Thứ ba, 23/04/2024 15:38 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 8/10/2019

MTĐT -  Thứ ba, 08/10/2019 08:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 8/10/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 8/10/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổnng hợp.

580 tỷ đồng xây cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt

Sáng nay, 8/10, UBND TP Hà Nội đã khởi công xây dựng cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt. Dự án sẽ do Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội làm đại diện chủ đầu tư.

Theo Ban QLDA, Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt- Nguyễn Văn Huyên và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên theo quy hoạch (Vành đai 2,5) là dự án giao thông quan trọng, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại nút thắt cổ chai đã tồn tại rất nhiều năm.

Cầu vượt trực thông hướng Nguyễn Văn Huyên sau khi hoàn thành sẽ góp phần giảm tải giao thông cho Vành đai 2 và 3. Từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch được duyệt.

Cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Huyên- Hoàng Quốc Việt được khởi công vào sáng nay

Công trình được xây dựng có tải trọng thiết kế cấp II, dầm hộp thép, liên hợp bản bê tông cốt thép, chiều dài cầu gần 300m, rộng cầu 16m.

Cầu vượt Nguyễn Văn Huyên- Hoàng Quốc Việt sẽ giải phóng mặt bằng đủ mặt cắt ngang theo quy hoạch đoạn 170m của đường Nguyễn Văn Huyên giao với đường Hoàng Quốc Việt; xén giải phân cách và vỉa hè của đường Hoàng Quốc Việt và đường Nguyễn Văn Huyên tại khu vực nút giao thêm mỗi bên 1 làn xe để bố trí các làn rẽ phải, rẽ trái trong nút giao.

Dự án được thực hiện trong năm 2019-2020, tổng mức đầu tư 580 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 300 tỷ đồng, chi phí xây dựng là hơn 180 tỷ đồng…

Nhà thầu thi công là Liên danh Công ty CP cơ khí xây dựng Thăng Long và công ty CP Nhà X4 thi công xây lắp hạng mục cầu, tường chắn hau đầu cầu còn Liên danh Công ty CP Công trình giao thông 2 Hà Nội- Công ty TNHH MVT chiếu sáng và thiết bị đô thị sẽ thi công phần đường, chiếu sáng, cây xanh và tổ chức, đảm bảo giao thông toàn dự án.

Phương án tổng thể sắp xếp 10 phường trên địa bàn TPHCM

Sở Nội vụ TPHCM vừa có tờ trình gửi UBND TPHCM về phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2019-2021. Theo đó, trong giai đoạn 2019-2021, TPHCM có 10 phường thuộc diện phải sắp xếp; không có quận, huyện nào thuộc diện phải sắp xếp.

Theo Sở Nội vụ TPHCM, những phường thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn này đều là những phường ở vị trí lõi trung tâm của TPHCM. Vì thế, áp lực quản lý hành chính, quản lý nhà nước, phục vụ người dân không chỉ tại địa phương mà còn khách du lịch, bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân, người dân tạm cư ở mức rất cao, gấp nhiều lần dân số địa phương, như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Hùng Vương, Ký túc xá Đại học Bách Khoa…

Phương án sắp xếp dự kiến cụ thể như sau:

Tại quận 2, sáp nhập phường An Khánh và phường Thủ Thiêm (dự kiến tên gọi là phường Thủ Thiêm), với quy mô dân số sau khi sáp nhập 428 người, diện tích 3,25km2. Phường An Khánh và phường Thủ Thiêm tiếp giáp nhau, đều là phường giải tỏa trắng trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo Sở Nội vụ, hiện nay dân số chưa đạt so với quy định, do hai phường thuộc diện giải tỏa trắng, nhưng trong tương lai gần, dân số sẽ đạt trên 130.000 người theo quy hoạch, lớn hơn khoảng 8 lần so với quy định. Khi đó, khả năng quản lý điều hành của bộ máy chính quyền cơ sở cũng sẽ bị áp lực lớn trong điều kiện tinh giản biên chế.

Khu dân cư tại phường Bình Khánh, một trong 4 phường sáp nhập tại quận 2 

Cũng tại quận 2, hai phường Bình An và Bình Khánh nhập lại với diện tích 3,92km2, dân số hơn 23.000 người. Hai phường này tiếp giáp nhau và đều có một phần giải tỏa trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Trong đó, phường Bình Khánh là phường tập trung bố trí tái định cư các dự án của TPHCM và quận 2, với dự án 12.500 căn hộ (đến nay đã hoàn thành 5.334 căn hộ) nên dân số sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

Sở Nội vụ đánh giá, tuy diện tích tự nhiên sau sáp nhập chưa đảm bảo theo quy định nhưng tỷ lệ mật độ xây dựng ở các phường này là rất lớn. Riêng với dự án 12.500 căn hộ và các khu chung cư (trung bình mỗi căn hộ khoảng 60m2), mật độ sàn xây dựng các khu chung cư trên địa bàn phường sau sáp nhập đạt trên 5,5km2. Khi đó, quy mô dân số sẽ đạt trên quy định.

Tại quận 3, TP sáp nhập phường 6, 7 và 8 thành phường mới có diện tích 2,19km2 và dân số trên 36.700 người.

Tại quận 4, TP sáp nhập phường 5 và phường 2 thành phường 2 (mới), diện tích 0,35km2, dân số gần 17.500 người; sáp nhập phường 12 với phường 13 thành phường 13 (mới), rộng 0,84km2, dân số hơn 18.500 người. Dự kiến, phường 13 (mới) liên tục gia tăng dân số và quy mô dân số sẽ đạt khoảng 40.000 người dân, bởi nhiều dự án sẽ triển khai tại đây.

