Thứ sáu, 29/03/2024 19:30 (GMT+7)

Đổi mới quản lý nguồn nước trước khi quá muộn

MTĐT -  Thứ hai, 23/10/2017 14:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tình trạng lũ lụt và hạn hán xảy ra ngày càng nghiêm trọng ở nhiều nơi có một phần nguyên nhân do con người tác động làm mất cân đối trong phân bố nguồn nước.

Vậy nên việc tìm ra giải pháp nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước là vấn đề hết sức cấp thiết!
Báo động đỏ

Số liệu quan trắc trên một số con sông cho thấy: diễn biến nguồn nước ngày càng phức tạp, suy giảm nguồn nước gia tăng. Tài nguyên nước mặt phân bố không đều theo thời gian trong năm và không đều giữa các năm, như: Lượng nước trong 3-5 tháng mùa lũ chiếm tới 70-80%, trong khi 7-9 tháng mùa kiệt chỉ có 20-30% lượng nước cả năm. Phân bố lượng nước giữa các năm cũng biến đổi rất lớn, trung bình cứ 100 năm thì có 5 năm lượng nước chỉ bằng khoảng 70-75% lượng nước trung bình nêu trên.

Thủy điện Lai Châu có tổng công suất lắp đặt 1.200 MW với ba tổ máy, được xây dựng ở bậc thang trên cùng của dòng chảy sông Đà, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển điện và cấp nước cho đồng bằng sông Hồng

Hiện nay 63% tổng lượng nước mặt của Việt Nam đến từ nước ngoài, trong đó nhiều lưu vực sông nguồn nước phụ thuộc chủ yếu từ nước ngoài: 90% dòng chảy lưu vực sông Cửu Long là từ các nước thượng lưu sông Mê Công. Gần 40% lượng nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình là từ Trung Quốc. Gần 30% dòng chảy lưu vực sông Mã, 22% dòng chảy lưu vực sông Cả là từ Lào. 17% dòng chảy lưu vực sông Đồng Nai là từ Cam-pu-chia… Việc gia tăng các hoạt động khai thác nước phía thượng lưu, đặc biệt là xây dựng nhiều hồ chứa lớn trên các sông đã làm thay đổi chế độ dòng chảy hạ du các sông, gây tác động lớn đến nhu cầu nước của xã hội và môi trường hạ du.

Trong nước, chỉ riêng lưu vực sông Hồng phía thượng nguồn có 5 hồ chứa lớn đã vận hành (Sơn La, Hòa Bình, Bản Chát, Tuyên Quang, Thác Bà), với tổng dung tích điều tiết khoảng 17 tỷ m3. Lượng phù sa trên các sông hầu hết bị giữ lại bởi các hồ chứa thượng nguồn gây mất cân bằng bùn cát trong sông kết hợp với chế độ vận hành chưa hợp lý của các hồ chứa thượng lưu dẫn đến địa hình lòng sông Hồng phía hạ lưu bị xói sâu làm gia tăng lượng nước phân lưu sang sông Đuống, hạ thấp mực nước sông Hồng phía hạ lưu. Cụ thể, mực nước tại trạm thủy văn Hà Nội sụt giảm xuống dưới cao trình 1,0m, thậm chí như năm 2010 xuống thấp tới +0,1m trong mùa cạn gây ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình khai thác nước hai bên sông Hồng, giao thông thủy và sinh thái vùng hạ du.

Một thực tế đáng quan ngại nữa, hiện nay trên toàn quốc có khoảng gần 7.000 đập dâng lớn, nhỏ. Việc quan trắc, dự báo nguồn nước đến phục vụ việc vận hành các công trình thủy lợi này thuộc trách nhiệm của các đơn vị quản lý, vận hành công trình. Thế nhưng, phần lớn công trình hồ, đập thủy lợi hiện nay việc dự báo chính xác nguồn nước đến công trình còn nhiều hạn chế vì vậy gây khó khăn, lúng túng trong quá trình vận hành điều tiết các công trình này.

Lấy phát triển bền vững làm trọng

Trong khi tài nguyên nước ngày một khó khăn, thì nhu cầu sử dụng nước vẫn tăng mạnh trong những thập kỷ qua. Theo kết quả dự báo, đến năm 2040 sẽ vào khoảng 260 tỷ m3. Hiện nay ngành nông nghiệp vẫn là ngành sử dụng nhiều nước nhất, sau đó đến thủy sản, công nghiệp và sinh hoạt theo tỷ lệ lần lượt là 82%, 10%, 5% và cuối cùng là 3% (không tính cho thủy điện vì đây là ngành sử dụng nước không tiêu hao). Áp lực đó cũng không ngừng tăng lên do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), do quá trình đô thị hóa và bùng nổ dân số tăng nhanh. Chỉ tính đô thị, đến tháng 6-2017, nước ta có 805 đô thị, dân số đô thị khoảng 35 triệu người, tỷ lệ người dân đô thị được hưởng dịch vụ cấp nước từ các công trình cấp nước tập trung chiếm 84,5% với tiêu chuẩn dùng nước trung bình khoảng 110l/người/ngày; tỷ lệ thất thoát khoảng 22,5-23%. Theo dự báo, đến năm 2020, dân số đô thị khoảng 44 triệu người nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt, công nghiệp… sẽ khoảng 9,4 đến 9,5 triệu m3/ngày đêm.

Giải quyết vấn đề về tài nguyên nước, bảo đảm khai thác, sử dụng bền vững đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, cải thiện tình trạng hạn hán, lũ lụt ở các sông xuyên biên giới, không thể chỉ bao gồm các giải pháp có tính nội bộ trong một nước mà cần đến sự chung sức giải quyết trên phạm vi toàn lưu vực, bao gồm các nước có sử dụng chung nguồn nước nhất là trên sông Hồng, sông Mê Công. Chúng ta cần tiếp tục kiên trì hợp tác, đấu tranh bằng các hình thức đa dạng, phù hợp, trên nhiều diễn đàn nhằm bảo đảm khai thác sử dụng công bằng hợp lý giữa các nước có sử dụng chung nguồn nước, và bảo đảm Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy và thông lệ quốc tế.

Đối với phạm vi của quốc gia, trước hết cần tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo, nhất là dự báo hạn theo tháng, theo mùa. Chủ động rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch ngành, lĩnh vực, đặc biệt là quy hoạch thủy lợi, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên cơ sở khả năng thực tế của nguồn nước và những dự báo về biến động nguồn nước do tác động của BĐKH theo các kịch bản đã được công bố. Lấy thích ứng làm trọng tâm. Cần đẩy nhanh tiến độ lập và triển khai thực hiện quy hoạch tài nguyên nước đặc biệt trong điều kiện BĐKH và tác động do các hoạt động khai thác sử dụng nước của các quốc gia ở thượng nguồn.

Tập trung điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất, nhất là các tầng chứa nước nằm sâu để phục vụ cấp nước sinh hoạt ở các vùng thường xuyên bị hạn hán thiếu nước. Có kế hoạch khai thác sử dụng nguồn nước ngầm hợp lý và từng bước giảm lưu lượng khai thác nước ngầm tại các đô thị lớn đồng thời nghiên cứu các giải pháp bổ cập nước ngầm hướng tới tạo nguồn nước dự phòng chiến lược trong trường hợp xảy ra các sự cố về nguồn nước mặt. Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cần phải được đặt trong mối quan hệ tổng thể chung toàn vùng và bảo đảm tính thích ứng với điều kiện BĐKH, có sự phân kỳ, xác định mức độ ưu tiên dựa trên nhu cầu thực tiễn, nguồn lực trong từng giai đoạn để lựa chọn phương án phù hợp nhất cho địa bàn. Bên cạnh việc nghiên cứu xây dựng thêm những hồ chứa nước có dung tích lớn, cần nghiên cứu thêm phương pháp “liên hồ chứa” để kết nối nhiều hồ nhỏ thành một hệ thống, bảo đảm đủ lượng nước khi xảy ra thiên tai, hạn hán.

Điều quan trọng nữa là cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch (Luật Cấp nước). Việc xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật này cùng với các Luật khác đang có hiệu lực thi hành như Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường… và dự kiến xây dựng Luật về thoát nước và xử lý nước thải (sau 2020) sẽ góp phần quản lý sử dụng nước có hiệu quả, hướng tới phát triển bền vững.

Nước ta có 3.450 sông, suối tương đối lớn, với chiều dài từ 10km trở lên, phân bố ở 108 lưu vực sông. Với tài nguyên nước mặt khoảng 830-840 tỷ m3/năm, lượng nước sinh ra ở phần lãnh thổ Việt Nam là 37%, lượng nước từ nước ngoài chảy vào khoảng 63%.
Bạn đang đọc bài viết Đổi mới quản lý nguồn nước trước khi quá muộn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Báo Nhân dân

Cùng chuyên mục

Tin mới