Thứ sáu, 29/03/2024 20:27 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 27/8/2019

MTĐT -  Thứ ba, 27/08/2019 11:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 27/8/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 27/8/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Hà Nội sẽ thu hồi phù hiệu, cắt nốt phương tiện vi phạm dịp nghỉ lễ 2/9

Sở GTVT Hà Nội vừa yêu cầu các lực lượng chức năng, đơn vị khai thác bến xe và doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới 2019 - 2020.

Đáng lưu ý, trong đợt này, Sở GTVT Hà Nội sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan thu hồi phù hiệu; yêu cầu bến xe từ chối phục vụ và cắt nốt đối với các xe vi phạm.

Cùng đó, Sở GTVT yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải tăng cường công tác kiểm tra, lập sổ theo dõi an toàn kỹ thuật của phương tiện trước, trong và sau mỗi chuyến đi; Chỉ đạo bộ phận theo dõi an toàn giao thông túc trực 24/24h, thường xuyên giám sát, kịp thời nhắc nhở lái xe chấp hành nghiêm các quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải; Không phóng nhanh vượt ẩu, vi phạm về tốc độ và thời gian lái xe liên tục, dừng đỗ sai quy định; Thực hiện nghiêm việc kê khai giá, niêm yết giá cước vận tải và bán vé.

Sở GTVT Hà Nội sẽ cắt nốt các trường hợp xe khách vi phạm nhiều lần trong trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 - Ảnh minh họa

"Các đơn vị khai thác bến xe cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát điều kiện kỹ thuật của phương tiện; Chủ động bố trí tăng cường xe kịp thời giải tỏa hành khách, hạn chế tối đa tình trạng ùn ứ tại các bến", Sở GTVT Hà Nội chỉ đạo.

Bên cạnh đó, lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội được yêu cầu phối hợp với các lực lượng chức năng khác tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông hợp lý, khắc phục tình trạng ùn ứ, đặc biệt tại các tuyến đường cửa ngõ ra vào thành phố; xử lý nghiêm tình trạng xe chạy rà rê, dừng đỗ đón trả khách sai quy định…

Phê duyệt danh mục 3 dự án kêu gọi đầu tư vào huyện đảo Phú Quốc

Theo đó, dự án Khu biệt thự cao cấp Bắc An Thới tại thị trấn An Thới (Phú Quốc), diện tích sử dụng đất 52,47 ha, tổng vốn đầu tư 3.410 tỷ đồng, mật độ xây dựng trung bình 30 - 35%, vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất.

Tiếp đến, dự án Khu biệt thự, thương mại, dịch vụ tại Khu phức hợp Bãi Trường, xã Dương Tơ (Phú Quốc), diện tích sử dụng đất 11,24 ha, tổng vốn đầu tư 1.067,8 tỷ đồng, mật độ xây dựng 20 - 25%, vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất.

Cùng với đó là dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh (Phú Quốc), diện tích sử dụng đất 14,9 ha, công suất nhà máy 350 tấn rác/ngày, tổng vốn đầu tư 372,5 tỷ đồng, vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất.

UBND tỉnh Kiên Giang giao Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc công bố danh mục dự án, làm bên mời thầu và tổ chức thực hiện các thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tỉnh thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư cho nhà đầu tư về thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp, phí, đất đai, hỗ trợ về đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng…

Cấp bách 'mở' cửa ngõ TP.HCM: Linh hoạt phương án đầu tư

Ngân sách hạn hẹp, TP chủ trương xã hội hóa, thu hút nguồn lực từ khối doanh nghiệp tư nhân nhưng trong 2 năm qua, nhiều dự án đầu tư theo hình thức công - tư (PPP) không thể triển khai do vướng các thủ tục đầu tư.

Mặc dù đã được điều chỉnh bổ sung nhưng các nội dung hướng dẫn vẫn chưa ban hành kịp thời. Dự án đầu tư theo hình thức BOT phải nghiên cứu chuyển đổi sang hình thức khác cho phù hợp theo quy định, đồng thời các nhà đầu tư phải đối mặt với rất nhiều rủi ro nên e ngại không dám tham gia. Thậm chí, có nhà đầu tư đã bỏ tiền làm nghiên cứu tiền khả thi, nhưng do nhiều vướng mắc về cơ chế, cũng đành “rút lui”. Các dự án đầu tư theo hình thức BT lại càng gặp khó khăn do quy định về sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư chưa có hướng dẫn thanh toán. Cầu, đường, vì thế mà cứ mãi ách tắc trong vòng luẩn quẩn.

Kẹt xe trên đường Trường Chinh, đoạn giao Tân Kỳ - Tân Quý (Q.Tân Phú, TP.HCM)

Tại cuộc họp về tiến độ một số dự án giao thông trọng điểm mới đây, đại diện Sở GTVT TP. HCM đã đưa ra đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư đối với các dự án mở rộng QL13, QL22, QL1A, QL50, đường Vành đai 2.

Theo đó, các dự án này trước đây được đầu tư theo hình thức BOT, BT nhưng nay Chính phủ chưa có các quy định cụ thể về hoàn trả quỹ đất cho nhà đầu tư theo hình thức BT, nên cần chuyển đổi hình thức đầu tư sang đầu tư công bằng vốn ngân sách. Việc đầu tư các dự án trên theo hình thức BOT cũng được nhận định là sẽ gặp nhiều khó khăn, vì đây không phải là dự án làm mới mà chỉ là nâng cấp, mở rộng tuyến đường.
PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường đại học GTVT TP.HCM, cho rằng trong bối cảnh các công cụ điều tiết chung về chính sách đối với các dự án thực hiện theo hình thức PPP, BOT chưa rõ ràng, việc TP điều chỉnh phương án đầu tư một số dự án cấp bách sang đầu tư công là hợp lý.

Tuy nhiên, tổng nguồn lực tập trung thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn TP giai đoạn 2018 - 2020 là 96.159 tỉ đồng, trong khi vốn ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 20%. Chuyển nhiều dự án giao thông sang đầu tư công sẽ tạo áp lực rất lớn lên “túi tiền” của TP. Do đó, TP cần rà soát, đánh giá, chọn lọc các dự án thật sự khẩn thiết để bố trí vốn đầu tư ngay. Đối với các dự án còn lại, có thể linh hoạt điều chỉnh phương án đầu tư sang PPP khi khung pháp lý đã hoàn thiện.

Giải bài toán nguồn vốn cho hạ tầng giao thông, KTS Ngô Viết Nam Sơn hiến kế: TP.HCM đang sở hữu nguồn đất rất lớn, nhưng chưa tận dụng hiệu quả. Tất cả các dự án giao thông đều gắn liền với cơ hội phát triển rất lớn của các dự án đô thị. Giao thông phát triển, thông thoáng thì giá trị các dự án xung quanh cũng tăng lên rất nhiều. Ở nước ngoài, mỗi khi mở đường, làm đường mới, chính quyền thường yêu cầu các hộ gia đình, nhà đầu tư tại khu đất hai bên phải đóng góp bằng chính sách thuế mới. Người dân khi đó sẽ có 2 sự lựa chọn: một là bán đất, rời đi; hai là tiếp tục ở lại nhưng đóng thuế cao hơn, tương ứng với giá trị đất tăng lên sau khi có đường mới. Tiền này sẽ được xoay vòng trở lại đầu tư vào việc thi công, thực hiện dự án.

Phú Thọ chỉ định thầu Dự án Khu đô thị mới Nam Minh Phương 2.958 tỷ đồng

UBND tỉnh Phú Thọ vừa có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư Dự án Khu nhà đô thị mới Nam Minh Phương, thành phố Việt Trì. Theo đó, trong quý III/2019, Sở Xây dựng tỉnh Phú Thọ (bên mời thầu) tiến hành lựa chọn nhà đầu tư dự án theo hình thức chỉ định thầu, phương thức 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ; thời gian thực hiện hợp đồng là 5 năm.

Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Nam Minh Phương, tỷ lệ 1/500. Ảnh Internet

Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất, được thực hiện tại phường Minh Phương và phường Minh Nông, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ; với tổng diện tích đất sử dụng là 54,43 ha. Tổng chi phí thực hiện Dự án là 2.958 tỷ đồng.

Theo cán bộ của Sở Xây dựng tỉnh Phú Thọ, quy hoạch chi tiết 1/500 Khu đô thị mới Nam Minh Phương do Công ty CP Licogi 14 lập, được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt tháng 1/2018. Liên danh Công ty CP Licogi 14 - Công ty CP Licogi 16 là nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển Dự án.

Công ty CP Licogi 14 có địa chỉ ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, còn Công ty CP Licogi 16 có địa chỉ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 27/8/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới