Thứ sáu, 29/03/2024 12:45 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 29/10/2019

MTĐT -  Thứ ba, 29/10/2019 09:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 29/10/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 29/10/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổnng hợp.

Bộ GTVT trình Chính phủ bổ sung quy hoạch nhiều tuyến cao tốc lớn

Bộ GTVT vừa có tờ trình Chính phủ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Nội dung tờ trình, Bộ GTVT cho biết, quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 326/2016. Bộ GTVT và các địa phương đang triển khai đầu tư các tuyến cao tốc theo quy hoạch này.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng, trong thời gian triển khai quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, để đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển đất nước, phát triển ngành sẽ xuất hiện các yếu tố dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 làm cơ sở để triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư cho các dự án dự kiến đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Cũng theo Bộ GTVT, hệ thống đường cao tốc có tác dụng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế đất nước, góp phần khai thác lãnh thổ quốc gia một cách đồng đều, giảm chênh lệch giữa các vùng, tạo ra thị trường thống nhất nhờ tăng năng suất vận chuyển hàng hóa, hình thành các hành lang phát triển kinh tế.

Nhiều tuyến đường cao tốc được Bộ GTVT trình Chính phủ bổ sung vào quy hoạch mạng lưới đường cao tốc Việt Nam - Ảnh minh họa

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị của địa phương, lưu lượng xe và thực tế phát triển của đất nước, Bộ GTVT cho rằng cần thiết phải nghiên cứu bổ sung một số tuyến cao tốc. Cụ thể: Đối với hệ thống đường cao tốc khu vực phía Bắc: Bổ sung tuyến cao tốc Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên, đoạn cao tốc Chợ Mới - TP Bắc Kạn, tuyến cao tốc nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Hệ thống đường cao tốc khu vực miền Trung và Tây Nguyên: Bổ sung tuyến cao tốc từ Ngọc Hồi (Kon Tum) tới cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum).

Hệ thống đường cao tốc khu vực miền Nam: Bổ sung tuyến cao tốc từ Gò Dầu (Tây Ninh) tới cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh), tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh, kéo dài tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tới cảng Trần Đề.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng kiến nghị điều chỉnh tiến độ đầu tư một số đoạn tuyến cao tốc từ sau năm 2030 về trước năm 2030 do hiện nay đã có nhà đầu tư quan tâm, các địa phương đang huy động nguồn lực để thực hiện đầu tư như: tuyến cao tốc Trà Lĩnh - Đồng Đăng, tuyến Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc, Tuyến Hà Tiên - Rạch Giá – Bạc Liêu, tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tuyến Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh.

"Trong quá trình nghiên cứu dự án đầu tư các tuyến cao tốc nêu trên, tùy theo nhu cầu vận tải, khả năng huy động nguồn lực sẽ xem xét quyết định phương án phân kỳ đầu tư và thời điểm đầu tư theo dự án cụ thể để đảm bảo hiệu quả kinh tế", Bộ GTVT cho biết.

TP Hồ Chí Minh: Kiến nghị cho thí điểm mô hình chính quyền đô thị

Đề xuất này là một trong 2 nội dung của Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị UBND TP Hồ Chí Minh dự kiến trình Thường trực Thành ủy xin ý kiến Bộ Chính trị vào tháng 12/2019.

Đề cương sơ bộ của Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP gồm 4 phần, nêu lên sự cần thiết, căn cứ và cơ sở lý luận thực tiễn xây dựng đề án; thực trạng tổ chức chính quyền tại TP, trong đó có thực trạng xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh; nêu rõ định hướng và nội dung thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP; nói rõ cách thức tổ chức thực hiện, trong đó có dự báo tác động của việc triển khai mô hình.

Cũng theo đề cương sơ bộ này, định hướng thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị TP sẽ theo hướng: Xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền (cấp TP) và 2 cấp hành chính (quận, huyện, thành phố thuộc TP và phường, xã, thị trấn). Sẽ không tổ chức HĐND ở quận, huyện, thành phố thuộc TP mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND.

Cụ thể, Sở Nội vụ TP đã dự thảo đề cương sơ bộ của Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị, tờ trình của Ban cán sự Đảng UBND TP trình Ban thường vụ Thành ủy và tờ trình của Ban thường vụ Thành ủy trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

 Dự kiến thành lập thành phố thuộc TP Hồ Chí Minh ở phía Đông

Mô hình chính quyền đô thị từng được thành phố xây dựng từ năm 2007, nhưng phải đến tháng 9/2013 HĐND TP mới chính thức thông qua dự thảo đề án, sau nhiều lần "nâng lên đặt xuống" và xin ý kiến các bộ ngành. Lúc đó, bên cạnh 13 quận nội thành cũ và 3 huyện nông thôn, TP định hướng sẽ xây dựng 4 thành phố vệ tinh ở phía Đông, Tây, Nam, Bắc có các chức năng phát triển khác nhau với mô hình "TP trong TP".

Chính quyền đô thị TP được đề xuất có HĐND và UBND được tổ chức 2 cấp (theo quy định hiện hành là 3 cấp) gồm cấp thành phố trực thuộc trung ương và cấp cơ sở. Chính quyền cấp cơ sở bao gồm cấp xã, thị trấn và thành phố trực thuộc.

Ngoài ra, vì 13 quận cũ ở nội thành không tổ chức HĐND, TP kiến nghị Trung ương cho phép tăng số lượng đại biểu HĐND TP từ 95 lên 200 (trong đó khoảng 35% là đại biểu chuyên trách) để tổ chức các Đoàn (hoặc tổ) đại biểu HĐND thành phố ở các quận này nhằm tăng cường vai trò dân chủ đại diện của nhân dân và vai trò giám sát của HĐND ở địa bàn không tổ chức HĐND.

Nhiều chuyên gia đánh giá rằng chủ trương của TP rất táo bạo, tâm huyết, với mục đích có được cơ chế vận hành đúng với vai trò là đơn vị hành chính đặc biệt của cả nước. Tuy nhiên, đề án không được trung ương thông qua do quá lớn và vướng luật, hiến pháp, đồng thời cần nhiều cơ quan tham gia. Đề án này sau đó bị rơi vào yên lặng từ đó đến nay.
Trước đó, Thường trực Thành ủy TP đã chỉ đạo về việc xây dựng đề cương sơ bộ của đề án này và dự thảo các tờ trình, dự kiến trình Ban thường vụ Thành ủy TP thông qua trong tháng 11/2019 để trình Bộ Chính trị trong tháng 12/2019.

Hải Phòng họp bàn làm dự án thành phố giáo dục quốc tế khoảng 13.000 tỷ đồng

Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng thống nhất cao chủ trương đầu tư xây dựng thành phố giáo dục quốc tế khoảng 13.000 tỷ đồng do Tập đoàn Nguyễn Hoàng đề xuất.

Ngày 28/10, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng họp, nghe ý tưởng quy hoạch và đề xuất dự án thành phố giáo dục quốc tế Hải Phòng tại Khu đô thị mới Bắc sông Cấm của Tập đoàn Nguyễn Hoàng (NHG).

Theo đại diện Tập đoàn Nguyễn Hoàng, Dự án thành phố giáo dục quốc tế Hải Phòng là hệ sinh thái hoàn chỉnh giáo dục đầu tiên tại Việt Nam được triển khai xây dựng tại Khu đô thị mới Bắc sông Cấm (huyện Thủy Nguyên).

Phối cảnh mô hình dự án thành phố giáo dục quốc tế Hải Phòng với tổng mức đầu tư khoảng 13.000 tỷ đồng (Ảnh: haiphong.gov.vn

Dự án có quy mô diện tích 69,5 ha với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 13.000 tỷ đồng.

Dự án có quy mô 82.000 học sinh, sinh viên từ bậc học mầm non đến đại học và sau đại học, trong đó có 16.600 học sinh, sinh viên nội trú.

