Thứ ba, 19/03/2024 13:20 (GMT+7)

Bát Tràng - Gia Lâm: Hàng loạt sai phạm, trách nhiệm thuộc về ai?

Huyền Tâm -  Thứ tư, 11/03/2020 08:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau kết luận Thanh tra năm 2016, những sai phạm về TTXD tại xã Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) đến nay vẫn còn tồn tại trước sự buông lỏng quản lý của chính quyền sở tại, vậy trách nhiệm thuộc về ai?

Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử  đã có bài viết :“Bát Tràng - Gia Lâm: Sau thanh tra, nhiều sai phạm nhưng không xử lý” phản ánh những tồn tại bất cập trong quá trình quản lý sử dụng đất nông nghiệp tại xã Bát Tràng. Sau khi cơ quan báo chí lên tiếng phản ánh, nhưng sau thanh tra vẫn không được xử lý.

Đáng nói, những người đứng đầu địa phương như UBND huyện Gia Lâm, UBND xã Bát Tràng đều không có phản hồi trước việc buông lỏng quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn. Nhất là câu chuyện không thực hiện nghiêm kết luận sau thanh tra khiến dư luận người dân không khỏi bức xúc.

Qua đó, ngày 21/11/2016 đã có kết luận thanh tra số 07/KL-UBND của UBND huyện Gia Lâm về trách nhiệm của UBND xã Bát Tràng trong việc quản lý đất đai, trật tự xây dựng; trách nhiệm của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Bát Tràng trong việc quản lý hoạt động tại Cụm sản xuất làng nghề tập trung xã Bát Tràng.

Công trình sai phạm TTXD, trước đây UBND xã Bát Tràng đã cam kết tự tháo dỡ phần công trình vi phạm, nhưng đến nay vẫn chưa có động thái xử lý dứt điểm.

Cụ thể, kết luận thanh tra nêu rõ: Về đất đai, có 38 ô đất sử dụng sai mục đích (làm xưởng cơ khí, may, sản xuất phân bón, sản xuất đồ nhựa, dịch vụ nhà hàng...); 23 ô chưa xây dựng nhà xưởng để đưa đất vào sử dụng; có dấu hiệu chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất thuê; cho thuê lại trái quy định của pháp luật…Về trật tự xây dựng, có 36 trường hợp xây dựng không phép, sai phép, vi phạm quy chế đấu giá, điều lệ quản lý xây dựng theo quy hoạch chi tiết Cụm sản xuất làng nghề tập trung Bát Tràng, một số giấy phép xây dựng tại các khu A, B vượt mật độ 1% đến 4%...

Các khu đất sử dụng 50 năm làm khu công nghiệp Bát Tràng lại ngang nhiên “biến tướng” thành những khu biệt thự, nhà ở kiên cố.

Trước đó, ngày 04/12/2006 Hội đồng đấu giá đất huyện Gia Lâm đã có thông báo về việc đấu giá quyền sử dụng đất 50 năm làm cửa hàng kinh doanh, giới thiệu sản phẩm thuộc dự án làng nghề Bát Tràng hay còn gọi tắt là khu công nghiệp Bát Tràng. 

Tại khu công nghiệp làng nghề Bát Tràng quy định khu đất tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất xây dựng cửa hàng kinh doanh, giới thiệu sản phẩm có diện tích: 8.188 m2 tại 8 ô đất (TTCN10A,TTCN10B, TTCN10C, TTCN10D) chia làm 35 thửa có diện tích từ 113,4 m2 đến 149 m2 và 1 ô đất (TTCN10) có diện tích 3848,5 m2.

Với mật độ xây dựng gồm: Thửa đất có ký hiệu từ K1 đến K35 mật độ xây dựng 100%, khống chế 01 tầng; Thửa đất ký hiệu TTCN10 mật độ xây dựng 48% và khống chế 3 tầng. Điều đặc biệt ở đây là tại các quyết định ban hành của UBND huyện Gia Lâm theo phê duyệt của UBND TP Hà Nội thì quy định rõ “tuyệt đối các thửa đất, ô đất đem đấu giá không được xây dựng nhà ở”.

Thửa đất có ký hiệu từ K1 đến K35 mật độ xây dựng 100%, khống chế 01 tầng; Thửa đất ký hiệu TTCN10 mật độ xây dựng 48% và khống chế 3 tầng. Điều đặc biệt ở đây là tại các quyết định ban hành của UBND huyện Gia Lâm theo phê duyệt của UBND TP Hà Nội thì quy định rõ “tuyệt đối các thửa đất, ô đất đem đấu giá không được xây dựng nhà ở".

