Thứ bảy, 20/04/2024 01:40 (GMT+7)

Tp.HCM: Nhà hàng Riverside Palace ngang nhiên thách thức pháp luật?

Đỗ Thuận -  Thứ hai, 28/10/2019 14:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù các cơ quan chức năng đã ra văn bản xử phạt, buộc tháo dỡ, nhưng đến nay, công trình Trung tâm Hội nghị – Tiệc cưới – Nhà hàng Riverside Palace vẫn ngang nhiên tồn tại.

Ngang nhiên xây dựng không phép
Theo phản ánh của người dân tại khu vực đường Bến Vân Đồn, Q.4, mới đây, Trung tâm Hội nghị – Tiệc cưới – Nhà hàng Riverside Palace (nhà hàng Riverside Palace) ngang nhiên xây dựng công trình lấn chiếm vỉa hè, gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Công trình xây dựng trái phép này tọa lạc địa chỉ 360D Bến Vân Đồn, Q.4, lấn chiếm phần lớn vỉa hè của người đi bộ, được lắp kính cường lực chắc chắn, quây xi măng kiên cố và sử dụng để kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Theo tìm hiểu của PV, công trình này do Công ty CP Tập đoàn Capella (Capella Holdings) hay có tên gọi cũ là Công ty CP Đầu tư Địa ốc Bến Thành (Ben Thanh Land) làm chủ đầu tư. Sau thời gian đưa vào hoạt động, hiện tại, Riverside Palace đang được quản lý bởi Công ty CP TM và Dịch vụ Lâu Đài Ven Sông.

Nhà hàng Riverside Palace ngang nhiên xây dựng công trình không phép lấn chiếm vỉa hè.

Công trình không phép lấn chiến gần hết vỉa hè. 

Riverside Palace khai trương chính thức vào tháng 3/2011 với diện tích 10.000 m². Trên website của Tập đoàn này cho biết đang sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như: Chill Sky Bar, Air 360 Sky Bar, Trung tâm Hội nghị Tiệc cưới Riverside Palace, Claris Palace, Capella Park View, Capella Gallery Hall và hệ thống nhà hàng San Fo Lou (Hoa), Sorae (Nhật), Dì Mai (Việt)…

Ngoài ra, Capella Holdings còn tham gia mở rộng kinh doanh trong ngành BĐS với cao ốc The One Saigon, ngành bán lẻ tiêu dùng, y tế, giáo dục, nông nghiệp kỹ thuật cao…
Có thể thấy, dù là tập đoàn lớn nhưng DN này không tuân thủ các quy định pháp luật về xây dựng, đồng thời, cố tình gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và môi trường sống của người dân.

Bất chấp quyết định xử phạt

Từ phản ánh của người dân, UBND quận 4 đã tiến hành rà soát, kiểm tra và có kết luận: "Công ty CP TM và DV Lâu Đài Ven Sông (Riverside) đã có hành vi lắp dựng công trình khung thép, vách kính, mái kính + tôn tại địa chỉ 360-360D Bến Vân Đồn phường 1, quận 4 (Nhà kính mặt tiền đường Bến Vân Đồn) nhưng không có giấy phép xây dựng".

Bất chấp các quyết định xử phạt, hiện phần công trình này vẫn ngang nhiên tồn tại.

Ngày 2/8/2019, UBND P.1, Q.4 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty CP TM và DV Lâu Đài Ven Sông về hành vi xây dựng không phép. Chính quyền địa phương yêu cầu tháo dỡ phần sai phạm tại công trình này.

Tiếp đó, ngày 29/08/2019, UBND quận 4 ban hành quyết định xử phạt số 2139/QĐ-UBND-KPHQ về hành vi xây dựng không phép: "Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm, cụ thể: Phần xây dựng công trình khung sắt, vách kính, mái kính + tôn với diện tích (7.82m + 7.02m)/2 x 35.2m = 261.184 m2 tại số 360-360D Bến Vân Đồn, phường 1, quận 4. Thời gian khắc phục hậu quả là 10 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt của UBND quận 4".

Tuy nhiên, bất chấp các quyết định xử phạt, hiện nay, phần công trình xây dựng không phép, lấn chiếm vỉa hè của nhà hàng Riverside Palace vẫn ngang nhiên tồn tại!

Dư luận nghi ngờ, phải chăng có sự “chống lưng” hay “bảo kê’ nào nên nhà hàng Riverside Palace mới ngang nhiên, bất chấp các quyết định xử phạt của các cơ quan chức năng như vậy?!

Môi trường & Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Tp.HCM: Nhà hàng Riverside Palace ngang nhiên thách thức pháp luật?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...