Thành phố giáo dục quốc tế Hải Phòng là hệ sinh thái giáo dục khép kín, hoàn chỉnh với nhiều công năng, tiện ích như: khu hiệu bộ, khu trường học cho khối liên cấp, khu các trường đại học quốc tế Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản;

Khu ký túc xá học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, công nhân viên; khu thể thao và dịch vụ tiện ích gồm nhà thi đấu thể thao đa năng, sân bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, quần vợt, đường chạy, hồ bơi;

Khu bếp ăn; bệnh viện 500 giường; phòng thực hành ngành du lịch tiêu chuẩn khách sạn 5 sao; nhà hát 1000 chỗ; trung tâm hội nghị quốc tế 2500 chỗ;

Trung tâm triển lãm và giáo dục thực nghiệm; trung tâm khởi nghiệp; trung tâm nghiên cứu và đào tạo sau đại học; khu hợp tác quốc tế Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Triều cường dâng cao, TP Hồ Chí Minh ngập sâu trên diện rộng

Theo ghi nhận, từ 16h ngày 28/10, nước sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và nhiều kênh rạch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã dâng lên trên mức báo động 3 đến 0,18m.

Nước tràn bờ, gây ngập nặng tại một số tuyến đường như, Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (quận 7), Phú Định (quận 8), Hồ Học Lãm (quận 8, quận Bình Tân), Nguyễn Văn Hưởng (quận 2), Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), quốc lộ 50, đường Chánh Hưng nối dài, quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh) và Bình Quới, Bình Lợi (quận Bình Thạnh).

Đến khoảng 20h ngày 28/10, triều cường tiếp tục dâng cao hơn, khiến một số khu vực bị ngập nặng. Trong đó, khu vực phường Thảo Điền (quận 2) bị ngập trên diện rộng.

Hàng rào được đặt tại khu vực ngập sâu để cảnh báo nguy hiểm.

Tương tự đường Nguyễn Văn Hưởng cũng bị ngập sâu khiến hàng loạt phương tiện chết máy, người dân mệt mỏi đẩy xe qua khu vực ngập, nhiều đoạn đường để tránh nước tràn vào nhà, nhiều người đã dùng bao cát chặn phía trước cửa.

Tại đường Trần Não có đoạn nước ngập sâu gần 0,5 m và kéo dài hơn 0,5km, nhiều xe bị chết máy, các quán cà phê phải đóng cửa, nhiều nhà dân bị nước tràn vào.
Chị Nguyễn Thị Mai Hoa (ngụ đường Trần Não) cho biết, chị chạy xe đón con nhỏ tan học về thì ngay lúc triều cường dâng cao và ngập, 2 mẹ con phải vật vã hơn 2 tiếng mới về được đến nhà.

“Phần thì xe bị tắt máy phải dắt bộ, trên lưng lại phải cõng con nhỏ. Tôi phải vất vả lắm mới về được nhà, chưa kể nước ngập hôi thối làm hai chân của tôi vừa có mùi, vừa ngứa, khổ ơi là khổ”, chị Mai Hoa than thở.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, đỉnh triều cường đợt này sẽ lên đến 1,72m lúc 16h30 ngày mai, 29/10. Nhiều tuyến đường, khu vực tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục ngập sâu đúng giờ cao điểm. Dự báo, giao thông sẽ ùn tắc tại nhiều khu vực do ngập nước.

Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP cũng đã gửi công văn khẩn đề nghị các quận, huyện: 7, 8, 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp, Bình Tân, Nhà Bè, Củ Chi, Bình Chánh và Hóc Môn phải đặc biệt chú ý trong việc ứng phó triều cường.
Các sở, ngành cũng được yêu cầu chuẩn bị lực lượng, phương tiện xử lý các vị trí bờ bao, cống quan trọng cũng như bố trí máy bơm nước di động để khắc phục sớm các sự cố ngập úng.

Trước đó, đợt triều cường cuối tháng 9 đầu tháng 10 đạt 1,77 - 1,8m trên sông Sài Gòn và Đồng Điền - đỉnh triều cao nhất từ trước tới nay đã khiến một đoạn tường bao trên đường Bến Mễ Cốc (quận 8) bị bể và gây ngập hàng trăm nhà dân.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 29/10/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.

Tin mới