Thứ bảy, 20/04/2024 03:29 (GMT+7)

TP HCM: Những KĐT mới từ 50-100 ha trở lên phải có hồ điều tiết

MTĐT -  Thứ bảy, 11/07/2020 11:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng 10.7, Phó CT Võ Văn Hoan giải trình với các đại biểu về hướng chống ngập của TP HCM trong thời gian tới. Trong đó, ông nhấn mạnh giải pháp tạo ra các khu vực chứa nước tự nhiên trong khu đô thị.

Cụ thể, thành phố đang yêu cầu tất cả các nhà đầu tư xây dựng những khu đô thị mới từ 50-100 ha trở lên phải có hồ điều tiết. Những dự án, công trình ven sông hoặc lân cận sông có thể liên kết với sông, rạch gần đó để tạo ra hệ thống thoát nước tự nhiên.

Phó chủ tịch dẫn chứng kinh nghiệm này đã làm được ở Thủ Thiêm. Cụ thể, thành phố đã dành hơn 100 ha đất ở khu vực này làm vùng ngập nước tự nhiên. Đến nay, khu vực này đã phát huy tác dụng.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan. (Ảnh: Quang Huy - Nguồn: zingnews.vn)

Nói thêm về dự án chống ngập 10.000 tỷ, ông Hoan cho biết dự án đã hoàn thành 85% và vấn đề bồi thường cho dân cơ bản giải quyết xong. Hiện, thành phố đang tập trung xây dựng quy trình vận hành và đấu thầu lựa chọn đơn vị tổ chức, quản lý vận hành trong 3-5 năm.

Về ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình cho biết: "Với vũ lượng vượt 95 mm, đúng là có ngập nhưng cũng chỉ xâm xấp nước và sau 30-40 phút thì thoát”. Lãnh đạo sở nhận định bơm là giải pháp tích cực trong chống ngập và thông tin dự án nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh dự kiến tháng 6/2021 sẽ hoàn thành.

Cống Tân Thuận của dự án cống ngăn triều 10.000 tỷ. (Ảnh: Quỳnh Danh - Nguồn: zingnews.vn)

Nói về quy hoạch chống ngập do mưa và do triều, ông Bình cho hay đồ án hiện tại được thiết kế theo vũ lượng được cung cấp năm 2001 là 95 mm và cao độ đỉnh triều là 1,35 m. Để cải tiến công tác chống ngập, Sở Xây dựng đang điều chỉnh quy hoạch để trình Bộ Xây dựng và Thủ tướng xem xét.

Sáng 10.7, kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa IX, đại biểu Trần Quang Thắng đã đề xuất những chủ đầu tư muốn xây nhà cao tầng trên địa bàn thành phố phải chịu phí để dự phòng giải quyết vấn đề chống ngập nước.

Chia sẻ với báo chí bên lề kỳ họp, đại biểu Trần Quang Thắng nói rõ hơn về đề xuất của mình. Sở dĩ ông đề xuất như trên xuất phát từ sự đồng lòng của xã hội vì chúng ta thấy rõ những nhà chung cư càng cao tầng thì càng có lợi cho nhà đầu tư nhưng còn người thụ hưởng các công trình đó, người dân toàn thành phố thì phải có sự đánh đổi.

“Khi thu phí nhà cao tầng, trước mắt nhà đầu tư sẽ tăng phí đó cho người nào mua căn hộ”, ông nói.

Theo ông Thắng, vấn đề là khi những người muốn mua căn hộ ở những khu sang thì phải chấp nhận chi phí đóng góp để giải quyết các vấn đề xã hội nói chung. Việc thu phí không cào bằng, mà nên thu theo địa hình, đặc điểm, tính đẳng cấp của tòa nhà cao tầng đó. Tính đẳng cấp càng cao thì phí càng phải cao, điển hình như khu đường Nguyễn Hữu Cảnh.

“Còn những khu chung cư mà người thu nhập thấp, nhà ở xã hội thì chỉ lấy phí tượng trưng, không thể lấy phí cao được vì ích lợi chung của xã hội”, ông nói.

Đánh giá về thực trạng xây nhà cao tầng trên địa bàn thành phố, ông Thắng cho rằng việc xây nhà cao tầng rõ ràng đã tạo độ nén trên đất rất cao, đồng thời làm cho diện tích thoát nước ở đất đai vùng trũng không còn diện tích cần thiết để giúp thấm nước cơ học dễ dàng. “Rõ ràng đây là nguyên nhân trực tiếp gây ngập, nên phải có nghĩa vụ đóng góp trực tiếp”, ông nhận định.

Vị đại biểu này cho rằng nếu thu phí nhà cao tầng thì vấn đề chống ngập nước chắc chắn sẽ tốt hơn, vì khi thu phí nhà đầu tư sẽ có nghĩa vụ làm hệ thống cống thoát nước tốt hơn, để tự bảo vệ mình và bảo vệ người dân trong tòa nhà cao tầng đó.

Cũng tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã đề cập về tình trạng đầu nậu, cò đất lộng hành. Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cho biết nhiều cử tri rất bức xúc với việc đầu nậu đất lộng hành trong thời gian dài, làm rối loạn thị trường nhà đất, khiến giá đất bị đẩy lên cao. Từ đó, đại biểu Trâm đặt thẳng việc xử lý các cán bộ tiếp tay cho người thu gom, làm đầu nậu, bảo kê.

Đề cập đến việc xây dựng không phép, sai phép ở Bình Chánh, đại biểu Tố Trâm nói hồi tháng 5.2020, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đi thực tế kiểm tra và chỉ đạo xử lý nghiêm cán bộ công chức tiếp tay; xử lý các đầu nậu, bảo kê nếu có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố hình sự.

"Huyện Bình Chánh đã xem xét, xử lý những cán bộ tiếp tay cho vi phạm xây dựng theo chỉ đạo của Bí thư Nhân hay chưa? Việc xử lý đầu nậu, cò đất, bảo kê xây dựng đã được thực hiện thế nào và đã khởi tố hình sự trường hợp nào chưa?", bà Trâm đặt câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng nói rằng hiện nay có tình trạng buông lỏng công tác quản lý dẫn đến đầu nậu lộng hành ở các quận huyện. Các đầu nậu này thu đất, rồi phân lô bán nền lại cho người dân.

“Rõ ràng có chuyện người dân không nắm quy định pháp luật và có nhu cầu về nhà ở. Người dân cũng ham rẻ nên mua và xây nhà, nhưng chúng ta cưỡng chế ai? Rõ ràng là cưỡng chế người dân.

Người dân họ sai thì rõ rồi, họ phải chịu, nhưng câu chuyện ở đây là không xử lý được đầu nậu và trách nhiệm của chính quyền trong việc lo nhà ở cho người dân thì sao”, bà Tâm đặt vấn đề.

PV (T/h)

Bạn đang đọc bài viết TP HCM: Những KĐT mới từ 50-100 ha trở lên phải có hồ điều tiết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...