Thứ năm, 28/03/2024 16:47 (GMT+7)

Giải "bài toán" giao thông tĩnh

MTĐT -  Thứ sáu, 17/03/2017 08:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(phapluatmoitruong.vn) - Nhằm giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh cho người dân Thủ đô, Hà Nội đang nỗ lực nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, nổi; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý và điều hành các bến, bãi đỗ xe công cộng... Nhưng, để giải quyết căn cơ "bài toán" này, về lâu dài cần kiên quyết, kiên trì mục tiêu kiểm soát, hạn chế sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân.

Vất vả tìm chỗ... đỗ xe

Nhiều năm qua, mạng lưới giao thông tĩnh trên địa bàn Thủ đô luôn quá tải. Và tình trạng này càng trở nên nặng nề hơn với tốc độ gia tăng phương tiện theo cấp số nhân. Nghiên cứu gần đây của Viện Chiến lược và Phát triển GT-VT (Bộ GT-VT) cho thấy, tổng diện tích giao thông tĩnh trên địa bàn TP Hà Nội hiện có là hơn 90ha, chỉ đáp ứng được 8-10% nhu cầu đỗ xe. Do quá thiếu điểm đỗ nên tình trạng xe ô tô dừng, đỗ tùy tiện đã gây ùn tắc giao thông cục bộ thường xuyên ở nhiều nơi. Tại khu vực nội thành, đặc biệt là các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng..., nhu cầu điểm đỗ xe rất cao nhưng khả năng đáp ứng lại thấp nên xuất hiện các điểm đỗ xe không phép. Không đủ chỗ đỗ nên 90% phương tiện đỗ ở bãi xe chung cư, khu đô thị, trước cơ quan, công sở. Đặc biệt có tới 12% lượng phương tiện đỗ trên lòng đường, vỉa hè, ngõ cụt, sân trường. Chưa hết, hằng ngày, các khu vực lõi của Thủ đô lại đang phải oằn mình "gánh" lượng xe ô tô cá nhân từ các khu vực khác vào làm việc khiến hạ tầng càng thêm quá tải.

Ông Phạm Văn Bình (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) cho biết, với nhiều gia đình hiện nay, việc mua một chiếc xe ô tô không quá khó nhưng rất vất vả để tìm được một chỗ đỗ xe phù hợp, ổn định. Cũng vì thế, đại bộ phận người dân sống trong khu vực phố cổ và vùng lân cận không mua ô tô cá nhân mà chọn phương án sử dụng taxi, xe máy.

Đa dạng hóa loại hình, thay đổi phương thức quản lý

Các cơ quan chức năng thành phố đã và đang quyết liệt, kiên trì xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán, dừng, đỗ xe trái phép. Các đợt ra quân được thực hiện thường xuyên, liên tục đang từng bước tạo diện mạo mới cho đô thị theo hướng phong quang, gọn gàng hơn và được đông đảo dư luận đánh giá cao.

Bên cạnh việc lập lại trật tự đô thị, thành phố cũng rất quan tâm, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, trong đó có giao thông tĩnh. Cụ thể, thành phố đang khẩn trương nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án phát triển mạng lưới giao thông tĩnh theo hướng đa dạng loại hình, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ vào quản lý và điều hành các bến, bãi đỗ xe công cộng, thí điểm đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ... Tiên phong phải kể đến Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội (Tổng công ty Vận tải Hà Nội). Sau các dự án thí điểm giàn thép đỗ xe cao tầng tại 32 Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm) và Nguyễn Công Hoan (quận Ba Đình), Công ty đã tích cực phối hợp với Sở GT-VT và UBND quận Hoàn Kiếm triển khai thí điểm đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ trên các tuyến phố Dã Tượng, Nguyễn Gia Thiều. Mới đây, công ty cũng đã chủ động đề xuất với UBND TP Hà Nội cho phép thí điểm ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành các bến, bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn thành phố... Chủ trương này nếu thành công sẽ là cơ sở để xây dựng bản đồ số, có khả năng cung cấp thông tin về chỗ đỗ xe tại các bến, điểm đỗ xe công cộng cho các chủ phương tiện, qua đó góp phần giảm ùn tắc và giải quyết nhu cầu bức xúc về điểm đỗ xe cho người dân Thủ đô.

Mới đây, Văn phòng UBND TP Hà Nội cũng đã có Thông báo số 112/TB-UBND, thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo UBND thành phố, thống nhất chủ trương triển khai 3 bãi đỗ xe ngầm quy mô 5 tầng tại Công viên Nhân Chính, Nhà thi đấu Quần Ngựa và Công viên Thống Nhất (trong đó, tầng hầm 1 có chức năng thương mại, dịch vụ; 4 tầng hầm còn lại để xe). Riêng bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Thống Nhất sẽ được nghiên cứu thêm việc để xe ngầm từ cổng chính công viên đến hồ. Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng cơ chế đặc thù, khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện dự án bãi đỗ xe ngầm; giá trông giữ xe; phương án cho phép nhà đầu tư bán tối đa 30% số lượng chỗ đỗ xe; đề xuất, báo cáo UBND thành phố trước ngày 31-3...

Đánh giá cao nỗ lực của TP Hà Nội, các chuyên gia giao thông cho rằng, cùng với đầu tư phát triển hệ thống giao thông tĩnh, việc giảm và dừng cấp phép sử dụng vỉa hè làm nơi đỗ xe tại 4 quận nội đô, chuyển nhu cầu đỗ xe ra ngoài Vành đai 3;... về lâu dài, cần quyết tâm và kiên trì thực hiện giải pháp xử lý từ gốc là phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới hạn chế sự gia tăng của phương tiện giao thông cá nhân.
Theo tính toán của Viện Chiến lược và Phát triển GT-VT (Bộ GT-VT), với tốc độ tăng trưởng xe máy 7,66% mỗi năm, ô tô 16,15% mỗi năm, đến năm 2020 Hà Nội sẽ có 983.000 ô tô và 6,2 triệu xe máy; năm 2025 có 1,3 triệu ô tô và 7,3 triệu xe máy; năm 2030 có 1,7 triệu ô tô và 7,7 triệu xe máy. Cùng với phát triển hạ tầng, tăng cường đầu tư cho mạng lưới giao thông tĩnh là một yêu cầu bức thiết.
Theo HNM
Bạn đang đọc bài viết Giải "bài toán" giao thông tĩnh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

TP.HCM: Đường biến thành… chợ ở xã Xuân Thới Thượng
Không chỉ xây dựng trái phép, hiện nhiều tuyến đường trên địa bàn xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn còn xảy ra tình trạng chợ “cóc”, chợ tạm “mọc” ngay trên vỉa hè, lòng đường, gây cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị.

Tin mới