Thứ sáu, 29/03/2024 04:54 (GMT+7)

Thúc đẩy sử dụng tro, xỉ, thạch cao đạt chuẩn

MTĐT -  Thứ ba, 11/12/2018 13:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vụ Vật liệu xây dựng (VLXD) đang chủ trì soạn thảo Thông tư hướng dẫn sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong các công trình xây dựng (Thông tư).

Hiện dự thảo Thông tư đã lấy ý kiến của các Bộ, ngành, đơn vị liên quan, trên cơ sở đó, cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa hoàn thiện dự thảo trước khi trình Bộ ban hành. Theo kế hoạch, Thông tư sẽ được Bộ Xây dựng ban hành vào cuối năm 2018. Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn Vụ trưởng Vụ VLXD Phạm Văn Bắc về vấn đề này.

PV: Thưa ông, việc Bộ Xây dựng triển khai nghiên cứu soạn thảo dự thảo và ban hành Thông tư hướng dẫn sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong các công trình xây dựng có ý nghĩa như thế nào?

Ông Phạm Văn Bắc: Triển khai Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong các công trình xây dựng được phê duyệt tại Quyết định số 452/QĐ-TTg, ngày 12/4/2017, Bộ Xây dựng đã thực hiện nhiều giải pháp, nhiệm vụ. Một trong những giải pháp, nhiệm vụ đó là Vụ VLXD đề xuất với Bộ Xây dựng triển khai xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong các công trình xây dựng.

Thông tư khi được ban hành sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất VLXD trên phạm vi toàn quốc sử dụng tro, xỉ, các chất thải của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, cũng như thạch cao của các nhà máy hóa chất khi đủ tiêu chuẩn để làm VLXD, có thể sử dụng làm nguyên liệu sản xuất VLXD.

Vụ trưởng Vụ VLXD Phạm Văn Bắc.

Hướng dẫn này sẽ có tác động kép bởi khi sử dụng nhiều tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất làm nguyên liệu sản xuất VLXD sẽ giảm bớt nguồn nguyên liệu là khoáng sản tự nhiên, góp phần tiết kiệm tài nguyên tự nhiên, đồng thời sẽ góp phần giảm được ô nhiễm môi trường.

Theo số liệu gần nhất của Bộ Công Thương, đến nay, tổng lượng tro, xỉ, thạch cao tại các nhà máy nhiệt điện, hóa chất tồn và lưu trữ 26 triệu tấn tro trong toàn quốc. Mỗi năm, các nhà máy này tiếp tục thải ra từ 12 – 12,5 triệu tấn. Hiện tại mới chỉ có khoảng 40 - 50 nhà máy có cơ sở xử lý tro, xỉ, thạch cao, với các công suất khác nhau. Trong năm 2017, mới chỉ xử lý được hơn 4 triệu tấn. Tức là lượng tro, xỉ, thạch cao chưa được xử lý còn rất lớn. Chính vì thế, cần phải tăng cường xử lý, sử dụng tro xỉ thì mới giảm bớt được ô nhiễm môi trường.

PV: Thông tư sẽ đề cập đến các nội dung chính nào, thưa ông?

Ông Phạm Văn Bắc: Thông tư hướng dẫn việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao là chất thải thông thường, phát thải từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón, sản xuất thép và các cơ sở công nghiệp khác có tính chất phù hợp hoặc đã được xử lý phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các hướng dẫn kỹ thuật làm nguyên liệu sản xuất VLXD (như xi măng, vật liệu không nung, các loại bê tông…) và sử dụng trong công trình xây dựng làm vật liệu san lấp…

Tôi nhấn mạnh là Thông tư chỉ hướng dẫn sử dụng tro, xỉ, thạch cao sau xử lý bảo đảm tiêu chuẩn để sản xuất VLXD thì mới đưa vào sử dụng, còn loại chất thải chưa được xử lý hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn thì sẽ không được quy định trong Thông tư.

Hiện nay, tiêu chuẩn xỉ và tiêu chuẩn tro, xỉ, thạch cao sản xuất xi măng, làm phụ gia và tiêu chuẩn tro, xỉ làm vật liệu san lấp đã được ban hành.

Tro bay vo viên được đưa vào sản xuất thử nghiệm tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn tại nhà máy tấm tường Acotec - Xuân Mai.

Thông tư đồng thời hướng dẫn trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân (gồm cơ sở phát thải, chủ cơ sở xử lý tro, xỉ, thạch cao; cơ sở vận chuyển, sử dụng tro, xỉ, thạch cao; các chủ đầu tư các công trình sử dụng vốn Nhà nước và cơ quan quản lý Nhà nước) trong việc quản lý, vận chuyển, sử dụng tro, xỉ, thạch cao…

PV: Theo ông, các chế độ chính sách khuyến khích sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng đã đủ mạnh chưa?

Ông Phạm Văn Bắc: Theo quy định hiện hành tại Quyết định số 452/QĐ-TTg, các cơ sở sản xuất tro, xỉ, thạch cao được hưởng một số chế độ ưu đãi như được hỗ trợ tiền thuê mặt bằng xử lý; các đơn vị xả thải phải có chi phí bù cho đơn vị xử lý... Ngoài ra, các cơ sở này còn được hưởng chính sách thuế đối với đơn vị xử lý chất thải rắn…

Trên thực tế, nếu các cơ sở xử lý tro, xỉ, thạch cao được hưởng hết các chế độ nói trên thì phần nào đủ sức khuyến khích trong việc xử lý tro, xỉ, thạch cao các nhà máy nhiệt điện, hóa chất.

Nhưng quan trọng hơn nữa là xử lý xong thì sử dụng như thế nào? Phải coi tro, xỉ, thạch cao là nguồn nguyên liệu sản xuất VLXD hoặc sử dụng trong các việc khác. Nếu coi là chất thải, nhất là chất thải nguy hại thì không sử dụng được. Do vậy, như tôi đã đề cập, cần có thêm cơ chế chính sách khuyến khích đối với các đơn vị sử dụng tro, xỉ, thạch cao đạt tiêu chuẩn làm nguyên liệu sản xuất VLXD hoặc sử dụng trong các công trình xây dựng.

Hiện tại, Vụ VLXD đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự thảo. Khi được Bộ Xây dựng ban hành vào cuối năm, Thông tư sẽ tạo điều kiện thuận tiện hơn cho quá trình sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng.

Theo tôi, việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao các nhà máy nhiệt điện, hóa chất đạt chuẩn làm nguyên liệu trong sản suất VLXD và công trình xây dựng sẽ rất hiệu quả vì ngành VLXD sử dụng nhiều, thay thế một phần khoáng sản, góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Đây là sứ mệnh không những của Bộ Xây dựng mà còn là của các Bộ, ngành, của xã hội và đặc biệt là của các đơn vị xả thải.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo báo Xây dựng

Bạn đang đọc bài viết Thúc đẩy sử dụng tro, xỉ, thạch cao đạt chuẩn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.