Thứ tư, 24/04/2024 19:44 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 26/2/2020

MTĐT -  Thứ tư, 26/02/2020 09:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 26/2/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 26/2/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổnng hợp.

Phó Thủ tướng yêu cầu giải ngân nhanh 7.000 tỷ đồng cải tạo đường sắt

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ 4 dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường sắt Hà Nội - TP.HCM, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 15/3.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 1374/VPCP-CN về 4 Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM.

Theo đó, đối với 4 dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM sử dụng 7.000 tỷ đồng nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2106 - 2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phân công hợp lý.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ GTVT cần chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/3.

Được biết, 4 dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM có tổng nguồn vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 556/NQ-UBTVQH13 ngày 31/7/2018 về phương án sử dụng 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Phó Thủ tướng yêu cầu giải ngân nhanh 7.000 tỷ đồng cải tạo đường sắt. Ảnh minh họa.

Việc cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam lần này được chia thành 4 dự án thành phần, bao gồm: Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh, tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt đoạn Nha Trang - Sài Gòn, tổng mức đầu tư 1.850 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống xô va trên tuyến Hà Nội - TP.HCM, tổng đầu tư 1.950 tỷ đồng; gia cố hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, với tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ còn chưa đầy 1 năm để hoàn thành tiến độ 4 dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM với tổng vốn 7.000 tỷ đồng được Quốc hội phê duyệt từ năm 2018. Trong khi, đơn vị được giao thực hiện dự án này vẫn còn nhiều vướng mắc.
Theo kế hoạch, Ban quản lý dự án (PMU) 85 và PMU Đường sắt được Bộ GTVT giao là đại diện chủ đầu tư của 4 dự án trên. Tuy nhiên, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa chuyển từ Bộ GTVT vể trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. 

Thống nhất lập 1 trạm thu phí BOT trên tuyến tránh thị xã Cai Lậy

Bộ GTVT chốt phương án đầu tư thêm một trạm thu phí mới trên tuyến tránh Cai Lậy để thu phí hoàn vốn cho Dự án BOT đầu tư tuyến tránh Cai Lậy và tăng cường mặt đường QL1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang.

Thông tin này vừa được lãnh đạo Vụ PPP (Bộ GTVT) xác nhận với baodautu.vn. Cụ thể, Bộ GTVT thống nhất lập 1 trạm trên tuyến tránh thị xã Cai Lậy và yêu cầu Nhà đầu tư triển khai xây dựng trạm đảm bảo theo đúng quy định, tiết kiệm, hiệu quả.

Phương án được Bộ GTVT lựa chọn cũng trùng với phương án được UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị hồi cuối tháng 8/2019. Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị thực hiện phương án lập thêm một trạm trên tuyến tránh, thu cả hai trạm trên tuyến tránh và QL1 hiện hữu để hoàn vốn đầu tư Dự án. Với phương án này, sẽ có thêm một trạm BOT nữa được xây trên tuyến tránh Cai Lậy và thực hiện thu phí đồng thời cả hai trạm, trạm nào hoàn vốn xong sẽ dỡ trạm đó. Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ và địa phương tổ chức sẽ thực hiện phân luồng giao thông theo hướng cho xe lớn di chuyển trên tuyến tránh nhằm tránh kẹt xe và gây ô nhiễm môi trường QL1 đoạn qua thị xã Cai Lậy.

Dự án BOT tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km1987+560÷ Km2014 và đoạn tránh thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã tạm dừng thu phí hơn 2 năm, Nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn.

Về phương án tài chính của Dự án, Bộ GTVT cho biết, trước mắt triển khai thu phí và theo dõi doanh thu từng năm để có cơ sở đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo phương án tài chính của dự án. Đồng thời, Bộ GTVT giao Vụ PPP tham mưu Bộ GTVT có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án thu phí đối với dự án BOT Cai Lậy; tham mưu Bộ GTVT có văn bản triển khai phương án tổ chức thu phí đối với dự án.

Về giải quyết tổng thể vướng mắc của các dự án BOT đường bộ, lãnh đạo Bộ GTVT giao Vụ PPP rà soát, tham mưu Bộ để tiếp tục báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ về tổng thể vướng mắc của các dự án BOT đường bộ (có kèm chi tiết từng dự án cụ thể) và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn của các dự án.

Dự án xây dựng công trình tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km1987+560÷ Km2014 và đoạn tránh thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT; công trình dự án đã hoàn thành giai đoạn đầu tư, đưa vào khai thác và bắt đầu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ từ ngày 1/8/2017.

