Thứ ba, 19/03/2024 10:10 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 6/6/2020

MTĐT -  Thứ bảy, 06/06/2020 10:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 6/6/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 6/6/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xem xét thông qua 8 dự án giao thông trọng điểm

Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị sẽ trình HĐND thành phố xem xét thông qua 8 dự án giao thông trọng điểm ngay trong năm 2020.

Cụ thể là các dự án: Cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh); xây dựng hai cây cầu trên tuyến đường N2 và N4 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; hai đoạn đường Vành đai 2; nút giao An Phú; mở rộng quốc lộ 50; cải tạo quốc lộ 22 và cầu đường Nguyễn Khoái nối các quận 1, 4 và 7.

Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị đang quản lý 252 dự án từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Trong năm 2020, đơn vị đã hoàn tất thủ tục trình phê duyệt, điều chỉnh 18 dự án đầu tư; hoàn tất các thủ tục khởi công 31 gói thầu, dự án; thi công 59 dự án và phấn đấu hoàn thành 32 dự án. Đây là những công trình được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết nạn ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.

Trình Thủ tướng đề xuất đầu tư 4.827 tỷ đồng xây 22,7 km cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ

Bộ GTVT vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1.

Theo đề xuất của Bộ GTVT, Dự án có điểm đầu tại Km107+363,08 - kết nối với dự án cầu Mỹ Thuận 2 thuộc địa phận TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long; điểm cuối tại Km 130+337 (nút giao Chà Và, kết nối Quốc lộ 1 hiện hữu) thuộc địa phận TX. Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long; tổng chiều dài tuyến là 22,97 km.

Tuyến đường thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100km/h; mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 6 làn xe; mặt cắt ngang giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Với quy mô đầu tư nói trên, tổng mức đầu tư Dự án 4.827,32 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 2.891,51 tỷ đồng,sử dụng 100% vốn ngân sách Trung ương theo Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công.

Hiện Dự án đã được cân đối bố trí 932 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Bộ GTVT (Quyết định số 515/QĐ-TTg ngày 15/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ). Do Dự án được bố trí một phần kinh phí thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nên sẽ là dự án chuyển tiếp trong giai đoạn 2021-2025. Theo quy định của Luật Đầu tư công (Điều 51 và Điều 52), Bộ GTVT xác định đây là công trình quan trọng cấp bách của ngành và sẽ ưu tiên cân đối, bố trí phần còn lại (3.895,32 tỷ đồng) để hoàn thành dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và báo cáo Chính phủ, Quốc hội chấp thuận để triển khai thực hiện. Theo yêu cầu của Thủ tướng, Dự án sẽ khởi công năm 2020, cơ bản hoàn thành năm 2022, hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2023.

Dự án xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ sẽ do Tổng công ty ĐTPT&QLDA Hạ tầng giao thông Cửu Long làm đại diện chủ đầu tư.

Được biết, đường cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh đến Cần Thơ là một bộ phận của trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết trong đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông. Đây là trục đường có lưu lượng xe lớn vào bậc nhất trong các trục đường chính trên toàn quốc, trong đó, đoạn TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương đã được sử dụng từ tháng 2 năm 2010; đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận đang được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT dự kiến đưa vào sử dụng năm 2021; cầu Mỹ Thuận 2 đang được triển khai xây dựng bằng vốn trái phiếu Chính phủ dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2023. Do vậy việc đầu tư xây dựng đoạn tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ nhằm hoàn chỉnh toàn tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ theo quy hoạch đã phê duyệt là hết sức cần thiết và cấp bách.

Dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 theo hình thức đối tác công tư (PPP) năm 2017 và phê duyệt điều chỉnh tại vào tháng 10/2019.

Tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1 sang hình thức đầu tư công để sớm triển khai thực hiện dự án nhằm phát triển hiệu quả đầu tư toàn tuyến cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh đến TP. Cần Thơ.Việc hình thành trục cao tốc sẽ tạo ra động lực lớn thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế -xã hội của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đồng ý Dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ được áp dụng cơ chế của Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Thực hiện Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 12/11/2017 của Quốc hội về việc nghiên cứu phương án thu hồi vốn Nhà nước đầu tư dự án đầu tư công, Bộ GTVT dự kiến áp dụng hình thức chuyển nhượng, cho thuê quyền khai thác, quyền sử dụng tài sản công, đảm bảo phù hợp với quy định tại Mục 4, Điều 7, Luật quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 ngày 21/6/2017 và các quy định của pháp luật có liên quan.

Cụ thể, chủ đầu tư sẽ lập thành dự án riêng để tiếp tục đầu tư các hạng mục phục vụ quản lý, khai thác (nhà điều hành, trạm thu phí,...) và tổ chức thu phí sử dụng đường bộ như đối các dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Dự kiến đơn vị được nhượng quyền thu phí sẽ tiếp tục đầu tư các hạng mục phục vụ quản lý, khai thác và thu phí; khoảng 12 năm sẽ thu hồi tổng số vốn đã đầu tư cho Dự án.

Cao tốc Hà Nội - Ninh Bình thu phí không dừng từ 10/6

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa cho biết tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình sẽ chính thức triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC) từ 15h ngày 10/6.

Việc triển khai thu phí không dừng lẽ ra phải thực hiện từ cuối năm 2019 nhưng bị chậm trễ do VEC (chủ đầu tư tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình) đến nay mới hoàn tất việc lắp đặt thiết bị không dừng.

Xe cộ ùn dài do phải dừng chờ thu phí trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Ngọc Tân.

Tổng cục Đường bộ lưu ý chủ phương tiện khi mua vé tháng, quý chưa dán thẻ thu phí tự động ETC cần đưa xe và giấy tờ đến các điểm dán thẻ. Từ tháng 7, Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ chỉ bán vé tháng, quý cho các phương tiện đã dán thẻ ETC.

Theo Tổng cục Đường bộ, các phương tiện phải nạp đủ tiền vào thẻ ETC trước khi đi vào làn tự động. Trường hợp chưa dán thẻ, chưa nạp tiền hoặc tài khoản không đủ tiền mà vẫn vẫn cố tình đi vào sẽ bị xử phạt 1-2 triệu đồng theo Điểm c, Khoản 4, Điều 5 Nghị định 100.

Cao tốc Hà Nội - Ninh Bình có tổng chiều dài 80 km, được hợp thành từ 2 dự án là Pháp Vân - Cầu Giẽ do nhà đầu tư BOT quản lý và Cầu Giẽ - Ninh Bình do VEC quản lý.

Với đặc thù là tuyến cao tốc cửa ngõ phía nam của thủ đô, Pháp Vân - Cầu Giẽ có lưu lượng phương tiện lớn. Theo đại diện doanh nghiệp BOT, hàng ngày trên tuyến đường này có trên 50.000 xe qua lại. Dịp Tết Nguyên Đán có thể tăng lên hơn 100.000 xe khiến tuyến cao tốc thường xuyên ùn tắc.

Việc triển khai các làn thu phí không dừng được hứa hẹn sẽ đẩy nhanh năng lực thông qua tại các trạm thu phí, đồng thời giám doanh thu để nâng cao tính minh bạch.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 6/6/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nghệ An: Quỳ Châu có tân Chủ tịch UBND huyện
Sáng 18/3, Hội đồng Nhân dân huyện Quỳ Châu khóa XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề). Dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lãnh đạo một số Sở, ban ngành.