Thứ sáu, 29/03/2024 22:11 (GMT+7)

Doanh nghiệp và sinh viên - Kết nối xanh

MTĐT -  Thứ hai, 04/06/2012 22:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sinh viên sau khi ra trường, việc đầu tiên cần làm là tìm việc tại doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp, theo nhu cầu phát triển luôn có chính sách tuyển dụng người tài. Nắm bắt được thực tế này, Ban tổ chức Chiến dịch Tiêu dùng sản phẩm xanh đã tạo điểm nhấn xanh giữa doanh nghiệp và sinh viên. Mục đích nhằm định hướng cho sinh viên lựa chọn những doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng để đóng góp sức mình.

Tại ngày hội kết nối xanh giữa doanh nghiệp và sinh viên – một trong chuỗi hoạt động của Chiến dịch Tiêu dùng sản phẩm xanh lần 3-2012 do Ủy ban Nhân dân TPHCM chủ trì, hàng trăm bạn trẻ đã có buổi trò chuyện rất thân mật với các khách mời vốn là doanh nghiệp đã và đang thực hiện rất tốt công tác bảo vệ môi trường.

Phần lớn những câu hỏi của sinh viên đều xoay quanh chủ đề, doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội là như thế nào? Sinh viên có thể nhận biết những doanh nghiệp này ra sao? Sinh viên có vai trò và vị thế như thế nào trong chủ trương phát triển kinh tế xanh?…

Đại diện Công ty TNHH Điện tử Philips Việt Nam, ông Alex Ngian, Tổng giám đốc điều hành, khẳng định khái niệm sản xuất sạch hay sản phẩm xanh đã và đang rất phổ biến trên thế giới. Người tiêu dùng trên thế giới đã và đang chấp nhận dòng sản phẩm xanh, sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường bất chấp những sản phẩm này có giá thành cao hơn so với những sản phẩm cùng loại nhưng chưa thân thiện với môi trường.

Tại Việt Nam, khái niệm tiêu dùng xanh, sản phẩm xanh mới xuất hiện gần đây nhưng cũng đang đón nhận sự hưởng ứng nồng nhiệt từ cộng đồng. Theo xu hướng phát triển này, nhiều công ty đã và đang xây dựng hình ảnh xanh cho mình. Điển hình như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty Unilever Việt Nam, Công ty cổ phần Chế biến lương thực và thực phẩm Colusa-Miliket. Song song với hoạt động sản xuất, chất thải phát sinh luôn được kiểm soát và xử lý đạt yêu cầu trước khi thải ra môi trường.

Riêng Công ty cổ phần Sữa Việt Nam còn phối hợp với Bộ TN-MT thực hiện chương trình trồng một triệu cây xanh cho Việt Nam. Vừa qua, công ty đã phối hợp cùng Sở Giao thông Vận tải trồng 200 cây xanh dọc xa lộ Hà Nội, TPHCM. Trong năm 2012, TPHCM cần phải trồng thêm 20.000 cây xanh mới đáp ứng yêu cầu hiện nay.

Tuy nhiên, nhiều sinh viên băn khoăn vì hiện nay có rất ít hoạt động môi trường thực sự dành cho sinh viên nói riêng và cộng đồng nói chung cùng tham gia. Bạn Nguyễn Đăng Doanh, sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM tâm sự, trong thời gian gần đây, phong trào sinh viên yêu môi trường diễn ra rất sôi động.

Tại nhiều trường đại học như Khoa học Tự nhiên, Kinh tế, Bách khoa TPHCM…, các bạn còn thành lập hẳn câu lạc bộ môi trường nhưng hoạt động của các câu lạc bộ này còn rất khiêm tốn. Trung bình mỗi năm có khoảng chưa tới chục phong trào. Cũng có nhiều doanh nghiệp tự giới thiệu hoạt động bảo vệ môi trường của mình và kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hưởng ứng nhưng không ít trong số đó thực chất chỉ là quảng bá hình ảnh. Khi các câu lạc bộ môi trường sinh viên đến đăng ký tham gia đều bị từ chối.

Bà Hoàng Thị Minh Hồng, Trưởng ban điều phối chiến dịch chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam cho biết, chỉ tính trong Chiến dịch Giờ Trái đất 2012 diễn ra vào tháng 3 vừa qua và Chiến dịch Tiêu dùng sản phẩm xanh diễn ra tháng 6, có hơn 4.000 tình nguyện viên là sinh viên, học sinh thậm chí là thanh niên đang công tác tại các doanh nghiệp, cơ quan đăng ký tham gia chương trình. Con số cộng đồng hưởng ứng có thể lên đến cả triệu người. Trái lại với sự đông đảo kia, lại có rất ít doanh nghiệp đăng ký cùng tham gia. Lý do nhiều doanh nghiệp đưa ra là họ có quá ít thời gian tham dự. Lý do khác nữa là không ít doanh nghiệp chỉ nói suông với công tác bảo vệ môi trường.

Đại diện Ban tổ chức Chiến dịch Tiêu dùng xanh cho biết, để trở thành thành viên tham gia Chiến dịch Tiêu dùng xanh, doanh nghiệp phải thực hiện cam kết bảo vệ môi trường với cộng đồng. Cam kết này sẽ được chuyển đến tận tay người dân thông qua đội ngũ tình nguyện viên tham gia truyền thông. Họ sẽ đến từng nhà, gặp từng người dân để đưa những hình ảnh bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Đồng thời, vận động người dân ưu tiên sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp này thay cho những sản phẩm cùng loại nhưng của những doanh nghiệp chưa thực hiện cam kết này. Cách làm này cũng là cách nhằm vận động cộng đồng sử dụng hiệu quả hơn quyền của người tiêu dùng. Do đó, chỉ có những doanh nghiệp thực sự có trách nhiệm với cộng đồng mới có thể tham gia.


Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chánh thanh tra Sở TN-MT TPHCM khẳng định, định kỳ 6 tháng, các doanh nghiệp phải báo cáo công tác bảo vệ môi trường với sở để theo dõi. Tuy nhiên, thực tế kiểm tra không phải lúc nào cũng đúng như báo cáo. Tại nhiều cuộc họp, đại diện nhiều phòng TN-MT của quận huyện cũng bức xúc, không ít doanh nghiệp chỉ đầu tư hệ thống xử lý chất thải để đánh lừa đoàn thanh tra. Khi đoàn thanh tra rời khỏi doanh nghiệp thì cũng là lúc hệ thống xử lý chất thải của họ ngưng hoạt động.

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp và sinh viên - Kết nối xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới