Thứ sáu, 29/03/2024 20:19 (GMT+7)

Đà Nẵng nên thận trọng khi di dời dân để cưỡng chế Mường Thanh

Cẩm Anh -  Thứ tư, 18/12/2019 16:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng trăm hộ dân buộc phải di dời khỏi các căn hộ vi phạm trật tự xây dựng tại dự án Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà do doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư.

Người dân không sai sao bắt họ phải di dời?

Mới đây, UBND quận Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng) vừa ban hành thông báo về việc xử lý sai phạm tại dự án tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư.

Theo đó, UBND quận Ngũ Hành Sơn yêu cầu Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên và các tổ chức có liên quan đang sử dụng các căn hộ tại các tầng 2, 3, 4, 5, 35, 41 và 42 của khối chung cư thuộc công trình tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) phải thực hiện di chuyển toàn bộ tài sản của mình ra khỏi căn hộ vi phạm để lực lượng cưỡng chế tiến hành công tác tháo dỡ phần công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng.

Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà. 

Thời gian di dời từ ngày 10/12/2019 – 10/1/2020, nếu không di dời cơ quan chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định, mọi chi phí thiệt hại về tài sản, doanh nghiệp và các cơ quan, cá nhân có liên quan tự chịu trách nhiệm.

Từ ngày 12/1/2020, cơ quan chức năng sẽ ngừng cấp các dịch vụ điện nước, truyền thông, truyền hình tại các tầng, các căn hộ có vi phạm.

Theo thông báo từ UBND quận Ngũ Hành Sơn, 100 hộ dân đang sống tại các căn hộ vi phạm trật tự xây dựng của dự án sẽ phải thực hiện di dời. Các căn hộ bị cưỡng chế, di dời sẽ nhận hỗ trợ tiền thuê nhà ở tạm với mức 5 triệu đồng/tháng trong 4 tháng. Hỗ trợ tiền di chuyển tài sản với mức 5 triệu đồng/căn hộ cho 2 lần di chuyển.

Việc mà chủ đầu tư xây dựng sai phạm, chính quyền thông báo cưỡng chế là đúng quy định của pháp luật hiện hành, tuy nhiên người dân cho biết, thời điểm mua nhà, họ hoàn toàn ko biết chủ đầu tư sai phạm, khi chuyển vào sinh sống cũng không được ban quản lý tòa nhà hay chính quyền thông báo về sai phạm này, người dân biết thông tin qua kênh phản ánh báo chí.

Hiện tại, dù thông báo di dời phải tiến hành từ ngày 10/12 nhưng người dân vẫn không biết phải đi đâu về đâu, họ gần như bất lực trong việc liên hệ với chủ đầu tư. Thời gian qua, người dân đã 3 lần tổ chức họp nhưng chủ đầu tư không đến dù đã gửi giấy mời.

Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ BĐS Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Reenco Sông Hồng cho rằng, quyết định trên của UBND quận Ngũ Hành Sơn cần phải xem xét lại và lấy ý kiến rộng rãi của người dân.

Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ BĐS Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Reenco Sông Hồng.

Ông Điệp xác định các sai phạm của chủ đầu tư là nghiêm trọng và gây ra hệ lụy lớn. Tuy nhiên, việc yêu cầu người dân ra khỏi ngôi nhà của mình là “phi nhân tính”, trong khi người dân là bị hại trong sự việc nêu trên.

Chúng ta không thể cưỡng chế như thế này, không thể làm cứng như thế này được, chúng ta cần phải lắng nghe người dân, người dân hoàn toàn không sai. Họ là những người bỏ tiền ra để mua nhà mà không biết đến sai phạm của chủ đầu tư, chủ đầu tư làm sai mà nguyên nhân là do các cấp chính quyền buông lỏng quản lý, vậy tại sao lại bắt người dân phải di dời?”, ông Điệp nói.

“Các cấp chính quyền cần phải chịu trách nhiệm về vấn đề này”

Theo ông Điệp, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước người dân và pháp luật về các sai phạm nêu trên. Tuy nhiên, đáng trách nhất là các cấp chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý, không thực hiện đúng trách nhiệm của mình.

Chúng ta từ xưa đến nay vẫn buông lỏng quản lý, trong địa bàn của anh người ta xây cái gì, xây bao nhiêu tầng anh phải biết, tại sao trong quá trình xây dựng anh được phép kiểm tra mà anh không làm, để cho người dân vào ở rồi lại nói sai phạm, rồi đuổi người dân ra khỏi nhà?”, ông Điệp chia sẻ.

Những người sống trong căn hộ sai phạm lo lắng bị mất chỗ ở. Ảnh: vietnamnet. 

Để giải quyết vấn đề này, ông Điệp cho rằng các cấp chính quyền cần phải vào cuộc, trước tiên là liên hệ với chủ đầu tư, đề nghị chủ đầu tư thỏa thuận với người dân cùng đưa ra giải pháp tốt nhất cho người dân.

Chính quyền phải là cầu nối, đảm bảo quyền nhà ở cho người dân, doanh nghiệp phải có trách nhiệm về vấn đề này, phải làm từng bước, chứ chính quyền bắt người dân di dời là sai lầm, gây ra hệ quả cực lớn đối với xã hội”, ông Điệp nói.

Đồng thời, ông Điệp kiến nghị cần có chế tài mạnh để xử phạt đến từng cá nhân, những người đứng đầu, người trực tiếp giám sát hoạt động xây dựng tại địa phương để xảy ra vi phạm. Như vậy mới giải quyết được cốt lõi của vấn đề. Thậm chí, ông Điệp kiến nghị xử lý Hình sự đối với hành vi buông lỏng quản lý gây hậu quả nghiêm trọng chứ không đơn thuần là xử phạt hành chính. 

Bạn đang đọc bài viết Đà Nẵng nên thận trọng khi di dời dân để cưỡng chế Mường Thanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

TP.HCM: Đường biến thành… chợ ở xã Xuân Thới Thượng
Không chỉ xây dựng trái phép, hiện nhiều tuyến đường trên địa bàn xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn còn xảy ra tình trạng chợ “cóc”, chợ tạm “mọc” ngay trên vỉa hè, lòng đường, gây cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị.

Tin mới