Thứ bảy, 20/04/2024 18:16 (GMT+7)

Doanh nghiệp có nhiều lợi thế khi tham gia mô hình khu công nghiệp sinh thái

MTĐT -  Thứ năm, 22/09/2022 08:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đồng Nai là một trong 3 tỉnh, thành được Bộ KH-ĐT chọn làm điểm mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái. Các doanh nghiệp (DN) tham gia mô hình này sẽ thu được nhiều lợi thế trong sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

KCN Amata (TP.Biên Hòa) là nơi đang triển khai xây dựng KCN sinh thái. Đến nay, KCN Amata đã hoàn thành được khoảng 50% các tiêu chí theo khung của quốc tế. Dự kiến trong 3 năm tới, KCN Amata sẽ thực hiện thêm được 20-25% các tiêu chí.

Giảm nhiều chi phí đầu vào

KCN Amata được thành lập từ năm 1994 với tổng diện tích 513ha, do Tập đoàn Amata (Thái Lan) đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Đây được xem là KCN điển hình của Việt Nam. Đến nay, KCN Amata đã thu hút được 190 dự án của 8 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và có tổng vốn đăng ký khoảng 3,2 tỷ USD. Trong KCN có nhiều DN nước ngoài đầu tư nhà máy theo quy trình công nghệ hiện đại và rất quan tâm ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm giảm chi phí đầu vào, bảo vệ môi trường xung quanh.

Phó trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai Lê Văn Danh đánh giá: “KCN Amata hiện đã lấp đầy và đang triển khai theo mô hình KCN sinh thái, bước đầu đã mang lại hiệu quả. Các DN tham gia vào chương trình này đều giảm được giá thành sản phẩm, môi trường được bảo vệ tốt hơn. Do đó, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai đề xuất bộ, ngành nhanh chóng hoàn thiện pháp lý, tạo thuận lợi để tỉnh cũng như các tỉnh, thành khác nhân rộng mô hình này ra các KCN khác để từng bước xây dựng thành công các KCN xanh”.

Theo xu hướng và yêu cầu của thế giới, công nghiệp tuần hoàn, công nghiệp xanh là đích đến trong tương lai để góp phần phát triển nền kinh tế bền vững, giảm tác động xấu đến khí hậu trên toàn cầu.

Ông Trần Quang, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Fleming Việt Nam ở KCN Amata chia sẻ: “Công ty Fleming là DN FDI đến từ Hong Kong và đầu tư vào Đồng Nai từ năm 2004, với ngành sản xuất nến thơm. Sản phẩm của công ty chủ yếu xuất qua Hoa Kỳ, châu Âu nên đòi hỏi rất cao về chất lượng. Vì thế, Fleming là DN tham gia triển khai mô hình KCN sinh thái ngay khi mới triển khai. Sau 1 năm thực hiện, Fleming đã tiết kiệm hơn 294 ngàn Kwh điện, 36 ngàn lít dầu, gần 2,7 ngàn m3 nước và giảm phát thải 343 tấn CO2, tương đương với hơn 1,5 tỷ đồng”. Cũng theo ông Quang, Fleming đang lên kế hoạch vào đầu năm 2023 sẽ tiếp tục xây dựng nhà máy thứ 3 tại Đồng Nai và sẽ áp dụng công nghệ, quy trình của KCN sinh thái để giảm chi phí đầu vào. Đồng thời, sản phẩm làm ra lại được các khách hàng đánh giá cao và mua nhiều hơn vì thân thiện với môi trường.

Tăng khả năng cạnh tranh

Hiện nay, KCN Amata đang tập trung vào triển khai 3 vấn đền chính là khuyến khích các DN sử dụng năng lượng xanh, tái sử dụng nước thải và cộng sinh DN để hoàn thành 62 tiêu chí theo khung quốc tế về KCN sinh thái. Trong đó, đã có nhiều DN sử dụng nguồn năng lượng mặt trời, áp dụng các quy trình để tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng nước thải sau xử lý vào sản xuất, tưới cây, không thải ra môi trường. Một số nhà máy đã sản xuất theo mô hình tuần hoàn như: Công ty TNHH Quốc tế Fleming Việt Nam, Công ty TNHH Việt Nam NOK…

Ông Surakij Kiatthanakorn, Tổng giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Biên Hòa, chủ đầu tư hạ tầng KCN Amata cho biết: “Hiện nay, nước thải của nhiều nhà máy trong KCN sau khi xử lý có thể làm nguồn nước đầu vào sản xuất cho những nhà máy khác, tạo ra quy trình sản xuất tuần hoàn, giảm nước thải ra môi trường, phù hợp với kinh tế tuần hoàn. Nước thải tái sử dụng giá sẽ rẻ hơn nước sạch do nhà máy nước cung cấp, đồng thời tiết kiệm được tài nguyên nước, giảm chi phí cho DN, tăng khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, quá trình triển khai KCN lại gặp khó khăn vì chưa có quy định chi tiết của Chính phủ về triển khai quy trình này nên KCN đề xuất sớm có quy định về việc này để các DN dễ triển khai”.

Theo Ban Quản lý dự án triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam, trong giai đoạn 2020-2023, Bộ KH-ĐT đã chọn KCN Amata, KCN Deep C (Hải Phòng) và Hiệp Phước (TP.HCM) làm thí điểm KCN sinh thái. Chương trình trên được Chính phủ Thụy Sĩ hỗ trợ với mục tiêu nhân rộng ra các KCN khác tại Việt Nam nhằm hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Mô hình KCN sinh thái phù hợp với mục tiêu, chiến lược phát triển bền vững của quốc gia. Sau một thời gian tham gia chương trình, các DN trong KCN Amata đã giảm được nhiều chi phí trong sản xuất, đồng thời đáp ứng được các yêu cầu về sản xuất xanh như: tiết kiệm nguyên liệu đầu vào, tái sử dụng tài nguyên, kết nối thành mạng lưới tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và năng lực cạnh tranh, giảm khí thải.

Mới đây, trong phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các DN FDI, nhiều Hiệp hội DN FDI tại Việt Nam và các tập đoàn FDI cho biết sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam cũng như các DN triển khai các chương trình tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguồn năng lượng xanh, tái sử dụng nước thải để góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn./.

Hồng Anh (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp có nhiều lợi thế khi tham gia mô hình khu công nghiệp sinh thái. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...
Đà Nẵng: Xuất hiện mùi hôi thối trong khu công nghiệp Hoà Khánh
BQL Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp TP Đà Nẵng đã đề nghị Công ty TNHH Bamboo Việt - Đà Nẵng làm việc với người dân tại khu dân cư Hoà Hiệp 4, phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu về việc xả khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất