Thứ năm, 25/04/2024 19:39 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 26/7/2020

MTĐT -  Thứ hai, 27/07/2020 10:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 27/7/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 27/7/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Tân Yên đón Bằng công nhận đạt chuẩn NTM và Huân chương Lao động hạng Ba

Tối 26/7, tại Quảng trường Lương Văn Nắm, diễn ra lễ công bố huyện Tân Yên (Bắc Giang) đạt chuẩn NTM và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Như vậy, Tân Yên là huyện thứ 3 của tỉnh Bắc Giang đạt chuẩn NTM.

Ngày 29/6, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 904/QĐ-TTg công nhận huyện Tân Yên đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2020.

Sau 10 năm (2011 - 2020) triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bằng nguồn ngân sách, nguồn vốn từ các doanh nghiệp và đóng góp của nhân dân, Tân Yên đã huy động được gần 3.700 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất.

Ông Dương Ngô Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tân Yên, cho biết, đến nay 20/20 xã của huyện đã đạt chuẩn NTM, huyện đạt 09/09 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về huyện đạt chuẩn NTM. Toàn huyện đã đầu tư cứng hóa, làm mới và mở rộng được 1.215,17km km đường giao thông nông thôn; tỷ lệ phòng học kiên cố của huyện đạt 95%; 100% nhà văn hóa, khu thể thao, điểm sinh hoạt văn hóa của thôn, xã đều đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Hiện, Tân Yên đã xây dựng và phát triển 7 nhãn hiệu hàng hoá chủ lực, đặc trưng, 2 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, giá trị sản xuất đạt 175,9% so với năm 2015, giá trị trị sản xuất trên 1ha canh tác đạt 153 triệu đồng, tăng 56 triệu đồng so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của huyện năm 2019 đạt 41,35 triệu đồng. Đến hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo (tính theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2015) là 2,96%; ước đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 2,08%.

Ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tặng cờ thi đua và thưởng 1 tỷ đồng cho nhân dân, cán bộ huyện Tân Yên. 

Cùng với đó, huyện đã tập trung huy động nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; xây dựng, cải tạo, nâng cao chất lượng công trình văn hóa, giáo dục, y tế: Hệ thống trường mầm non, tiểu học, THCS đều đạt chuẩn quốc gia, 99,3% người dân tham gia bảo hiểm y tế, 99,5% hộ dân được cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh.
Giờ đây, bộ mặt nông thôn của huyện thay đổi rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn từng bước được cải thiện; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn; tình hình an ninh chính trị, trật tự trên địa bàn được giữ vững, ổn định.

Ông Mạnh nhấn mạnh, với phương châm “Xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, Tân Yên phấn đấu đến năm 2025 đạt huyện NTM nâng cao. Cấp xã có ít nhất 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 02 xã đạt xã NTM kiểu mẫu. Mỗi xã có ít nhất 1 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu. Phát triển du lịch, dịch vụ gắn với phát huy tiềm năng vùng trồng cây ăn quả chuyên canh, di tích lịch sử, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tại lễ công bố, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Tân Yên đạt chuẩn NTM năm 2020.

Ông Bùi Văn Hải, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho nhân dân, cán bộ huyện Tân Yên.

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã tặng cờ thi đua và thưởng 1 tỷ đồng cho nhân dân, cán bộ huyện Tân Yên. Tặng bằng khen cho 10 tập thể, 10 cá nhân có thành tích trong xây dựng NTM.

Phát biểu tại lễ công bố, ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, khi bắt tay vào xây dựng NTM, tỉnh gặp không ít khó khăn, thách thức do quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn còn nhiều khó khăn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bình quân toàn tỉnh chỉ đạt 7,2 tiêu chí/xã.

Sau 10 năm triển khai thực hiện, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc mạnh mẽ của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng xã hội; cùng với sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện từ tỉnh tới cơ sở nên đã huy động được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của đông đảo nhân dân, tạo lên phong trào phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trên toàn tỉnh, từ đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện.

Bộ mặt nông thôn chuyển biến tích cực, trở lên khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn; hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng; sản xuất nông nghiệp có nhiều đổi mới, phát triển ổn định, bền vững, với nhiều mô hình sản xuất, mô hình liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao; số hộ nghèo giảm nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân cải thiện rõ rệt.

