Thứ tư, 17/04/2024 06:57 (GMT+7)

Đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Công Thương

MTĐT -  Thứ năm, 03/03/2022 08:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng ngày 02/3, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” làm việc với Bộ Công thương.

tm-img-alt
Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm trưởng đoàn. Ảnh: Tư liệu

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Bộ Công thương được giao lập 05 quy hoạch ngành quốc gia gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; Quy hoạch phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng phóng xạ. Bộ cũng được giao rà soát ban hành danh mục tích hợp vào các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; rà soát các quy hoạch hết hiệu lực thuộc ngành công thương; phối hợp thẩm định các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; phối hợp hướng dẫn lập, thẩm định quy hoạch tỉnh.

Tuy nhiên, về tiến độ cả 05 quy hoạch quốc gia đều chưa được phê duyệt. Trong đó, có 01 quy hoạch đã được thẩm định và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và 01 quy hoạch đã xin ý kiến, 02 quy hoạch đang tổ chức xin ý kiến, còn Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng phóng xạ chưa được triển khai, chưa có đánh giá tiềm năng. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo thêm về tiến độ triển khai 5 quy hoạch ngành quốc gia, mốc thời gian hoàn thành, khó khăn, vướng mắc, trách nhiệm thực hiện và đề xuất kiến nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, thời gian qua nổi lên quy hoạch điện lực, việc điều chỉnh quy hoạch điện lực thời kỳ 2021-2030 còn bất cập trong lập quy hoạch điện lực quốc gia (Quy hoạch điện 8) chưa xong, đề nghị có báo cáo rõ hơn vấn đề này, lí do đến nay chưa được phê duyệt và tiến độ. Ngoài ra, đề nghị báo cáo thêm việc ban hành chính sách thay thế cho các quy hoạch hết hiệu lực, làm rõ bao nhiêu chính sách phải ban hành, đã ban hành được bao nhiêu và bao nhiêu chính sách chưa ban hành, nêu rõ lý do và trách nhiệm.

Liên quan đến nội dung báo cáo gửi đến Đoàn giám sát của Bộ Công thương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận việc Bộ Công thương đã tích cực tham gia phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành để lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh tuy nhiên tốc độ còn chậm. Bộ cũng đã thực hiện xong việc rà soát ban hành danh mục tích hợp của các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, rà soát quy hoạch hết hiệu lực của ngành công thương.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị tiếp tục làm rõ hơn một số vấn đề trong báo cáo. Theo đó, chỉ rõ hơn tồn tại, hạn chế, khó khăn trong việc tích hợp quy hoạch, đảm bảo quy hoạch ngành quốc gia phù hợp với các quy hoạch khác khi các quy hoạch đang xây dựng song song. Đề nghị Bộ làm rõ các căn cứ lập quy hoạch ngành thuộc lĩnh vực công thương, chất lượng các quy hoạch và đánh giá cách thức rà soát, điều chỉnh, thống nhất các quy hoạch của ngành với quy hoạch quốc gia và các quy hoạch khác.
Báo cáo nêu tồn tại hạn chế trong lập, thẩm định quy hoạch tỉnh Bộ Công thương không có cơ sở ban hành các văn bản hướng dẫn đối với nội dung ngành công thương nên mặc dù đã ban hành hướng dẫn chỉ mang tính chất định hướng chung, không mang tính cụ thể. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ hơn các tỉnh phải xây dựng các nội dung của ngành công thương trong quy hoạch tỉnh như thế nào, có đảm bảo chất lượng, có phù hợp với quy hoạch của ngành công thương sẽ ban hành trong thời gian tới.

Về việc thay thế các quy hoạch bằng các tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập bởi các tiêu chuẩn kỹ thuật chỉ là một trong những tiêu chí xây dựng quy hoạch, không thể thay thế hoàn toàn được quy hoạch nhưng chưa nêu giải pháp tháo gỡ, kiến nghị, đề xuất.

Việc ban hành văn bản hướng dẫn của Bộ có những nội dung mâu thuẫn với Luật Quy hoạch, Chính phủ phải ban hành Nghị quyết 119 để thu hồi các văn bản, đề nghị báo cáo rõ hơn về lý do, căn cứ, hệ quả, trách nhiệm trong việc ban hành văn bản không đúng quy định.

Bộ kiến nghị cần có điều chỉnh cục bộ cho các quy hoạch ngành quốc gia đề nghị phân tích thêm lý do đề xuất này và giải pháp điều chỉnh cục bộ không gây ảnh hưởng đến hệ thống các quy hoạch quốc gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu của Đoàn giám sát làm rõ các đề xuất kiến nghị, trách nhiệm rõ ràng, giải quyết vấn đề thực tiễn nhất là trong bối cảnh khó khăn thách thức như hiện nay.

Tại buổi làm việc, trình bày Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về công tac quy hoạch của Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ đã tiến hành rà soát toàn bộ quy hoạch ngành công thương được cấp có thẩm quyền phê duyệt còn hiệu lực. Trên cơ sở đó, xây dựng danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02/12/2019 về việc ban hành Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch. Theo đó, Bộ Công Thương có 50 quy hoạch ngành, lĩnh vực thuộc đối tượng tích hợp, ngoài ra có 59 quy hoạch phát triển cụm công nghiệp và 63 quy hoạch phát triển điện lực của các địa phương.

Việc ban hành danh mục các quy hoạch thuộc đối tượng tích hợp vào quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh ngoài việc làm căn cứ để các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 kế thừa, tích hợp trong quá trình lập quy hoạch, còn có mục đích để các quy hoạch này được tồn tại, tiếp tục thực hiện trong thời gian các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt đảm bảo tính liên tục công tác quản lý nhà nước bằng quy hoạch. Việc ban hành danh mục này không nhằm mục đích để điều chỉnh quy hoạch.

Bộ Công thương cũng kiến nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch để phù hợp hơn với thực tế triển khai thực hiện. Trong đó, bổ sung điều khoản quy định về điều chỉnh cục bộ quy hoạch vì ngoài điều chỉnh tổng thể quy hoạch định kỳ sau 5 năm thực hiện, việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch để phù hợp với điều kiện thực tế là cần thiết và đảm bảo tính khả thi thực hiện quy hoạch. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các văn bản pháp luật về quy hoạch đảm bảo thống nhất khi triển khai thực hiện và phù hợp với thực tế. Các Bộ ngành nghiên cứu sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với Luật quy hoạch sau khi các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 được quyết định phê duyệt.

Trao đổi tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát chỉ rõ báo cáo của Bộ Công thương đáp ứng được yêu cầu của Đoàn giám sát và đề nghị Bộ cần tiếp thu ý kiến tại buổi làm việc khẩn trương hoàn thiện báo cáo đáp ứng đề cương yêu cầu của Đoàn giám sát. Chỉ rõ việc chậm trễ trong việc lập quy hoạch ngành quốc gia, Đoàn giám sát yêu cầu Bộ Công thương chỉ rõ khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện công tác quy hoạch, đồng thời nêu tiến độ thực hiện trong thời gian tới, phân công trách nhiệm và giải pháp thực hiện.

Ngoài ra, các thành viên Đoàn giám sát nêu một số vấn đề đặt ra từ thực tiễn như việc thiếu vắng quy hoạch ngành về chế biến chế tạo, trong khi đây là lĩnh vực trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Về quy hoạch điện 8, Đoàn giám sát chỉ rõ thực trạng điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, cần cân đối, tính toán kỹ lưỡng giữa cơ cấu các nguồn điện một cách phù hợp, hợp lý, để bảo đảm kết nối cung cầu và đáp ứng được nhu cầu phụ tải. Cùng với đó là định hướng phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo sẽ được.

PV (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Công Thương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khai mạc phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chiều 15/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chính thức khai mạc. Chủ tịch Quốc hội cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội sẽ thay phiên điều hành nội dung phiên họp.

Tin mới