Thứ sáu, 29/03/2024 21:15 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 5/7/2020

MTĐT -  Chủ nhật, 05/07/2020 09:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 5/7/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 5/7/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Cần 904.000 tỉ đồng phát triển giao thông TP HCM

Dự thảo Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ở TP HCM giai đoạn 2021-2030 vừa được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) trình UBND TP. Trong đó, dự kiến cần 904.000 tỉ đồng đầu tư hạ tầng giao thông tại TP HCM.

Sở GTVT TP HCM cho biết mục tiêu nghiên cứu của đề án là nhằm đề ra các giải pháp mang tính đột phá, đồng thời xây dựng lộ trình phù hợp triển khai đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, có tính kết nối cao để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Theo đề án, nhu cầu vốn để đầu tư cho hạ tầng giao thông 10 năm tới là 904.293 tỉ đồng, gồm hơn 438.000 tỉ đồng từ vốn ngân sách, còn lại là các nguồn vốn khác (trung ương, xã hội hóa, ODA...). Cụ thể, trong 5 năm tới, TP HCM cần thực hiện 3 tuyến đường cao tốc là TP HCM - Mộc Bài (xây mới), TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và TP HCM - Trung Lương (mở rộng). Kế đến là đầu tư các tuyến Quốc lộ 1, 13, 22, 50 và tập trung xây dựng các tuyến vành đai 2, 3.

Giai đoạn này, TP HCM cũng sẽ tập trung đầu tư hoàn thành các tuyến metro gồm số 1 (Bến Thành - Suối Tiên, hiện đang thi công), metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) và số 5 (Ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn).

Đề án của Sở GTVT cũng nêu TP HCM đầu tư 7 đường trục chính đô thị, gồm: đoạn ngã tư Bảy Hiền - Âu Cơ (Âu Cơ giao với Thoại Ngọc Hầu); đoạn từ nút giao Thoại Ngọc Hầu - Vành đai trong đến nút giao Vành đai trong - đường số 29; đoạn từ Kinh Dương Vương (khu vực đường Đỗ Năng Tế) đến Nguyễn Văn Linh; đường song song Quốc lộ 50; đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa; cầu đường Nguyễn Khoái và cầu đường Bình Tiên...

Đặc biệt, hàng loạt nút giao thông trọng yếu cũng sẽ đầu tư trong giai đoạn 5 năm tới, gồm: An Phú, Mỹ Thủy, Gò Dưa, Linh Xuân, ngã tư Bốn Xã và nút giao ngã sáu Công trường Dân Chủ. Đến năm 2025-2030, TP tập trung đầu tư thêm nút giao Quốc lộ 1 - đường Vườn Lài.

Bốn cây cầu có quy mô lớn vượt sông cũng sẽ xây dựng, gồm cầu Thủ Thiêm 3 (nối quận 2 và 4) và Thủ Thiêm 4 (nối quận 2 và 7), cầu Cát Lái (nối TP HCM với Đồng Nai) và cầu Cần Giờ (nối huyện Nhà Bè với Cần Giờ).

Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bắc Kạn

Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng vừa phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm phấn đấu đến năm 2030, Bắc Kạn trở thành tỉnh phát triển khá của vùng trung du miền núi phía bắc, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn và xóa bỏ sản xuất tự cung, tự cấp, nhỏ lẻ trong đồng bào dân tộc thiểu số. Yêu cầu về nội dung lập quy hoạch cần định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả ba trụ cột: Kinh tế, xã hội, môi trường; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế. Bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh. Ðồng thời ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng.

TPHCM 'kêu' khó mời gọi đầu tư chống ngập

Ngày 3/7, tại cuộc giám sát của HĐND TPHCM về quản lý đầu tư đối với các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cảnh báo sắp tới, khi Luật PPP có hiệu lực, TPHCM sẽ gặp khó khăn trong kêu gọi đầu tư các dự án chống ngập, sạt lở, di dời các hộ dân ven kênh rạch…

Tại buổi giám sát, Phó Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM Cao Thanh Bình phân tích: Từ năm 2016, HĐND TPHCM đã ban hành nghị quyết cho phép chuyển đổi các dự án từ đầu tư công bằng vốn ngân sách sang hình thức đầu tư PPP nếu mời gọi được đối tác. Tuy nhiên, qua giám sát, 5 năm qua TPHCM chưa có dự án nào chuyển đổi từ vốn ngân sách sang PPP. Do đó, UBND TPHCM cần quan tâm, kêu gọi nhiều dự án PPP hơn để giảm gánh nặng cho ngân sách.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhìn nhận, hình thức đầu tư PPP có ưu điểm vượt trội là giảm gánh nặng cho ngân sách do kêu gọi được nguồn lực từ xã hội, doanh nghiệp. Tuy nhiên, các giai đoạn chuẩn bị triển khai thực hiện dự án PPP, các quy định pháp lý dù đã đầy đủ như có đề xuất dự án, tổ chức kêu gọi đầu tư, công khai minh bạch, tổ chức lựa chọn, triển khai thực hiện, thanh toán quyết toán… nhưng thực hiện không dễ dàng vì từng khâu trong các quy định hoặc giai đoạn đều có những lỗ hổng pháp lý.

Đơn cử: Đề xuất dự án theo quy định có 2 nhóm. Nhà nước đề xuất dự án thì không nhà đầu tư nào tham gia. Còn nhà đầu tư đề xuất dự án thì coi như nhà đầu tư đã chủ động tham gia. “Nếu như nhà nước đề xuất mà có nhiều nhà đầu tư tham gia thì quá tốt nhưng đằng này nhà đầu tư đề xuất và chắc chắn họ tham gia thì không khác gì …chỉ định thầu, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chỉ cần lơ là, quản lý giám sát không tốt thì thiệt thòi thuộc về nhà nước. Đó chính là lỗ hổng. Chưa nói, trong dự án PPP, hình thức chỉ định thầu là chủ yếu khiến quy mô dự án phình ra”, ông Hoan cho hay.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 5/7/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới