Thứ bảy, 20/04/2024 18:29 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 5/9/2019

MTĐT -  Thứ năm, 05/09/2019 09:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 5/9/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 5/9/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Bộ GTVT bác đề xuất bỏ trạm thu phí cầu Rạch Miễu

Bộ GTVT cho biết, dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu trên QL60 được triển khai theo hình thức hợp đồng BOT, bắt đầu khai thác và thu phí hoàn vốn từ năm 2009. Phương án thu hoàn vốn tại 2 trạm thu phí (1 trạm chính ở tỉnh Bến Tre và 1 trạm phụ tại Thới Sơn, tỉnh Tiền Giang) để đảm bảo tính khả thi cho dự án.

"Việc triển khai dự án và lập trạm thu phí tuân thủ đúng quy định của pháp luật, có ý kiến đồng thuận của địa phương", Bộ GTVT khẳng định.

Về phản ánh luồng phương tiện đi từ phía bờ Tiền Giang qua cầu chính đến xã Thới Sơn dừng trả khách ở lần chờ cầu Rạch Miễu và quay đầu không qua trạm, gây ùn tắc cục bộ, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT trên cầu Rạch Miễu, Bộ GTVT cho rằng, việc dừng, đón trả khách ở lần chờ cầu Rạch Miễu là sai quy định, gây ùn tắc và tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Do đây là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo lực lượng công an xử lý nghiêm minh. Bộ GTVT sẽ giao Tổng cục Đường bộ VN chỉ đạo lực lượng Thanh tra phối hợp.

--

Trả lời đề xuất bỏ trạm thu phí nêu trên, Bộ GTVT cho rằng, luồng phương tiện đi từ phía bờ Tiền Giang qua cầu Rạch Miễu đến xã Thới Sơn chủ yếu là các phương tiện giao thông phục vụ du lịch, không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tất cả các phương tiện này đều đã sử dụng cầu Rạch Miễu được đầu tư trong dự án, về nguyên tắc khi đi qua phải trả phí sử dụng dịch vụ đường bộ.

"Việc không thu phí đối với các phương tiện này sẽ tạo ra sự không công bằng giữa các phương tiện cùng đi qua cầu và các phương tiện đi thẳng có thể khiếu nại. Về mặt tài chính, nếu bỏ trạm thu sẽ làm ảnh hưởng đến doanh thu và dự án có thể mất khả năng trả nợ ngân hàng và khoản nợ trở thành nợ xấu, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, uy tín của Chính phủ và địa phương về những nội dung đã cam kết trước đây trong hợp đồng. Do vậy, Bộ GTVT đề nghị giữ nguyên trạm thu phí qua xã Thới Sơn như đã ký cam kết với nhà đầu tư", Bộ GTVT khẳng định.

Trước đó, trong văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất bỏ trạm thu phí cầu Rạch Miễu trên QL60 qua xã Thới Sơn, tỉnh Tiền Giang cho biết, dự án cầu Rạch Miễu trên QL60 nối liền tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT, thời gian qua đã và đang phát huy hiệu quả cao trong việc kết nối liên vùng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Theo tỉnh này, từ khi dự án đưa vào khai thác đến nay đã 10 năm, phương tiện lưu thông qua tuyến chính là chủ yếu và chiếm khoảng 98,2%; doanh thu của dự án trên tuyến chính chiếm khoảng 99,3%, phương tiện lưu thông qua trạm thu phí trên xã Thới Sơn khoảng 1,8% và doanh thu của dự án qua trạm thu phí trên xã Thới Sơn chiếm khoảng 0,7%.

Thời gian qua, xuất hiện các xe chở khách du lịch đến xã Thới Sơn đi từ bờ Tiền Giang qua cầu chính rồi dừng thả khách ở làn chờ cầu Rạch Miễu nhưng không cho xe qua trạm và quay đầu xe về lại phía bờ Tiền Giang gây ùn tắc cục bộ và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT trên cầu Rạch Miễu.

"Xã Thới Sơn là xã cù lao trên sông Tiền, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và du lịch sinh thái, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Đây là xã được chính quyền địa phương rất quan tâm xây dựng nông thôn mới", UBND tỉnh Tiền Giang cho biết và đề xuất: "Ghi nhận kiến nghị nhiều lần của cử tri qua các kỳ họp HĐND các cấp, đề nghị xem xét bỏ trạm thu phí qua xã Thới Sơn để thúc đẩy phát triển du lịch, hạ giá thành nông sản góp phần cải thiện đời sống của người dân".

Công bố điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Nhơn Hội đến năm 2040

Sáng 4/9, tại thành phố Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định tổ chức Lễ công bố điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Nhơn Hội đến năm 2040.

Năm 2005, Khu Kinh tế Nhơn Hội tỉnh Bình Định nằm trên bán đảo Phương Mai, thành phố Quy Nhơn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung đến năm 2020 với mục tiêu: Khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý kinh tế và quỹ đất trong giao thương, dịch vụ trong nước và quốc tế của vùng đất có nhiều tiềm năng để thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực Nam Trung Bộ và cả miền Trung; Phát triển sản xuất hình thành các ngành công nghiệp mũi nhọn, tạo ra những sản phẩm có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng ra thị trường thế giới; Tạo việc làm, thúc đẩy việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Qua 14 năm xây dựng và hoạt động, Khu Kinh tế Nhơn Hội cơ bản hoàn thành vai trò định hướng phát triển kiến thiết, xây dựng cơ bản hạ tầng khung nhằm tạo ra sức hút nhất định đối với nhà đầu tư trên bán đảo Phương Mai. Đến nay, tổng dự án đăng ký đầu tư tại Khu Kinh tế Nhơn Hội là 81 dự án với tổng vốn đầu tư gần 54.000 tỷ đồng, bao gồm các ngành chủ chốt: công nghiệp, dịch vụ, đô thị hình thành diện mạo mới cho sự phát triển của Khu Kinh tế Nhơn Hội.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 514 ngày 8/5/2019 phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định đến năm 2040. Với việc điều chỉnh quy hoạch mới, Khu Kinh tế Nhơn Hội sẽ bước vào giai đoạn phát triển theo số lượng chuyển sang phát triển theo chất lượng, phát triển có trọng tâm, trọng điểm.

Bà Trần Thị Hằng - Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) trao Quyết định điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định đến năm 2040 cho lãnh đạo Ban QL Khu Kinh tế Bình Định 

Theo đó, phạm vi lập quy hoạch có diện tích khoảng 14.308ha, gồm Phần hiện hữu: trên bán đảo Phương Mai có diện tích 12.000ha thuộc địa giới hành chính của phường Hải Cảng và các xã Nhơn Hội, Nhơn Lý, Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn; các xã Cát Tiến, Cát Hải, Cát Chánh, huyện Phù Cát; các xã Phước Hòa, Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Phần mở rộng: trên địa giới hành chính xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định có diện tích khoảng 2.308ha.

Khu Kinh tế Nhơn Hội được điều chỉnh là Khu Kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp, cảng biển, năng lượng tái tạo và thủy sản; Là cực tăng trưởng đối trọng, liên kết chặt chẽ và toàn diện với sự phát triển chung của thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận; Là một trong những trung tâm phát triển chính của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, đầu mối thông thương, giao lưu quốc tế quan trọng của miền Trung và Tây Nguyên; Là khu vực có tầm quan trọng về an ninh, quốc phòng. Dự báo đến năm 2030, tổng dân số khoảng 120.000 -140.000 người, nhu cầu sử dụng quỹ đất xây dựng khoảng 8.461ha. Đến năm 2040, tổng dân số khoảng 200.000 - 250.000 người, nhu cầu sử dụng quỹ đất xây dựng khoảng 10.746ha.

Không gian Khu Kinh tế Nhơn Hội được tổ chức trên cơ sở phối hợp bốn không gian cơ bản: Không gian cảnh quan - dự trữ sinh thái, không gian phát triển công nghiệp, không gian phát triển du lịch và không gian phát triển đô thị - nông thôn. Khu kinh tế Nhơn Hội chia là tám phân khu chức năng bao gồm: Phân khu 1 – Khu đô thị, dịch vụ Tân Thanh, Vĩnh Hội; Phân khu 2 - Khu đô thị cửa ngõ Cát Tiến; Phân khu 3 - Khu đô thị du lịch Nhơn Hội; Phân khu 4 - Khu công nghiệp đô thị Nhơn Hội; Phân khu 5 - Khu đô thị du lịch Phương Mai; Phân khu 6 - Đầm Thị Nại; Phân Khu 7 - Khu công nghiệp - đô thị Becamex A; Phân khu 8 - Khu đô thị - dịch vụ Becamex B.

Khu Kinh tế Nhơn Hội ưu tiên các dự án đầu tư từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ: hoàn thiện tuyến đượng Phù Cát - Nhơn Hội; nâng cấp tuyến quốc lộ 19C. Các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác. Các dự án đầu tư theo mô hình đối tác công tư: xây dựng, khai thác các bến xe khách, xe buýt, bến tàu phục vụ du lịch; xây dựng cảng biển Nhơn Hội và hậu cần cảng; cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới một số tuyến đường giao thông đô thị; các dự án nhà ở xã hội; các khu đô thị mới Mai Hương, Cát Tiến, Nhơn Hội, Becamex; các khu du lịch, dịch vụ thể thao mang tính đặc thù; các cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo tư nhân; xây dựng và khai thác trung tâm du lịch biển, công viên vui chơi giải trí; nhà máy xử lý nước thải tại các khu vục mới phát triển theo công nghệ hiện đại.

Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có thêm tuyến cao tốc mới 30.000 tỷ đồng

Chiều 4/9, Sở GTVT TP Cần Thơ đã có buổi làm việc cùng Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM, gọi tắt là Công ty Cửu Long) về việc thông qua phương án hướng tuyến các điểm khống chế, tĩnh không thông thuyền, tĩnh không đường chui của dự án đầu tư xây dựng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ.

Theo Công ty Cửu Long, dự án Đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nằm trong quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ - TTg ngày 1/3/2016 và là dự án Bộ GTVT xác định là ưu tiên đầu tư của ngành.

Việc đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nhằm kết nối trung tâm TP Cần Thơ đi qua các tỉnh, thành trong khu vực, kết nối với các trục dọc như QL1A, tuyến N1, dự án kết nối khu vực Trung tâm ĐBSCL…

Dự án do Công ty Cửu Long là đơn vị thực hiện quản lý dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị đầu tư. Đơn vị tư vấn thực hiện nghiên cứu lập dự án là Công ty Jinwoo Engineering Korea và Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Công trình 625.

Đường cao tốc này sẽ có điểm đầu TP Châu Đốc (tỉnh An Giang), điểm cuối TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), tổng chiều dài hơn 150km, đi qua 4 tỉnh: An Giang (gần 60km), Cần Thơ (gần 50km), Hậu Giang (hơn 20km) và Sóc Trăng (gần 30km), tổng vốn đầu tư dự kiến gần 30.000 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành vào năm 2026.

Bình đồ dự kiến Dự án Đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua địa bàn TP Cần Thơ    

Trên tuyến có khoảng 130 cầu; 50 vị trí giao cắt gồm 34 vị trí giao cắt trực thông và 16 vị trí giao cắt liên thông, vận tốc thiết kế từ 100 - 120km/h. Trong kế hoạch phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 đường có vận tốc thiết kế 80km/h, chiều rộng nền đường 17m; giai đoạn 2 hoàn chỉnh theo quy hoạch đường có vận tốc thiết kế 100 - 120km/h, chiều rộng nền đường 24,75m.

Sau khi nghe ý kiến đóng góp từ một số địa phương tuyến cao tốc đi, ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Công ty Cửu Long cho biết, sẽ ghi nhận và điều chỉnh hướng tuyến dự án cho phù hợp thực tế, nhằm hạn chế những phát sinh sau này. Đơn vị đề nghị, UBND TP Cần Thơ ủng hộ nhằm từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, tạo động lực để phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng của các tỉnh thành trong vùng dự án đi qua nói riêng và các tỉnh miền Tây Nam Bộ nói chung.

Chủ trì buổi làm việc, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ hoan nghênh và ủng hộ dự án bởi tuyến cao tốc này khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ góp phần to lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương nói riêng, khu vực ĐBSCL nói chung.

Theo Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, hướng tuyến của dự án cơ bản là phù hợp với quy hoạch chung của TP và quy hoạch phát triển của Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, nhà tư vấn cần lưu ý, cập nhật lại quy hoạch mạng lưới đường thủy nội địa và quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông nông thôn của địa phương để có điều chỉnh phù hợp với định hướng của TP.

Cạnh đó, đơn vị tư vấn nghiên cứu sao cho tuyến cao tốc này kết nối một số điểm với QL91 và Bốn Tổng Một Ngàn nhằm giảm tải chi phí, thời gian cho việc vận chuyển hàng hóa, giảm tải cho tuyến QL91.

Đối với các điểm khống chế, tĩnh không thông thuyền, tĩnh không đường chui của dự án đi qua địa bàn TP Cần Thơ, Giám đốc Sở GTVT đề nghị UBND các quận, huyện và các Sở ban ngành có liên quan nghiên cứu rà soát, có văn bản báo cáo về Sở để có báo cáo về UBND TP. Sau đó sẽ có văn bản chính thức làm cơ sở cho đơn vị tư vấn điều chỉnh thông số cho phù hợp.

Bình Dương: Công ty Tuấn Điền Phát thực hiện dự án nhà ở 117.000 m2

UBND tỉnh Bình Dương vừa có quyết định cho phép Công ty TNHH MTV Tuấn Điền Phát được sử dụng khu đất với tổng diện tích 117.896,2 m2 để thực hiện Dự án Khu nhà ở Tuấn Điền Phát 3.

Quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất 117.296,2 m2 từ đất nông nghiệp thành đất ở đô thị với diện tích 56.646,2 m2; 58.873,4 m2 đất phục vụ cho mục đích đất cây xanh, đất thủy lợi (trạm xử lý nước thải), đất giao thông; 1.776 m2 đất dùng cho xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo; 600 m2 đất còn lại sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng mà không phải xin phép cơ quan nhà nước nhưng phải đăng ký biến động.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 5/9/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất