Thứ sáu, 29/03/2024 16:21 (GMT+7)

Đổ xô mua bảo hiểm xe máy: Chỉ để đối phó?

MTĐT -  Thứ ba, 19/05/2020 15:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ 15/5, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) ra quân thực hiện tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Đợt ra quân kéo dài đến giữa tháng 6.

Theo đó, chủ xe môtô, xe máy, các loại xe tương tự môtô và các loại xe tương tự xe máy khi tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 80.000 - 120.000 đồng nếu không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe. Còn đối với chủ ôtô sẽ bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng.

Trước thông tin trên, nhiều người dân bắt đầu tìm mua bảo hiểm ôtô, xe máy. Một số chủ phương tiện thừa nhận tham gia giao thông từ lâu, nhưng đây là lần đầu tiên mua bảo hiểm xe máy.

Được biết, người dân đến mua bảo hiểm xe chỉ cần mang theo giấy đăng ký xe, nhân viên sẽ điền thông tin trên bảo hiểm. Giao dịch này đơn giản, không mất nhiều thời gian, người dân cũng có thể mua hộ bảo hiểm cho người khác chỉ cần có thông tin về chiếc xe muốn mua. Giá bảo hiểm xe máy dao động từ 55.000 - 66.000 đồng/năm.

Khác với bảo hiểm tự nguyện, loại bảo hiểm bắt buộc này không chi trả thiệt hại về người và phương tiện cho người mua bảo hiểm hay được hiểu là chủ xe. Đây là loại bảo hiểm mà công ty bảo hiểm sẽ thay chủ xe để bồi thường cho quyền lợi của nạn nhân (bên thứ ba) nếu chủ xe không may gây tai nạn.

Tuy nhiên, lâu nay, nhiều người dân không mặn mà mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là do bất cập ngay từ chính sách. Đó là giới hạn mức bồi thường, ngay cả thiệt hại về người đến mức tử vong cũng chỉ bồi thường tối đa 100 triệu đồng/người. Trong khi đó, chi phí điều trị thương tật đối với TNGT thường rất tốn kém.

Chưa hết, cơ sở để giải quyết mức bồi thường là phải phân biệt được lỗi cụ thể của các bên. Trong nhiều trường hợp, CSGT chỉ xác nhận hai bên cùng có lỗi. Khi doanh nghiệp và người đi đường không hòa giải hay thương lượng được mức bồi thường, vụ việc sẽ được đưa ra tòa.

Và trong thực tế, việc đưa vụ việc ra tòa thường mất nhiều thời gian nên người thiệt hại không mặn mà theo đuổi để được bồi thường. Đây cũng là lý do khiến các chủ xe không tích cực mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự.

Người dân tra cứu thông tin trên mạng về số vụ tai nạn được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường, có lẽ tìm mỏi mắt không thấy. Điều đó càng củng cố thêm suy nghĩ rằng: có mua bảo hiểm cũng khó trông chờ được bồi thường. Nhưng việc mua thì vẫn phải mua, vì quy định phải có thứ giấy tờ này mới đủ điều kiện tham gia giao thông.

Trao đổi với báo Người lao động, luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh, cho hay câu chuyện mua bảo hiểm xe máy không có ý nghĩa "bảo hiểm" mà chỉ có tác dụng đối phó công an đã được dư luận lên tiếng từ lâu nhưng lại rộ lên trong các đợt công an kiểm tra. Từ trước đến giờ, hội chưa từng tiếp nhận trường hợp khiếu nại nào xung quanh vấn đề đòi tiền bảo hiểm của chủ xe máy.

Còn theo luật sư Lương Huy Hà (Đoàn luật sư Hà Nội), Giám đốc Công ty Lawkey Việt Nam cũng nói thêm, để được bảo hiểm chi trả, người dân khi gặp tai nạn cần nhờ công an đến lập hiện trường hoặc giữ nguyên hiện trường, chụp ảnh và nhờ người làm chứng. Tuy nhiên, đa phần người dân thường tự dàn xếp với nhau nếu vụ tai nạn không quá nghiêm trọng nên việc nhận được bảo hiểm là không dễ.

Dưới góc độ doanh nghiệp bảo hiểm, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Ban Kế hoạch Marketing Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (PTI), cho rằng việc bắt buộc mua bảo hiểm xe máy là quy định rất có ý nghĩa, có giá trị nhân văn. "Bảo hiểm trách nhiệm dân sự với xe máy là loại bảo hiểm chỉ bồi thường cho bên bị nạn, bao gồm bồi thường về con người nhiều nhất là 100 triệu đồng và bồi thường về tài sản nhiều nhất là 50 triệu đồng. Xuất phát từ thực tiễn là chủ phương tiện xe máy thường không phải người có thu nhập cao, lại đối mặt với rủi ro về tai nạn, va quệt khi tham gia giao thông, nhất là va quệt với phương tiện ôtô và có nguy cơ phải bồi thường số tiền lớn. Do đó, bảo hiểm xe máy ra đời với mục đích an sinh xã hội, nhiều nước trên thế giới cũng duy trì loại bảo hiểm này" - bà Vân Anh nói thêm.

Cũng theo bà Vân Anh, nhiều chủ phương tiện xe máy hiện nay do không hiểu quyền lợi và ngại làm thủ tục bồi thường nên không mua bảo hiểm xe máy hoặc mua chỉ để đối phó với CSGT. Bởi vậy, có hiện tượng nhiều người gây tai nạn không làm thủ tục để được bồi thường mà tự bỏ tiền túi ra bồi thường cho nạn nhân.

"Do bồi thường liên quan đến bên thứ 3 nên cần có cơ quan chức năng vào cuộc đánh giá để bảo đảm khách quan, tránh bắt tay nhau trục lợi. Chỉ cần chủ phương tiện thực hiện đúng quy định, không uống rượu bia... khi gây tai nạn thì mọi thủ tục không phức tạp" - bà Vân Anh giải thích và thông tin trong năm 2019, PTI đã bồi thường bảo hiểm xe máy khoảng hơn 20 tỉ đồng.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Đổ xô mua bảo hiểm xe máy: Chỉ để đối phó?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.