Tuy nhiên, khi tổ chức thu phí đã có phản ứng của một số người sử dụng đường dẫn đến mất an ninh trật tự và an toàn giao thông tại Trạm nên Nhà đầu tư tạm dừng thu phí từ ngày 14/8/2017.

Sau khi dừng hoạt động, Bộ GTVT đã làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang, thống nhất phương án xử lý miễn giảm phí (giảm 30% toàn bộ phương tiện và miễn 50-100% cho các phương tiện thuộc 4 xã lân cận), đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức thu trở lại. Ngày 30/11/2017, trạm thu phí Cai Lậy hoạt động trở lại nhưng tiếp tục có diễn biến phức tạp, mất an ninh trật tự. Do vậy, Bộ GTVT đã báo cáo và tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 04/12/2017, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tạm dừng để nghiên cứu phương án xử lý.

Đến nay, Dự án đã tạm dừng thu hơn 2 năm, Nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn, ngân hàng lo ngại sẽ phải chuyển sang nhóm nợ xấu, ảnh hưởng đến uy tín và môi trường đầu tư.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 8736/VPCP-CN ngày 26/9/2019 của Văn phòng Chính phủ về việc giao Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định phương án thu phí cuối cùng, Bộ GTVT đã và đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan cùng Nhà đầu tư nghiên cứu các phương án để sớm tổ chức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ trở lại một cách sớm nhất, dự kiến bắt đầu thu phí trở lại từ khoảng giữa năm 2020.

Xem xét triển khai trở lại dự án đường sắt Yên Viên - Hạ Long - Cái Lân

Ngày 25-2, Bộ GTVT cho biết, dự án đường sắt Yên Viên - Hạ Long - Cái Lân đang được các cơ quan chức năng xem xét đánh giá lại để có thể đầu tư tiếp sau 9 năm dừng triển khai.

Bộ đang giao Viện Chiến lược Bộ GTVT và Ban Quản lý dự án đường sắt nghiên cứu tính toán tổng nhu cầu vốn của dự án này để Chính phủ xem xét khả năng cân đối vốn, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay.

Nếu kịp, Chính phủ có thể giao cho kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn năm 2021-2025 để triển khai dự án trở lại. Dự án có tổng chiều dài 131km này bị đình hoãn theo chủ trương cắt giảm đầu tư công, nhưng hiện vẫn phù hợp quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia. Nhiều hạng mục của dự án như vật tư, thiết bị có giá trị hàng trăm tỷ đồng đang bị “đắp chiếu”. Nếu không triển khai tiếp để hoàn thiện dự án, sẽ rất lãng phí. Để triển khai tiếp, các cơ quan chức năng sẽ tính toán kỹ khối lượng còn lại, ước tính kinh phí, có thể phân kỳ làm từng đoạn để đẩy nhanh kết nối tới bãi xếp dỡ của cảng Cái Lân.

Theo tính toán trước đó của Bộ GTVT, để dự án có thể tiếp tục, cần thêm 6.000 tỷ đồng bên cạnh 4.556,4 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ đã được bố trí, nâng tổng mức đầu tư lên thành 10.556 tỷ đồng so với 7.665 tỷ đồng được phê duyệt năm 2004. Lý do tăng là thay đổi về giá nguyên vật liệu, nhân công, kinh phí giải phóng mặt bằng...

Thái Nguyên: Nhà đầu tư đề xuất đầu tư sân golf hơn 950 tỷ đồng

Công ty CP Tập đoàn đầu tư phát triển Trường An vừa có hồ sơ đề xuất gửi UBND tỉnh Thái Nguyên về việc thực hiện Dự án Sân golf Hồ Núi Cốc tại xã Phúc Xuân và xã Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Dự án có tổng mức đầu tư 956,367 tỷ đồng. Vốn tự có của nhà đầu tư là 191,273 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác là 756,093 tỷ đồng. Dự kiến Dự án sẽ được đầu tư trong 36 tháng kể từ khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.

Khu đất được đề xuất xây dựng Dự án có diện tích khoảng 130,61 ha, trong đó, đất dành cho quy hoạch sân golf khoảng 122,95 ha; đất dành cho vùng bảo vệ cảnh quan và dự trữ phát triển khoảng 7,66 ha. Nhà đầu tư cho biết, dự án không sử dụng đất lúa (kể cả đất lúa một vụ năng suất thấp), đất màu, đất trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị để xây dựng sân golf. Dự án sử dụng một phần diện tích đất ở nông thôn là 8,95 ha.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 26/2/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.