Thứ tư, 17/04/2024 00:45 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 27/6/2020

MTĐT -  Thứ bảy, 27/06/2020 08:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 27/6/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 27/6/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Indonesia đầu tư 11,38 tỷ USD để xây dựng hệ thống giao thông tại các đảo chiến lược

Bộ trưởng Bộ Công trình Công cộng và Nhà ở Công cộng (PUPR) Indonesia, ông Basuki Hadimuljono, cho biết, chính phủ nước này đã phân bổ tổng cộng 162.710 tỷ rupiah (tương đương khoảng 11,38 tỷ USD) để thực hiện kế hoạch xây dựng các tuyến giao thông đường bộ trên 18 hòn đảo được xác định là có vị trí chiến lược của Indonesia.
Mặc dù không đề cập chính xác 18 hòn đảo được Indonesia xác định có vị trí chiến chiến lược của quốc gia nhưng ông Basuki Hadimuljono cho biết một số tuyến đường giao thông vận tải sẽ được xây dựng để phục vụ việc vận tải hàng hóa tại các khu công nghiệp Aceh Ladong và Jalan Lintas Tengah như tuyến giao thông Jantho Keumala và Geumpang Pameu thuộc tỉnh Aceh.

Tuyến vận tải đường bộ trên khu vực biên giới giữa tỉnh Papua của Indonesia với quốc gia láng giềng Papua New Guinea, bao gồm: Giao lộ Kapiraya Waghete, đường Elamo I và II, đường Usibub Towe Hitam Oksibil và Goro Kp. Muri sẽ là những tuyến đường giao thông vận tải được chú trọng xây dựng mới hoàn toàn.

Ngoài ra, Indonesia cũng sẽ xây dựng một số tuyến đường giao thông vận tải mới như tại Pulau Seram, Pulau Buru, Wetar Island và Pulau Kei Besar…

Ông Basuki Hadimuljono cho biết thêm, ngoài các công trình giao thông trên, Chính phủ Indonesia cũng đang tiếp tục thúc đẩy xây dựng tuyến đường giao thông vận tải Merauke - Sorong tại tỉnh Papua với tổng kinh phí là 2.930 tỷ rupiah. Dự án này bao gồm cả một tuyến đường giao thông vận tải kết nối giữa tỉnh Papua và đảo Asmat của Indonesia.
Sau khi nhậm chức Tổng thống Indonesia nhiệm kỳ đầu tiên (2014-2019), ông Jokowi đã thể hiện tham vọng xây dựng các tuyến đường trên khu vực biên giới giữa tỉnh Papua, Indonesia và Papua New Guinea.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây là những bước đi cụ thể của tổng thống Jokowi trong việc tăng cường kết nối giao thông đường bộ với các quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, để xây dựng thành công các tuyến đường vận tải tại khu vực Papua sẽ không dễ dàng vì đây là khu vực có điều kiện tự nhiên khắc nhiệt, địa hình hiểm trở và tình hình thiếu ổn định.

Bamboo Capital được chọn làm dự án khu công nghiệp 368ha tại Bình Định

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý chọn Công ty Cổ phần Bamboo Capital (HoSE: BCG) làm chủ đầu tư dự án khu công nghiệp Cát Trinh có quy mô diện tích 368ha tại huyện Phù Cát.

Theo Công văn số 4057/UBND-KT ngày 22/6/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý chủ trương chọn Công ty Cổ phần Bamboo Capital làm chủ đầu tư dự án khu công nghiệp Cát Trinh như đề nghị của Ban quản lý Khu kinh tế.

Được biết, năm 2012, dự án khu công nghiệp Cát Trinh UBND tỉnh Bình Định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000, với tổng diện tích 368 ha.

Bamboo Capital làm chủ đầu tư dự án khu công nghiệp Cát Trinh tại Bình Định

Dự án được giao cho Công ty Cổ phần đầu tư Khu công nghiệp Phước Lộc Thọ làm chủ đầu tư. Từng được kỳ vọng sẽ là một trong những khu công nghiệp hiện đại nhất ở Bình Định, tuy nhiên chủ đầu tư lại chậm triển khai dự án.

Đến 19/5/2014, tỉnh Bình Định đã có công văn về việc tạm dừng thực hiện đối với dự án này. Sau đó, ngày 18/8/2016, tỉnh Bình Định đã quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án khu công nghiệp Cát Trinh đã cấp cho Công Phước Lộc Thọ do nhà đầu tư này không đủ năng lực triển khai dự án.

