Thứ sáu, 19/04/2024 05:17 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 23/11/2019

MTĐT -  Thứ bảy, 23/11/2019 09:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 23/11/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 23/11/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổnng hợp.

Khởi công khu văn hóa đa năng ngoài công lập lớn nhất ĐBSCL

Ngày 22/11, tại Bạc Liêu đã diễn ra Lễ khởi công Khu văn hóa Đa năng ngoài công lập Công tử Bạc Liêu. Đến dự có ông Lê Minh Chiến – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ông Vương Phương Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Công tử Bạc Liêu.

Dự án Khu văn hóa Đa năng Ngoài công lập Công tử Bạc Liêu với thông điệp “Viết tiếp những câu chuyện trăm năm từ chàng Công tử đất Bạc Liêu” để giới thiệu với du khách biết thêm về miền đất, con người Bạc Liêu xưa; hình ảnh những quạt điện gió sừng sững giữa đất trời, hình ảnh chiếc đàn kìm – Báu vật sống của Đờn ca tài tử Nam Bộ, nơi khai sinh ra bản “Dạ cổ Hoài Lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, hay là nhớ đến giai thoại “Công tử Bạc Liêu” nổi tiếng cùng với nhiều những điểm đến thú vị khác, … Bên cạnh đó, cùng với sự giao thoa văn hóa của ba dân tộc Kinh – Hoa – Khmer, đã tạo cho vùng đất này một diện mạo văn hóa riêng biệt và giàu bản sắc.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và chủ đầu tư làm lễ khởi công công trình.

Công trình Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Công Tử Bạc Liêu được xây dựng trên khuôn viên rộng hơn 18,000 m2, từ Khu nhà Công tử Bạc Liêu - cũng là một công trình lịch sử với nét kiến trúc Pháp đặc trưng vẫn còn được giữ gìn và bảo tồn qua năm tháng, với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng của Công ty CP Dịch vụ Du lịch Công tử Bạc Liêu, cùng với sự tham gia tư vấn của Tập đoàn NDA gồm cụm nhà văn hóa, bảo tàng lịch sử, nơi du khách có thể tìm hiểu và trải nghiệm không gian văn hóa Bạc Liêu những năm 90, kết hợp cùng khu nghĩ dưỡng khách sạn 4 sao, khu vườn Pháp, khu vui chơi, quảng trường, trung tâm hội nghị, nhà hàng,… sẽ đảm bảo vừa có thể giữ được những giá trị tinh hoa văn hóa trong lịch sử, vừa mang nét hiện đại của tương lai, nơi hội tụ những giá trị bất biến theo thời gian, không gian và lịch sử.

Công trình được hứa hẹn sẽ trở thành một biểu tượng mới, một niềm tự hào của tỉnh Bạc Liêu. Đây sẽ là nơi tụ họp tất cả các sự kiện lớn của tỉnh, là điểm dừng chân cho các nhà chức trách, doanh nhân từ các tỉnh đổ về Đồng Bằng Sông Cửu Long nói chung và Cà Mau nói riêng, là điểm tụ hội cho các gia đình Bạc Liêu. Dự án khi đưa vào hoạt động sẽ là đòn bẩy, góp phần đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển về thương mại, du lịch của tỉnh, là điểm đến ấn tượng không thể bỏ qua khi du khách trong nước và quốc tế ghé thăm Bạc Liêu. Đồng thời, công trình cũng mang ý nghĩa và nguyện vọng được góp sức trùng tu, gìn giữ và bảo tồn các giá trị nghệ thuật, kiến trúc và văn hóa tại Khu nhà cổ này.

Phát biểu tại Lễ Khởi công, ông Vương Phương Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết UBND tỉnh Bạc Liêu sẽ hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Dự án sớm đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả, xứng tầm là trung tâm văn hóa – du lịch trọng điểm của tỉnh và điểm du lịch tiêu biểu của ĐBSCL. Ngoài ra, Bạc Liêu cam kết tiếp tục tạo các điều kiện thuận lợi và sự hỗ trợ tốt nhất để các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa – du lịch nói riêng và phát triển kinh tế nói chung có thể triển khai thành công trên địa bản tỉnh.

Việc đầu tư từ khu vực tư nhân đã và đang đóng góp rất nhiều vào sự phát triển không ngừng của tỉnh Bạc Liêu. Với hơn 2 triệu lượt khách du lịch ghé thăm mỗi năm, Bạc Liêu đứng thứ 5 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về lượng khách du lịch và dẫn đầu khu vực về số lượng điểm du lịch tiêu biểu. Với rất nhiều điểm đến, di tích, danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa vật thể và phi vật thể đặc trưng, sự hấp dẫn của du lịch Bạc Liêu còn ở những nét độc đáo trong ẩm thực, trang phục, lễ hội dân tộc Việt. Bạc Liêu là điểm dừng chân cho ý tưởng xây dựng Khu văn hóa đa năng quy mô lớn nhất vùng Tây Nam Bộ.

TP HCM đề xuất sửa quy định về cải tạo chung cư cũ

Theo tổng kết mới đây của Sở Xây dựng TP HCM, hiện TP chỉ mới tháo dỡ 3/7 chung cư cũ; di dời 3 chung cư cấp D (hư hỏng nặng, nguy hiểm với 132 hộ dân); di dời dở dang 1 chung cư cấp D (84/100 hộ dân). Tổng cộng đã di dời 216/749 hộ dân, chiếm tỷ lệ 28,8% so với mục tiêu thực hiện của kế hoạch năm 2019.

Đồng thời, tại địa bàn, có 78 chung cư mới đã được ghi vốn chuẩn bị đầu tư để làm cơ sở các đơn vị triển khai các bước lập, trình thẩm định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, tổ chức đấu thầu, tạm ứng cho nhà thầu thi công cải tạo, sửa chữa.

Trong Kế hoạch đầu năm 2019 của UBND TP về thực hiện cải tạo, sửa chữa chung cư cũ, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ trên địa bàn thì cần sửa chữa, cải tạo 108 chung cư cũ, với tổng kinh phí khoảng 89 tỷ đồng. Khởi công và thi công xây dựng 8 chung cư. Hoàn thành tháo dỡ 7 chung cư. Lựa chọn chủ đầu tư 11/15 chung cư cấp D.
Sở Xây dựng nhìn nhận, thời gian qua, chưa có chung cư mới khởi công, thi công xây dựng. Công tác tháo dỡ, sửa chữa, di dời các hộ dân cũng chưa hoàn thành kế hoạch đề ra...

Hình ảnh minh họa

Sở Xây dựng cho hay, theo Nghị định 101/2015/NĐ-CP, thời hạn để cộng đồng chủ sở hữu nhà chung cư được toàn quyền quyết định lựa chọn nhà đầu tư và quyết định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 3 tháng với chung cư nguy hiểm, 12 tháng với chung cư hư hỏng nặng.

Quá thời gian trên mà chủ sở hữu nhà chung cư không lựa chọn được nhà đầu tư thì Nhà nước có trách nhiệm tổ chức thực hiện phá dỡ và lựa chọn nhà đầu tư để xây dựng mới.

Thực tế, hết thời gian cho phép nhưng người dân vẫn không thỏa thuận được phương thức bồi thường với nhà đầu tư, cũng như những hạn chế, khó khăn trước đây khi thực hiện phương thức bồi thường là: Cộng đồng khó thống nhất về phương thức bồi thường cũng như giá trị bồi thường hoặc nếu có đồng thuận thì sau đó có trường hợp lại đề nghị thay đổi phương thức từ việc nhận tiền sang nhận nhà hoặc ngược lại.

Việc này đã làm kéo dài thời gian thực hiện, thậm chí có chung cư kéo dài từ 5 đến 10 năm vẫn chưa giải quyết xong việc bồi thường giải phóng mặt bằng như ở một số lô tại cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh; chung cư 727 Trần Hưng Đạo, quận 5…

Cạnh đó, chủ đầu tư chưa thỏa thuận được phương thức bồi thường cụ thể với tất cả các chủ sở hữu nên rất bị động trong việc triển khai thực hiện. Họ vừa phải chuẩn bị cả tiền mặt để bồi thường, giải quyết chi phí tạm cư và vừa phải xây dựng quỹ nhà để phục vụ tái định cư. Đây là áp lực rất lớn cho các nhà đầu tư và mất nhiều thời gian.

Chưa kể, việc tính toán giá trị bồi thường nhà ở cũ, giá trị nhà ở mới, giá trị chênh lệch vị trí giữa nhà ở cũ và nhà ở mới rất phức tạp. Hơn nữa, sau thời gian 1-2 năm, nếu người dân vẫn chưa đồng thuận, giá cả thị trường có thay đổi, phải định giá lại, dẫn đến mất nhiều thời gian và công sức trong việc lập, rà soát lại phương án, cũng như thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Do đó, Sở đề xuất Bộ Xây dựng tham mưu báo cáo Thủ tướng điều chỉnh nội dung của Nghị định 101/2015/NĐ-CP theo hướng, trong trường hợp Nhà nước thực hiện thì không thể thỏa thuận bồi thường mà chỉ thực hiện phương thức tái định cư bằng căn hộ. Kiến nghị điều chỉnh khoản 2 Điều 14 Nghị định này: “Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với trường hợp Nhà nước đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư” thành nội dung “phương án hỗ trợ, tái định cư đối với trường hợp Nhà nước đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư”…

Chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức quy định sẽ bị phạt đến 50 triệu đồng

Theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, hành vi nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức quy định tại Điều 130 của Luật đất đai và Điều 44 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP sẽ bị phạt đến 50 triệu đồng.

Cụ thể, hành vi nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức theo quy định của pháp luật về đất đai thì hình thức và mức xử phạt như sau: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với trường hợp diện tích đất nhận chuyển quyền vượt hạn mức dưới 1 héc ta; phạt tiền từ 3-10 triệu đồng đối với trường hợp diện tích đất nhận chuyển quyền vượt hạn mức từ 1-3 héc ta; phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với trường hợp diện tích đất nhận chuyển quyền vượt hạn mức từ 3-5 héc ta; phạt tiền từ 20-50 triệu đồng đối với trường hợp diện tích đất nhận chuyển quyền vượt hạn mức trên 5 héc ta.

Ảnh minh họa

Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc trả lại diện tích đất đã nhận chuyển quyền vượt hạn mức do thực hiện hành vi vi phạm quy định nêu trên. Trường hợp không thực hiện được việc trả lại đất đã nhận chuyển quyền thì Nhà nước thu hồi theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai.

Nghị định cũng quy định mức phạt đối với hành vi nhận chuyển quyền sử dụng đất, thuê đất không đúng quy định tại các Điều 153 và Điều 169 của Luật đất đai và Điều 39 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.

Cụ thể, trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam nhận chuyển quyền sử dụng đất ở chưa có nhà ở không thuộc dự án phát triển nhà ở hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không phải là đất ở nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế thì hình thức và mức xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng nếu diện tích đất vi phạm dưới 0,1 héc ta; phạt tiền từ 20-40 triệu đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta; phạt tiền từ 40-60 triệu đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta; phạt tiền từ 60-100 triệu đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 1 héc ta đến dưới 3 héc ta; phạt tiền từ 100-200 triệu đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 3 héc ta trở lên.

Trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế thì hình thức và mức xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng nếu diện tích đất vi phạm dưới 0,1 héc ta; phạt tiền từ 30-60 triệu đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta; phạt tiền từ 60-90 triệu đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 0,5 héc ta đến dưới 1 héc ta; phạt tiền từ 90-150 triệu đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 1 héc ta đến dưới 03 héc ta; phạt tiền từ 150-300 triệu đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 3 héc ta trở lên.

TP.HCM hạn chế xe vào trung tâm 2 ngày cuối tuần

Ngày 22/11, ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết nhằm đảm bảo trật tự giao thông, thành phố hạn chế xe đi lại trên một số tuyến đường khu vực quận 1, quận 3 trong hai ngày cuối tuần.

Cụ thể, từ 6h đến 10h ngày 23/11 và 24/11, tất cả phương tiện bị hạn chế lưu thông vào khu vực bao quanh các tuyến đường Hai Bà Trưng - Nguyễn Đình Chiểu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Du.

Cũng trong thời gian trên, TP.HCM tổ chức diễn tập xử lý các tình huống về an ninh, trật tự, PCCC và CNCH tại các khu vực Nhà ga Quốc tế Cảng hàng không Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), đường Phạm Ngọc Thạch (đoạn giao với đường Nguyễn Văn Chiêm, quận 1), khu vực Công viên 30/4 (quận 1) và trụ sở UBND TP.HCM (quận 1).
Lộ trình thay thế:

Khu vực trong đường kẻ đỏ hạn chế xe lưu thông. Ảnh: Google Maps.

Hướng quận 5 đi quận 2:

Lộ trình 1: Nguyễn Thị Minh Khai - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Tự Trọng - Hai Bà Trưng - Nguyễn Thị Minh Khai hoặc Nguyễn Thị Minh Khai - Huyền Trân Công Chúa - Thủ Khoa Huân - Lý Tự Trọng - Hai Bà Trưng - Nguyễn Thị Minh Khai.

Lộ trình 2: Nguyễn Thị Minh Khai - Trương Định - Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng - Nguyễn Thị Minh Khai hoặc Nguyễn Thị Minh Khai - Cách Mạng Tháng Tám - Điện Biên Phủ - Mạc Đỉnh Chi - Nguyễn Thị Minh Khai.

Hướng quận 2 đi quận 5:

Lộ trình 1: Lê Duẩn - Hai Bà Trưng - Nguyễn Du - Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Lộ trình 2: Lê Duẩn - Hai Bà Trưng - Nguyễn Đình Chiểu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Hướng quận 3 đi quận 4:

Lộ trình 1: Phạm Ngọc Thạch - Nguyễn Đình Chiểu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi.

Lộ trình 2: Phạm Ngọc Thạch - Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng - Nguyễn Du - Đồng Khởi.

Hướng quận 4 đi quận 3:

Lộ trình 1: Pasteur - Nguyễn Du - Trương Định - Điện Biên Phủ - Pasteur.

Lộ trình 2: Pasteur - Lý Tự Trọng - Hai Bà Trưng - Nguyễn Đình Chiểu - Pasteur.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 23/11/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.