Thứ sáu, 19/04/2024 01:45 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 4/10/2018

MTĐT -  Thứ năm, 04/10/2018 19:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 4/10/2018. Tin tức đô thị mới nhất ngày 4/10/2018 do Môi trường và Đô thị tổng hợp, cập nhật.

Gần 105.000 cơ sở, công trình có nguy hiểm về cháy nổ

Qua thống kê, toàn quốc hiện có gần 105.000 cơ sở, công trình có nguy hiểm về cháy nổ (chiếm 40,3%). Trong đó, Hà Nội có hơn 8.200 cơ sở, TP.HCM có gần 12.500 cơ sở.

Qua công tác rà soát, kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện một số lỗi vi phạm trong công tác phòng cháy chữa cháy nhà cao tầng hiện nay.

Tại nhiều nhà chung cư, công trình cao tầng có tình trạng buông lỏng trong quản lý, vận hành, bảo dưỡng hệ thống kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy, nhất là các công trình xây dựng trước năm 2005.

Trước các sai phạm, lực lượng chức năng đã tiến hành đình chỉ, tạm đình chỉ, hoặc cưỡng chế hoạt động của các cơ sở vi phạm. Tuy nhiên, khó khăn nhất là khung pháp lý cho cưỡng chế vấn đề này liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương.

Chậm khắc phục cầu Vàm Cống

Theo kế hoạch, công tác sửa chữa, khắc phục vết nứt dầm ngang CB6 của cầu Vàm Cống sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018 và đưa công trình vào sử dụng trước Tết Nguyên đán 2019.

Nguyên nhân của sự chậm trễ này là do các cơ quan chậm phê duyệt hồ sơ, nhà thầu gặp vướng mắc về tài chính do chưa được thanh toán tiền thuế giá trị gia tăng và đơn vị bảo hiểm chưa tạm ứng tiền bảo hiểm công trình.

Cầu Vàm Cống được đầu tư hơn 270 triệu USD (gần 5.700 tỷ đồng) nối huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (thành phố Cần Thơ). Cầu được hợp long vào cuối tháng 9/2017, việc thông xe theo kế hoạch ban đầu là vào cuối năm 2017.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành thử nghiệm an toàn

Theo dự kiến, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được đưa vào vận hành trước Tết Nguyên đán 2019. Mọi khâu hoàn thiện từ cơ sở hạ tầng cho đến nguồn nhân lực đều đang được Ban QLDA hoàn thiện.

Ông Vũ Hồng Phương, Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý dự án (QLDA) đường sắt cho biết, tuyến đường sắt đồ thị Cát Linh - Hà Đông gồm 12 chuyên ngành thiết bị như bảng thông tin, tín hiệu, điện năng, thu soát vé tự động, thang máy, điều hòa, cảnh báo cháy tự động… và đoàn tàu đang được hoàn thành và lắp đặt khoảng 88%.

Được biết, tại các nhà ga, các thang máy cuốn tự động nhận tín hiệu và chạy khi có người chuẩn bị lên thang; trên màn hình điện tử thể hiện các thông tin về thời gian, tên ga (bằng song ngữ Việt - Anh) và loa phát thanh tự động, nhắc hành khách cẩn thận, chú ý; hệ thống điện chiếu sáng đầy đủ. Hệ thống máy bán vé tự động, máy soát vé đang được lắp đặt và dự kiến được vận hành thử trong thời gian cuối. Việc vận hành thử sẽ được thực hiện từ 3 - 6 tháng, đúng theo kinh nghiệm của thế giới. Kế hoạch vận hành thử thực hiện từ đơn giản đến phức tạp, nhằm căn chỉnh, khớp nối đồng bộ toàn hệ thống.

Hiện nay kết quả chạy thử của tuyến đường sắt đều cho thấy các thông số khá chính xác. Cụ thể, các tàu về ga cách nhau đúng 10 phút như kế hoạch vận hành. Trong 2 giờ vận hành, có 4 lần các đôi tàu ngược chiều gặp nhau tại đoạn qua ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi theo đúng biểu đồ. Bên trong các tàu đang chạy, hệ thống điện chiếu sáng, điều hòa, cửa ra vào hoạt động ổn định, đèn chỉ dẫn vị trí ga và hướng di chuyển đúng thực tế. Các đoàn tàu di chuyển khá êm cả trên đoạn đường thẳng và vào khúc cua và tăng tốc. Ngồi trong tàu cũng không nghe thấy tiếng ồn từ bên ngoài. Nhiều người nhận định, việc tàu đi vào vận hành sẽ không gây ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ gia đình xung quanh.

Theo kỹ sư Ban QLDA, trong thời gian đầu, chế độ lái tàu là thủ công, bán tự động nên tàu phanh dừng, tăng tốc êm hay không phụ thuộc nhiều vào thao tác của lái tàu. Sau khi hoàn thành giai đoạn chạy thử bán tự động, sẽ được vận hành thử ở chế độ lái tàu tự động. Hệ thống vận hành, điều khiển đoàn tàu sẽ dựa trên biểu đồ được máy tính xây dựng sẵn để tự động giảm tốc trước khi tàu vào ga và tự động dừng lại.

Hà Nội: Phấn đấu có nhà với giá 200 triệu đồng/căn để bán cho công nhân

Đây là chia sẻ của đồng chí Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tại Diễn đàn "Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước” vừa diễn ra mới đây trong khuôn khổ chương trình Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành hơn 8.200 nhà ở cho người có công vào ngày 27-7-2017. Năm 2018, thành phố phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng phấn đấu hoàn thành xây, sửa nhà cho người nghèo vào tháng 10-2018.

Hơn 2 năm qua, thành phố đã hoàn thành hơn 8.000 căn nhà cho công nhân thuê, với giá cho thuê 29.000 đồng/m2/tháng; hoàn thành 181.000m2 nhà ở xã hội, trong đó có nhiều công nhân mua nhà theo giá Chính phủ quy định. Hiện nay, thành phố có 41 dự án nhà ở xã hội đang thi công, đến năm 2019-2020 sẽ có 3,5 triệu mét vuông nhà ở xã hội cho các đối tượng.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 4/10/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.