Thứ bảy, 20/04/2024 05:16 (GMT+7)

Đổi đời từ sâm núi Dành

Đặng Nam-Minh Sơn -  Thứ tư, 30/03/2022 20:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khác hẳn với khoảng 10 năm trước, ấn tượng với du khách thập phương về với Liên Chung, Việt Lập giờ đây là: Người người trồng sâm-Nhà nhà trồng sâm; Vườn sâm-Đồi sâm-Tường sâm...Nhiều hộ dân phấn khởi nói: Đã đổi đời từ sâm!

tm-img-alt
Liên Chung và Việt Lập vốn là hai xã miền núi, khó khăn của huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, những năm gần đây, rất nhiều hộ gia đình ở hai xã này đã trở nên khấm khá-giàu có và góp phần thay đổi diện mạo nông thôn nhờ trồng cây sâm núi Dành.
Trong ảnh: "Ngôi nhà trong mơ" của đại gia đình cụ Nguyễn Quý Cơ- 84 tuổi, ở thôn Lãn Tranh 1, xã Liên Chung mới xây dựng khang trang do trồng sâm núi Dành.
tm-img-alt
Sâm núi Dành từ lâu được coi như một loại thần dược, đã có cáchđây khoảng hơn nghìn năm. Trong sách ”Đại Nam nhất thống chí”, có ghi: ”Sâm nam sẵn ở đỉnh núi Chung Sơn. Cỏ thi cũng có ở đỉnh Chung Sơn”. Núi Chung Sơn xưa chính là núi Dành ngày nay, ngọn núi phần lớn thuộc địa phận xã Liên Chung, phần còn lại thuộc địa phận xã Việt Lập. Cây sâm nam núi Dành là dược liệu quý - có nhiều công dụng: Bồi bổ cơ thể, nâng cao sức khỏe và chữa bệnh.
Trong ảnh: Cụ Nguyễn Quý Cơ đang chăm sóc những cây sâm núi Dành trong vườn nhà. 
tm-img-alt
Cây sâm núi Dành được tìm thấy tại khu vực ven sườn núi Dành, thuộc địa phận thôn Hậu, xã Liên Chung. Canh tác sâm núi Dành góp phần bảo tồn và nhân rộng nguồn dược liệu quý, phủ xanh đất trống, đồi hoang hóa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo một nền nông nghiệp sạch, an toàn, có lợi cho sức khoẻ con người và môi trường sinh thái.
tm-img-alt
Cây sâm núi Dành có tuổi đời càng lâu thì càng có giá trị. Từ năm thứ 5 trở lên, cây sâm núi Dành sẽ có độ tích tụ dinh dưỡng, hàm lượng dưỡng chất quý (saponin). Do vậy, từ khi trồng tới lúc thu hoạch khoảng 5-7 năm. 
Nhờ có thu nhập cao từ cây sâm Nam này, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới hiện đại để chăm sóc thảo dược quý và đỡ tốn công sức.
Trong ảnh: Anh Dương Văn Biên- thôn Lãn Tranh 1, xã Liên Chung đang chăm vườn sâm núi Dành của gia đình.
tm-img-alt
Trung bình, củ cây sâm núi Danh từ 4-5 năm tuổi đạt 1-1,3 kg củ/gốc. Hiện nay, giá bán bình quân củ sâm loại 1 được bán tươi với giá 1,5 - 2 triệu/kg, trừ chi phí thì lợi nhuận đạt khoảng 4,5- 5 tỷ đồng/ha/chu kỳ sản xuất.
tm-img-alt
Củ sâm núi Dành thường được dùng để ngâm rượu thuốc (thái lát mỏng hoặc ngâm cả củ) và là món ăn bổ dưỡng như hầm thuốc Bắc.  
Trong thời gian vừa qua, diện tích trồng sâm núi Dành đã được mở 
rộng lên 24 ha, chủ yếu tại các xã Việt Lập, Liên Chung, An Dương, Quang Tiến, trong đó diện tích cho thu hoạch củ là 2,5 ha.
tm-img-alt
Rượu thuốc sâm núi Dành giờ đây đã trở thành quà tặng - đặc sản ở huyện Tân Yên. Trong ảnh là những bình rượu sâm núi Dành trên gian trưng bày sản phẩm OCOOP của Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành do ông Nguyễn Hải Đăng-Giám đốc Hợp tác xã này chính tay trồng và ngâm. (Địa chỉ tại: Thôn Đồng Sen- xã Việt Lập-huyện Tân Yên- tỉnh Bắc Giang)   
tm-img-alt
Củ sâm núi Dành còn được xay/nghiền nhỏ, dùng để quấy bột cho trẻ em và người già hoặc pha nước uống rất bổ dưỡng. 
Trong ảnh: Cụ Hoàng Thị Kiểm- 83 tuổi- thôn Đồng Sen, xã Việt Lập, huyện Tân Yên khoe với phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam "hũ thần dược" được chế nghiền từ củ sâm núi Dành trong vườn nhà trồng gần chục năm trước.
tm-img-alt,
Ngoài củ sâm, hoa của cây sâm núi Dành sau khi được thu hái, sấy khô, xuất bán với giá trung bình 300.000đ/kg. Hoa sâm núi Dành sau năm 2-3 năm trồng đã được thu hoạch (tháng 9-11 dương lịch). Hoa sâm Nam dùng làm trà uống (kể cả trà túi lọc), ngâm rượu, cao hoa. Hàm lượng saponin của hoa thu được cao gấp 1,5 từ củ sâm.
