Thứ bảy, 20/04/2024 18:11 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 5/11/2019

MTĐT -  Thứ ba, 05/11/2019 12:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 5/11/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 5/11/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổnng hợp.

Đề nghị xử phạt ôtô cố tình đi vào làn thu phí không dừng

Tổng cục Đường bộ đề nghị CSGT xử lý phương tiện cố tình đi vào làn thu phí không dừng, tuy nhiên cơ quan công an chưa khẳng định có thể xử phạt hành vi này hay không.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị quản lý trạm BOT bố trí người điều hành giao thông, hướng dẫn các xe đi đúng làn thu phí không dừng, đồng thời đề nghị Cục CSGT phối hợp xử lý các vi phạm.

Cụ thể, Tổng cục đề nghị Cục CSGT xử phạt các phương tiện không dán thẻ thu phí không dừng (Etag) cố tình đi vào làn thu phí không dừng. Việc xử phạt được đề xuất thực hiện tại một số trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ trọng điểm từ ngày 11/11.
Đề xuất này được Tổng cục Đường bộ đưa ra để chuẩn bị cho việc triển khai thu phí không dừng trên toàn quốc (dự kiến đầu năm 2020). Đến nay, cả nước đã có 700.000/3,5 triệu phương tiện dán thẻ Etag. Tuy nhiên, các xe này vẫn phải dừng chờ cùng làn với phương tiện chưa dán thẻ khiến mục tiêu tiết kiệm thời gian không đạt được.

Nhiều trạm thu phí đã bố trí làn riêng cho phương tiện dán thẻ thu phí không dừng. Ảnh: Ngọc Tân.

Trao đổi với Zing.vn, đại diện Cục CSGT cho biết đã nhận được đề nghị của Tổng cục Đường bộ về việc phối hợp xử lý phương tiện chưa dán thẻ đi vào làn thu phí tự động. Tuy nhiên, Cục CSGT chưa xác nhận có thể xử phạt các trường hợp này hay không. Cục đang nghiên cứu kỹ chế tài xử phạt vì Nghị định 46 chưa quy định cụ thể về hành vi này.

Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 46 về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt đã bổ sung quy định xử phạt xe chưa gắn thẻ đầu cuối đi vào làn thu phí không dừng với mức phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng, tước bằng lái 1-3 tháng. Nếu gây tai nạn giao thông, thời gian tước bằng tăng lên 2-4 tháng. Tuy nhiên, nghị định này chưa rõ thời điểm được thông qua.

Quảng Ninh chọn 7 dự án giao thông làm động lực phát triển

Quảng Ninh đã quyết định chủ trương đầu tư 7 dự án giao thông động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn 2020 - 2022.

Đó là, dự án nối đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng (tại km6+700) đến đường tỉnh 338; dự án xây dựng hoàn chỉnh nút giao Đầm Nhà Mạc (tại km20+50, đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng); dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến thị xã Đông Triều; Dự án cầu Cửa Lục 1 và dự án cầu Cửa Lục 3 kết nối thành phố Hạ Long với huyện Hoành Bồ; Dự án đường nối khu công nghiệp Cái Lân qua khu công nghiệp Việt Hưng đến đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn; Dự án hỗ trợ giải phóng mặt bằng tuyến ven biển đoạn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Tổng mức vốn đầu tư cho 7 dự án trên dự kiến hơn 10.500 tỷ đồng. Việc bố trí vốn thực hiện các dự án theo kế hoạch bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách tỉnh và kế hoạch bố trí vốn hàng năm được phê duyệt. Dự kiến, thời gian và tiến độ thực hiện dự án trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022.

Hầu hết các dự án giao thông đều nhằm kết nối giao thông, phát huy công suất, hiệu quả của tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng và Hạ Long – Vân Đồn vừa được hoàn thành.

Đồng thời, tỉnh từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông theo quy hoạch được duyệt, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, khai thác hợp lý các tiềm năng, lợi thế về đất đai trong khu vực, tạo sự hấp dẫn thu hút đầu tư vào các khu phức hợp đô thị, khu dịch vụ cảng biển, khu công nghiệp, công nghệ cao… mang lại nguồn thu ổn định cho địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Riêng đối với các dự án giao thông kết nối giữa Hạ Long với Hoành Bồ, theo quy hoạch, từ Hạ Long sang phía Nam Hoành Bồ sẽ có 3 cây cầu.

Tuy nhiên, trước mắt tỉnh Quảng Ninh sẽ triển khai đầu tư xây dựng hai cây cầu Cửa Lục 1 và 3; trong đó, cầu Cửa Lục 1 và đường dẫn có chiều dài 4,2km, điểm đầu đấu nối tuyến đường Cái Lân – Việt Hưng (Hạ Long) và điểm cuối là nút giao Trới – Vũ Oai (Hoành Bồ).

