Thứ bảy, 20/04/2024 03:37 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 25/6/2020

MTĐT -  Thứ năm, 25/06/2020 11:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 25/6/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 25/6/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Tạm dừng quy hoạch tổng thể khu kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý tạm dừng triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong cho đến khi Luật đơn vị hành chính đặc biệt được Quốc hội thông qua như đề nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa.

Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa khẩn trương tổ chức việc lập Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng Luật Quy hoạch năm 2017; Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản pháp luật về quy hoạch; đồng thời tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch có liên quan và quy định của pháp luật.

Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản số 12216 và 4722 đề nghị Thủ tướng xem xét cho phép dừng việc lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Đặc khu Bắc Vân Phong.

Trước đó, tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét tạm dừng quy hoạch đặc khu Bắc Vân Phong. Ảnh: KS.

Sở dĩ, tỉnh Khánh Hòa có văn bản đề nghị trên do Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vẫn chưa được Quốc hội dự kiến thời gian thông qua. Nên quá trình tỉnh triển khai lập quy hoạch khu vực Bắc Vân Phong theo định hướng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi chưa xác định được cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, nội dung quy hoạch, hội đồng thẩm định và các nội dung liên quan khác.
Từ đó kéo theo việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu vực Bắc Vân Phong theo định hướng phát triển thành Đặc khu Bắc Vân Phong cũng chưa được triển khai.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa đánh giá, về kết quả đạt được và những khó khăn sau 5 năm thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2030 cho thấy, khu vực Nam Vân Phong đã có một số dự án đi vào hoạt động và đang xây dựng.

Cụ thể, như nhà máy Tàu biển Hyundai Vinashin, kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong, khu công nghiệp Ninh Thủy, nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1, cảng tổng hợp Nam Vân Phong… Tuy nhiên, ở đây một số khu chức năng vẫn chưa được triển khai.

Còn đối với khu vực Bắc Vân Phong, do chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế - hành chính của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, nên chưa triển khai lập quy hoạch các khu chức năng để nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.

Từ thực tế trên, tỉnh Khánh Hòa còn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2030 theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của khu kinh tế, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, tạo điều kiện kêu gọi nhà đầu tư.

Gần 300 tỷ đồng sửa chữa mặt cầu Thăng Long

Tổng cục Đường bộ Việt Nam dự kiến, kinh phí cho việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long lần này hết khoảng 270 tỷ đồng.

Để sửa chữa những hư hỏng nghiêm trọng trên mặt cầu Thăng Long, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đã phát hành hồ sơ mời thầu để lựa chọn đơn vị sửa chữa. Việc sửa chữa dự kiến khởi công vào tháng 7 tới và hoàn thành vào quý IV-2020.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, dự kiến kinh phí cho việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long lần này hết khoảng 270 tỷ đồng, việc sửa chữa lần này sẽ áp dụng giải pháp công nghệ hiện đại và có chuyên gia nước ngoài giám sát thi công.

Mặt cầu Thăng Long xuống cấp nghiêm trọng.

Công nghệ này được các đơn vị của Tổng cục nghiên cứu 2 năm nay, trên cơ sở tiếp thu công nghệ của nhiều nước đã áp dụng. Ở Việt Nam, công nghệ này còn khá mới mẻ tuy nhiên đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công.

Cầu Thăng Long được khởi công xây dựng năm 1974 và khánh thành ngày 9/5/1985. Qua thời gian sử dụng, mặt cầu Thăng Long đã bị hư hỏng và trải qua nhiều lần sửa chữa. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Phê duyệt Quyết định thành lập 4 cụm công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội

Quyết định số 2456/QĐ-UBND ngày 15/6/2020 về việc thành lập Cụm công nghiệp Dương Liễu - giai đoạn 2 với quy mô khoảng 17ha tại xã Minh Khai, huyện Hoài Đức. Ngành nghề cụ thể: Là cụm công nghiệp làng nghề, có định hướng các ngành nghề như: chế biến tinh bột sắn, chế biến nông sản, chế biến gỗ, các ngành tiêu thủ công nghiệp khác.. dịch vụ hỗ trợ cụm công nghiệp (cửa hàng xăng dầu) và các ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác phù hợp với Quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030 trong đó ưu tiên các ngành công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường.

Ảnh minh họa

Quyết định số 2466/QĐ-UBND ngày 16/6/2020 về việc thành lập Cụm công nghiệp Thắng Lợi với quy mô 8,887 ha tại xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín. Ngành nghề cụ thể: Là cụm công nghiệp làng nghề, các ngành nghề chủ yếu: mộc dân dụng, sắt thép, vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo, các ngành tiểu thủ công nghiệp khác.. dịch vụ hỗ trợ cụm công nghiệp (cửa hàng xăng dầu) và các ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác phù hợp với Quy hoạch phát triến Cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2030 trong đó ưu tiên các ngành công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường.

Quyết định số 2468/QĐ-UBND ngày 16/6/2020 về việc thành lập Cụm công nghiệp Tiền Phong - Giai đoạn 2 với quy mô khoảng 8,1 ha tại xã Tiền Phong, huyện Thường Tín. Ngành nghề cụ thể: Là cụm công nghiệp đa ngành nghề, các ngành nghề chủ yếu: chăn ga gối đệm, mộc dân dụng, sắt thép, vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo, các sản phẩm làng nghề...; dịch vụ hỗ trợ cụm công nghiệp (cửa hàng xăng dầu) và các ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác phù hợp với Quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2030 trong đó ưu tiên các ngành công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường.

Quyết định số 2469/QĐ-UBND ngày 16/6/2020 về việc thành lập Cụm công nghiệp Hồng Hà với quy mô khoảng 6 ha tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng. Ngành nghề cụ thể: Là cụm công nghiệp làng nghề, có định hướng các ngành nghề như: Sơ chế gỗ, mộc dân dụng, chế biến lương thực, thực phẩm và các ngành nghề sản suất kinh doanh khác phù hợp với Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030; các ngành nghề dịch vụ hỗ trợ CCN (kể cả xăng dầu).

Về chủ trương, UBND Thành phố xác định tiêu chí lựa chọn Nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động sản xuất trong cụm công nghiệp như sau: Ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp sản xuất công nghiệp sạch, sử dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ mới, hiện đại; thân thiện môi trường; di dời các cơ sở sản xuất, làng nghề tại khu dân cư ra khu vực sản xuất tập trung nhưng phải đảm bảo các tiêu chí trên.

Đầu tư xây dựng cụm công nghiệp theo định hướng: Công nghiệp xanh, sạch (tiết kiệm năng lượng, không gây ô nhiễm môi trường, không khí, tiếng ồn); ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao. Đảm bảo việc đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung áp dụng công nghệ xử lý môi trường hiện đại; xây dựng hệ thống thu gom nước thải và hệ thống thu gom nước mặt tách rời; bố trí địa điểm tập kết, thu gom chất thải: chất thải công nghiệp, rác thải. Xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại (đường giao thông, kho bãi, bãi để xe, cửa hàng xăng dầu, trạm nạp điện...).

Tuyệt đối không bố trí đơn vị ở, lưu trú, trung tâm dịch vụ thương mại trong phạm vi ranh giới cụm công nghiệp. Đảm bảo về bảo vệ môi trường theo quy định. Về CCN Hồng Hà: phục vụ di dời, mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong xã Hồng Hà và khu vực lân cận nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ trong khu dân cư, phát triển nghề, làng nghề ở địa phương.

Quy hoạch khu vực bố trí tái định cư rộng 41ha

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực bố trí tái định cư xã Vĩnh Trung và xã Vĩnh Thái (TP. Nha Trang).

Khu vực này có tổng diện tích 41ha, có vị trí phía bắc giáp nhánh sông Quán Trường; phía nam giáp ranh giới dự án Khu đô thị Phúc Khánh I và ranh giới lập quy hoạch Khu đô thị Thái Thông; phía đông giáp ranh giới khu dân cư lân cận và Khu đô thị Mỹ Gia; phía tây giáp sông Quán Trường; quy mô dân số khoảng 10.000 người. Mục tiêu lập quy hoạch nhằm xây dựng khu dân cư phục vụ bố trí tái định cư thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn TP. Nha Trang. Trong đó, sẽ giữ lại phần lớn nhà ở hiện hữu trong khu vực lập quy hoạch và bố trí thêm các khu vực nhà tái định cư, các công trình công cộng và không gian cây xanh kết hợp với hệ thống hạ tầng kỹ thuật được cải tạo và xây dựng mới đồng bộ.

Theo quy hoạch, các nhà tái định cư, nhà ở chỉnh trang trong khu vực này có tầng cao xây dựng không quá 6 tầng và dưới 22m. Riêng khu nhà ở xã hội và công trình thương mại dịch vụ có tầng cao xây dựng không quá 20 tầng và thấp hơn 80m.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 25/6/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...