Đến nay, toàn tỉnh có 107/184 xã đạt chuẩn NTM, đạt trên 58% (vượt xa mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra 35-40%); bình quân các xã đạt 16 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí (cao hơn bình quân cả nước). Bên cạnh đó, 122 thôn đã đạt chuẩn NTM, trong đó 12 thôn đạt NTM kiểu mẫu.

Đặc biệt, sau huyện Việt Yên và huyện Lạng Giang, Tân Yên là huyện thứ 3 trong tỉnh Bắc Giang được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM.

Với những kết quả đạt được, Bắc Giang đã vươn lên trở thành tỉnh dẫn đầu khu vực Trung du miền núi phía Bắc về xây dựng NTM. Trong thành tích chung đó, có sự đóng góp rất quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Tân Yên.

Bạc Liêu đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng xây dựng Nhà máy điện gió

Ngày 26/7, tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, UBND tỉnh Bạc Liêu và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Phương Anh (Hà Nội), tổ chức Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1- Giai đoạn 2 và Dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 2, có tổng công suất 100 MW, với tổng vốn đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng.

Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1- Giai đoạn 2 và Dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 2 tại tỉnh Bạc Liêu.

Theo chủ đầu tư, Dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1 - Giai đoạn 2 được sử dụng chung hạ tầng với Dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1 - Giai đoạn 1, nhằm tiết kiệm quỹ đất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.

Dự án này được xây dựng trong khu vực biển thuộc địa phận xã Vĩnh Hậu A và xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, có diện tích khoảng hơn 930ha. Riêng Dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 2, có hệ thống Turbine gió được xây dựng trong khu vực biển thuộc địa phận xã Vĩnh Thịnh, huyện hòa Bình, có diện tích khu vực biển hơn 1.100 ha.

Hai dự án này dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào vận hành trước tháng 11/2021. Khi đi vào hoạt động, mỗi năm 2 nhà máy sản xuất ra sản lượng khoảng 400.000.000 KWh, với mức doanh thu dự kiến đạt trên 800 tỷ đồng/năm.

Theo ông Dương Thành Trung- Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, việc phát triển các Dự án điện gió ven biển rất phù hợp với điều kiện sẵn có và định hướng phát triển của Bạc Liêu, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tỉnh Bạc Liêu cam kết sẽ hỗ trợ tối đa và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1 - Giai đoạn 2 và Dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 2 triển khai đúng tiến độ, đưa vào hoạt động đạt hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Hà Tĩnh đề xuất hỗ trợ 414 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa 37 hồ chứa

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tỉnh nâng cấp, sửa chữa 37 công trình hồ chứa với kinh phí dự kiến 414 tỷ đồng.

Hà Tĩnh hiện có 351 hồ chứa với tổng dung tích 1,6 tỷ m3. Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Bộ NN&PTNT, các tổ chức quốc tế và huy động nguồn lực địa phương, toàn tỉnh đã sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới, đưa vào khai thác, sử dụng được 34 hồ chứa thủy lợi với tổng kinh phí 6.417 tỷ đồng.

Để đảm bảo an toàn hồ chứa, hiện tỉnh đang tiếp tục triển khai nâng cấp, sửa chữa cho 24 hồ chứa (25 hồ chứa từ dự án cải tạo, nâng cấp an toàn đập WB8, 5 hồ từ dự án cải thiện cơ sở hạ tầng cho các xã bị ảnh hưởng bị ngập lụt tỉnh Hà Tĩnh, 4 hồ chứa từ nguồn quỹ phòng chống thiên tai năm 2020).

Tràn tự do của hồ Ma Leng (Hương Khê) bị hư hỏng nghiêm trọng nhưng chưa có kinh phí sữa chữa

Tuy nhiên, qua rà soát, hiện tại toàn tỉnh đang có 50 hồ chứa bị hư hỏng nặng, nguy cơ mất an toàn cao, chưa có nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp.

Để chủ động ứng phó với bất thường của thời tiết và đảm bảo an toàn công trình vùng hạ du đập trong mùa mưa lũ năm 2020 và những năm tiếp theo, thay mặt UBND tỉnh Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn vừa ký văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ đầu tư nâng cấp, sửa chữa 37 công trình với kinh phí dự kiến 414 tỷ đồng.

Số công trình còn lại tỉnh sẽ huy động nguồn lực địa phương để nâng cấp, sửa chữa đảm bảo an toàn.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 26/7/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.