Nhưng thực tế, kết luận thanh tra đã có từ tháng 11/2016, đến nay là tháng 3/2020, đã hơn 3 năm, các khu đất sử dụng 50 năm làm khu công nghiệp Bát Tràng lại ngang nhiên “biến tướng” thành những khu biệt thự, nhà ở kiên cố, hàng ăn, nhà nghỉ xây dựng trên đất quy hoạch làm nhà xưởng, trưng bày giới thiệu sản phẩm; một số ô đất sử dụng sai mục đích vẫn ngang nhiên tồn tại. Con số không dừng lại ở kết quả thanh tra, nhiều sai phạm TTXD trên đất công vượt tầng so với quy hoạch cụm làng nghề tập trung xã Bát Tràng vẫn ngang nhiên hoàn thiện đi vào hoạt động trước sự buông lỏng của chính quyền sở tại.

Trước đó, UBND huyện Gia Lâm cũng xác định, để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc về tập thể UBND xã Bát Tràng nhiệm kỳ 2004-2011 và 2011-2015 đã buông lỏng quản lý về đất đai, xây dựng tại địa phương; trách nhiệm một phần thuộc về Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các trường hợp sử dụng đất tại cụm. Đội Thanh tra xây dựng đã không kiên quyết nơi chỉ đạo xử lý các trường hợp vi phạm, chưa thường xuyên kiểm tra dẫn đến việc không kịp thời phát hiện, xử lý...

Để làm sáng tỏ trách nhiệm thuộc về ai, PV đã đặt lịch làm việc với UBND xã Bát Tràng, UBND huyện Gia Lâm, nhưng đến nay đã gần 1 tháng vẫn không hề có văn bản phản hồi. Để có thông tin đa chiều, nhiều lần PV đã liên hệ với ông Phạm Văn May - Chủ tịch UBND xã Bát Tràng nhưng đều không có câu trả lời. Phải chăng vị chủ tịch xã Bát Tràng đang cố tình trốn tránh  trách nhiệm về những sai phạm của xã, thách thức dư luận và cơ quan chức năng. 

Hàng loạt những sai phạm về trật tự xây dựng và sử dụng đất sai mục đích, đến nay các cấp lãnh đạo cơ quan chức năng chưa có bất kỳ động thái kiên quyết nào xử lý triệt để. PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử tiếp tục liên hệ với phía văn phòng UBND huyện Gia Lâm, ông Trang Thành Nam – Phó Chánh văn phòng giới thiệu làm việc với ông Tuyên – Chánh Thanh tra huyện.

Ông Nam cho biết: “Việc này là UBND huyện giao cho phòng Thanh tra liên ngành, thì có tham mưu, huyện ký kết luận trả lời rồi. Hiện nay vụ việc Thanh tra sở Tài nguyên và Môi trường đang xem và chúng tôi cũng không biết là có kết luận chưa. Muốn biết rõ nội dung đó phải liên hệ phía văn phòng ủy ban Huyện và phát ngôn phải là Chánh văn phòng. Còn tránh nhiệm của tôi chỉ đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp lại giao cho văn phòng, nên PV cần liên hệ lại phía văn phòng”.

Trước sự đùn đẩy trách nhiệm của các cán bộ lãnh đạo chính quyền sở tại cũng như lực lượng quản lý TTXD ĐT, không khỏi khiến dư luận hoài nghi về sự “bao che” và đặt ra nghi vấn trách nhiệm thuộc về ai? trong việc buông lỏng quản lý hàng loạt sai phạm tại xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội.

Theo Chỉ thị số 04/CT-UBND ban hành ngày 14/1/2014 của UBND TP Hà Nội về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp và đất công, UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND TP về quản lý quỹ đất công trên địa bàn về các trường hợp vi phạm mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật…

Cũng theo Quy định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Quy định này nêu rõ mức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ đối với từng vi phạm cụ thể.

Để làm rõ trách nhiệm những sai phạm tại địa bàn ubnd xã Bát Tràng – Gia Lâm, đề nghị UBND Thành phố Hà Nội, cũng như cũng lực lượng quản lý TTXD ĐT, Sở Thanh tra ban ngành cần có sự vào cuộc quyết liệt, có hình thức kỷ luật với các tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra sai phạm theo đúng tinh thần Nghị quyết TW04 trước thời điểm Đại hội Đảng các cấp đang đến gần.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Bát Tràng - Gia Lâm: Hàng loạt sai phạm, trách nhiệm thuộc về ai?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Không để phát sinh, hình thành “điểm nóng” về TTATXH
Năm 2024, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Quảng Bình tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm, chú trọng đến công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, không để phát sinh, hình thành “điểm nóng”, phức tạp về TTATXH ở cơ sở.

Tin mới