Thứ bảy, 20/04/2024 01:09 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 24/8/2019

MTĐT -  Thứ bảy, 24/08/2019 09:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 24/8/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 24/8/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Mở rộng đối tượng được miễn phí sử dụng phương tiện công cộng tại Hà Nội

Người có công với cách mạng, người khuyết tật, cao tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo... sẽ được miễn phí sử dụng các phương tiện công cộng

Liên sở Giao thông Vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội có văn bản hướng dẫn về việc phát hành, quản lý và sử dụng miễn phí phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn trên địa bàn thành phố.

Thẻ miễn phí được sử dụng trên các phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn có trợ giá do thành phố quản lý được cấp cho: Người có công với cách mạng, người khuyết tật, người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), nhân khẩu thuộc hộ nghèo. Riêng với trẻ em dưới 6 tuổi được sử dụng miễn phí không cần cấp thẻ.

Người dân ngoại tỉnh chỉ cần có xác nhận thường xuyên đi lại trên địa bàn Thủ đô cũng được cấp thẻ. Người dân có thể đến nộp hồ sơ cấp thẻ tại gần 50 điểm bán vé trên địa bàn thành phố.

Xả trạm thu phí nhằm giải quyết ùn tắc giao thông trong dịp nghỉ lễ 2/9

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có Công điện gửi các Cục quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải (GTVT), các Nhà đầu tư BT, BOT đường bộ, VEC theo chức năng nhiệm vụ thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9.

Cụ thể, các đơn vị xây dựng các phương án, chuẩn bị phương tiện thiết bị và bố trí cán bộ thường trực thực hiện công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, khắc phục thiên tai, bão lũ, hư hỏng công trình đường bộ.

Tăng cường các biện pháp cảnh báo, tuyên truyền tới các lái xe (đặc biệt là xe chở khách) qua các khu vực đèo dốc, có ảnh hưởng của sương mù, trơn trượt, điểm đen về tai nạn giao thông trên đường bộ.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo Nhà đầu tư BOT, VEC yêu cầu các trạm thu phí sử dụng đường bộ có phương án tăng cường bố trí nhân viên bán vé, tăng số cửa thu soát vé; mở cửa trạm để giải quyết ùn tắc theo quy định tránh gây ùn tắc.

Xả trạm thu phí để giải quyết ùn tắc giao thông trong dịp nghỉ lễ 2/9 (Ảnh minh họa)

Giải tỏa các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ ra, vào đô thị lớn, các tuyến đường trọng điểm, đầu mối giao thông như: Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Nội Bài; Bến xe Miền Đông, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm,...

Các bến xe khách triển khai các hình thức bán vé, niêm yết giá vé công khai, tạo thuận lợi cho người dân có nhu cầu mua vé. Đồng thời có biện pháp phòng chống việc đầu cơ, buôn bán vé, không để tình trạng tăng giá vé trái quy định gây bức xúc dư luận.

Các đơn vị kinh doanh vận tải đảm bảo số lượng phương tiện để phục vụ nhu cầu vận chuyển khách; có phương án tăng cường, dự phòng phương tiện và công tác đảm bảo an toàn giao thông để đáp ứng nhu cầu vận chuyển.

Đặc biệt quán triệt, phổ biến cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe thực hiện đúng quy định về thời gian lái xe trong ngày, tuyệt đối không sử dụng rượu bia trước và sau khi lái xe.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố Chỉ đạo các Phòng Vận tải, Thanh tra Sở phối hợp với các lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an trật tự,… tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Phối hợp tổ chức, lên phương án phân luồng giao thông hợp lý, giảm tối đa tình trạng ùn tắc giao thông hoặc giải tỏa nhanh ùn tắc trước và sau thời gian nghỉ Lễ Quốc khánh.

Tổ chức điều hành, tăng cường các biện pháp quản lý giao thông trong đô thị, tại địa phương bằng các phương tiện giao thông công cộng như: xe buýt, xe taxi, xe ôm,… đảm bảo an toàn, thuận lợi cho người dân đi lại.

Khẩn trương đề xuất, báo cáo Thủ tướng phương án thu phí sử dụng đường bộ

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 18/2012 về Quỹ bảo trì đường bộ. Theo đó, xét đề nghị của Bộ GTVT và ý kiến của các Bộ Tư pháp, Tài chính, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:

Đồng ý Bộ GTVT dừng trình dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 18/2012 về Quỹ bảo trì đường bộ. Yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Bộ Tài chính, tiếp tục chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định theo hướng bãi bỏ Nghị định 18/2012 (giải thể Quỹ Bảo trì đường bộ và Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ trung ương…), trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/10/2019.

Bảo trì đường bộ trên QL1 qua tỉnh Nghệ An - Ảnh Trần Duy

Giao Bộ Tài chính khẩn trương đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án thu phí sử dụng đường bộ (về phương thức thu phí; thẩm quyền ban hành mức thu phí sử dụng đường bộ trên cả nước, bao gồm cả hệ thống đường bộ do trung ương quản lý và hệ thống đường bộ do địa phương quản lý) cũng như phương án phân bổ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương đối với nguồn kinh phí này, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành.

Trước đó, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất cơ quan có thẩm quyền bỏ 6 quỹ, trong đó có Quỹ Bảo trì đường bộ. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Hoàng Minh, Chánh văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư cho biết, đây mới chỉ là đề xuất của đoàn giám sát. Tuy nhiên, trong trường hợp quỹ dừng hoạt động, chủ phương tiện vẫn phải nộp phí theo Luật Phí và lệ phí được Quốc hội ban hành năm 2015.

“Đây mới chỉ là đề xuất, Thường vụ Quốc hội chưa có kết luận về việc này. Sau khi Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết giám sát thì các cơ quan liên quan sẽ căn cứ vào Nghị quyết để thực hiện các bước tiếp theo”, ông Minh cho hay.

Cũng theo ông Minh, thời điểm trước năm 2013 khi chưa có Quỹ Bảo trì đường bộ, hàng năm nguồn vốn dành cho công tác này được cấp từ ngân sách Nhà nước với số tiền mỗi năm khoảng trên 2.000 tỷ đồng. Số tiền quá ít ỏi này không đáp ứng được nhu cầu bảo trì đường bộ (đáp ứng khoảng 17-20% nhu cầu bảo trì đường bộ), đảm bảo ATGT nên mới thành lập ra Quỹ Bảo trì đường bộ với tiêu chí là huy động từ xã hội nguồn vốn dành cho công tác này một cách ổn định, lâu dài, phục vụ tốt bảo trì đường bộ, chia sẻ gánh nặng với ngân sách nhà nước.

Thay vì trước kia mỗi năm ngân sách cấp vài nghìn tỷ đồng cho công tác bảo trì đường bộ, từ sau khi có quỹ tới nay, nguồn thu của Quỹ cộng với ngân sách cấp bù đã đạt trên dưới 10.000 tỷ đồng.

“Việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ đã được quy định theo Luật Phí và lệ phí số 97/2015 của Quốc hội. Như vậy, việc bãi bỏ Quỹ Bảo trì đường bộ không có nghĩa là không phải đóng phí sử dụng đường bộ. Việc bãi bỏ Quỹ Bảo trì đường bộ chỉ mang tính chất sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hoạt động, phù hợp với các quy định mới của pháp luật hiện hành. Việc đóng phí sử dụng đường bộ của người dân và doanh nghiệp vẫn thực hiện theo luật và tiếp diễn bình thường tại các trung tâm đăng kiểm. Phí sử dụng đường bộ sẽ được Cục Đăng kiểm tổng hợp nộp vào ngân sách Nhà nước theo đúng quy định tại Luật Phí và lệ phí”, ông Minh cho hay.

Cần hơn 1.600 tỉ đồng thực hiện đề án camera giám sát ở TP.HCM

Camera quan sát giao thông ở TP.HCM

Theo Sở TT-TT, việc thực hiện đề án trải qua hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (2019 - 2021) chuẩn bị các nền tảng kỹ thuật và phi kỹ thuật cần thiết cho việc xây dựng hệ thống camera tập trung của TP. Giai đoạn này còn xây dựng hệ thống camera tập trung: lựa chọn khoảng 300 camera hiện có và bổ sung 200 camera tại các vị trí trọng điểm (tổng cộng 500 camera).

Đồng thời, triển khai tích hợp khoảng 1.000 camera giám sát giao thông, ANTT của Sở GTVT, Công an TP và các quận huyện; xây dựng hạ tầng, đường truyền cáp quang riêng kết nối và chia sẻ dữ liệu…

Giai đoạn 2 (2021 - 2025) sẽ mở rộng số lượng camera được tích hợp dữ liệu tại hệ thống camera tập trung cấp TP, dự kiến khoảng 10.000 camera. Dự tính kinh phí thực hiện đề án trên lên tới 1.607 tỉ đồng từ ngân sách TP.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 24/8/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...