Thứ sáu, 29/03/2024 19:06 (GMT+7)

Xi măng và những thách thức nhãn tiền

MTĐT -  Thứ hai, 26/04/2021 17:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cạnh tranh ngày càng gay gắt tại thị trường xuất khẩu và những hạn chế trong khâu logistics, trong khi sức tiêu thụ nội địa chững lại 3 năm gần đây, là những khó khăn của ngành công nghiệp xi măng VN.

Trong Báo cáo đánh giá triển vọng ngành xi măng năm 2021, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI dự báo, nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước năm 2021 sẽ đạt mức tăng trưởng từ 5 đến 7% so với năm 2020. Tuy nhiên, xuất khẩu sản phẩm này sẽ khó đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ như năm 2020 do nguồn cung ở thị trường lớn là Trung Quốc dần ổn định trở lại.

Trong nước bão hòa, xuất khẩu nhiều thách thức

Theo số liệu của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) trong 3 tháng đầu năm 2021 cả nước đã tiêu thụ 24.169.288 tấn sản phẩm bao gồm cả xi măng và clanke. Trong đó, xi măng tiêu thụ tại thị trường nội địa đạt 13.526.644 tấn và xuất khẩu xi măng, clanke đạt 10.642.644 tấn.

Phân tích về những khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm xi măng, TS. Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, 3 năm liên tục gần đây, tiêu thụ sản phẩm xi măng tại thị trường nội địa có xu hướng chững lại dưới 65 triệu tấn/năm. Cụ thể, như năm trước, tiêu thụ nội địa đạt ở mức 62 triệu tấn, giảm gần 3 triệu tấn so với năm 2019. Điều này chứng tỏ, thị trường tiêu thụ nội địa đã gần ở mức bão hòa.

Theo phân tích và dự báo của một số chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, tỷ suất lợi nhuận ngành xi măng có thể tiếp tục bị suy giảm do công suất và chi phí nhiên liệu tăng. Cụ thể, trong năm 2021, công suất trong nước ước tính tăng khoảng 7 triệu tấn, tương đương 7% từ các dây chuyền sản xuất mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2020 và đầu năm 2021. Điều này sẽ khiến áp lực cạnh tranh gay gắt hơn và ảnh hưởng đến giá xi măng. Ngoài ra, giá than trên thế giới tăng cũng có thể gây tác động tiêu cực đến tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp (DN) sản xuất xi măng.

Công ty Cổ phần xi măng Bỉm Sơn. Ảnh: VGP

Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu sản phẩm xi măng và clanke mặc dù vẫn tăng  so với cùng kỳ nhưng không ổn định, tiềm ẩn rủi ro khó đoán định với dấu hiệu là sự sụt giảm cả về khối lượng và giá cả trong các tháng cuối năm 2020. Theo đó, việc giảm giá bắt đầu từ thị trường Trung Quốc và lan sang nhiều khu vực khác.

Một dự báo đáng chú ý của Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, sản lượng xuất khẩu sản phẩm xi măng trong năm 2021 được kỳ vọng duy trì ổn định do nhu cầu của Trung Quốc vẫn cao nhờ thị trường này tiếp tục có sự đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường này thời gian tới sẽ khó đạt được mức tăng trưởng mạnh như năm 2020 do nguồn cung nội địa tại Trung Quốc dần ổn định trở lại.

Thị trường Trung Quốc hiện chiếm tới 57% sản lượng xuất khẩu xi măng và clanke và chiếm 22% tổng sản lượng tiêu thụ của Việt Nam trong năm 2020. Sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường này cũng là một điều đáng lo ngại, đặc biệt khi chính sách tài khóa tại quốc gia này có thể bị thắt chặt trong những năm tới.

Bên cạnh đó, xuất khẩu xi măng hiện còn bị giới hạn về trần xuất khẩu của Chính phủ với mức khống chế từ 30 đến 35% tổng sản lượng sản xuất.

Chưa hết, theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, hiện sản lượng xi măng của Việt Nam đứng thứ 3 thế giới và đứng đầu về xuất khẩu. Chính vì vậy, nhiều thị trường chịu áp lực cạnh tranh mạnh từ xi măng của Việt Nam đã gia tăng thuế tự vệ để bảo vệ ngành công nghiệp xi măng của họ. Cụ thể, Philipines áp thuế nhập khẩu khoảng 5% giá bán, hay Bangladesh áp thêm 8% thuế GTGT từ mức 15% lên 23%. Xu hướng áp thuế này được dự báo có thể lan sang nhiều thị trường xuất khẩu khác của Việt Nam như Trung Quốc, Malaysia hay thị trường châu Phi, tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong ngành

Thực tế, tại một số thị trường nhập khẩu sản phẩm xi măng, nhiều quốc gia đang gia tăng cạnh tranh như Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ hay các nước khu vực Trung Đông. Mặc dù những quốc gia này có chi phí sản xuất cao hơn so với xi măng Việt Nam nhưng do áp lực dư thừa sản xuất nên hầu hết đã giảm giá bán để giành thị phần xuất khẩu.

Trong những năm tới, thị trường xi măng thế giới được dự báo sẽ bão hòa nhanh, nhu cầu nhập khẩu xi măng sẽ giảm và có xu hướng chuyển sang cạnh tranh mạnh trong xuất khẩu. Cùng với đó, ngành xi măng Trung Quốc có thể sẽ quay lại thời kỳ xuất siêu và trở thành một khu vực cạnh tranh mạnh về xuất khẩu đối với các DN Việt Nam.

Ngoài áp lực cạnh tranh về giá bán và sản lượng như nêu trên, theo PGS.TS Lương Đức Long, Phó Chủ tịch-Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, ngành xi măng còn đối diện với một khó khăn lớn nữa là dịch vụ logistics.

“Hệ thống đường sá, cầu cống, tàu, cảng biển, đường sắt và hệ thống kho bãi còn nhiều hạn chế là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến nhiều ngành, trong đó có xi măng, làm tăng giá thành và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm”, ông Long nhấn mạnh.

Tìm lời giải

Theo TS. Nguyễn Quang Cung, tiêu thụ xi măng tại Việt Nam hiện nay chỉ đạt 650 kg/người, rất thấp so với thế giới. Ông Cung cho biết, thời kỳ đầu tư phát triển rực rỡ của Trung Quốc, tiêu thụ xi măng tại quốc gia này đạt tới 1.800 kg/ người và hiện nay khoảng 1.500 kg/ người. Sở dĩ đạt được con số ấn tượng này là do Trung Quốc có chính sách kích cầu nội địa tốt với việc đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Phòng Điều hành sản xuất nhà máy xi măng Duyên Hà. Ảnh: VGP

Từ thực tế này, ông Cung kiến nghị Nhà nước cần có giải pháp tổng thể với ngành xi măng nhằm kích cầu tiêu thụ nội địa. Với góc nhìn của một người công tác lâu năm trong ngành xây dựng, TS. Nguyễn Quang Cung cho rằng, đối với những vùng thường xảy ra hiện tượng sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, đặc biệt là các địa phương miền núi có địa hình phức tạp, nên đầu tư xây dựng hệ thống đường, cầu cạn để bảo đảm an toàn cho hệ thống giao thông tại các khu vực này, đồng thời góp phần kích cầu tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa.

Theo ông Cung, hiện nay áp lực cạnh tranh diễn ra ở cả thị trường xuất khẩu và nội địa, và các DN sản xuất xi măng cần phải thích nghi và tìm cách vượt qua những áp lực này.

Đối với thị trường xuất khẩu, trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, ông Cung cho rằng ngành xi măng cần chuyển hướng dần sang các thị trường tiềm năng như Mỹ, Israel… Tại những thị trường này, giá xuất khẩu xi măng sẽ cao hơn bởi các quốc gia này không đầu tư phát triển xi măng cả trong hiện tại và tương lai. Ông Cung cho biết, bước đầu đã có một số DN Việt Nam thâm nhập và xuất khẩu được sản phẩm xi măng vào các thị trường tiềm năng này.

Còn theo PGS. TS Lương Đức Long, cùng với việc tiếp tục cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và chuyển hướng dần sang các thị trường tiềm năng, hiện các DN sản xuất xi măng rất cần Nhà nước có chính sách về logistics, tập trung đầu tư hệ thống kho bãi, đường sá, cầu cống, đường sắt, tàu, cảng biển để góp phần hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của xi măng Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, với sản phẩm clanke, đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, hiện xuất khẩu clanke chịu thuế suất 5% và không được khấu trừ VAT. Do đó, Hiệp hội Xi măng Việt Nam kiến nghị sửa đổi quy định về thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên khoáng sản, cụ thể là sản phẩm clanke, để tránh đánh thuế 2 lần.

Theo Báo điện tử Chính phủ

Bạn đang đọc bài viết Xi măng và những thách thức nhãn tiền. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới