Thứ bảy, 20/04/2024 16:14 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 5/3/2020

MTĐT -  Thứ năm, 05/03/2020 10:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 5/3/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 5/3/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổnng hợp.

Bắc Ninh trình Thủ tướng duyệt siêu đô thị du lịch vốn ‘khủng’ 126.000 tỷ đồng

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có tờ trình số 45 ngày 3/3/2020 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt khu vực phát triển đô thị khu đô thị, du lịch, sinh thái, văn hoá, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí trên địa bàn huyện Tiên Du và thị xã Từ Sơn.

Theo tờ trình, dự án thuộc địa bàn các xã Tương Giang, xã Tam Sơn – thị xã Từ Sơn và thị trấn Lim, xã Nội Duệ, xã Phú Lâm – huyện Tiên Du. Ranh giới cụ thể, phía bắc giáp kênh Ngũ Huyện Khê; phía đông bắc giáp phường Phong Khê, TP. Bắc Ninh; phía đông nam giáp đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn.

Quy mô khu vực phát triển đô thị khoảng 1.687,35ha, trong đó 1.445,61ha để phát triển khu đô thị mới; 241,74ha đất làng xóm cũ, đất dự trữ phát triển dân cư địa phương, đất trồng cây cảnh…

Quy mô dân số trong khu vực phát triển đô thị khoảng 80.000 người, bao gồm dân số hiện trạng trong khu quy hoạch khoảng 17.000 người.

Bắc Ninh đề xuất đầu tư siêu đô thị du lịch vốn ‘khủng’ 126.000 tỷ đồng

Dự kiến tổng kinh phí đầu tư dự án khoảng 126.008 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư cho khu vực phát triển đô thị mới là hơn 122.000 tỷ đồng; vốn đầu tư cải tạo, chỉnh trang làng xóm cũ, phát triển dân cư địa phương là 3.843 tỷ đồng.

Khu đô thị chia thành 7 phân khu, được quy hoạch các khu chức năng chính như: khu trung tâm đô thị đa chức năng, quảng trường lớn; khu công viên, vui chơi giải trí, công viên chuyên đề; khu thể thao ngoài trời; khu công viên thiên nhiên, văn hoá, biểu tượng đặc trưng Việt Nam; khu công cộng, thương mại, dịch vụ; khu nhà ở (biệt thự, liền kề, chung cư); khu du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái; khu nông nghiệp làng nghề; khu đất hạ tầng kỹ thuật.

Cụ thể, phân khu A có diện tích hơn 336ha, có chức năng vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng gồm các công trình công viên chủ đề, trung tâm hội nghị, trung tâm thể thao và khách sạn, nhà ở.

Phân khu B có diện tích 272ha, có chức năng là khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, ven bờ kênh Ngũ Huyện Khê.

Phân khu C có diện tích hơn 108ha, đây là khu chức năng hành chính, thương mại của toàn khu đô thị, bao gồm các công trình quảng trường trung tâm, khu hành chính thương mại, khu nhà ở thấp tầng và nhà ở cao tầng, khu trường học, trung tâm thương mại…

Phân khu D, F có tổng diện tích trên 502ha, đây là khu tổ hợp đô thị lớn nhất với chức năng là các công trình nhà ở sinh thái thấp tầng, chủ yếu là biệt thự và nhà ở liền kề, công viên cây xanh, mặt nước…và khu nhà ở cao tầng được bố trí dọc tuyến đường ĐT295C.

Phân khu E có tổng diện tích hơn 218ha, có chức năng là khu vực được phát triển đô thị mật độ cao dọc tuyến đường ĐT295C…

Phân khu G có diện tích 250ha, có chức năng là đất làng xóm hiện trạng và đất phát triển cho dân cư địa phương.

Các giai đoạn đầu tư được phân định sơ bộ như sau: giai đoạn 1 đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, các khu công viên, vui chơi giải trí, một phần các khu nhà ở. Thời gian thực hiện từ 2020 – 2025.

Giai đoạn 2 đầu tư các công trình thuộc khu đô thị, bao gồm các công trình công cộng, khu nhà ở cao tầng và thấp tầng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Thời gian thực hiện từ 2025 – 2030.

UBND tỉnh Bắc Ninh báo cáo, trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt đề xuất khu vực phát triển đô thị trên.

UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, sau khi được Bộ Xây dựng thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực phát triển đô thị, tỉnh sẽ tổ chức hoàn thiện thủ tục, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và triển khai quản lý thực hiện dự án theo quy định.

Xem xét các phương án đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Ngày 3/3, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cùng các sở, ngành liên quan đã tổ chức cuộc họp để nghe đơn vị tư vấn trình bày các phương án triển khai xây dựng, nghiên cứu lập báo cáo tiền khả thi dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Theo đơn vị tư vấn là Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT-CTCP (TEDI), cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài toàn tuyến 77,8 km, đi qua địa bàn hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu. Dự án gồm hai thành phần, trong đó thành phần một có chiều dài 46,8 km đoạn từ Biên Hòa - cảng Cái Mép - Thị Vải, thị trấn Phú Mỹ; thành phần hai dài 31 km từ Phú Mỹ về Vũng Tàu dài 31 km.

Điểm đầu cao tốc nối với tuyến tránh quốc lộ 1A đoạn tránh TP Biên Hòa (cách ngã ba Vũng Tàu 6,5 km). Điểm cuối đường cao tốc tại TP Vũng Tàu là đường 2 Tháng 9 (Km 71+600/QL51C cũ). Điểm cuối hai: Nối với đường vào cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải.
Theo dự kiến, nếu đầu tư toàn tuyến thì tổng mức đầu tư là 25.743 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách Bà Rịa-Vũng Tàu là hơn 4.000 tỉ đồng; vốn ngân sách trung ương và Đồng Nai là hơn 10.700 tỉ đồng và nhà đầu tư là 10.907 tỉ đồng.

Nếu chia dự án thành hai thành phần thì tổng mức đầu tư thành phần một là hơn 14.900 tỉ đồng (phần đường cao tốc là hơn 13.100 tỉ đồng, còn lại là đường nối. Trong đó dự kiến, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đầu tư 2.023 tỉ để giải phóng mặt bằng (GPMB) phần đường cao tốc qua địa phận tỉnh và đầu tư toàn bộ phần đường nối. Ngân sách trung ương và Đồng Nai đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng; nhà đầu tư tham gia đầu tư theo hình thức BOT là 7.855 tỉ đồng.

Đối với dự án thành phần hai, gồm 28 km cao tốc và 2,8 km trong đô thị thì tổng mức đầu tư gần 11.000 tỉ đồng. Đối với dự án này, đơn vị tư vấn có thể có ba phương án.

Thứ nhất là xin vốn đầu tư công của trung ương khoảng 8.400 tỉ đồng, ngân sách tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hơn 2.000 tỉ đồng; thứ hai: Đầu tư toàn bộ vốn từ ngân sách tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, lập thủ tục xin chuyển đầu tư đoạn này thuộc hệ thống giao thông địa phương…; thứ ba: Ngân sách trung ương 5.615 tỉ đồng; Bà Rịa-Vũng Tàu 2.041 tỉ đồng (gồm GPMB phần đường cao tốc và đoạn trong đô thị). Phần còn lại nhà đầu tư là 3.131 tỉ đồng.

Đơn vị tư vấn cho rằng nếu các phương án được lựa chọn, thống nhất xong, trong ba tháng sẽ hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trình phê duyệt.

Theo UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh đã bổ sung danh mục dự án cho phép chuẩn bị đầu tư theo Nghị quyết 111/NQ-HĐND. Tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn, các sở ngành tiếp tục làm việc lại, trong đó với tỉnh Đồng Nai nghiên cứu để hoàn chỉnh hồ sơ trình lại. Tỉnh cũng sẽ kiến nghị Chính phủ có ý kiến chỉ đạo các bộ KH&ĐT, GTVT, Tài chính xem xét, cân đối nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cho dự án thực hiện công tác GPMB và một phần chi phí xây lắp đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ngân sách tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ hỗ trợ cho dự án thực hiện công tác GPMB và một phần chi phí xây lắp tuyến qua địa bàn tỉnh…

TP.HCM triển khai giai đoạn 2 phố đi bộ Nguyễn Huệ

Ngày 4/3, UBND TP.HCM cho biết đã yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất phương án thiết kế giai đoạn 2 đường đi bộ Nguyễn Huệ để triển khai các hạng mục chiếu sáng, thùng rác, ghế đá chặn xe vào khu vực quảng trường; đồng thời phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai thực hiện công tác chiếu sáng đường đi bộ Nguyễn Huệ và tượng Bác.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ nhìn từ trên cao

Đối với phương án thiết kế khu vực công viên trước Nhà hát TP, cần đảm bảo giao thông thông suốt tuyến đường Đồng Khởi, không thu hẹp lòng đường hiện hữu tại khu vực phía trước Nhà hát TP để trồng cây xanh. Phương án thiết kế này cần hài hòa với thiết kế của đường đi bộ Nguyễn Huệ về chủng loại cây xanh, ghế ngồi, bồn hoa, thùng rác, ghế đá chặn xe.

Theo đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao, UBND TP chấp thuận chủ trương xây dựng chuyên đề âm nhạc phục vụ cho hoạt động trình diễn nhạc nước tại đài phun nước đường đi bộ Nguyễn Huệ.

Giảm thu 1.000 tỷ đồng vì dừng thu phí cao tốc TP.HCM-Trung Lương

Hiệp hội các nhà đầu tư giao thông đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về việc sớm thu phí trở lại đối với dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Theo PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội này cho biết, hiện lưu lượng bình quân trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương khoảng 47.000 lượt phương tiện/ngày đêm.

“Từ khi dừng thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã gây lãng phí khoảng 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn làm giảm năng lực lưu thông của tuyến cao tốc, tốc độ giảm, mặt đường xuống cấp, không có nguồn kinh phí bảo trì…", văn bản nhấn mạnh.

Giao thông thường xuyên ùn tắc trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương kể từ khi dừng thu phí từ đầu năm 2019.

Vì vậy, Hiệp hội kiến nghị cần sớm tổ chức khai thác, thu phí trở lại đối với cao tốc TP.HCM - Trung Lương để tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước duy tu, bảo trì và tái đầu tư cơ sở hạ tầng.

Đồng thời nhằm quản lý và kiểm soát tải trọng, lưu lượng lưu thông trên tuyến, nâng cao năng lực thông hành.

Trước đó, Cục Quản lý Đường bộ IV đã có kiến nghị bổ sung kinh phí 107 tỉ đồng để sửa chữa khẩn cấp mặt đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Hiện tại, phần đường dẫn ở 2 đầu cao tốc phía chợ Đệm (TP.HCM) và Thân Cửu Nghĩa (tỉnh Tiền Giang) đã xuống cấp. Trên cao tốc, mặt đường đã xuất hiện nhiều vết nứt, lún vệt bánh xe. Số vụ tai nạn, nhất là tại vị trí làn dừng khẩn cấp tăng gấp 1,5 lần so với trước, trong đó có vụ gây chết người.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 5/3/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