Thứ ba, 23/04/2024 16:05 (GMT+7)

TP HCM vì sao càng chống càng ngập?

MTĐT -  Thứ ba, 22/05/2018 15:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những năm qua, TP.HCM đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho các công trình chống ngập nhưng đến nay vẫn chưa thấy kết quả. Thậm chí, nhiều điểm vừa được công bố xoá ngập thì hiện mọi thứ lại đâu vào đấy.

Trận mưa lớn kéo dài hơn 2 tiếng tối 19/5 khiến hàng loạt tuyến đường ở nhiều quận, huyện như Phan Huy Ích quận Tân Bình, Nguyễn Văn Quá quận 12, Huỳnh Tấn Phát quận 7, Cây Trâm, Lê Văn Thọ quận Gò Vấp, An Dương Vương, Hồ Học Lãm quận Bình Tân… bị ngập nặng.

Đáng nói, các tuyến đường vừa được công bố xoá ngập như Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm, Tân Hương cũng chung cảnh ngộ. Đặc biệt, đường Nguyễn Xí đoạn từ chân cầu Đỏ đến giao lộ Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, nước ngập lút bánh xe khiến hàng loạt phương tiện lưu thông qua đây chết máy, trong khi nhiều người đi xe máy bị ô tô chạy qua tạo sóng xô ngã nhào.

Không chỉ ngoài đường, các con hẻm, nhà dân trên hai tuyến này cũng bị nước tràn vào ngập sâu gần nửa mét gây hư hỏng nhiều tài sản, làm cho kinh doanh ngưng trệ. Người dân cho hay, tình trạng ngập diễn ra nhiều năm nay cho dù lực lượng chức năng triển khai các dự án chống ngập... 

Đường Lê Thánh Tôn (quận 1) bị ngập vào chiều tối 19-5 nhưng không có tên trong danh sách "điểm ngập". Ảnh: PLO.

Những năm qua, TP. HCM đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng vào các công trình chống ngập trên nhiều tuyến đường, nhưng tình trạng ngập vẫn không giảm. Thậm chí có nơi càng chống càng ngập khiến người dân đặt câu hỏi về hiệu quả của các công trình nâng đường, thay cống... khi đầu tư chống ngập nửa vời.

Tiêu biểu cho các dự án “càng chống càng ngập” là đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) với kinh phí nâng đường, thay cống 163 tỷ đồng và đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9) với 136 tỷ đồng. Dù được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng đường, thay cống hộp nhưng ngập vẫn hoàn ngập. Mới đây, quận 12 tiếp tục đề xuất làm hồ điều tiết tại sân bóng đá Cây Sộp, sát bên vỉa hè đường Nguyễn Văn Quá để chống ngập.

Còn tại rốn ngập Nguyễn Hữu Cảnh dù được trang bị siêu máy bơm chống ngập, nhưng hễ mưa là ngập. Theo Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường, hệ thống thoát nước đường Nguyễn Hữu Cảnh nằm trong vùng địa chất yếu nên đã hư hỏng. Cống bị gãy mối nối và bồi lắng cát, không đảm bảo thiết kế ban đầu dẫn đến không thoát nước được.

“Cao độ mặt đường rất thấp, tình trạng lún càng làm mặt đường thấp hơn, không đảm bảo thoát nước. Lưu vực này rộng gần 30 ha (trừ khu Tân Cảng) với vũ lượng mưa theo tần suất như hiện nay lẽ ra phải xây hệ thống cống hộp 2,5 m x 2,5 m, nhưng TP. HCM chỉ xây cống 1,5 m x 1,5 m nên không đảm bảo thoát nước”, ông Cường nói.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP. HCM (gọi tắt là Trung tâm chống ngập) cho hay, sau những dấu hiệu bất thường như một số điểm ngập do mưa sau khi cải tạo hệ thống thoát nước lại có hiện tượng tái ngập, trong đó có nhiều điểm nằm trong khu vực đã được kiểm soát triều như lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè; lưu vực rạch Lăng, rạch cầu Sơn…

Mới đây, UBND TP. HCM giao một đơn vị chuyên môn tổ chức khảo sát tìm hiểu nguyên nhân. Kết quả khảo sát các điểm ngập của đơn vị chuyên môn cho thấy, với hơn 1.000 miệng cống tại những nơi ngập nặng, đa số miệng cống đều làm sai thiết kế Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 07-2: 2016/BXD) do Bộ Xây dựng ban hành ngày 1/2/2016.

Theo đó, ngập do tổ hợp mưa lớn, triều cao vượt mức thiết kế chỉ chiếm xấp xỉ 14% đến hơn 28%; còn ngập khi mưa nhỏ chiếm từ 50% đến gần 68% với tiêu chuẩn cống thoát nước đáp ứng vũ lượng tuần tự 95mm, 85mm, 75mm trong 3 giờ.

Đại diện Trung tâm chống ngập cho biết, có 3 lý do kỹ thuật khiến nước ngập tràn đường trong khi mưa nhỏ và triều thấp. Đó là: Miệng cống nghẹt, nước mưa không xuống cống được; xuống cống được nhưng nước mưa không thoát được ra sông, kênh do lòng cống bị nghẽn và nước sông không dâng cao nhưng miệng xả nước ra sông bị lấp, kẹt.

“Toàn TP. HCM hiện có khoảng 70.000 miệng cống thu nước mưa mặt đường. Miệng cống thu nước tại nhiều khu vực ở TP. HCM hiện nay đã không còn phù hợp với hệ số chảy tràn, do thực tế địa hình đã bị bê tông hóa”, đại diện Trung tâm chống ngập nói.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - Phó GĐ Trung tâm điều hành chống ngập nước TP. HCM nhìn nhận, một trong những nguyên nhân gây ngập hiện nay là do việc triển khai quy hoạch chống ngập quá chậm, hệ thống cống thoát nước đầu tư chưa đạt yêu cầu.

Quy hoạch thoát nước mưa (quy hoạch 752) xác định đến năm 2020 sẽ xây dựng 6.000km cống nhưng theo ông Dũng hiện nay chỉ khoảng 3.049km được đầu tư. Quy hoạch cũng xác định xây dựng 140 hồ điều tiết hỗ trợ thoát nước nhưng chưa có hồ nào hoàn thành.

Ngoài ra, hiện chỉ có 1/7 nhà máy xử lý nước thải hoàn thành và đưa vào sử dụng đó là nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát (công suất 131.000m3/ngày), 6 nhà máy xử lý nước thải còn lại đang thi công hoặc mới đang kêu gọi đầu tư.

Do tốc độ đô thị hóa

Ông Hoàng Minh Tuấn Anh - Phó Chủ tịch UBND quận 9 - thông tin số tuyến đường chưa có hệ thống thoát nước chiếm 40% tổng số tuyến đường trên địa bàn quận dẫn đến tình trạng ngập cục bộ. Theo ông Tuấn Anh, tình trạng ngập ở quận 9 chủ yếu là ngập do mưa, thoát nước không kịp.

Trước đây, khi có đất nông nghiệp thì thoát nước mặt nhưng do tốc độ đô thị hóa nên thoát không kịp. Hiện nay quận 9 còn 4 điểm ngập cục bộ. Trong đó, đường Đỗ Xuân Hợp mặc dù đã có dự án chống ngập 137 tỉ đồng hoàn thành cuối năm 2016 nhưng chưa giải quyết được ngập triệt để, mưa lớn đường vẫn ngập như sông.

Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, với đặc điểm của TP. HCM là có tốc độ tăng dân số nhanh dẫn đến những bất cập về hạ tầng đô thị, hệ thống cấp thoát nước bị tác động. Cụ thể, dân số tăng nhanh nên việc quản lý xây dựng, xả rác thải, lấn chiếm kênh, rạch ảnh hưởng việc khơi thông dòng chảy. Trong khi đó, quản lý quy hoạch và kết nối quy hoạch còn hạn chế, kết nối không đồng bộ dẫn đến tình trạng ngập nước cho TP.

Người dân TP. HCM quá quen với cảnh ngập lụt tại đường Nguyễn Hữu Cảnh. 

Theo ông Nguyễn Thành Phong, để giải quyết tình trạng ngập nước cho TP, trong thời gian tới, Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP phải triển khai đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình; cần có sự phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện trong giải quyết chống ngập.

Cùng với đó, triển khai những dự án xây dựng hồ điều tiết; nghiên cứu địa hình để triển khai các dự án chống ngập cho phù hợp.

P.V (tổng hợp theo TPO, LĐ)

Bạn đang đọc bài viết TP HCM vì sao càng chống càng ngập?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới