Thứ sáu, 29/03/2024 22:36 (GMT+7)

Nghiêm Xuyên (Thường Tín): Chủ tịch xã ký sai vì…thiếu hiểu biết?

Thu Thủy -  Thứ năm, 13/06/2019 14:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Lúc tôi lên giữ chức chủ tịch nếu biết các hợp đồng vừa kí không đúng quy định của pháp luật tôi đã hủy rồi. Tôi chưa biết, chưa nắm được” – vị Chủ tịch UBND xã Nghiêm Xuyên thừa nhận với PV.

Nghiêm Xuyên là một xã có quỹ đất công ích tương đối lớn của huyện Thường Tín với khoảng 30 ha là sông, ao hồ, khu trũng và một số gò cao. Sau Nghị định 64 năm 1993 của Chính phủ về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp, các diện tích đất công ích của xã gần như còn giữ nguyên để cho các hộ dân trong xã thuê thầu.

Quỹ đất công ích ở Nghiêm Xuyên có diện tích rất lớn, 32 hợp đồng đều tính bằng sào. Tất cả các hợp đồng được Chủ tịch cũ là ông Hoàng Văn Thanh (hiện chuyển sang Bí thư Đảng ủy xã) kí trái quy định của Luật đất đai 2013.

Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, các lãnh đạo xã Nghiêm Xuyên lại tiến hành cho thuê thầu không đúng theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, theo khoản 3 điều 132 Luật Đất đai 2013 được hướng dẫn về quỹ đất công ích như sau: “Đối với diện tích đất chưa sử dụng vào các mục đích quy định tại khoản 2 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp xã cho hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hình thức đấu giá để cho thuê. Thời hạn sử dụng đất đối với mỗi lần thuê không quá 05 năm.

Tiền thu được từ việc cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích phải nộp vào ngân sách nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý và chỉ được dùng cho nhu cầu công ích của xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Xuân Hữu – Chủ tịch UBND xã Nghiêm Xuyên cho biết: “Từ khi tôi lên nắm giữ chức vụ chủ tịch xã, tôi chưa tổ chức đấu thầu đất công ích lần nào. Các hợp đồng cho thuê thầu là do Ủy ban xã giao tiếp chứ không tổ chức đấu thầu công khai”.

Khi PV thắc mắc ông có nắm được quy định của pháp luật về vấn đề này không thì ông Hữu cho biết: “Về mặt nguyên tắc đúng là phải đấu thầu thật. Nhưng từ trước đến nay, cứ hết chương xã căn cứ vào ý thức của chủ hợp đồng đó và xem xét để thực hiện hợp đồng sau”.

Khi được hỏi, tại sao ông biết các quy định của pháp luật là phải tổ chức đấu thầu công khai nhưng vị chủ tịch cũ không làm theo, do đó các hợp đồng đã kí so với quy định của Luật đất đai 2013 là sai nhưng ông không tổ chức thu hồi để đấu thầu theo đúng quy định thì ông Hữu thật thà cho biết: “Đến khi tôi lên làm chủ tịch (2016) thì vị chủ tịch cũ vừa kí chương mới vào năm 2015. Các khóa trước chỉ giao thầu chứ không đấu thầu. Khi tôi lên nắm chức chủ tịch, tôi cũng không nắm được quy định là phải tổ chức đấu thầu. Đến cuối năm 2017 khi có Quyết định 04 gửi về tôi mới nắm được (Quyết định 04/2017/QĐ-UBND quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất của UBND TP Hà Nội – PV). Chính năm ngoái tôi mới nhận được văn bản của Thành phố chỉ đạo. Lúc đó tôi mới nắm được chủ trương. Luật Đất đai 2013 tôi không nắm rõ”.

Lúc đầu, ông Hữu có ý định giấu diếm khi khẳng định tất cả các diện tích đất công ích đã được giao thầu hết vào thời nhiệm kì trước. Tuy nhiên sau một hồi trao đổi, ông mới thừa nhận: “Có mấy trường hợp liên quan đến đối tượng không thực hiện hợp đồng hoặc những khu còn bỏ hoang thì tôi tổ chức giao cho 1 chủ. Nhưng tôi không tổ chức đấu thấu, chỉ giao thầu”.

Một trong số hơn 30 hợp đồng cho thuê thầu đất công ích kí sai so với Luật Đất đai 2013 từ thời chủ tịch cũ nhưng ông Hoàng Xuân Hữu vẫn không hủy vì không nắm được quy định của pháp luật.

Trong buổi làm việc, nhiều lần ông Hữu đều nhận ra sai phạm của mình và kèm theo đó trình bày lí do: “Về mặt pháp lý tôi không đấu thầu là một cái sai, cũng thiếu sót. Nhưng nếu làm thế thì vỡ trận Nghiêm Xuyên ngay. Vì nếu đúng 5 năm dỡ ra cho đấu thầu thì quỹ đất 2 phải bỏ không. Người dân người ta đắp bờ vùng bờ thửa, xây một số nhà bảo vệ, nhà kho,hoặc đầu tư cây cối phải đợi thời gian thu hoạch”.

PV tiếp tục nêu câu hỏi vậy khi gặp vướng mắc như vậy, đã khi nào ông có văn bản kiến nghị và xin ý kiến lên UBND huyện thì ông cho biết: Trước đó khi ông còn làm Bí thư Đảng ủy xã ông có kiến nghị. Tuy nhiên khi PV yêu cầu được tiếp cận văn bản trình cấp trên thì ông không cung cấp được.

Trao đổi thêm với đồng chí cán bộ địa chính xã đã nắm giữ vị trí này 10 năm nay - bà Nguyễn Ánh Duyên cho biết bản thân biết quy định của pháp luật nhưng coi đó là tồn tại cũ, tiếp nối nên không tham mưu cho lãnh đạo.

Như vậy, với tư cách người đứng đầu, khi phát hiện các hợp đồng cũ là sai quy định, lẽ ra vị chủ tịch mới phải có trách nhiệm sửa đổi theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng ông Hữu đã không làm được vì không nắm được quy định của pháp luật về quyền hạn, trách nhiệm của mình trong vấn đề này. 

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Nghiêm Xuyên (Thường Tín): Chủ tịch xã ký sai vì…thiếu hiểu biết?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

TP.HCM: Đường biến thành… chợ ở xã Xuân Thới Thượng
Không chỉ xây dựng trái phép, hiện nhiều tuyến đường trên địa bàn xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn còn xảy ra tình trạng chợ “cóc”, chợ tạm “mọc” ngay trên vỉa hè, lòng đường, gây cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị.

Tin mới