Cầu Cửa Lục 3 và đường dẫn có chiều dài nghiên cứu 2,4km, gồm 4 làn xe, điểm đầu đấu nối tuyến đường trục chính khu Đô thị FLC tại Hà Khánh (Hạ Long), điểm cuối giao với Quốc lộ 279, thuộc xã Thống Nhất (Hoành Bồ).

Hai cây cầu này sẽ mở rộng không gian quỹ đất, phục vụ phát triển đô thị, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; đảm bảo giao thông mùa mưa bão, giảm tải cho cầu Bãi Cháy của thành phố Hạ Long.

Đây không chỉ là công trình giao thông mà còn là điểm nhấn kiến trúc cảnh quan - một trong những sản phẩm du lịch độc đáo, nằm trên vịnh Cửa Lục.

Về tiến độ, cầu Cửa Lục 3 phải hoàn thành vào dịp 30/4 năm 2021, còn cầu Cửa Lục 1 và đường dẫn phấn đấu hoàn thành trong năm 2021. Kết nối 2 cây cầu này sẽ là tuyến đại lộ 10 làn xe, trước mắt nghiên cứu 4 làn xe.

Trong tương lai, Quảng Ninh sẽ đầu tư thêm cầu Cửa Lục 2 có kiến trúc theo hướng công nghệ mở (cầu xoay, cầu gấp) phục vụ lưu thông hàng hải.

Hà Nội: 4.722 tỷ đồng cải thiện hệ thống tiêu thoát nước phía Tây

Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội vừa công bố kế hoạch lựa chọn nhà thầu của 35 gói thầu thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình cải thiện hệ thống tiêu thoát nước khu vực phía Tây TP. Hà Nội (Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa) - giai đoạn I. Dự án có tổng mức đầu tư 4.722 tỷ đồng.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo đó, trong quý IV/2019, Hà Nội sẽ tổ chức đấu thầu một số gói thầu lớn như: Gói thầu số 16F - Thi công xây dựng kênh La Khê và đường giao thông 2 bên bờ kênh từ K2+732 ÷ K3+447 với giá gói thầu hơn 240 tỷ đồng; Gói thầu số 16G - Thi công xây dựng kênh La Khê và đường giao thông 2 bên bờ kênh từ K2+188 ÷ K2+732 với giá gói thầu 210 tỷ đồng; Gói thầu số 16I - Thi công xây dựng kênh La Khê đoạn và đường giao thông 2 bên bờ kênh từ K0+799 ÷ K1+438 với giá gói thầu hơn 260 tỷ đồng; Gói thầu số 16M - Thi công, lắp đặt thiết bị chiếu sáng, trồng cây xanh 2 bên bờ kênh với giá gói thầu hơn 21 tỷ đồng.

Tuyến xe buýt đầu tiên xuyên Hải Vân nối Huế - Đà Nẵng

TPO - Sau khi tuyến xe buýt Huế - Đà Nẵng và chiều ngược lại được thiết lập, phía TT-Huế sẽ có 29 xe (mang logo nhận diện Huebus) tham gia mỗi ngày, xuất hành tại Bến xe phía Nam Huế. Xe buýt từ Đà Nẵng đi Huế (Danabus) khởi hành từ Bến xe Trung tâm Đà Nẵng.

Văn phòng UBND tỉnh TT-Huế ngày 4/11 cho biết, kể từ đầu năm 2020 giữa hai thành phố Huế và Đà Nẵng sẽ có tuyến xe buýt đầu tiên xuyên qua núi Hải Vân nhằm tạo thuận lợi và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ vận tải công cộng phục vụ người dân.

Từ đầu năm 2020, xe buýt tại Huế sẽ mở rộng phạm vi hoạt động vào tận địa bàn TP Đà Nẵng

Được biết, đến nay, UBND tỉnh TT-Huế đã thống nhất đề xuất của Sở GTVT mở tuyến cố định xe buýt liên tỉnh đi Đà Nẵng và ngược lại, nối giữa hai bến: Bến xe phía Nam Huế và Bến xe Trung tâm Đà Nẵng.

Phía tỉnh TT-Huế có 29 phương tiện (với logo nhận diện Huebus) xuất phát buổi sáng từ Bến xe phía Nam Huế, trở về Huế chuyến đầu từ trưa trong ngày.

Đà Nẵng 28 phương tiện (Danabus) tham gia vào tuyến xe buýt cố định này tại Bến xe trung tâm Đà Nẵng, cũng xuất phát buổi sáng, về Đà Nẵng chuyến đầu vào buổi trưa trong ngày.

Thời gian vận hành tuyến xe buýt liên tỉnh Huế - Đà Nẵng bắt đầu từ ngày 1/1/2020. Tuyến này sẽ xây dựng một hệ thống ứng dụng tiện ích (App) để dùng chung cho xe buýt Huế - Đà Nẵng và hỗ trợ người dân cài đặt, tra cứu, sử dụng khi đi xe.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 5/11/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất