Thứ năm, 18/04/2024 17:56 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 23/3/2020

MTĐT -  Thứ hai, 23/03/2020 10:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 23/3/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 23/3/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Đà Nẵng: Mời người dân góp ý chọn phương án thiết kế kiến trúc Chợ Cồn

Ngày 22/3, Trung tâm Tư vấn Kỹ thuật xây dựng Đà Nẵng, đơn vị tư vấn tổ chức cuộc thi “Phương án thiết kế kiến trúc Chợ Cồn” cho biết, 21 sản phẩm dự thi vừa được Trung tâm phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức trưng bày tại hội trường tầng 3 Trung tâm thương mại Chợ Cồn (phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) từ ngày 21/3 - 27/3 để lấy ý kiến góp ý của người dân.

Cuộc thi tuyển “Phương án thiết kế kiến trúc Chợ Cồn” được Trung tâm Tư vấn Kỹ thuật xây dựng Đà Nẵng (thuộc Sở Xây dựng Đà Nẵng) triển khai từ tháng 12/2019. Sau khi thông báo, có tổng cộng 35 đơn vị đăng ký tham gia (trong đó có 03 đơn vị tư vấn nước ngoài và 32 đơn vị trong nước). Ngày 13/01, Ban tổ chức đã sơ tuyển đồng ý mời 29 đơn vị tham dự.

Đến thời điểm ngày 13/3, Trung tâm Tư vấn Kỹ thuật xây dựng Đà Nẵng đã nhận được 21 phương án thiết kế dự thi của 19 đơn vị nộp, trong đó có 02 đơn vị nước ngoài (các đơn vị còn lại xin không tiếp tục tham gia do không kịp tiến độ hoàn thành bài dự thi). Toàn bộ các phương án thiết kế dự thi được trưng bày tại tầng 3 Trung tâm thương mại Chợ Cồn đến ngày 27/3, mở cửa tự do.

Chợ Cồn hiện nay. (Ảnh: HC)

“Ban tổ chức kính mời toàn thể người dân TP đến xem và cho ý kiến đánh giá với các phương án thiết kế dự thi. Sau đó, Ban giám khảo sẽ tiến hành chấm chọn và đề xuất lên lãnh đạo TP phương án thiết kế tốt nhất để triển khai đầu tư”, ông Trần Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Kỹ thuật xây dựng Đà Nẵng cho hay.

Tổng mặt bằng theo quy hoạch chợ Cồn được duyệt là 24.504m2; ranh giới nghiên cứu thiết kế 24.504m2. Quy mô giải pháp thiết kế chợ cần đáp ứng cho 2.011 hộ kinh doanh hiện trạng, có dự phòng cho khu vực lân cận và phát triển trong tương lai; đồng thời có giải pháp khai thác hiệu quả sử dụng đất trên cơ sở tăng thêm diện tích sàn xây dựng.

Quy mô diện tích đề xuất 20.914,4m2. Quy mô tầng cao đề xuất tối đa 8 tầng nổi và 2 tầng hầm, trong đó: Khu vực chợ truyền thống (bố trí lại cho tiểu thương hiện có) tối đa 3 tầng (phù hợp với mô hình chợ truyền thống và đáp ứng nguyện vọng đại đa số tiểu thương); Khu vực khai thác thương mại tối đa 5 tầng; Khu vực tầng hầm để xe phục vụ chợ và khai thác khu vực lân cận tối đa 2 tầng.

Bố trí khu chợ đêm, khu ẩm thực đêm phục vụ cho người dân và du khách. Chợ đêm hoạt động từ 19h00' đến 23h00', sản phẩm chủ yếu là hàng lưu niệm, áo quần, giày dép, thời trang… Khu ẩm thực đêm tại mặt tiền chợ Cồn (vỉa hè đường Hùng Vương) là đặc sản của chợ. Đây là sản phẩm được nhiều khách du lịch biết đến và hình thành tự phát (khoảng trên 10 hộ) từ khi chợ mới được xây dựng lại. Hoạt động này cần được duy trì, nâng cấp và phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân và du khách về ban đêm…

Đề xuất thông tuyến cao tốc từ TP.HCM đi Cần Thơ năm 2022

Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận vừa có công văn gửi Thủ tướng đề xuất giải pháp triển khai dự án này đảm bảo thông toàn tuyến TP.HCM - Cần Thơ đúng tiến độ.

Công ty này đề xuất đoạn tuyến Mỹ Thuận- Cần Thơ đi qua tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp nên được kết nối vào dự án Trung Lương - Mỹ Thuận để giảm bớt các thủ tục hành chính, phát huy việc phối hợp điều hành tốt của tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư như trong thời gian qua.

Do đó, công ty này đề xuất phương án điều chỉnh, mở rộng phạm vi dự án do tỉnh Tiền Giang là cơ quan nhà nước có thẩm quyền được bổ sung đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Các tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp cùng tham gia thực hiện giải phóng mặt bằng giúp hiệu quả cao hơn về tài chính, kinh tế - xã hội cho dự án.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hôm 8/3 vừa qua

Nhà đầu tư vừa có đề xuất thông tuyến cao tốc từ TP.HCM đi Cần Thơ năm 2022
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận Nguyễn Tấn Đông cho biết: Nếu vốn ngân sách nhà nước tham gia 50% khoảng 2.400 tỷ đồng phần còn lại doanh nghiệp dự án sẽ cố gắn cùng các đối tác là các nhà đầu tư, nhà thầu… huy động từ nguồn vốn chủ sở hữu, các nguồn vốn hợp pháp khác để quyết tâm thực hiện thông tuyến dự án 2021.

Công ty này cho biết, đề xuất trên là dựa trên những tính toán khá cụ thể nhằm tận dụng thiết bị sẵn có, sự phối nhịp nhàng của địa phương và nhà đầu tư sẽ giúp rút ngắn thời gian triển khai dự án còn 24 tháng so với trình tự thông thường là 41 tháng.

Đồng thời, dự án hoàn thành trong năm 2022 sẽ góp phần thông tuyến từ TP.HCM đi Cần Thơ tạo ra động lực, nguồn lực mới cho sự phát triển nhanh hơn của vùng ĐBSCL.

Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có chiều dài 23km, với tổng mức đầu tư 4.758 tỷ đồng, điểm đầu kết nối với cầu Mỹ Thuận 2. Nhưng đến nay, vì nhiều lý do mà Bộ GTVT vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư, mặc dù bộ này đã tổ chức sơ tuyển từ tháng 4/2018.

Đầu tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp kiểm tra công trường Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và chỉ đạo Bộ GTVT khẩn trương báo cáo, đề xuất giải pháp để triển khai thi công đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, khẩn trương hoàn thành để kết nối đồng bộ toàn tuyến cao tốc TP.HCM đến Cần Thơ trong năm 2022.

Hiện nay trên tuyến cao tốc từ TP.HCM đến Cần Thơ, ngoài đoạn TP.HCM - Trung Lương đã đưa vào khai thác, các đoạn khác gồm Trung Lương - Mỹ Thuận đang triển khai, cầu Mỹ Thuận 2 và đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đều chỉ mới trong quá trình chuẩn bị. Trong đó, cầu Mỹ Thuận 2 triển khai bằng vốn vay ODA và dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ thì chưa lựa chọn được nhà đầu tư.

Di dời 68 tuyến xe khỏi bến xe Miền Đông cũ

68 tuyến xe chạy từ Quảng Trị trở ra phía Bắc đi TP HCM và ngược lại đang hoạt động tại bến xe Miền Đông cũ dự kiến sẽ di dời ra bến xe Miền Đông mới.

Bến xe Miền Đông chuẩn bị khai trương.

Trong văn bản vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Sở GTVT TP HCM nêu: Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải TNHH MTV (Samco) kiến nghị đưa 68 tuyến vận tải cố định từ Quảng Trị trở ra phía Bắc có hành trình chạy xe qua quốc lộ 1 từ bến xe Miền Đông hiện hữu sang bến xe Miền Đông mới. Samco dự kiến khai trương từ ngày 19/4 đến 26/4.

Sở GTVT TP HCM báo cáo Bộ GTVT xem xét và công bố danh mục này.

Theo Sở GTVT TP HCM, việc di dời các tuyến xe được thực hiện nhiều giai đoạn. Trong giai đoạn đầu sẽ di dời các tuyến chạy đi các tỉnh phía Bắc. Sau đó, khi hoàn chỉnh hạ tầng khu vực, bến xe Miền Đông mới sẽ tính đến các giai đoạn tiếp theo là di dời những tuyến xe khách cố định từ Huế trở vào miền Trung, Đồng Nai, Lâm Đồng, khu vực miền Tây và các tuyến liên vận quốc tế.

Bến xe Miền Đông mới có mã số 17, đơn vị quản lý trực tiếp là Samco. Bến xe mới này có tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của bến xe được đầu tư khoảng 740 tỷ đồng.

Bến xe Miền Đông đạt chuẩn bến xe khách loại 1. Tổng diện tích bãi xe ô tô vào vị trí đón rộng 29.880 m2; diện tích đỗ xe dành cho phương tiện khác là 21.000 m2; diện tích phòng chờ cho khách là 1.152 m2.

Ngoài chức năng chính là cung cấp dịch vụ vận tải, bến xe Miền Đông mới còn có chức năng là trung tâm thương mại, khu vui chơi cho trẻ em, khu giải trí, rạp chiếu phim và nhà hàng.

Sau khi bến xe đi vào hoạt động sẽ là khu vực liên hợp nhiều công trình phục vụ đa chức năng, đáp ứng nhu cầu của hành khách và hoạt động dịch vụ của bến xe.

Ấn Độ hủy toàn bộ các chuyến tàu khách tới 31/3

Công ty đường sắt Ấn Độ được lệnh hủy tất cả các chuyến tàu khách từ Chủ nhật 22/3 cho tới ngày 31/3 để ngăn virus SARS- CoV-2 lây lan.

Ga tàu hỏa Howrah tại thành phố Kolkata vắng lặng trong ngày 22/3.

Trong khi đó, các dịch vụ đường sắt đô thị được giảm tới ‘mức tối thiểu’. Lệnh này không áp dụng với các tuyến tàu hàng. Trước đó, theo yêu cầu ‘Tự giới nghiêm’ mà Thủ tướng Narendra Modi đưa ra, toàn bộ hệ thống tàu khách Ấn Độ đã dừng hoạt động trong ngày 22/3.

Hôm thứ Bảy 21/3, Bộ Đường sắt Ấn Độ đã yêu cầu những người đang ở trong giai đoạn cách ly không được di chuyển bằng phương tiện này sau khi người ta phát hiện 12 hành khách từng đi tàu dương tính với SARS-CoV-2.

Trước khi lệnh này được ban bố, bang Tây Bengal và Jharkhand đã yêu cầu công ty đường sắt Ấn Độ hủy toàn bộ các chuyến tàu vào hai bang này từ ngày 22/3 đến 31/3. Tới chiều ngày 22/3, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Ấn Độ đã lên tới 370, 6 trường hợp tử vong liên quan tới Covid-19 đã được ghi nhận tại nước này.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 23/3/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.