Thứ sáu, 29/03/2024 22:01 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 7/5/2020

MTĐT -  Thứ năm, 07/05/2020 10:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 7/5/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 7/5/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Đồng Nai thu hồi gần 20ha đất làm khu tái định cư cho cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết

Ngày 7/5, ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, đã ký văn bản số 4788/TB-UBND thông báo về việc thu hồi đất để thực hiện đầu tư xây dựng khu dân cư và tái định cư tại xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ thuộc dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Dầu Giây-Phan Thiết.

Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ điều tra, khảo sát, đo đạc và thu hồi đất của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai quản lý, sử dụng để thực hiện đầu tư xây dựng Khu dân cư và tái định cư tại xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai.

Dự kiến quỹ đất thu hồi đất với diện tích khoảng 185.146 m2 thuộc một phần thửa đất số 18 tờ bản đồ số 5; một phần thửa đất số 27 tờ bản đồ số 35; một phần thửa đất số 140, thửa 171, 172, 173 tờ bản đồ số 31 xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng. Các thửa đất gồm có đất trồng cây lâu năm, đất ở tại nông thôn, đất xây dựng cơ sở giáo dục đào tạo và đất giao thông.

Dự kiến, tháng 8/2020 sẽ khởi công dự án cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết.

UBND tỉnh Đồng Nai giao UBND huyện Cẩm Mỹ thông báo cho các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất biết chủ trương thu hồi đất của Nhà nước để có kế hoạch sản xuất, di dời cho phù hợp. Chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Cẩm Mỹ phối hợp với đơn vị chức năng đo đạc và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc xác định diện tích đất, thống kê nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Dự án đường cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết có chiều dài toàn tuyến khoảng 99km. Đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 51,5km chạy qua các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất và TP. Long Khánh với diện tích đất phải thu hồi khoảng 395 ha của 884 hộ gia đình. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, dự kiến trong tháng 5/2020, tỉnh Đồng Nai có thể bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư dự án đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết.

Tại Bình Thuận, tuyến đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết đi qua địa bàn hai huyện Hàm Tân và Hàm Thuận Nam với chiều dài khoảng 53 km. Đến nay, cơ quan chức năng đã phê duyệt bản đồ địa chính 8/8 xã, hồ sơ giá đất của hai huyện. Kinh phí giải phóng mặt bằng đoạn cao tốc qua địa bàn tỉnh dự kiến khoảng gần 900 tỷ đồng.

Cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết là 1 trong 3 dự án được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất chuyển từ hình thức đầu tư Hợp đồng đối tác công tư (PPP) sang hình thức đầu tư công, sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước. Sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền khai thác theo hình thức Hợp đồng Kinh doanh quản lý (O&M) để thu hồi vốn. Đề xuất trên của Bộ Giao thông Vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và dự kiến tháng 8/2020 sẽ khởi công dự án cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết.

Đường cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây khi hoàn thành sẽ kết nối với hệ thống đường cao tốc Bắc Nam đang được xây dựng từ Dầu Giây (Đồng Nai) đến Cần Thơ (gồm các đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, Bến Lức-Nhơn Trạch-Long Thành, TPHCM-Trung Lương-Cần Thơ). Từ đó tạo thành tuyến đường cao tốc dài gần 400 km đi qua các trung tâm kinh tế, các đầu mối giao thông quan trọng ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, liên kết khu vực miền Trung với miền Nam.

Mời thầu gói xây lắp hơn 200 tỷ đồng tại Mê Linh (Hà Nội)

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mê Linh vừa phát hành hồ sơ mời thầu Gói thầu số 6 Thi công xây dựng công trình (không bao gồm hạng mục cây xanh và điện chiếu sáng) thuộc Dự án Xây dựng tuyến đường từ trung tâm hành chính huyện Mê Linh đến trung tâm văn hóa thể thao huyện Mê Linh (giai đoạn 1).

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Giá gói thầu được phê duyệt tại kế hoạch lựa chọn nhà thầu là 213,4 tỷ đồng.

Dự án gồm 7 gói thầu, trong đó có 2 gói thầu xây lắp. Ngoài Gói thầu số 6, theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu, Gói thầu số 7 Thi công hạng mục cây xanh và điện chiếu sáng sẽ thực hiện lựa chọn nhà thầu trong quý II/2020.

Tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ từ 15/5

Từ 15/5 đến 14/6, lực lượng cảnh sát giao thông trên toàn quốc sẽ ra quân tổng kiểm soát, xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội.

Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết, trước những diễn biến phức tạp trở lại của tình hình trật tự an toàn giao thông, nhất là sau đợt nghỉ lễ 30/4, 1/5 và nới lỏng thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19, Cục vừa ban hành kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ.

Lực lượng CSGT toàn quốc tổng kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông từ 15/5-14/6. Ảnh: csgt.vn

Kế hoạch nhằm tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và Kế hoạch của Bộ Công an về phòng, chống đua xe trái phép.

Theo đó, CSGT toàn quốc sẽ bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật tập trung kiểm soát các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, tập trung vào ô tô kinh doanh vận tải hành khách, ô tô vận tải container, ô tô con và mô tô.

Trong thời gian thực hiện tổng kiểm soát, CSGT được dừng các phương tiện để tập trung xử lý nghiêm hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, làn đường, phần đường, tránh vượt, vi phạm quy định về mũ bảo hiểm, lạnh lách, đánh võng, điều khiển xe thành đoàn; thời gian tập trung vào khung giờ thường xảy ra tai nạn giao thông theo thực tế tình hình ở từng nơi và do địa phương quyết định, đảm bảo hiệu quả, kiềm chế giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, bảo đảm trật tự xã hội.

Kế hoạch cũng hướng tới việc kiểm soát trên các tuyến đường bộ cao tốc và Quốc lộ 1 (từ Lạng Sơn đến TPHCM). Còn đối với các tuyến đường khác, căn cứ tình hình thực tế, giám đốc công an tỉnh, thành phố có kế hoạch tổng kiểm soát hoặc kiểm soát theo các chuyên đề cho phù hợp.

Lực lượng CSGT cũng sử dụng các loại camera đã được trang bị để ghi lại toàn bộ hoạt động trong ca công tác, các hành vi không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, chống người thi hành công vụ, đua xe trái phép và các loại tội phạm khác làm căn cứ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Cục CSGT yêu cầu tất cả cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm điều lệnh công an nhân dân và quy trình công tác... thực hiện theo đúng hướng dẫn của ngành y tế về việc đeo khẩu trang, găng tay và các dụng cụ bảo hộ để đảm bảo an toàn cho mình và người dân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Khi kiểm tra nồng độ cồn, thực hiện theo điện chỉ đạo của Bộ Công an, khuyến cáo của Bộ Y tế, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thao tác sử dụng thiết bị, bảo đảm vệ sinh, sát khuẩn dụng cụ đo, sử dụng từng ống thổi riêng cho từng người, bảo quản và tiêu hủy đúng quy định của ngành y tế đối với găng tay, khẩu trang, ống thổi đã qua sử dụng.

TP.HCM đề xuất xây dựng tuyến Metro Bến Thành-Tân Kiên gần 68.000 tỉ đồng

Tạp chí GTVT - Dự án có chiều dài toàn tuyến gần 20km, gồm 18 nhà ga với tổng mức đầu tư dự kiến gần 68.000 tỷ đồng.

Ngày 6/5, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, UBND TP.HCM vừa có công văn kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, lựa chọn đề xuất dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3A (Bến Thành - Tân Kiên) trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Tuyến Metro Bến Thành - Tân Kiên là một trong những tuyến huyết mạch, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành và xây dựng hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn của TP.HCM. Dự án sau khi hoàn thành sẽ kết nối trực tiếp với tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) tạo thành hành lang vận chuyển hành khách công cộng hiện đại, xuyên tâm, liên kết khu vực Đông Bắc và Tây Nam của thành.

Tuyến Metro Bến Thành - Tân Kiên với tổng mức đầu tư gần 68.000 tỉ đồng (ảnh minh hoạ tuyến metro số 1).

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, dự án tuyến Metro số 3A được nghiên cứu và tư vấn bởi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Theo đó, JICA đề xuất dự án Metro số 3A chiều dài toàn tuyến gần 20km, đi qua 8 quận, huyện tại TP.HCM. Toàn tuyến có 18 nhà ga, với tổng mức đầu tư dự kiến vào khoảng 313 tỷ Yên, tương đương gần 68.000 tỷ đồng.

JICA cũng đề xuất phân kỳ đầu tư dự án thành 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 từ Bến Thành đến Bến xe Miền Tây dài 9,9km chủ yếu đi ngầm, dự kiến được đầu tư xây dựng từ năm 2025 đến năm 2031. Giai đoạn 2 từ Bến xe Miền Tây đến Depot Tân Kiên dài 9,7km, đi trên cao, đầu tư từ năm 2028 đến 2034.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, việc gửi đề xuất dự án nêu trên đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, lựa chọn trình Thủ tướng Chính phủ thể hiện quyết tâm của TP.HCM trong việc tiếp tục từng bước hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị. Mạng lưới Metro khi hình thành sẽ góp phần giải quyết các vấn đề về ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, đồng thời cũng làm tiền đề cho một hệ thống giao thông phát triển bền vững, văn minh, hiện đại.

Hệ thống đường sắt đô thị tại TP.HCM đã được Chính phủ phê duyệt sẽ có 8 tuyến Metro kết nối với tất cả các quận huyện thuộc TP.HCM. Trong đó tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) hiện đạt khoảng 72% dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2021. Còn dự án Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) hiện cũng đang tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 7/5/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới