một số tuyến đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Hồng Quang, Hoàng Hoa Thám.

Trong đợt chỉnh trang đô thị quy mô lớn lần này, nhiều không gian xanh và khu tập luyện thể thao công cộng ở thành phố Hải Dương được tập trung cải tạo, làm mới như: vườn hoa Yết Kiêu, vườn hoa khu đô thị mới phía Đông, vườn hoa Lý Tự Trọng, vườn hoa Hoàng Hoa Thám, vườn hoa đường Ngô Quyền. Đồng thời, thành phố cũng yêu cầu các xã, phường rà soát và lắp đặt các dụng cụ thể thao tại một số khu vực công cộng trên địa bàn bằng nguồn vốn ngân sách thành phố.

Cùng với chỉnh trang đô thị, thành phố Hải Dương cũng tăng cường chấn chỉnh trật tự đô thị, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường và an toàn giao thông; trong đó, các xã, phường phối hợp với Công an thành phố và Đội kiểm tra quy tắc quản lý đô thị tập trung xử lý dứt điểm việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, dừng đỗ xe trái quy định trên các tuyến phố chính và quảng trường, xử lý các điểm họp chợ cóc, chợ tạm.

Tổn thất gần 50.000 tỷ đồng mỗi năm do tai nạn giao thông gây ra ở Việt Nam

Mỗi năm tổn thất do tai nạn giao thông ở Việt Nam gây ra gần 50.000 tỷ đồng, bằng 30% ngân sách giáo dục và 60% giá trị xuất khẩu lúa gạo, tương đương 1,5 triệu người không có thu nhập trong 1 năm.

Thông tin trên được đưa ra tại chương trình tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ và kỹ năng lái xe mô tô an toàn cho sinh viên năm 2019, do Bộ GD&ĐT phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia, Trung tâm quản lý và khai thác nhà Đà Nẵng tổ chức.

Ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông thì có nhiều, từ nguyên dân do quản lý nhà nước, đến nguyên nhân do hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng đáng báo động trên vẫn là do ý thức tuân thủ các quy định pháp luật nhà nước về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông chưa cao, chưa nắm vững quy tắc giao thông, kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông an toàn.

Nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ, văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông.

Theo ông Việt, để giảm tai nạn giao thông một cách bền vững, tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông nhằm nâng cao nhận thức, ý thức người tham gia giao thông, trong đó việc chú trọng trang bị và nâng cao kỹ năng xử lý và điều khiển phương tiện tham gia giao thông an toàn là hết sức quan trọng và cần thiết.

“Thông qua hoạt động tuyên truyền này, ban tổ chức mong muốn mỗi sinh viên sẽ hình thành và nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ, văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông, có các kỹ năng điều khiển xe mô tô an toàn và mỗi bạn sinh viên sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực cho bạn bè, gia đình và cho mọi người trong xã hội về tầm quan trọng của việc chấp hành pháp luật an toàn giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông trong cả nước”, ông Việt cho hay.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới - WHO, hàng năm toàn thế giới đã có trên 1,2 triệu người chết và hơn 50 triệu người bị thương vì tai nạn giao thông, đồng thời, gây thiệt hại về kinh tế, xã hội tới 3% GDP toàn cầu. Tai nạn giao thông đã và đang là vấn đề được xã hội quan tâm sâu sắc, mang tính toàn cầu mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều phải đương đầu.

Trong những năm qua, Việt Nam đã kiềm chế được tai nạn giao thông, các tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thường đều được kéo giảm qua từng năm. Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến rất phức tạp, việc kéo giảm tai nạn giao thông chưa thật bền vững, đặc biệt, số người chết và số người bị thương vì TNGT vẫn ở mức cao, tổn thất về TNGT vẫn rất lớn.

Mỗi năm tổn thất do tai nạn giao thông ở Việt Nam gây ra gần 50.000 tỷ đồng, bằng 30% ngân sách giáo dục và 60% giá trị xuất khẩu lúa gạo, tương đương 1,5 triệu người không có thu nhập trong 01 năm.

Hải Dương chỉ định nhà đầu tư dự án khu dân cư hơn 122 tỷ đồng

Ảnh chỉ mang tính minh họa.

UBND tỉnh Hải Dương vừa có quyết định chỉ định thầu Dự án Đầu tư xây dựng Khu dân cư thương mại xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương cho Liên danh Công ty CP Xây dựng - Bất động sản Hoàng Kim - Công ty CP Đông Đô.

Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng diện tích hơn 94.000 m2; tổng chi phí thực hiện Dự án 122,6 tỷ đồng (trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng dự kiến là 29,2 tỷ đồng); thời gian thực hiện hợp đồng là 36 tháng.

Trong Liên danh nhà đầu tư được chỉ định,Công ty CP Xây dựng - Bất động sản Hoàng Kim có địa chỉ tại xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 22/8/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.