Thứ sáu, 19/04/2024 20:29 (GMT+7)

Tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cho ga ngầm cạnh Hồ Gươm

MTĐT -  Thứ tư, 04/04/2018 17:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết sẽ tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cho ga ngầm C9 và trình Quốc hội ở kỳ họp giữa năm 2018. Dự án có thể khởi công năm 2019 nếu được thông qua.

Ngày 4/4, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho Báo Giao thông biết, sau 22 ngày (từ 9-31/3) công khai lấy ý kiến nhân dân về Quy hoạch tổng thể mặt bằng ga ngầm C9, thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo), có 1.700 ý kiến đóng góp, trong đó 90% đồng thuận theo phương án được lấy ý kiến.

Cụ thể, trong 1.700 người dân tham gia góp ý, có 90% đồng tình, số người không đồng ý chỉ là 7% và 3% không có ý kiến. Người góp ý kiến phần lớn là du khách, chiếm 60% (trong đó có 195 khách quốc tế), 27% người địa phương, 13% là người từ địa phương khác đến Hà Nội làm việc.

Quy hoạch tổng thể mặt bằng ga ngầm C9 được trưng bày, lấy ý kiến nhân dân. Ảnh: Báo Giao thông

Theo Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, với tỷ lệ đồng thuận cao như trên, đơn vị sẽ tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cho ga ngầm C9 và trình Quốc hội vào kỳ họp giữa năm 2018. Nếu được Quốc hội thông qua, dự án có thể khởi công vào năm 2019.

Theo quy hoạch tổng mặt bằng, nhà ga chính C9 được xây ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa Hồ Gươm. Công trình dài 150 m, rộng 21,4 m, sâu 17,45 m, có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga). Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Gươm là khoảng 10 m, tới tượng đài Cảm tử 81 m, đến đền Bà Kiệu 83 m, đến Tháp Bút 36 m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120 m.

Ga có bốn cửa lên xuống. Cửa số một được bố trí cùng cụm công trình phụ trợ trong khuôn viên Tổng công ty Điện lực Hà Nội; cửa số 2 có một phần nằm trên vỉa hè đường Trần Nguyên Hãn và một phần đất của Tổng công ty Điện lực miền Bắc; cửa số 3 nằm trong khu vực vườn hoa Hồ Gươm (khu vực nhà vệ sinh đối diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội).

Theo thiết kế ban đầu, ga ngầm C9 sẽ có 4 cửa lên xuống. Tuyến đường sắt đô thị số 2 đã được tính toán để kết nối tốt với các tuyến số 1 và 3. Cụ thể, ga C8 của tuyến số 2, tại phố Hàng Đậu sẽ tiếp nhận và trung chuyển hành khách với tuyến số 1 Ngọc Hồi-Như Quỳnh. Ga C10 tại khu vực phố Hàng Bài sẽ kết nối với tuyến số 3 Nhổn-Hoàng Mai.

Vì vậy, ga C9 ở giữa có tính chất kết nối cả 3 tuyến đường sắt đô thị trên. Do đó, ga C9 buộc phải khống chế vị trí trên đường Đinh Tiên Hoàng để đảm bảo khoảng cách giữa ga C9 đến 2 ga còn lại không quá 1 km, thuận tiện cho người dân di chuyển, tiếp cận cả 3 tuyến đường sắt này.

Theo phương án đã phê duyệt, tuyến đường sắt dài 11,5 km (đoạn trên cao khoảng 2,6 km, đoạn ngầm gần 9 km). Khu depot rộng 17,5 ha tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm. Toàn tuyến có 10 nhà ga, gồm 3 ga trên cao và 7 ga ngầm.

Tổng đầu tư của dự án điều chỉnh là 34.678 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước.

T/H (theo báo chính phủ, báo giao thông, vnexpress)

Bạn đang đọc bài viết Tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cho ga ngầm cạnh Hồ Gươm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...