Thứ năm, 25/04/2024 05:35 (GMT+7)

Lãnh đạo quận Hà Đông nói gì về vụ cưỡng chế CV nước Thanh Hà?

PV -  Chủ nhật, 09/02/2020 10:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Công viên nước lớn nhất Thủ đô vi phạm trật tự xây dựng, dẫn đến phải tiến hành cưỡng chế phá dỡ ngay sát Tết Nguyên đán tạo ra trong dư luận rất nhiều ý kiến trái chiều.

 Cưỡng chế sau 6 tháng đưa vào khai thác

Công viên nước Thanh Hà là công viên nước lớn nhất Thủ đô do Công ty CP phát triển địa ốc Cienco5 xây dựng trên lô đất A2.2 CCĐT01 thuộc khu đô thị Thanh Hà - Cienco5, phường Phú Lương, quận Hà Đông, TP Hà Nội, mức đầu tư của công viên nước này lên đến hàng trăm tỷ đồng. Dự án bị bắt buộc phải cưỡng chế chỉ sau 6 tháng đưa vào khai thác.

Công viên nước Thanh Hà bị cưỡng chế. Ảnh Dân Trí.

Trước đó, ngày 6/12/2018, Đội quản lý trật tự xây dựng Quận Hà Đông đã tiến hành kiểm tra, thời điểm đó, dự án chưa thực hiện thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế và xin cấp giấy phép xây dựng. Dù không đáp ứng được các quy định của pháp luật nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục tiến hành thực hiện triển khai xây dựng công trình. Chính vì thế, ngay sau đó ngày 8/1/2019, Đội quản lý trật tự xây dựng Quận Hà Đông đã phải lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu chủ đầu tư chấm dứt ngay hành vi vi phạm, dừng ngay mọi hoạt động thi công công trình vi phạm. Do chủ đầu tư vẫn cố tình triển khai dự án, ngày 16/5/2019, UBND quận Hà Đông đã phải họp liên ngành các Sở (Kế hoạch đầu tư; Quy hoạch Kiến trúc; Xây dựng) và ra thông báo yêu cầu Chủ đầu tư dừng thi công công trình.

Dù có yêu cầu từ phía cơ quan chức năng về việc không được tiếp tục triển khai xây dựng do chưa đáp ứng đủ các yêu cầu pháp lý, thế nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục xây dựng công trình. Đến đầu tháng 6/2019, đơn vị này đã đưa Công viên nước đi vào sử dụng.  Ngày 21/11/2019. UBND phường Phú Lương đã có báo cáo về vi phạm trật tự xây dựng tại công trình này. Tới ngày 25/11/2019, Đội quản lý trật tự xây dựng Quận Hà Đông đã có Tờ trình số 152 gửi lãnh đạo Quận Hà Đông đề nghị ban hành quyết định khắc phục hậu quả đối với Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 tại lô A2.2 CCĐT01. Ngày 27- 11- 2019, UBND Quận Hà Đông đã ra Quyết định 4725 để áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả với lô đất này.

 Nhận được quyết định yêu cầu khắc phục hậu quả đối với dự án Công viên nước Thanh Hà, chủ đầu là Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 đã có văn bản gửi UBND quận Hà Đông về việc tự tháo dỡ công trình vi phạm. Thời gian dự kiến, Cienco5 tự tháo dỡ là từ ngày 6- 12- 2019. Tuy nhiên, trong văn bản này lại không nêu thời hạn khi nào sẽ hoàn thành việc tháo dỡ. Sau một thời gian, chủ đầu tư không tự thực hiện tháo dỡ công trình vi phạm, ngày 24- 12- 2019, UBND quận Hà Đông đã phải ra Quyết định 5079 để cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với công trình này. Thời điểm tiến hành cưỡng chế ngay sát thời gian Tết Nguyên đán cận kề đã dẫn đến việc có nhiều luồng ý kiến đối với công trình này.

  Cưỡng chế có đúng quy định?

  Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 vừa có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan tới việc cưỡng chế, tháo dỡ tại công viên nước Thanh Hà. Trong kiến nghị của mình, đơn vị này cho rằng UBND quận Hà Đông đã thực hiện không đúng quy trình của pháp luật về cưỡng chế hành chính gây thiệt hại cho công ty hàng trăm tỷ đồng.

Tuy nhiên, khẳng định từ phía UBND quận Hà Đông, việc cưỡng chế đối với Công viên nước Thanh Hà đã được tiến hành theo đúng các quy trình, thủ tục được quy định. Trước quyết định 4725 của UBND quận Hà Đông về việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với lô đất xây dựng Công viên nước Thanh Hà, chủ đầu tư đã có văn bản gửi UBND quận Hà Đông về việc sẽ tự tháo dỡ công trình vi phạm từ ngày 6/12/2019.

Thế nhưng sau đó, chủ đầu tư đã không thực hiện tự tháo dỡ mà khi đoàn kiểm tra của quận Hà Đông tiến hành kiểm tra, chủ đầu tư vẫn tiến hành nâng cấp một số hạng mục, hệ thống cây xanh vẫn đang được duy trì. Chính vì chủ đầu tư không tự nguyện tiến hành tháo dỡ, nên UBND quận Hà Đông đã phải tổ chức cưỡng chế.

“Các quy trình liên quan đến cưỡng chế đối với công trình này, UBND quận Hà Đông đã làm theo đúng các quy định của pháp luật. UBND quận Hà Đông ra quyết định cưỡng chế, đồng thời cũng đã gửi quyết định đến cho chủ đầu tư, công khai tại địa điểm tổ chức cưỡng chế. Không thể có việc một dự án lớn như thế mà chính quyền khi ra quyết định cưỡng chế lại sai quy định”, ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết.

Cũng liên quan đến việc cưỡng chế Công viên nước Thanh Hà, dư luận cho rằng, có là lãng phí khi tổ chức cưỡng chế hàng trăm tỷ này, khi chủ đầu tư đã có văn bản gửi UBND quận Hà Đông về việc đề xuất hiến tặng các công trình trên lô đất này cho UBND phường Phú Lương nhằm mục đích xã hội?

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch UBND quận Hà Đông cho rằng, về góc độ các nhân đó là tài sản, tuy nhiên ở góc độ lập lại kỷ cương trật tự đô thị thì phải xử lý theo các quy định của pháp luật. “Sai phạm phải được xử lý, kỷ cương trật tự đô thị phải được lập rõ. Các quy định của pháp luật liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng đã rất cụ thể do đó phải xử lý triệt để, tránh những tình trạng như thế này lại tái diễn, tạo ra những tiền lệ xấu. Với trường hợp này chẳng hạn, mình đưa vấn đề ra rồi để đấy thì sau này sẽ rất khó xử lý các trường hợp khác’, ông Ngọc cho biết.

Chính quyền thừa nhận có yếu kém

Đề cập đến việc, tại sao công trình được kiểm tra, xác định không đáp ứng đủ các điều kiện pháp lý từ cuối năm 2018 mà không được xử lý ngay từ đầu, ông Nguyễn Quang Ngọc thừa nhận có việc yếu kém trong công tác quản lý, cụ thể là chính quyền phường Phú Lương, lực lượng thanh tra xây dựng. Lý giải điều này, ông Ngọc cho biết, trong quý I và quý II- 2019, trên địa bàn xảy ra một số vụ việc dẫn đến lực lượng thanh tra, kiểm tra trật tự xây dựng phải tập trung vào các vụ việc này nên đã buông lỏng quản lý đối với công trình này.

“Chính vì thế cũng phải thừa nhận, thanh tra xây dựng, cũng như phường đã buông lỏng quản lý đối với công trình này trong một thời gian”, ông Ngọc thừa nhận. Ông Ngọc cũng cho biết, UBND quận Hà Đông cũng đang tiến hành kiểm tra, sai ở khâu nào sẽ xử lý ở đó.
Bạn đang đọc bài viết Lãnh đạo quận Hà Đông nói gì về vụ cưỡng chế CV nước Thanh Hà?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành