Thứ ba, 23/04/2024 13:08 (GMT+7)

17 tỷ khắc phục vỡ ống nước sông Đà: Sao không ai chịu trách nhiệm?

MTĐT -  Thứ năm, 22/02/2018 10:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù phải tiêu tốn gần 17 tỷ đồng để khắc phục sự cố vỡ ống nước sông Đà, nhưng Vinaconex không yêu cầu các cá nhân, tổ chức liên quan bồi thường thiệt hại.

Hội đồng quản trị Công ty CP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco - Mã: VCW) vừa nhất trí phê duyệt nghị quyết về việc không yêu cầu các cá nhân, tổ chức có liên quan bồi thường thiệt hại đối với chi phí gần 17 tỷ đồng sửa chữa khắc phục sự cố 18 lần vỡ tuyến ống nước sông Đà.

Dự án cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông giai đoạn 1 được hoàn thành và cấp nước trong TP Hà Nội từ tháng 4/2009.

Tuy nhiên, trong quá trình quản lý và vận hành sản xuất kinh doanh đến ngày 2/10/2016, tuyến ống truyền tải đã xảy ra 18 lần sự cố vỡ đường ống. Tổng chi phí khắc phục, sửa chữa sự cố là 16,6 tỷ đồng.

Bảng chi tiết chi phí khắc phục, sửa chữa sự cố - Nguồn: Viwasupco.

Về lý do không yêu cầu các cá nhân, tổ chức bồi thường thiệt hại, Hội đồng quản trị Công ty CP Nước sạch Vinaconex cho biết, tổng chi phí sửa chữa, khắc phục trên đều nằm trong kế hoạch chi phí hàng năm được HĐQT và ĐHĐCĐ phê duyệt.

Khoản chi phí đó cũng được kiểm toán độc lập, kiểm toán Nhà nước, cơ quan thuế đã thanh tra kiểm tra từ năm 2012 - 2016 và ban kiểm soát công ty kiểm tra, công nhận là chi phí hợp lý.

HĐQT cũng cho rằng, đây là dự án lần đầu tiên ở trong nước áp dụng công nghệ mới, ống được sản xuất có đường kính lớn (DN 1600 - 1800) và lắp đặt trên nền đất phức tạp nên khó tránh khỏi việc xảy ra sự cố gây bục vỡ tuyến ống.

Tính từ thời điểm vận hành, dự án mang lại hiệu quả cho đơn vị quản lý là CTCP Đầu tư Nước sạch sông Đà. Từ 2009 - 2017, tổng lợi nhuận lũy kế là 502 tỷ đồng (đã bao gồm 150 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông).

Nhiều cá nhân bị truy tố

Liên quan đến sự cố vỡ ống nước sông Đà đã không ít cá nhân liên quan bị khởi tố và truy tố.

Cụ thể, tháng 5/2017, Tổng cục Cảnh sát, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phí Thái Bình, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Tổng công ty Vinaconex để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Cty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex).

Cơ quan điều tra xác định hành vi của ông Phí Thái Bình có liên quan đến giai đoạn ông Bình làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinaconex, chủ đầu tư dự án đường ống dẫn nước sạch sông Đà.

Đến tháng 12/2017 vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng lần hai truy tố ông Hoàng Thế Trung, 57 tuổi, nguyên giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà và 8 bị can khác cùng về tội vi phạm quy định xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo đó, 8 bị can gồm: Ông Nguyễn Văn Khải, nguyên phó giám đốc Ban quản lý Dự án

- Trương Trần Hiển, nguyên trưởng phòng Vật tư

- Trần Cao Bằng nguyên giám đốc Công ty CP Ống sợi thủy tinh (Vinaconex)

- Vũ Thanh Hải, nguyên phó giám đốc Vinaconex; Đỗ Đình Trì - cựu Trưởng đoàn Tư vấn giám sát của Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam (Viwase).

- Nguyễn Biên Hùng, là cán bộ của Viwase.

- Hoàng Quốc Thống, là cán bộ của Viwase.

- Bùi Minh Quân, là cán bộ của Viwase.

Theo cáo trạng, dự án nước sạch Sông Đà - Hà Nội, do Tổng công ty Vinaconex làm chủ đầu tư, được triển khai từ năm 2004 - 2009 thì nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, khai thác tuyến ống liên tục xảy ra sự cố vỡ ống truyền tải nước.

Từ tháng 2/2012 – 10/2016, tuyến ống bị vỡ 18 lần, trong đó 23 ống composite cốt sợi thủy tinh bị vỡ.

Đường ống nước sông Đà liên tục gặp sự cố - Ảnh: Internet.

Doanh nghiệp khai thác đã phải chi hơn 16 tỷ để khắc phục sự cố này.

Việc tuyến ống liên tục bị vỡ gây hậu quả buộc doanh nghiệp khai thác phải dừng cấp nước sinh hoạt cho người dân trong thời gian gần 400 giờ, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 177.000 hộ dân trên địa bàn TP. Hà Nội.

Nguyên nhân của việc liên tục xảy ra sự cố vỡ ống nước trên là do vi phạm trong quá trình sản xuất ống, quá trình quản lý, giám sát thi công xây dựng tuyến ống truyền tải nước sạch Dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội.

Trong đó, quá trình sản xuất ống chưa kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào, ống được sản xuất có chất lượng không đồng đều, chỉ tiêu độ cứng vòng của nhiều mẫu thử không đạt yêu cầu. Ngoài ra, không thực hiện thử nghiệm độ bền thủy tĩnh dài hạn để làm cơ sở cho việc kiểm tra độ bền dài hạn của tuyến ống sau này.

Trong quá trình thi công xây dựng, Ban quản lý dự án, nhà thầu giám sát chưa kiểm soát chặt chẽ chất lượng ống trước khi lắp đặt.

P.V (tổng hợp theo NĐT, NĐH, TTXVN, Tuổi Trẻ)

Bạn đang đọc bài viết 17 tỷ khắc phục vỡ ống nước sông Đà: Sao không ai chịu trách nhiệm?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển
Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải - vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.

Tin mới