Thứ năm, 18/04/2024 19:01 (GMT+7)

Doanh nghiệp cùng cộng đồng tham gia chuỗi giá trị và bảo tồn đa dạng sinh học

MTĐT -  Thứ ba, 29/03/2022 10:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hội thảo do Helvetas, đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động “Sản xuất kinh doanh thân thiện bảo tồn cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng” tổ chức trong khuôn khổ Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học

Trong những ngày cuối tháng 3 năm 2022, tại Hội thảo chia sẻ kết quả khảo sát chuỗi giá trị tiềm năng, du lịch sinh thái, đào tạo nghề và cơ hội hợp tác với các chương trình hỗ trợ của tỉnh Quảng Trị, đã có 3 chuỗi giá trị và 1 chuỗi du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng được khởi động và dự kiến tiến hành tại 2 huyện Hướng Hoá và Dakrong, hỗ trợ cộng đồng phát triển sinh kế bền vững chủ động, giảm tình trạng phụ thuộc vào rừng.

tm-img-alt

Hội thảo do Helvetas, đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động “Sản xuất kinh doanh thân thiện bảo tồn cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng” tổ chức trong khuôn khổ Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học, Dự án Phát triển rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Hợp phần đang được WWF là đơn vị thực hiện chính phối hợp với Ban quản lý các dự án lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và các đối tác liên quan triển khai tại 5 tỉnh và 3 vườn quốc gia tại Việt Nam.

Tỉnh Quảng Trị thuộc khu vực phía Nam của vùng Bắc Trung Bộ, là vùng có tính đa dạng sinh học cao, mang nhiều yếu tố đặc thù, đặc hữu và độc đáo. Hiện nay trên địa bàn đã thành lập hai Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) trên cạn là Khu BTTN Đakrông và Khu BTTN Bắc Hướng Hóa. Khu BTTN Đakrông nằm ở phía Nam của huyện Đakrông, là điểm cuối dãy Trường Sơn Bắc hùng vĩ và nằm phía Đông của sông Đakrông. Khu BTTN Đakrông có đa dạng sinh học cao với 4 loại rừng kín thường xanh; có hơn 1.400 loài thực vật bậc cao và hơn 300 loài động vật. Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bắc Hướng Hóa có diện tích khoảng 25.000 ha rừng và đất rừng, thuộc địa bàn phía Bắc huyện Hướng Hóa,đây là nơi có vai trò duy trì giá trị dịch vụ hệ sinh thái và chức năng rừng phòng hộ đầu nguồn cho các con sông Bến Hải, Rào Quán, Sông Hiếu và sông Sê Phăng Hiêng. Các khu bảo tồn Dakrong và Bắc Hướng Hóa là nơi sinh sống của nhiều quần thể động, thực vật quý hiếm như: Thỏ vằn, vượn Trung Bộ, mang Trường Sơn, chà vá chân nâu, gà lôi lam mào trắng, gà so Trung Bộ, voọc Hà Tĩnh...

tm-img-alt

Trong những năm qua, tình trạng buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp ở Việt Nam nói chung và Quảng Trị vẫn còn chưa được giải quyết, trong đó một nguyên nhân quan trọng là cộng đồng dân cư xung quanh các khu bảo tồn thiên nhiên vẫn còn phải sống phụ thuộc một phần vào khai thác rừng và các sản phẩm từ động thực vật hoang dã. Bên cạnh việc thay đổi nhận thức và thói quen khai thác, sử dụng các sản phẩm từ rừng của cộng đồng, phát triển sinh kế để chấm dứt chuỗi phụ thuộc vào rừng là một trong những chiến lược quan trọng để nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học.

Từ năm 2021, Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học đã tiến hành khảo sát cơ hội tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng vùng đệm thông qua phát triển các chuỗi giá trị lâm sản ngoài gỗ và nông nghiệp giá trị cao, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, đặc biệt là tập trung vào các cơ hội đào tạo và việc làm bền vững, cơ hội khởi nghiệp cho nhóm thợ săn, người khai thác gỗ trái phép xung quanh các khu bảo tồn.

Việc phát triển các chuỗi giá trị lâm sản ngoài gỗ, nông nghiệp giá trị cao và du lịch sinh thái dựa vào cộng đồngđượckết nối với doanh nghiệp sản xuất theo nhu cầu và tiêu chuẩn thị trường ngay từ đầu. Quá trình khảo sátcũng luôn có sự tham vấn và đồng hành của doanh nghiệp để đảm bảo tính khả thi vàbền vững của chuỗi. Phương pháp tiếp cận hệ thống thị trường toàn diện giúp nhóm chuyên gia xác định các nút thắt liên quan đến thể chế, tập quán và các dịch vụ đầu vào của từng chuỗi để khuyến nghị giải pháp can thiệp phù hợp.

tm-img-alt

Điều đáng mừng là khảo sát đã xác định tại Hướng Hóa và Đakrong có nhiều chuỗi giá trị tiềm năng có thể giúp cộng đồng phát triển sinh kế, như trồng cây chanh leo, cà phê sạch, sản xuất tinh dầu thảo dược cũng như một số địa điểm có thể phát triển du lịch sinh thái, kết hợp giới thiệu văn hóa bản địa. “Khi lựa chọn chuỗi lâm sản/nông sản giá trị cao, chúng tôi phải tìm hiểu nhu cầu thị trường, quy hoạch vùng nguyên liệu của địa phương, nhóm đối tượng có thể tham gia, khả năng tăng thu nhập của họ khi tham gia vào chuỗi, và quy mô dự kiến phát triển thị trường. Điều quan trọng là phải có sự đồng hành và đầu tư của khối tư nhân ngay từ đầu để đảm bảo sự gắn kết sản xuất với thị trường”, bà Nguyễn Tú Anh, Chánh văn phòng Helvetas, quyền trưởng Tiểu hợp phần 6 dự án VFBC chia sẻ.

Đối với việc phát triển du lịch sinh thái, bên cạnh việc đánh giá sức hấp dẫn, độc đáo của cảnh quan tự nhiên văn hoá các tiêu chí khác cũng được cân nhắc, bao gồm sự an toàn cho du khách, khả năng tiếp cận và liên kết tuyến điểm và bảo tồn đa dạng sinh học. Và cũng tương tự như xây dựng chuỗi giá trị nông lâm sản, sự tham gia đầu tư của cộng đồng và doanh nghiệp cũng là các điều kiện tiên quyết.

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp tham gia chuỗi cũng trình bày kế hoạch hỗ trợ cộng đồng xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất và chế biến sản phẩm cũng như định hướng phát triển thị trường. Bà Lê Thị Huệ, Giám đốc HTX Tân Hợp, một trong các cơ sở kinh doanh đồng hành cùng dự án và cộng đồng phát triển sinh kế cho biết: “HTX chúng tôi đang phát triển 10ha chanh leo và liên kết với hàng chục hộ dân ở các địa bàn xã Tân Hợp, Hướng Tân, Hướng Phùng, Hướng Lộc của huyện Hướng Hóa. Các hộ gia đình liên kết ban đầu sẽ được hỗ trợ 50% giá trị cây giống và phân bón để trồng chanh. Chúng tôi cũng đang đề xuất dự án phối hợp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm với mục tiêu mở rộng thị trường và tăng thêm các hộ liên kết. Dự kiến trong thời gian triển khai dự án HTX sẽ hỗ trợ khoảng 300 – 500 lao động có việc làm và thu nhập ổn định”.

Bên cạnh sự tham gia nhiệt tình của các doanh nghiệp, dự án cũng nhận được sự ủng hộ và tạo điều kiện về mặt chính sách của các cơ quan liên quan tại địa phương. Bà Nguyễn Hồng Phương,Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị khẳng định: “Các phương pháp tiếp cận của Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học do USAID tài trợ, bao gồm phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng sinh sống ở khu vực xung quanh các khu bảo tồn, rất phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp và bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh. Trong thời gian tới, Ban QLDA tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục phối hợp với tổ chức WWF-Việt Nam để triển khai các hoạt động trên địa bàn”.

Không chỉ ở Quảng Trị, Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học đang triển khai các hoạt động tương tự tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Lâm Đồng với mục tiêu tới năm 2026, 40 cộng đồng được liên kết sản xuất, 9 cộng đồng được gắn kết du lịch sinh thái, và gần 8.000 người dân sống phụ thuộc vào rừng được cải thiện sinh kế, từ đó xóa bỏ các hoạt động khai thác rừng và xâm hại đa dạng sinh học.

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp cùng cộng đồng tham gia chuỗi giá trị và bảo tồn đa dạng sinh học. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.