Thứ năm, 28/03/2024 16:54 (GMT+7)

Vietracimex được giao thêm dự án ở Sóc Sơn: Hà Nội cần xem xét lại

Phương Bùi -  Thứ sáu, 20/09/2019 11:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chuyên gia cho rằng: "Các cấp chính quyền có vai trò rất quan trọng cần nhìn nhận đánh giá. Tất nhiên là các doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh nhưng năng lực hạn chế thì cần phải xem xét".

Khi nhắc tới Vietracimex, dư luận không thể không nhớ tới các dự án với tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng, sở hữu một loạt dự án đất vàng từ Bắc tới Nam nhưng lại liên tục vướng phải những “tai tiếng” bậc nhất trong giới bất động sản. Các dự án bị bỏ hoang, chậm triển khai trong suốt nhiều năm đã gây lãng phí, thất thoát tiền của và khiến dư luận bức xúc.

Trước đó Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có loạt bài phản ánh về chủ đầu tư Vietracimex với hàng loạt “lùm xùm” nhưng không hiểu vì lý do đặc biệt nào đó mà được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết khu nhà tại xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, tỷ lệ 1/500.

Chính vì điều này đã khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về năng lực, trách nhiệm của Vietracimex trong các dự án bỏ hoang và lo ngại về dự án mới liệu rằng có khả thi hay sẽ phạm phải sai lầm như các dự án cũ. Còn  đối với những dự án cũ bỏ hoang, tại những khu đất vàng chôn vùi hàng nghìn tỷ đồng, gây thất thoát, lãng phí tài nguyên thì cần phải xử lý như thế nào, có nên thu hồi các dự án đó hay không?

Để hiểu rõ hơn về vấn đề trên, PV Môi trường và Đô thị đã có cuộc phỏng vấn tới ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội.

-Thưa ông, hiện tại Hà Nội có rất nhiều dự án chậm triển khai bỏ hoang hàng chục năm. Cụ thể là dự án Kim Chung- Di Trạch (Hoài Đức) do Vietracimex làm chủ đầu tư. Diện tích của dự án lên tới hơn 170ha nằm trên quốc lộ 32, huyện Hoài Đức (Hà Nội) khởi công vào cuối năm 2008 với mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 1.000 tỷ đồng nhưng tới nay vẫn thực hiện dang dở. Vậy ý kiến của ông đối với dự án này như thế nào và có nên thu hồi dự án này để tránh thất thoát, lãng phí tài nguyên hay không?

- Hà Nội, hiện tượng dự án giao cho doanh nghiệp mà bỏ hoang suốt nhiều năm là khá phổ biến. Tuy nhiên có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc dự án chậm triển khai. Có thể do thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng chưa xong và cũng có thể là năng lực doanh nghiệp chưa có… Tuy nhiên, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương cần phải đi sâu vào tìm hiểu các dự án đó là do nguyên nhân khách quan hay chủ quan.  

Nếu do khách quan thì cần phải tháo gỡ và tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp triển khai. Nhiều giải pháp như về vốn,  giải phóng mặt bằng, thủ tục pháp lý. Còn nếu do chủ quan, doanh nghiệp không đủ năng lực để triển khai thì bắt buộc phải thu hồi lại để giao cho doanh nghiệp khác, khi đó sẽ tái đầu tư, không để các khu đất vàng bỏ hoang như vậy được.

Vì không phải lãng phí cho doanh nghiệp mà còn lãng phí cho cả xã hội. Sự lãng phí đó không chỉ là trách nhiệm của đơn vị doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước. Chính vì lý do đó nên cần giải quyết mau chóng các khu đất vàng bỏ hoang để tạo được bộ mặt đô thị, kết cấu hạ tầng, nhà nước cũng thu được nguồn lực nhất định, không để lãng phí.

Dự án Kim Chung- Di Trạch bỏ hoang 10 năm do Vietracimex làm chủ đầu tư.

Xin ông cho biết, chủ đầu tư Vietracimex có dự án bị bỏ hoang lâu như vậy thì các địa phương có nên tiếp tục giao cho họ các dự án mới không?

- Khi nói tới vấn đề này thì cần đề cập tới uy tín của các chủ đầu tư, vì đó là điều rất quan trọng khi các cấp chính quyền cần phải xem xét khi giao dự án mới cho chủ đầu tư đó. Bởi vì nếu như không có tín nhiệm, bê bối trên thị trường thì khi giao dự án mới sẽ gặp nhiều rủi ro. Các cấp chính quyền của địa phương có vai trò rất quan trọng cần nhìn nhận đánh giá. Tất nhiên là các doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh nhưng năng lực hạn chế thì cần phải xem xét. Nếu như không đủ điều kiện, không có trách nhiệm đối với dự án  cũ để bê bối nhiều như vậy thì không thể giao cho dự án mới.

- Thưa ông, mới đây, UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết khu nhà tại xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, tỷ lệ 1/500 cho chủ đầu tư Vietracimex. Với tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 99.135m2 mà quy mô dân số dự kiến khoảng 866 người liệu có hợp lý hay không?

- Đối với vùng Sóc Sơn, một huyện xa trung tâm,  thì chưa hẳn đã là khả thi. Vì nó không phải là đất vàng. Đối với doanh nghiệp không có đủ năng lực, có nhiều bê bối như vậy thì các cấp chính quyền vẫn phải xem xét. Đã có những cam kết, luật rất rõ ràng, doanh nghiệp không triển khai được thì nhà nước đã có luật để giải quyết. Các cấp chính quyền phải kiểm tra, đôn đốc thường xuyên, sao cho doanh nghiệp làm đúng tiến độ hoặc phải có ý kiến thu hồi.

Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội.

Trong giai đoạn vừa qua, thị trường bất động sản cũng có nhiều biến động, các chính sách về tiền tệ, tín dụng đã khiến cho các doanh nghiệp đầu tư bị ảnh hưởng. Đúng là chúng ta phải xem xét từng dự án, để tìm ra nguyên nhân khách quan hay chủ quan để cùng nhau tháo gỡ, mình không phân biệt ai. Nếu như có những chính sách tháo gỡ rồi mà doanh nghiệp vẫn không thực hiện được thì buộc phải thu hồi để không bị lãng phí.

Xin cảm ơn ông!

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Vietracimex được giao thêm dự án ở Sóc Sơn: Hà Nội cần xem xét lại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới