Thứ sáu, 19/04/2024 23:43 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 24/5/2020

MTĐT -  Chủ nhật, 24/05/2020 07:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 24/5/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 24/5/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Nghệ An khánh thành nhà trưng bày bổ sung, nhà bái đường tại Khu di tích Kim Liên

Sáng nay (23/5), TP Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An đã tổ chức lễ khánh thành, bàn giao công trình nâng cấp nhà trưng bày bổ sung và nhà bái đường tại Khu di tích Kim Liên.
Dự lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy cùng đại diện các cơ quan, chính quyền của TP Hồ Chí Minh và lãnh đạo tỉnh, các sở, ban ngành Nghệ An.

Công trình nâng cấp nhà trưng bày bổ sung và nhà bái đường tại Khu di tích Kim Liên là tình cảm của Đảng bộ và nhân dân TP Hồ Chí Minh dành cho tỉnh Nghệ An và với Bác Hồ. Công trình được khởi công từ tháng 7/2019, nhằm thiết thực kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Người.

Thực hiện gì huấn thiêng liêng của Người, trong những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh đã đoàn kết, xây dựng TP ngày càng văn minh, hiện đại. TP đang là đầu tàu kinh tế, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Các đại biểu cắt băng khánh thành. Ảnh: Thành Cường

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, đây là công trình có ý nghĩa lịch sử và nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, thể hiện sự kính trọng vô bờ, tình cảm sâu nặng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh với Bác Hồ kính yêu.

Cũng trong sáng nay, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn đại biểu đã về đền Chung Sơn - đền thờ những người thân, ruột thịt trong gia đình Bác, và viếng mộ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh để tri ân, bày tỏ lòng biết ơn với những người đã sinh thành, dưỡng dục và hình thành nhân cách cao đẹp của Bác Hồ kính yêu.

Siêu dự án chống ngập 10.000 tỷ về đích trong tháng 10/2020

Sáng 23/5, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã dẫn đầu đoàn công tác trực tiếp thị sát công trường thi công các hạng mục đê kè và cống ngăn triều dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – giai đoạn 1”.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam cho biết tổng khối lượng thi công xây lắp của dự án hiện nay đã đạt trên 77%. Những hạng mục khó nhất của dự án là thi công dưới nước đã hoàn thành. Khối lượng công việc lại chủ yếu là lắp đặt thiết bị.

Hiện nay, việc giải ngân vốn vay đã được khơi thông. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tâm Tiến cho hay vấn đề khó khăn là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Tại khu vực cống Mương Chuối (huyện Nhà Bè), đã hoàn thành các trụ pin, tháp van và dầm van, đang thi công kè mang cống, công trình phụ trợ... Khu vực trên vẫn còn 18/62 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng thi công.

Lãnh đạo UBND TPHCM kiểm tra công trường thi công cửa van các cống kiểm soát triều


“Nhà đầu tư đã chuyển tiền đền bù đối với những hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án cho các địa phương thực hiện. Nếu mặt bằng được bàn giao đầu tháng 6 như kế hoạch của các quận, huyện thì dự án sẽ hoàn thành vào tháng 10 năm nay", ông Tiến cho hay.

Theo ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, chính quyền địa phương đang tiến hành chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân, dự kiến vào đầu tháng 6 sẽ hoàn thành. Đáng lo ngại là hiện nay, trên địa bàn huyện Nhà Bè tồn tại một công trình xây dựng cầu cảng quy mô lớn thuộc Công ty Cổ phần Kho cảng Xăng dầu Hàng không Miền Nam xây dựng chồng lên dự án chống ngập.

“Qua kiểm tra công trình nêu trên thì dự án được cơ quan chủ quản phê duyệt nhưng xây dựng không phép và hiện nay có nhiều hạng mục lấn sông Sài Gòn. Chính quyền địa phương đang phối hợp cùng Sở Xây dựng thực hiện kiểm tra và xử lý sai phạm”, ông Tùng cho biết.

Tại cống Cây Khô (huyện Bình Chánh), khối lượng thi công dự án mới đạt 66% vì vướng giải phóng mặt bằng. Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, có một hộ dân ban đầu hồ sơ đền bù đủ điều kiện để nhận 3 nền tái định cư.
Tuy nhiên, UBND huyện sau đó phát hiện hộ dân này có dấu hiệu làm giả hồ sơ nên đã chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra xem xét xử lý. Kết quả là trường hợp nói trên chỉ được nhận một nền tái định cư và kiên quyết không đồng ý.

“Chúng tôi sẽ vận động tiếp tục, nếu không được sẽ tiến hành cưỡng chế và giao mặt bằng cho nhà thầu thi công trước ngày 10/6 tới", ông Hồng cho hay.

Tại quận 4, có một hộ dân sau khi "xin thêm" chủ đầu tư 50 triệu đồng lại xin được ở lại bán nước, đồ ăn cho công nhân công trường đến khi công trình thi công vào vị trí đất được giải tỏa thì hộ này sẽ rời đi.

"Vì thấy thương và lúc đó chưa cần mặt bằng nên chúng tôi cho ở lại buôn bán nhưng đến khi lấy đất lại để thi công thì người này lại đòi thêm 600 triệu đồng mới chịu đi", ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết.

Kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đánh giá dự án chống ngập do triều là công trình trọng điểm được chính quyền và người dân TPHCM đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, dự án bị một số vướng mắc làm chậm tiến độ nhưng nhà đầu tư đã có nhiều nỗ lực để giải quyết các khó khăn.

Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện phải đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng. Phương án ưu tiên là thực hiện vận động, thuyết phục người dân bàn giao, sau đó mới tính đến các biện pháp mạnh như cưỡng chế thu hồi.

Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: Đây là một trong những dự án trọng điểm, có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc chống ngập cho toàn thành phố nên người dân cũng cần phải chia sẻ. Nếu chỉ vì một số cá nhân nhưng ảnh hưởng đến toàn bộ dự án thì không thể chấp nhận được", ông Phong nhấn mạnh.

Về công trình xây dựng cầu cảnh không phép trên sông Sài Gòn, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chỉ đạo chính quyền địa phương và các sở - ngành liên quan phải kiểm tra, có biên bản rõ ràng và sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó, báo cáo kết quả cho UBND TPHCM trước ngày 5/6 tới.

"Các dự án liên quan đến sông Sài Gòn đều đang gắn với quy hoạch và phải kiểm soát chặt chẽ. Việc xâm lấn đến dòng sông là không thể chấp nhận được. Đó là quan điểm rất rõ ràng của TPHCM. Càng là công ty nhà nước thì càng phải chấp hành tốt", ông Phong nói.

Đà Nẵng đón thêm 4 khu biệt thự có tổng mức đầu tư 3.678 tỷ đồng

Trên cơ sở Nghị quyết số 290/NQ-HĐND ngày 13/3/2020 của HĐND thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 (tại kỳ họp thứ 13, bất thường) về việc cho ý kiến chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở và đề nghị của Sở Xây dựng thành phố, trong tháng 5/2020, UBND TP. Đà Nẵng đã có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 4 dự án khu biệt thự sinh thái.

Cả 4 dự án này đều nằm quanh hai trục giao thông lớn là đường Hoàng Văn Thái nối dài và đường tránh Nam Hải Vân – Túy Loan, thuộc hai xã Hòa Sơn và Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng).

4 khu biệt thự sinh thái mới nằm quanh trục Hoàng Văn Thái nối dài

Cụ thể, dự án đầu tiên là khu biệt thự sinh thái hồ Trước Đông nằm tại xã Hòa Nhơn có quy mô gần 100ha với diện tích đồi núi, mặt nước hồ Trước Đông chiếm 26% (261.000m2). Dự án sẽ có 92 khu đất biệt thự (484.000m2), gần 20.000m2 đất thương mại dịch vụ còn lại đất hạ tầng kỹ thuật, cây xanh thảm cỏ, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 770 tỷ đồng.

Tiếp đó là dự án khu biệt thự sinh thái phía tây đường tránh nam hầm Hải Vân nằm tại xã Hòa Sơn có quy mô hơn 97ha, tổng mức đầu tư khoảng 1.370 tỷ đồng, trong đó có 2.081 lô đất nhà ở (442.000m2), đất trường học (56.500m2), đất thương mại dịch vụ (41.000m2).

Dự án thứ 3 là khu biệt thự sinh thái phía bắc đường Hoàng Văn Thái nằm tại xã Hòa Sơn có quy mô 87ha, tổng mức đầu tư 919 tỷ đồng. Dự án quy hoạch 1.979 lô đất (312.000m2), đất giáo dục (36.000m2), chợ (11.600m2), trung tâm y tế (13.000m2), đất thương mại dịch vụ (40.400m2), đất thể dục thể thao (29.000m2).

Dự án cuối cùng là khu biệt thự sinh thái phía đông đường tránh Nam Hải Vân nằm tại xã Hòa Sơn có diện tích hơn 60ha, tổng mức đầu tư 619 tỷ đồng. Dự án này gồm 773 lô đất ở, đất dành giáo dục (37.000m2), thể thao (32.000m2)…

UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu chủ đầu tư xây dựng dự án ngoài việc tuân thủ đúng quy hoạch chi tiết và tiến độ dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, còn phải đảm bảo việc hoàn chỉnh hạ tầng xã hội trong phạm vi dự án, bố trí diện tích đất xây dựng nhà ở xã hội theo đúng quy định.

Chuyển dự án BOT cầu Châu Đốc về tỉnh An Giang

Theo thông tin từ Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản đồng ý giao UBND tỉnh An Giang là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Châu Đốc, tỉnh An Giang theo hình thức hợp đồng BOT. Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh An Giang triển khai dự án đảo bảo tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, dự án xây dựng cầu Châu Đốc được khởi động từ năm 2015, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện được do gặp một số khó khăn. Vừa qua, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho dự án. Trong đó, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng cho phép chuyển vai trò cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án từ Bộ GTVT về UBND tỉnh An Giang.

Phối cảnh cầu Châu Đốc, An Giang

Theo Bộ GTVT, nếu UBND tỉnh An Giang tiếp nhận dự án thì việc triển khai sẽ có nhiều thuận lợi. Cụ thể, ngoài việc chủ động điều hành, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, còn phát huy được nguồn lực tự có của các địa phương như khai thác quỹ đất và các ưu đãi hỗ trợ khác. Cùng đó, việc xem xét, quyết định phương án thu phí cũng có nhiều thuận lợi. UBND tỉnh An Giang sẽ toàn quyền dự kiến sử dụng nguồn lực địa phương để hỗ trợ cho dự án có thể thực hiện được ngay các thủ tục cần thiết để điều chỉnh dự án và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án…

Được biết, dự án đầu tư xây dựng cầu Châu Đốc được khởi động từ năm 2015, công trình có điểm đầu nối vào QL91, điểm cuối tại khu vực giao với ĐT.953, tổng chiều dài toàn tuyến là 3,26km. Trong đó, phần cầu Châu Đốc dài 667m, rộng 12m, cầu có khổ thông thuyền 75x11m; bề rộng cầu 12m... Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 24/5/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...