Được biết, khu công nghiệp Cát Trinh được xây dựng trở thành khu công nghiệp cho các doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ gỗ và các ngành nghề phụ trợ, như chế biến lâm sản từ nguyên liệu thô như ván lạng, gỗ, súc; sản xuất đồ mộc, đồ gỗ nội thất; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, ván ép, ván sàn cao cấp; chế biến nguyên liệu giấy…

Theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh sẽ hình thành 8 khu công nghiệp (chưa tính các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nhơn Hội) với tổng diện tích quy hoạch là 1.961ha gồm khu công nghiệp Phú Tài (345ha), khu công nghiệp Long Mỹ (120ha), khu công nghiệp Nhơn Hòa (320ha), khu công nghiệp Hòa Hội (340ha), khu công nghiệp Bình Nghi (228ha), khu công nghiệp Cát Trinh (368ha), khu công nghiệp Bồng Sơn (120ha) và khu công nghiệp Bình Long (120ha).

Về nhà đầu tư mới, Bamboo Capital được thành lập vào năm 2011 với 2 lĩnh vực hoạt động chính là dịch vụ ngân hàng đầu tư, tư vấn M&A, huy động vốn, cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin và phát triển dự án.

Đến năm 2013, Bamboo Capital chuyển đổi mô hình hoạt động kinh doanh thành công ty đầu tư và mở rộng thêm 2 mảng khác. Tháng 7/2015, công ty chính thức niêm yết trên sàn HoSE với mã chứng khoán BCG.

Một trong những điểm đáng chú ý đối với các nhà đầu tư trước khi doanh nghiệp này “ra mắt” HoSE khi đó chính là tốc độ tăng vốn điều lệ đến “chóng mặt”. Chỉ trong vòng hơn 3 năm kể từ ngày thành lập, Bamboo Capital đã tiến hành tăng vốn tới 3 lần.

Cụ thể, vốn điều lệ của công ty đã tăng từ 500 triệu đồng (năm 2011) lên thành 21,6 tỷ đồng (năm 2012), và tiếp tục được nâng lên, đạt 407 tỷ đồng vào năm 2015. Đến tháng 7/2016, công ty lại tiếp tục làm cho nhà đầu tư “choáng váng” khi cho biết đã lọt vào “list” các doanh nghiệp nghìn tỷ với việc hoàn tất tăng vốn lên 1.050 tỷ đồng.

Hiện vốn điều lệ của Bamboo Capital đang ở mức 1.080 tỷ đồng, do ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch HĐQT, làm đại diện theo pháp luật.

Theo thông báo Bamboo Capital, ngày 27/6 tới đây, công ty sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Tại đây, Bamboo Capital sẽ công bố kết quả hoạt động kinh doanh năm 2019 và kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2020.

Ngoài ra, Bamboo Capital sẽ công bố thông tin nghị quyết của HĐQT về việc thông qua đề cử thành viên độc lập HĐQT tham gia ứng cử nhiệm kỳ 2020-2025.

Phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án Khu dân cư cồn Tân Lập

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành quyết định phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 dự án Khu dân cư cồn Tân Lập (phường Xương Huân, TP. Nha Trang), do Công ty Cổ phần Sông Đà Nha Trang làm chủ đầu tư.

 Theo đó, quy hoạch điều chỉnh có bố cục cảnh quan, tổ chức không gian kiến trú cơ bản không thay đổi so với quy hoạch trước đây; chỉnh nắn một số vị trí ranh giới của dự án để cập nhật ranh giới dự án Chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp đường Nguyễn Bỉnh Khiêm; điều chỉnh số tầng của một số hạng mục công trình; bổ sung thêm một số tính chất công trình cho phù hợp với chủ trương đã được UBND tỉnh chấp thuận; đồng thời rà soát, bổ sung các chỉ tiêu về diện tích cây xanh, hạ tầng xã hội của khu vực.

Dự án Khu dân cư cồn Tân Lập.

Cụ thể, về chiều cao tuân thủ theo quy hoạch đã phê duyệt, chỉ có khu HH3 có thay đổi từ 26 tầng lên 33 tầng, TM1 thay đổi từ 14 tầng lên 19 tầng. Mật độ xây dựng công trình được xác định phù hợp với quy chuẩn xây dựng Việt Nam, tương ứng với chiều cao công trình và quy mô lô đất, đảm bảo tuân thủ quy định về khoảng lùi công trình được quy định cụ thể trong phần quy hoạch sử dụng đất. Các công trình thương mại dịch vụ, chức năng hỗn hợp, nhà ở chung cư, biệt thự, liên kế có màu sắc, hình thức kiến trúc nhẹ nhàng, hài hòa và thân thiện với môi trường.

Đây là lần thứ 9 quy hoạch dự án Khu dân cư cồn Tân Lập được điều chỉnh. Đây là dự án có nhiều sai phạm đang được cơ quan công an thụ lý hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật. Hội đồng quản trị mới của Công ty Cổ phần Sông Đà Nha Trang đang chờ đợi quyết định phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 dự án Khu dân cư cồn Tân Lập để thực hiện các bước tiếp theo nhằm sớm đưa dự án về đích.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 27/6/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.