Thứ sáu, 29/03/2024 04:50 (GMT+7)

Vỉa hè Sài Gòn lắp rào sắt: Hàng rong biến mất, người đi bộ ung dung

MTĐT -  Thứ hai, 27/03/2017 14:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hai dãy hàng rào sắt cao gần 1m, được lắp dọc đường Nguyễn Văn Nghi, Nguyễn Văn Bảo (P.4, Gò Vấp) xung quanh trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, đã phát huy tốt việc chống bán hàng rong...

Trước thực trạng vỉa hè bị hàng rong buôn bán lấn chiếm tràn lan, xả rác bừa bãi, không chừa lối cho người đi bộ, lực lượng chức năng ra quân nhắc nhở, xử lý nhiều lần nhưng không thể chấn chỉnh rốt ráo. Việc lắp hàng rào sắt này đã tạo được chuyển biến tích cực, vỉa hè không còn xuất hiện cảnh lấn chiếm, xe máy không thể leo vỉa hè. Những người đi bộ đa số là sinh viên qua đây rất thoải mái và an toàn.

Sau khi được kiến nghị của UBND P.4 (quận Gò Vấp, TP.HCM), Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 (thuộc Sở GTVT TP.HCM) đã tiến hành lắp hai dãy hàng rào sắt quanh trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, qua hai tuyến đường Nguyễn Văn Nghi và Nguyễn Văn Bảo.

Theo ghi nhận của Thanh Niên, hàng rào sắt lắp dọc đường Nguyễn Văn Nghi đoạn qua cổng số 4 trường Đại học Công Nghiệp TP.HCM dài khoảng 400m, cao gần 1m, làm bằng sắt kiên cố. Tại hai đầu dẫn vào hàng rào sắt được chừa khoảng trống chỉ đủ một người đi vào. Do đó, xe máy và các phương tiện khác không thể luồn vào di chuyển. Hầu hết các sinh viên qua đây đều chọn lối vỉa hè có barie bởi đi lại thoải mái và an toàn.

Ông Võ Xuân Thắng (58 tuổi, giảng viên khoa Cơ khí, trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) cho biết, trước đây khi chưa có hàng rào sắt, biết được nhu cầu hay mua thức ăn của sinh viên, nhiều người bán hàng rong tập trung dày đặc trên vỉa hè xung quanh trường giành nhau để xe, buôn bán lấn chiếm, thậm chí tràn xuống lòng đường rất lộn xộn và mất vệ sinh. Tình trạng này diễn ra nhiều năm qua khiến sinh viên di chuyển xuống lòng đường, gặp nhiều rủi ro.

Từ khi hàng rào sắt mọc lên thì tình trạng hàng rong cũng giảm hẳn. Tuy nhiên, cơ quan chức năng không nên làm hàng rào này, dù bảo vệ an toàn sinh viên nhưng rất mất mỹ quan. Nhìn vỉa hè này giống như chuồng thú vậy. Thay vì lắp rào thì nên cho lực lượng lượng túc trực tịch thu hàng hóa lấn chiếm và phạt để chấn chỉnh.

Ông Võ Xuân Thắng

Tuy nhiên, ông Thắng nói: "Cơ quan chức năng không nên làm hàng rào này, dù bảo vệ an toàn sinh viên nhưng rất mất mỹ quan. Nhìn vỉa hè này giống như chuồng thú vậy. Thay vì lắp rào thì nên cho lực lượng lượng túc trực tịch thu hàng hóa lấn chiếm và phạt để chấn chỉnh".

Trong khi đó, trên đường Nguyễn Văn Bảo (trước cổng chính ĐH Công Nghiệp TP.HCM), Khu 3 dựng một dãy barie dài khoảng 600m, cũng phát huy tốt chức năng chống bán hàng rong. Tuy nhiên, lối vỉa hè có hàng rào tại đây ít được sinh viên sử dụng. Qua quan sát, có rất đông người thản nhiên di chuyển xuống lòng đường và qua đường xen lẫn cùng nhiều phương tiện di chuyển, mất an toàn giao thông.

Theo ông Ngô Xuân Bình, Chủ tịch UBND P.4 (Q.Gò Vấp, TP.HCM), hàng rào sắt trên do Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 làm. Trước đây, khu vực xung quanh trường ĐH Công Nghiệp xuất hiện rất đông hàng rong buôn bán, phường có xử lý nhưng chưa triệt để và sinh viên xuống đường di chuyển nguy hiểm. Phường đã phản ánh lên quận và kiến nghị Khu 3 thực hiện công trình này.

Trước đây, nhiều người đẩy xe bộ bán hàng rong dày đặc và sinh viên đi lại dưới lòng đường nguy hiểm. Từ khi công trình dựng lên thì tình hình chuyển biến tích cực, phường cũng thường xuyên ra quân tại khu vực này xử lý những trường hợp vi phạm. Cảnh quan trước trường cũng gọn gàng, sạch đẹp.

“Việc ra quân xử lý lấn chiếm vỉa hè, phường đã thực hiện từ năm 2016. Hiện lực lượng đô thị phường cũng ra quân hàng ngày, nhắc nhở và xử lý vi phạm. Đến nay, các tuyến đường trên địa bàn phường hầu hết đã gọn gàng. Đối với những người bán hàng rong, trước mắt phường vận động không buôn bán và phường đang phối hợp với quận tìm giải pháp hỗ trợ, kiếm mặt bằng thành lập khu để buôn bán riêng”, ông Bình nói.

Theo ông Phạm Ngọc Dũng, Phó giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 3, việc lắp rào sắt xung quanh vỉa hè trường ĐH Công nghiệp TP.HCM được đơn vị thực hiện trong quý 4 năm 2016 theo chỉ đạo của Sở GTVT TP.HCM, nhằm bảo vệ người đi bộ và cấm hàng rong buôn bán, qua theo dõi đã phát huy hiệu quả ban đầu.

“Hiện Sở GTVT TP đang hoàn thiện kết cấu mẫu hàng rào và khu 3 sẽ tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới. Trong giai đoạn thí điểm thì khu 3 sử dụng kinh phí duy tu, khoảng gần 300 triệu cho rào sắt dài 120m. Sau khi mẫu rào sắt được định hình, đơn vị sẽ tiếp tục phát triển mô hình này ở các tuyến đường cần thiết”, ông Dũng nói.

Theo Báo Thanh niên

Bạn đang đọc bài viết Vỉa hè Sài Gòn lắp rào sắt: Hàng rong biến mất, người đi bộ ung dung. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

TP.HCM: Đường biến thành… chợ ở xã Xuân Thới Thượng
Không chỉ xây dựng trái phép, hiện nhiều tuyến đường trên địa bàn xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn còn xảy ra tình trạng chợ “cóc”, chợ tạm “mọc” ngay trên vỉa hè, lòng đường, gây cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.