Thứ sáu, 29/03/2024 04:22 (GMT+7)

Vì đâu Metro Bến Thành - Suối Tiên đến hẹn lại lùi?

MTĐT -  Thứ hai, 09/09/2019 14:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mới đây, Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM lại xin lùi tiến độ hoàn thành của dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Thi công kết cấu thép của ga Bến Thành

Trong khi người dân đang rất kỳ vọng tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ hoàn thành vào năm 2020 như cam kết của chính quyền thành phố, mới đây Ban quản lý Đường sắt đô thị TP HCM lại xin lùi tiến độ hoàn thành của dự án này.

Nhà thầu vẫn miệt mài thi công

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, những ngày qua tại công trình thi công tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, không khí thi công vẫn nhộn nhịp. Tại gói thầu CP1a “Xây dựng đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố” do liên danh Sumitomo Mitsui - Cienco4 thực hiện, có hơn 300 công nhân và cán bộ kỹ thuật tập trung thi công ngày đêm. Đoạn này có chiều dài 747m (từ đầu Công viên 23/9 đến trước chợ Bến Thành, băng qua công viên Quách Thị Trang, chạy dọc đường Lê Lợi đến đường Pasteur). Đoạn này nhà thầu tổ chức thi công đào hở nên có thể thấy được khối lượng lớn máy móc thiết bị, khung thép chằng chịt để làm cọc chắn tường vây. Hàng trăm nghìn khối đất đã được đào lên chuẩn bị cho việc thi công các tầng sàn.

Đại diện nhà thầu Cienco4 cho biết đang tập trung thi công phần sàn đáy, vệ sinh tường vây. Phương pháp thi công là từ dưới lên thay vì từ trên xuống như đoạn ga Nhà hát Thành phố. Tất cả công nhân tham gia thi công đều được quán triệt kỷ luật về an toàn lao động. Đến nay, gói CP1a đã đạt hơn 61% khối lượng thi công.

Tại công trường thi công ga Nhà hát Thành phố, hình hài của một nhà ga quy mô 4 tầng đã được hoàn thành. Đại diện nhà thầu cho biết, đã hoàn thành cơ bản phần thô từ tường xung quanh đến 4 sàn của 4 tầng nhà ga. Hiện nay đã có thể đi từ tầng B1 đến B4 bằng cầu thang bộ. Có khoảng 100 công nhân, kỹ sư đang thực hiện các công đoạn xây tường ngăn các phòng chức năng, lắp đặt hệ thống cơ điện, phòng cháy chữa cháy, đèn, quạt,… Lượng công nhân không nhiều như gói CP1a nhưng tất cả các công đoạn đòi hỏi chi tiết, tỉ mỉ.

Ở ga Ba Son cũng đang thi công bê tông tường trong, đắp đất sàn mái, lắp thép bản sàn mái. Hai đường hầm khoan kín đã thông nhà ga Ba Son với ga Nhà hát Thành phố. Trong đường hầm hệ thống đèn chiếu sáng liên tục, có thể đi bộ từ bên này sang bên kia dễ dàng. Gói thầu CP2 - đường trên cao từ Ba Son đến Suối Tiên, các nhà thầu đang thi công lắp đặt lan can, hệ thống thoát nước, cơ điện, hệ thống phòng cháy chữa cháy…

Ông Huỳnh Hồng Thanh, Phó ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM cho biết, tiến độ tổng thể của tuyến metro số 1 đạt trên 66%. “Từ đầu năm 2019, khi thành phố có những thay đổi nhân sự của Ban quản lý, ứng thêm 2.158 tỷ đồng cho dự án, đến nay đã giải ngân được 80%. Tinh thần làm việc của toàn thể công nhân, kỹ sư, nhà thầu trên công trường được xốc lại, hiện đã bắt kịp tiến độ bị chậm trước đó”, ông Thanh nói.

Tắc ở khâu thủ tục

Có thể nói, từ đầu năm 2019, TP HCM đã rất tập trung đẩy nhanh tiến độ tuyến metro số 1. Đặc biệt trong đó là thay đổi nhiều nhân sự tại Ban quản lý Đường sắt đô thị, lập Hội đồng thẩm định do Sở GTVT là cơ quan thường trực để thẩm định các bước thủ tục thực hiện dự án. Tháng 3/2019, thành phố đã tạm ứng từ ngân sách hơn 2.158 tỷ đồng cho tuyến metro số 1 trong khi chờ giải ngân nguồn vốn ODA từ Trung ương.

Tổng thể tiến độ đạt trên 66%, thế nhưng Ban quản lý Đường sắt đô thị rất lo ngại về ngày về đích dự án (hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến metro số 1 vào năm 2020). Với tiến độ các thủ tục hiện nay, Ban quản lý Đường sắt đô thị phải xin thay đổi kế hoạch, xin lùi tiến độ hoàn thành dự án đến quý IV/2021.

Nguyên nhân được chỉ ra là do tiến độ thẩm định dự án điều chỉnh không đạt như dự kiến. Lý do là Bộ Xây dựng chưa có ý kiến về thiết kế cơ sở điều chỉnh. Bộ KH-ĐT cũng chưa có kết quả thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối. Do vậy, đến giữa tháng 10 tới Hội đồng thẩm định mới có thể trình UBND thành phố dự thảo phê duyệt dự án điều chỉnh.

Cụ thể, tuyến metro số 1 có tổng mức đầu tư được UBND TP HCM phê duyệt năm 2009 là 17.388 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi có nhiều điều chỉnh tăng quy mô một số hạng mục, công trình, biến động giá vật tư, nhân công,…tổng mức đầu tư đã tăng lên 47.325 tỷ đồng. Đầu năm 2019, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án. Thủ tướng đồng ý giao TP HCM thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, trước khi phê duyệt, phải có ý kiến của Bộ Xây dựng thẩm định dự án điều chỉnh và Bộ KH-ĐT có ý kiến thẩm định nguồn vốn và cân đối nguồn vốn. Thế nhưng, cả hai công việc này đến nay thành phố vẫn đang phải chờ.

Chưa phê duyệt được dự án điều chỉnh, nguồn vốn ODA từ Trung ương chưa được cấp phát về, thành phố đã phải ứng tiền ngân sách địa phương ra chi trả cho các nhà thầu. Đến nay, thành phố đã tạm ứng gần 5.000 tỷ đồng cho tuyến metro số 1, nhưng các thủ tục xin tạm ứng cũng rất phức tạp.

Để tiếp tục triển khai các công việc, Hội đồng thẩm định dự án của thành phố đã vạch ra các mốc thời gian. Cụ thể, đến ngày 10/9, Sở KH-ĐT sẽ có kết quả tham mưu UBND TP trình Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, trong đó có nội dung điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến quý IV/2021. Đến ngày 5/10, Bộ KH-ĐT có kết quả thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn. Đồng thời, Bộ Xây dựng có ý kiến thống nhất về thiết kế cơ sở điều chỉnh. Đến ngày 15/10, Hội đồng thẩm định sẽ báo cáo UBND TP kết quả thẩm định và trình dự thảo quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, Hội đồng thẩm định đã tổ chức 4 cuộc họp, thảo luận, xem xét các hồ sơ do Ban quản lý Đường sắt đô thị trình. Thành phần hồ sơ còn thiếu nhiều nội dung theo hướng dẫn của Bộ KH-ĐT. Hội đồng đã yêu cầu Ban giải trình, bổ sung hoàn thiện hồ sơ. Đồng thời, tiếp tục phối hợp xem xét hồ sơ, tổ chức thảo luận để làm rõ từng nội dung và hướng dẫn kịp thời cho Ban để hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định. “Đây là dự án trọng điểm quốc gia, các thủ tục rất nhiều và phải làm chặt chẽ, chi tiết, vì vậy thời gian hoàn thiện các thủ tục mất thời gian”, ông Lâm nói.

Theo Báo Giao Thông

Bạn đang đọc bài viết Vì đâu Metro Bến Thành - Suối Tiên đến hẹn lại lùi?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.