Thứ sáu, 29/03/2024 22:16 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 31/10/2018

MTĐT -  Thứ tư, 31/10/2018 11:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 31/10/2018. Tin tức đô thị mới nhất ngày 31/10/2018 do Môi trường và Đô thị tổng hợp, cập nhật.

Hà Nội tiếp tục duy trì loa phường

Hà Nội đang nghiên cứu phương án mỗi phường chỉ giữ lại 5 - 7 chiếc loa truyền thanh ở vị trí thích hợp.

Đây là khẳng định của Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chiều 30/10. Qua đợt khảo sát lần 2 của Hà Nội về hệ thống loa phường cho thấy đa số người dân ủng hộ việc sắp xếp mạnh mẽ hơn loại hình thông tin này.

Do vậy, dự kiến thành phố vẫn duy trì loa phường, nhưng với mức độ khác nhau. Được biết, Hà Nội vẫn duy trì loa phường là do các thiết bị công nghệ không phủ sóng hết được. Vì vậy, thành phố đang nghiên cứu việc mỗi phường chỉ giữ lại 5 - 7 chiếc ở vị trí thích hợp.

Vào tháng 2/2017, khảo sát của Sở Thông tin Hà Nội cho thấy 90% số người được hỏi cho rằng hệ thống loa phường là không cần thiết. Trong khi đó, qua cuộc khảo sát giữa tháng này, hơn 70% số người lựa chọn phương án cần quyết liệt sắp xếp mạnh mẽ hơn, tiến tới bỏ hệ thống loa truyền thanh trong các quận.

Hà Nội kiến nghị “khai tử” 140 tuyến xe khách liên tỉnh xuyên tâm

Sở GTVT Hà Nội đề nghị Bộ GTVT sớm quan tâm, xem xét điều chỉnh hành trình đối với 140 tuyến xe khách hoạt động chạy qua Hà Nội.

Trước tình trạng hàng trăm luồng tuyến xe khách liên tỉnh 'quá cảnh' qua Hà Nội gây nhiều hệ luỵ trong công tác quản lý vận tải, gây ùn tắc giao thông. Thực hiện kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT chỉnh lộ trình đi tránh các tuyến đường nội đô nằm trên trục vành đai 3.

Ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý Vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 140 tuyến vận tải hành khách liên tỉnh chạy qua và 16 tuyến xe khách liên tỉnh đi và đến bến xe Sơn Tây chạy qua nội thành. Hệ lụy của các tuyến xe khách này là gây phát sinh bến cóc, ùn tắc giao thông và không đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông trên các tuyến đường trung tâm.

Đường sắt đô thị (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội) đạt 45% khối lượng

Theo Cục Thống kê TP. Hà Nội, đến nay, khối lượng tổng thể Dự án Đường sắt đô thị (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội) mới đạt 45% khối lượng.

Tại Gói thầu CP01, khối lượng tổng thể đạt 94,3%. Hiện nhà thầu đang triển khai thi công tại khu vực cầu dẫn vào nhà ga, khu vực dốc hạ ngầm, sản xuất và lắp đặt dầm chữ U...  Gói thầu CP02, khối lượng tổng thể đạt 53,3%. Phần bê tông kết cấu các nhà ga đã thi công cơ bản hoàn thành. Hiện nhà thầu Posco E&C đang tiến hành thi công phần kiến trúc các nhà ga, gia công mái thép. Còn Gói thầu CP03, hiện khối lượng tổng thể đạt 1,7%; Gói thầu CP04-CP05, khối lượng tổng thể đạt 51,1%.

Đối với các gói thầu thiết bị như: CP06; CP07; CP08; CP09 đang được các nhà thầu triển khai tích cực. Các gói thầu tư vấn cũng đang được tư vấn tiếp tục triển khai.

Về giải ngân, hiện tổng số vốn đã giải ngân năm 2018 là 1.081 tỷ đồng/3.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA là 805 tỷ đồng (bao gồm vốn ODA cấp phát là 310 tỷ đồng, vốn ODA vay lại là 495 tỷ đồng); vốn đối ứng: 276 tỷ đồng (bao gồm giải ngân kế hoạch vốn năm 2017 kéo dài). Hiện Bộ Tài chính có công văn số 9456/BTC-QLN ngày 7/8/2018 dừng giải ngân cho Dự án do hết kế hoạch vốn 2018 và kế hoạch trung hạn.

Kiến nghị điều chỉnh giá đất TP.HCM năm 2019

Mới đây, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có công văn gửi các sở, ban ngành tại TP.HCM về việc góp ý điều chỉnh hệ số giá đất năm 2019 tại thành phố.

Theo ông Châu, văn bản của Sở Tài chính về việc lấy ý kiến hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 tại TP.HCM có một số điểm bất cập cần điều chỉnh.

Cụ thể, theo quy định của Luật Đất đai 2013 về việc Chính phủ ban hành "Khung giá đất", cấp tỉnh căn cứ "Khung giá đất" để ban hành "Bảng giá đất" và được điều chỉnh mức giá tối đa không quá 30% mức giá tối đa trong "Khung giá đất". "Khung giá đất" và "Bảng giá đất" có niên độ 5 năm.

TP.HCM có tiền và đủ sức làm tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên

Tại Hội thảo quy hoạch đô thị TP.HCM – thực tiễn và cơ hội đầu tư sáng 30/10, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, chia sẻ tuyến metro số 1 đang làm bình thường, thành phố đang chờ ý kiến Trung ương về chấp thuận tăng mức đầu tư. Thành phố đang tạm ứng vốn. Hiện dự án đã hoàn thành khoảng 70%, dự kiến đến cuối 2019, đầu 2020 thì dự án đi vào hoạt động, tuyến metro số 1 sẽ đi vào đúng tiến độ.

Theo ông Tuyến, chuyện thiếu vốn cho dự án cần phải hiểu cho đúng, vì thông tin giờ toàn nghe thấy thành phố đang thiếu vốn để. Tuy nhiên, thời gian qua thành phố đều ứng được vốn nhưng do tổng mức đầu tư thay đổi theo đúng thực tế dự án mà tư vấn thiết kế ban đầu chưa đúng.

Ảnh: Zing.

Nếu tuyến Metro số 1 đưa vào hoạt động thì việc quy hoạch không gian ngầm là điều hết sức cần thiết để giảm tải áp lực cho giao thông hiện hữu. Lãnh đạo thành phố nhận định phát triển không gian ngầm là xu hướng của thế giới, tuy nhiên đây là vấn đề rất mới với Việt Nam chứ không riêng gì TP.HCM.

“Thành phố đã ký quyết định vay có sẵn với Nhật Bản, 35.000 tỷ đồng đã sẵn sàng, chờ các cấp thẩm quyền gật đầu thì chúng ta có vốn đó. Trong thời gian chờ nguồn vốn này, thành phố phải xin tạm ứng và đủ sức triển khai dự án này”, Phó Chủ tịch TP.HCM cho biết.

Thiếu hơn 1,9 triệu tỷ đồng, TP.HCM kêu gọi xã hội hóa để phát triển đô thị

Cần đến 2,1 triệu tỷ đồng để phát triển hạ tầng đô thị trong giai đoạn 2016 - 2020 nhưng ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 9%, TP.HCM đã phát đi nhiều lời kêu gọi xã hội hóa để tìm kiếm chủ đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, trong 7 chương trình đột phá phát triển kinh tế - xã hội của TP giai đoạn 2016 - 2020 đã có tới 4 chương trình liên quan đến công tác xây dựng gương mặt đô thị văn minh.

Cụ thể: Giảm ùn tắc giao thông - giảm tai nạn giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường và chỉnh trang - phát triển đô thị. Tổng nguồn vốn cần có để thực hiện “đại kế hoạch” này lên đến 2,1 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, ngân sách chỉ có thể đáp ứng được khoảng 9% (tương đương 189 nghìn tỷ đồng).

Thiếu đến hơn 1,9 triệu tỷ đồng, TP.HCM hiện vẫn đang phải “gồng mình” với hạ tầng cũ kỹ, chật chội.

Từ bài học kinh nghiệm của các đô thị lớn tại Châu Á, TP.HCM đã liên tục phát đi lời kêu gọi xã hội hóa để đầu tư thêm cho hạ tầng TP, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về điều chỉnh quy hoạch đô thị trong điều kiện nguồn ngân sách có hạn.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 31/10/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới