Thứ sáu, 19/04/2024 02:07 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 30/11/2019

MTĐT -  Thứ bảy, 30/11/2019 10:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 30/11/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 30/11/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổnng hợp.

Tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ 2 tuyến Metro số 1 và số 2

Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng phải quán triệt, nhận thức sâu sắc các dự án đường sắt đô thị là dự án ưu tiên trong các dự án ưu tiên, cấp bách của lĩnh vực giao thông, góp phần giảm ùn tắc giao thông, một khâu nghẽn trong phát triển kinh tế, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố.

Thành ủy TP.HCM vừa ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 24/11/2019 về lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương.

Theo đó, Ban thường vụ Thành ủy chỉ đạo các cấp cần tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm nhằm đảm bảo tiến độ dự án thực hiện theo kế hoạch đề ra.

Tập trung nỗ lực của cả hệ thống chính trị, xác định mục tiêu hoàn thành xây dựng công trình và đưa vào khai thác vận hành metro Bến Thành - Suối Tiên trong quý IV năm 2021; tuyến metro Bến Thành - Tham Lương hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm nhất tháng 6/2020, khởi công các gói thầu xây lắp chính vào năm 2021, đưa vào khai thác cuối năm 2026.

Đồng thời, giao Ban cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo UBND Thành phố tổ chức giao ban định kỳ hàng tuần để thường xuyên rà soát tiến độ thực hiện từng nhiệm vụ, đầu việc cụ thể đã đề ra.

Chỉ đạo giải quyết hoặc tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết ngay những vấn đề phát sinh, các khó khăn, vướng mắc do chủ đầu tư, các sở, ngành, UBND các quận có liên quan kiến nghị.

Thành ủy TP.HCM chỉ đạo UBND Thành Phố và các sở ngành cần tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ 2 tuyến metro số 1 và số 2 (ảnh: Trọng Tín)

Kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết hài hòa các xung đột pháp lý giữa quy định của pháp luật Việt Nam với quy định trong Hiệp định ký kết với nhà tài trợ.

Cùng với đó, thực hiện cơ chế phối hợp hiệu quả, đeo bám, đôn đốc quyết liệt các bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết các kiến nghị của Thành phố liên quan các dự án đường sắt đô thị.

Thường vụ Thành ủy cũng yêu cầu các cấp cần xây dựng cơ chế phối hợp rõ ràng, hiệu lực, hiệu quả giữa chủ đầu tư, các nhà thầu, các sở, ngành và UBND các quận có liên quan trong việc xây dựng và giao kế hoạch tiến độ hàng năm, hàng quý, hàng tháng và hàng tuần cho tất cả các đơn vị liên quan trong công tác phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh, khó khăn, vướng mắc; khẩn trương báo cáo, trình UBND Thành phố xem xét, chỉ đạo, quyết định, khắc phục triệt để tình trạng gửi văn bản và chờ ý kiến của cơ quan chức năng liên quan.

Mặt khác, thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận có liên quan chỉ đạo bố trí, tập trung cán bộ có năng lực, kinh nghiệm tốt nhất để phục vụ giải quyết các nhiệm vụ liên quan 2 dự án đường sắt đô thị; ưu tiên giải quyết, xác định rõ trách nhiệm và thời hạn giải quyết hồ sơ của từng khâu tại từng đơn vị nhằm đẩy nhanh và đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị của Thành phố.

Bên cạnh đó, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND các quận có liên quan trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, huy động hệ thống chính trị quận và phường tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân trong khu vực giải tỏa hiểu, thông suốt và chấp hành công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, bàn giao mặt bằng cho dự án đúng tiến độ và không để tái lấn chiếm mặt bằng của dự án.

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Thành phố, tính đến cuối tháng 11/2019, Dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã thực hiện được hơn 68% kế hoạch tổng thể.

Trong đó, đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố đạt 63,3%; đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son đạt 79,9%; đoạn trên cao và depot đạt 81,24%; mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng đạt 68,09%.

Tuyến metro số 2 đã điều chỉnh tổng mức đầu tư, cập nhật kế hoạch tái định cư trên địa bàn các quận và triển khai các bước tiếp theo.

Hà Nội: Xây tầng hầm trong trường học để chống quá tải

Chiều 29/11, tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, đồng chí Hoàng Trung Hải - Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã tiếp xúc cử tri quận Cầu Giấy.

Những vấn đề “nóng” được cử tri quận Cầu Giấy đề cập tới là việc quản lí chung cư, trường học quá tải, công tác phòng cháy chữa cháy, việc cấp bằng lái xe, những bài viết tiêu cực trên mạng xã hội.

Nêu vấn đề tại quận, cử tri Nguyễn Thụ, phường Dịch Vọng Hậu cho biết: Địa bàn phường tập trung nhiều trường đại học, THPT, THCS và trường mầm non dẫn đến quá tải, có lớp sĩ số lên đến 60-70 học sinh. Vào giờ cao điểm, giao thông ách tắc nghiêm trọng.

Cầu Giấy là quận đầu tiên của Thành phố xây dựng tầng hầm trong trường học

Để khắc phục, cử tri đề nghị Thành phố cho phép nâng cấp trường học thành nhà cao tầng để tăng phòng học, giảm tải sĩ số học sinh trong lớp; đầu tư khuôn viên, xây dựng tầng hầm để khắc phục tình trạng xe đưa đón của phụ huynh...

Tiếp thu và giải đáp ý kiến của cử tri quận Cầu Giấy, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết: Quá tải trường học không chỉ là vấn đề của quận Cầu Giấy, một số quận khác như Hai Bà Trưng, Ba Đình cũng còn thiếu trường học.

Đây là vấn đề nhức nhối, Thành phố cảm thấy chưa hoàn thành nhiệm vụ trong nội dung này, vì vậy, cần tiếp thu ý kiến cử tri để tiếp tục chỉ đạo giải quyết.

Giải đáp ý kiến cử tri về quá tải học sinh, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh cho biết: Quận có 35 trường công lập, khoảng 97 nghìn học sinh từ mầm non đến THPT.

Quận Cầu Giấy đang nỗ lực xây dựng trường học theo quy hoạch, tuy nhiên, theo tính toán kể cả đầu tư ở quỹ đất theo quy hoạch thì cũng chưa đáp ứng yêu cầu.

Thực tiễn dân số của quận đông với khoảng trên 290.000 người, để giải quyết vấn đề này, Cầu Giấy là quận đầu tiên của Thành phố xây dựng tầng hầm trong trường học, quận đã báo cáo Thành phố và lập quy hoạch để được nâng tầng trường học trong phạm vi cho phép.

51 hộ đồng bào Sa Ná nhận nhà tái định cư

Ngày 29/11, UBND huyện Quan Sơn (Thanh Hoá) đã tổ chức lễ bàn giao 51 ngôi nhà tái định cư cho 51 hộ dân bản Sa Ná, xã Na Mèo, nơi phải hứng chịu thiệt hại nặng nề cả về người và vật chất do trận lũ quét kinh hoàng ập đến bất ngờ sáng ngày 3/8/2019.

Khu tái định cư Sa Ná được quy hoạch trên tổng diện tích 5,2 ha đất lâm nghiệp đang trồng luồng, gỗ lát do các hộ dân quản lý. Mẫu nhà tuân thủ theo Sở Xây dựng thiết kế, thông qua sự chấp thuận, thống nhất của nhân dân, diện tích mỗi căn nhà rộng khoảng 65-85m vuông. Có 33 hộ làm nhà sàn truyền thống theo nguyện vọng và 18 hộ làm nhà cấp 4. Dự án xây dựng khu tái định cư Sa Ná có tổng vốn đầu tư khoảng 15 tỷ đồng, kinh phí từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ và một số đơn vị hỗ trợ 10,5 tỷ đồng.

Ông Vũ Văn Đạt- Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết: Đối với nhà bị thiệt hại từ 70-100% được hỗ trợ 300 triệu đồng, nhà bị thiệt hại từ 50-70% được hỗ trợ 200 triệu đồng, nhà bị thiệt hại từ 30-50% thì được hỗ trợ 150 triệu đồng.

Sau khi trận lũ quét kinh hoảng đi qua, UBND huyện Quan Sơn đã vận động một số doanh nghiệp trong huyện tìm lao động có kĩ thuật xây dựng lên bản giúp bà con. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa cũng đã cử chiến sỹ túc trực giúp dân vận chuyển vật liệu xây dựng, san nền. Huyện Đoàn Quan Sơn tập trung huy động lực lượng đoàn viên thanh niên lên giúp dân dựng lại nhà cửa.

Hiện nay, các đơn vị thi công đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình phục vụ nhân dân Sa Ná như: Công trình nhà văn hóa với quy mô 100 chỗ ngồi, khu trường tiểu học và mầm non, xây dựng hệ thống đường, điện, nước sinh hoạt... đảm bảo đời sống nhân dân.

Ông Vũ Văn Đạt cho biết thêm: Đến thời điểm này, bà con Sa Ná đã chính thức lên khu ở mới sinh sống. Về phần cơ sở hạ tầng thiết yếu, huyện sẽ chỉ đạo, phấn đấu đưa tất cả các hạng mục đầu tư tại bản Sa Ná đi vào sử dụng trước tết dương lịch 2020. Ông Đạt nói: “Trước mắt vấn đề việc làm, đời sống cho bà con nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn. Huyện đang rà soát toàn bộ diện tích đất sản xuất để tính toán cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện và hạ tầng sản xuất, tạo sinh kế cũng như thu hút doanh nghiệp vào giải quyết việc làm cho đồng bào Sa Ná có cuộc sống ổn định lâu dài”.

Chương trình học lái xe sẽ bổ sung nội dung về tác hại của rượu bia

Ngày mai (1/12), Thông tư 38 của Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi quy trình đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe chính thức có hiệu lực. Thông tư sẽ có thêm nhiều quy định nhằm siết chặt việc đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe, như quy định về bổ sung nội dung về tác hại bia rượu khi tham gia giao thông.

Chương trình học lái xe sẽ bổ sung nội dung về tác hại của rượu bia 

Theo quy định của Thông tư, từ 1/1/2020, chương trình học giấy phép lái xe hạng B1, B2, C có thêm nội dung: Phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông.

Cũng từ thời điểm này, trung tâm sát hạch lái xe phải lắp camera giám sát phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình và truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải.

Đến 1/5/2020, các cơ sở đào tạo lái xe sẽ ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái ôtô (trừ hạng B1).

Từ 1/6/2020, cấp Giấy phép lái xe mới có mã QR. Giấy phép lái xe đã được cấp trước ngày 1/12/2019 vẫn sẽ có giá trị sử dụng theo thời gian ghi trên giấy phép.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 30/11/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.