tm-img-alt
Phiếu phân tích và kiểm nghiệm do Viện Dược liệu- Bộ Y tế công nhận hàm lượng saponin của cây sâm núi Dành. Trung tâm Giống cây trồng của tỉnh Bắc Giang là đơn vị chuyển giao, nhân giống, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra cho sản phẩm OCOOP Sâm núi Dành- Tân Yên.
tm-img-alt
Ngày 02/3/2022 vừa qua, Chủ tịch UBND huyện Tân Yên đã ký quyết định số 55/ĐA-UBND công bố Đề án Phát triển sâm Nam núi Dành trên địa bàn huyện Tân Yên, giai đoạn 2022-2027.  Sâm núi Dành là một loại sâm quý có giá trị kinh tế cao, y dược, xã hội và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng đất đồi núi, vàn cao của huyện Tân Yên. Phát triển sản xuất sâm núi Dành trước hết để bảo tồn giống sâm quý. Đề án nhằm xây dựng, mở rộng diện tích trồng sâm núi Dành tại các xã: Liên Chung, Việt Lập, An Dương, Quang Tiến, TT Cao Thượng, Hợp Đức, Tân Trung, Liên Sơn, Hợp Đức, Cao Xá, Phúc Sơn...:Đến năm 2027, phấn đấu diện tích trồng mới đạt 100 ha; phấn đấu đến năm 2030 đạt trên 150 ha.
tm-img-alt
Hiện nay, tại Tân Yên đã có 3 hợp tác xã sản xuất- tiêu thụ sâm núi Dành, gồm: HTX SX và tiêu thụ sâm Nam núi Dành Liên Chung (với 17 thành viên, được thành lập năm 2020 tại xã Liên Chung); HTX SX và tiêu thụ sâm Nam núi Dành (Địa chỉ tại Việt Lập); HTX DV SX và kinh doanh sâm Nam núi Dành Trung Loan (Địa chỉ tại Đồng Sen- Việt Lập). Trong ảnh: Chị Nguyễn Thị Kim Dung (Giám đốc HTX SX và tiêu thụ sâm Nam núi Dành Liên Chung) cùng xã viên Nguyễn Văn Điện- thôn Lãn Tranh 1- xã Liên Chung kiểm tra cây sâm có tuổi đời hơn 26 năm trong vườn nhà anh Điện
tm-img-alt
Lãnh đạo xã Liên Chung và Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Tân Yên thường xuyên đến tận vườn các hộ trồng sâm để phổ biến kỹ thuật canh tác và căn dặn các hộ không nóng vội- chỉ vì lợi ích kinh tế mà "chín ép" cây sâm- củ sâm.
tm-img-alt
Năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận Đăng ký chỉ dẫn địa lý "Núi Dành" và UBND tỉnh Bắc Giang đã xếp hạng sản phẩm đạt "4 sao" đối với sản phẩm OCOOP sâm nam núi Dành
tm-img-alt
Cựu chiến binh Dương Văn Viên (hơn 70 tuổi, ở xóm Lãn Tranh1, xã Liên Chung) bên ruộng sâm núi Dành chờ ngày thu hoạch hoa. Lãnh đạo xã Liên Chung cho biết: Ông Viên là một trong vài người nhân rộng sâm Nam nhiều nhất địa bàn trong khoảng 5 năm trở lại đây.
tm-img-alt
Khác hẳn với khoảng 10 năm trước, ấn tượng với du khách thập phương về với Liên Chung, Việt Lập giờ đây là: Người người trồng sâm- Nhà nhà trồng sâm; Vườn sâm- Đồi sâm- Tường sâm...
Nhiều hộ dân phấn khởi nói: Đã đổi đời từ sâm!
tm-img-alt
Đề án số 55 của UBND huyện Tân Yên khi được triển khai thực hiện sẽ khai thác tối đa nguồn đất đai sẵn có, tạo công ăn việc làm, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, hiệu quả kinh tế cho người dân nông thôn. Cung cấp cho thị trường các sản phẩm dược liệu có chất lượng tốt. Đề án cũng góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác của người sản xuất, chuyển từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn, có liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị; kết hợp với phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái nhằm thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn toàn huyện Tân Yên.
tm-img-alt
Công trình thi công xây dựng cầu vượt sông Thương (Km15+952,99 - Km16+700) nối Lạng Giang- Tân Yên dự kiến hợp long ngày 19/5/2022 và thông cầu cuối năm sẽ là "cú hích" để Liên Chung, Việt Lập và sâm núi Dành dễ dàng kết nối-giao thương-tiêu thụ đến nhiều địa phương và thu hút nhiều nhà đầu tư về với núi Dành canh tác dược liệu quý và du lịch tâm linh.
Bạn đang đọc bài viết Đổi đời từ sâm núi Dành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...