Thứ bảy, 20/04/2024 09:27 (GMT+7)

TP HCM đặt kỳ vọng vào 'chính quyền đô thị'

MTĐT -  Thứ tư, 30/10/2019 09:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mục đích cao nhất của TP HCM khi thí điểm mô hình chính quyền đô thị là để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn

Chiều 29-10, ông Nguyễn Văn Đầy, Trưởng Phòng Xây dựng chính quyền Sở Nội vụ TP HCM - đơn vị có tờ trình gửi Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong về dự thảo văn bản kiến nghị Bộ Chính trị chấp thuận cho TP HCM được thí điểm mô hình chính quyền đô thị, đã có chia sẻ xung quanh vấn đề này.

4 nội dung chính xin chủ trương Bộ Chính trị

Ông Đầy cho biết đây là lần thứ 3 TP HCM kiến nghị được thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Hai lần trước là vào năm 2007 và 2014. Lần này, TP HCM tiếp tục trình đề án là có cơ sở về mặt chủ trương của trung ương. Cụ thể, căn cứ xây dựng đề án này là dựa vào Nghị quyết 18/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức của bộ máy chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Một trong những nội dung chính của nghị quyết này là yêu cầu "tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế xây dựng chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; chủ động thí điểm ở những nơi có đủ điều kiện".

Ngoài ra, còn có Nghị quyết 56/2017 của Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt, vào tháng 2-2019, Văn phòng Chính phủ cũng đã có thông báo về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo TP HCM, trong đó có nội dung "Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, phân cấp, giao quyền để TP chủ động thực hiện các nhiệm vụ". "Đảng, Quốc hội, Chính phủ đều có chủ trương tạo tiền đề để TP chủ động xây dựng và trình đề án xây dựng mô hình chính quyền đô thị cho phù hợp với tình hình và yêu cầu phát triển TP" - ông Đầy nói.

Theo ông Đầy, đề án trình lần này xin chủ trương của Bộ Chính trị ở 4 nội dung chính. Thứ nhất là, định hướng tổ chức lại các đơn vị hành chính. Thứ hai là, các đề xuất về cơ chế, chính sách phân cấp quản lý, trong đó có cơ chế phân cấp giữa trung ương với chính quyền TP, phân cấp giữa chính quyền TP và chính quyền cấp quận, huyện. Thứ ba là, định hướng thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP HCM: xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền (cấp TP) và 2 cấp hành chính (quận, huyện, TP thuộc TP và phường, xã, thị trấn). Cùng với đó là việc không tổ chức HĐND ở quận, huyện, TP (thuộc TP HCM), chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND. Tương tự, ở phường, xã, thị trấn cũng không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND.

Thứ tư là, đổi mới cơ chế quản lý, phương thức hoạt động và xây dựng đội ngũ cán bộ công chức theo mô hình chính quyền đô thị. Chẳng hạn như có thể đề xuất cơ chế quản lý, vận hành các cơ quan chuyên môn theo ngành dọc. Ví dụ như Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) quản lý Phòng TN-MT ở các quận, huyện mà không cần sự can thiệp quản lý của UBND quận, huyện…

Theo dự kiến, thành phố trong thành phố ở phía Đông sẽ có Khu Công nghệ cao. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Lập thành phố trong thành phố ở phía Đông

So với đề án chính quyền đô thị năm 2013 là thành lập 4 thành phố vệ tinh Đông - Tây - Nam - Bắc, lần này TP HCM chỉ đề xuất xây dựng thành phố trực thuộc thành phố ở phía Đông gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức. Lý giải về việc này, ông Đầy cho rằng mỗi thời điểm TP có những định hướng khác nhau. Việc lập thành phố thuộc TP HCM ở 3 quận trên gắn với khu đô thị sáng tạo phía Đông. Ở các quận này cũng có đặc thù riêng như ở quận 2 có khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm tài chính có lợi thế để xây dựng. Ở quận 9 có Khu Công nghệ cao hay Thủ Đức có ĐHQG.

"Tuy nhiên, không phải 3 hướng còn lại TP không quan tâm mà có thể lãnh đạo TP đã có những định hướng khác ở các khu vực này, chứ không phải chỉ tập trung ở hướng Đông mà không quan tâm đến hướng Tây - Nam - Bắc" - ông Nguyễn Văn Đầy chia sẻ.

Trưởng Phòng Xây dựng chính quyền cho hay dự kiến, TP HCM sẽ trình Bộ Chính trị trong tháng 12-2019. Nếu được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương, TP HCM sẽ tiến hành các bước tiếp theo để trình Quốc hội trong năm 2020 và đến năm 2021 sẽ triển khai thí điểm đề án chính quyền đô thị.

"Nếu không quyết tâm đeo bám thì rất lo lộ trình không được như mong muốn. Đối với đô thị đặc biệt như TP HCM thì không chỉ với cá nhân tôi và các lãnh đạo của TP thấy rằng phải làm việc này, cần phải thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Nghị quyết trung ương đã nói rõ với những quy định trung ương áp dụng với TP HCM không còn phù hợp nữa thì phải mạnh dạn đề xuất. Phải quyết tâm để thực hiện đề án. Chắc chắn với chính quyền đô thị, TP HCM sẽ phát triển nhanh hơn" - ông Đầy nhấn mạnh và khẳng định: Việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị mục đích cao nhất là để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, xây dựng TP HCM ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Theo NLĐ

Bạn đang đọc bài viết TP HCM đặt kỳ vọng vào 'chính quyền đô thị'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam