Thứ sáu, 29/03/2024 14:21 (GMT+7)

Hà Nội: Nhức nhối tình trạng “xẻ thịt” gầm cầu Thăng Long

Nguyễn Hường -  Thứ hai, 23/04/2018 11:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều năm qua, tình trạng “xẻ thịt” gầm cầu Thăng Long và gầm cầu đường sắt để làm nơi kinh doanh đang diễn ra hết sức phức tạp, gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm

Theo quan sát của PV, tại khu vực gầm cầu Thăng Long và gầm cầu đường sắt thuộc xã Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội) thường xuyên xảy ra tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông để sản xuất, kinh doanh trái phép, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự an toàn của cây cầu, gây mất mỹ quan đô thị.

Siêu thị đồ cũ rộng hàng trăm mét vuông hoạt động trái phép ngay dưới chân cầu.

Cụ thể, tại khu vực đường Bê tông thuộc thôn Cổ Điền, xã Hải Bối, hàng nghìn mét vuông dưới gầm cầu đường sắt bị các hộ dân chiếm dụng, đổ bê tông kiên cố, xây các nhà xưởng ngay dưới hành lang an toàn đường sắt để làm nơi buôn bán, tập kết hàng hóa với các nhà hàng, xưởng cơ khí gia công kim loại, điểm thu mua phế liệu, bãi trông xe, rửa xe…
Trong đó phải kể đến nhà hàng Mỹ Hạnh 1, nhà hàng Đại Nam 2, gara ô tô Hải Nam, bãi gửi xe của siêu thị Bigway, cửa hàng cây cảnh Đăng Định. Các cơ sở này ngang nhiên chiếm dụng hàng nghìn mét vuông gầm cầu để kinh doanh, bày biện hàng hóa, không những gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến hành lang an toàn cầu mà tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy nổ.

Một số nhà hàng sử dụng gầm cầu làm nơi kinh doanh ăn uống.

Tại khu vực chợ cóc Cổ Điền, hai bên đường dày đặc những xe hàng rong, sạp hàng hóa, quán cóc. Hầu hết diện tích hai bên đường và khu vực gầm cầu đã biến thành nơi họp chợ, nơi buôn bán quần áo, đồ ăn, bãi gửi xe ô tô, xe máy…
Một tiểu thương ở đây cho biết, muốn được ngồi bán hàng yên ổn tại khu vực này, hàng tháng họ phải đóng một khoản tiền từ 500.000 – 700.000đ, gọi là phí an ninh trật tự và vệ sinh môi trường, nếu không đóng sẽ bị thu giữ hàng hóa và bị đuổi đi.
“Hàng tháng đều phải đóng tiền cả đấy, không đóng sao họ cho ngồi bán, số tiền thì từ 500.000 - 700.000đ tùy theo buôn bán nhỏ hay lớn.” – Một người bán hàng tại đây cho biết.

Hàng loạt quầy sạp quần áo, hàng ăn ngang nhiên lấn chiếm lòng đường làm nơi bán hàng.

Tại đây, toàn bộ khu vực gầm cầu đã bị chia cắt thành nhiều địa điểm kinh doanh nhộn nhịp, các xe chở hàng, xe máy, xe đạp, lều bạt dựng ngổn ngang, tràn ra cả lòng đường. Vào giờ cao điểm, tình trạng ngang nhiên họp chợ đã gây ra cảnh tắc đường, giao thông lộn xộn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao.

Không những thế, một số hộ dân còn biến khu vực gầm cầu thành nơi gửi xe máy, xe đạp, xe ô tô qua đêm và kinh doanh bãi rửa xe khiến khu vực này vô cùng lộn xộn và nhếch nhác.

Bà Ph.T.H, một người dân bức xúc cho biết: “Hầu như hôm nào họ cũng bày bán tràn lan ra lòng đường thế này, không khác gì một cái chợ khiến giao thông lúc nào cũng ngột ngạt, ùn tắc. Không hiểu sao xã vẫn để tình trạng này vô tư diễn ra mà không có biện pháp dẹp bỏ”.
Di chuyển vào khu vực cổng KCN Bắc Thăng Long, toàn bộ gầm cầu Thăng Long nơi đây bị biến thành các quán cơm phở, quán giải khát.

Phía dưới lòng đường, hàng chục phương tiện ô tô, xe máy đậu đỗ tràn lan, gây cản trở giao thông cho người và các phương tiện khác.
Đáng chú ý, từ con đường đất cạnh gầm cầu Thăng Long hướng đi lên đê tả sông Hồng tồn tại một siêu thị đồ cũ đang hoạt động trái phép.

Khu vực này có diện tích rộng hàng trăm mét vuông được san gạt, đổ bê tông kiên cố, quây tôn 4 phía kéo dài từ trụ B7 – B9 gầm cầu Thăng Long.

Hàng chục đống rác thải, phế liệu xây dựng đổ bừa bãi dọc khu vực gầm cầu
Rác thải sinh hoạt cũng thải ra môi trường không được xử lý.

Tại đây, cả trăm tấn máy móc cũ được bày bán công khai trên các sạp hàng, khách hàng vào xem và mua hàng tấp nập, phía bên ngoài gần chục nhân công đang ngồi lau dọn và sửa chữa các loại máy móc.
Cách siêu thị đồ cũ khoảng 20m là khu nuôi nhốt và giết mổ trâu bò của một số hộ dân. Tại đây, gần 100 con trâu đang được nuôi trong các khu vực được quây tôn kín để chờ giết thịt.
Theo quan sát của PV, lò giết mổ “chui” này hoạt động rất thủ công và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Toàn bộ nước thải, phân và các phế phẩm được đổ thẳng ra ngoài khiến khu vực này bốc mùi hôi thối nồng nặc, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Lò giết mổ chui với hàng trục con trâu bò đang chờ giết mổ.

 Một điều khó hiểu là mặc dù đã hoạt động chui nhiều năm nhưng không hiểu sao các cơ quan chức năng vẫn không tiến hành kiểm tra, xử lý hai cơ sở này.
Vị trí gầm cầu Thăng Long cũng đang trở thành địa điểm lý tưởng của những đối tượng đổ trộm phế thải xây dựng. Do có sự buông lỏng quản lý nên hàng trăm khối đất đá, bê tông bị đổ tràn lan ra hai bên gầm cầu, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới kết cấu của cây cầu.

 Hàng chục xưởng cơ khí, xưởng sản xuất nằm gọn dưới gầm cầu đường sắt.

 Tình trạng xẻ thịt gầm cầu Thăng Long đang có diễn biến rất phức tạp và ngang nhiên, gây ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng trực tiếp đến hành lang an toàn giao thông.
Tuy nhiên vì lý do gì các cơ quan chức năng đến nay vẫn không có biện pháp xử lý dứt điểm. Phải chăng đang có sự làm ngơ, “bảo kê” cho các sai phạm này diễn ra? Liệu đến bao giờ, khu vực này mới trở lại vẻ gọn gàng, sạch đẹp như vốn có của nó?
Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Nhức nhối tình trạng “xẻ thịt” gầm cầu Thăng Long. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

TP.HCM: Đường biến thành… chợ ở xã Xuân Thới Thượng
Không chỉ xây dựng trái phép, hiện nhiều tuyến đường trên địa bàn xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn còn xảy ra tình trạng chợ “cóc”, chợ tạm “mọc” ngay trên vỉa hè, lòng đường, gây cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị.

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.