Tại quận 5, sáp nhập phường 12 và phường 15 thành phường 15 (mới), rộng gần 0,6km2, dân số hơn 16.500 người.

Tại quận 10, dự kiến sáp nhập phường 3 với phường 2 thành phường 2 (mới), rộng 0,3km2, dân số gần 24.900 người.

Tại quận Phú Nhuận, TP sáp nhập phường 12 với phường 11 thành phường mới rộng 0,39km2, dân số hơn 15.200 người; sáp nhập phường 14 với phường 13 thành phường mới rộng 0,29km2, dân số 15.500 người.

Như vậy, sau khi thực hiện sắp xếp, quận 2 còn 9 phường, giảm 2 phường so với hiện nay; quận 3 còn 12 phường, giảm 2; quận 4 còn 13 phường, giảm 2; quận 5 còn 14 phường, giảm 1; quận 10 còn 14 phường, giảm 1 và quận Phú Nhuận còn 13 phường, giảm 2. Tổng số phường, xã, thị trấn trên địa bàn TPHCM sau khi sắp xếp là 312 (249 phường, 58 xã, 5 thị trấn), giảm 10 phường.

Về lộ trình sắp xếp, Sở Nội vụ TPHCM cho hay, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ, UBND TPHCM sẽ chỉ đạo UBND quận xây dựng đề án chi tiết sắp xếp các phường và lấy ý kiến cử tri. Nếu trên 50% tổng cử tri trên địa bàn tán thành, thì UBND phường, UBND quận tổng hợp, trình HĐND phường, HĐND quận thông qua phương án sắp xếp. Công tác này dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 11-2019.

Trên cơ sở đề án của các quận, UBND TPHCM tổng hợp, trình HĐND TPHCM xem xét, thông qua dự kiến vào tháng 12-2019. Đồng thời, trong kỳ họp đó, UBND TPHCM sẽ trình HĐND TPHCM thông qua Đề án về cơ chế, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực tiếp trong quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Trong đó, có đối tượng dôi dư do sáp nhập phường.

Sau khi HĐND TPHCM thông qua đề án, UBND TPHCM hoàn thiện hồ sơ Đề án, báo cáo Bộ Nội vụ thẩm định trước khi báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp lại các phường ở TPHCM, UBND TPHCM sẽ chỉ đạo việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, công chức, viên chức tại phường mới; giải quyết chế độ, chính sách với nhân sự dôi dư; chuyển đổi giấy tờ liên quan cho người dân.

Sở Nội vụ TPHCM kiến nghị UBND TPHCM đề nghị Bộ Nội vụ xem xét để TPHCM triển khai sắp xếp các phường sau Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, để tập trung tổ chức Đại hội.

Khánh Hòa: Động thổ dự án nhiệt điện "khủng" có vốn đầu tư gần 2,6 tỷ USD

Đây là dự án công nghiệp lớn nhất từ trước tới nay do Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) làm chủ đầu tư, với tổng vốn lên tới 2,58 tỷ USD.

Tỉnh Khánh Hòa và Tập đoàn Sumitomo Corporation- Nhật Bản- đơn vị chủ đầu tư vừa tổ chức lễ động thổ dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1.

Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 gồm 2 tổ máy, tổng công suất 1.320MW, vốn đầu tư 2,58 tỷ USD. Sản lượng điện hàng năm của nhà máy lên đến khoảng 9 tỉ KWh, cung cấp điện năng cho phát triển Khu kinh tế Vân Phong và bổ sung nguồn điện cho lưới điện quốc gia. Theo kế hoạch, công trình sẽ được hoàn thành, vận hành thương mại trong năm 2023.

Khu vực triển khai dự án Nhiệt điện Vân Phong 1. Ảnh: Baodautu

Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 “thai nghén” từ những năm 2000, bắt đầu triển khai từ năm 2007, đến tháng 7/2017 được Bộ Kế hoạch & Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, ký kết hợp đồng BOT vào tháng 10/2018.

Ông Nguyễn Đắc Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, kể từ khi dự án được Thủ tướng Chính phủ cho phép và Bộ Công Thương phê duyệt, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo thị xã Ninh Hòa và các cơ quan liên quan tiến hành giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân 2 thôn Mỹ Giang, Ninh Yển (xã Ninh Phước). Sau gần 13 năm thực hiện, đến tháng 5/2019, chính quyền địa phương chính thức bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, mở ra giai đoạn mới của dự án.

Đây là dự án nhiệt điện, cũng là dự án công nghiệp “khủng” nhất tỉnh Khánh Hòa và là một trong những hợp đồng nằm trong khuôn khổ văn kiện hợp tác đã được chính phủ Việt Nam và Nhật Bản kí kết năm 2018.

Bà Rịa - Vũng Tàu chấp thuận dự án khu dân cư 100 tỷ đồng

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành quyết định chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Lan Anh đầu tư dự án Khu dân cư Lan Anh 7 tại xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức. Diện tích khu đất là 9,8 ha với tổng mức đầu tư dự án khoảng 100 tỷ đồng.

Ảnh chỉ mang tính minh họa

Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng hoàn chỉnh khu dân cư nông thôn với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch xây dựng chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được UBND huyện Châu Đức phê duyệt. Dự án nhằm phục vụ nhu cầu ở cho dân cư trong khu vực và người dân ở vùng lân cận…

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 8/10/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới